Trang chủ Văn học Tùy bút Về chùa

Về chùa

126

Nay ta đành bỏ lại sau lưng bao gánh nặng lo toan cơm áo gạo tiền, hãy cùng nhau hướng về chốn linh thiêng, để tìm thấy sự bình yên trong nội tâm của con người, nơi ấy chính là ngôi chùa thân yêu.
 
Khi ta đặt chân đến cổng Tam quan, bao muộn phiền bực dọc tan biến, nếu như đâu đó còn vấn vương chút bụi của trần thế xin hãy gửi lại bên ngoài cánh cửa nhỏ, nơi đã lưu dấu nỗi niềm của nhân thế.
 
Nhìn mái chùa cong cong, tượng Mẹ hiền Quan Âm trìu mến, đức Phật Thích Ca tĩnh lặng nhìn cuộc đời, hương Trí tuệ thoang thoảng khắp không gian, khiến lòng từ bi vốn sẵn nơi chúng ta phát khởi, những buồn đau tưởng chừng không đáy kia đã tạm thời tìm ra bến đậu, những chán nản thất vọng dường như đã bị quên lãng với hư vô.
 
Nhưng cái cảm giác an lạc khoan thai hạnh phúc ngắn ngủi đó, tồn tại chỉ trong chớp mắt so với thời gian nỗi khổ của cuộc đời. Thế thì muốn gìn giữ cảm giác này, chúng ta nên làm gì? Ở đâu chỉ dạy cách đó?
 
Câu trả lời này chính là lời dạy của đức Phật, cả cuộc đời Người và nhiều kiếp khác luôn đi tìm phương pháp vượt qua các loại chướng ngại đó, hậu thế đã ghi chép lại trong Kinh, Luật và Luận.
 
Vì vậy chúng ta đến chùa là để chia sẻ niềm an lạc, chia sẻ từ bi trí tuệ, làm cho niềm tin đó được nhân rộng ra và thắp sáng khắp muôn nơi, và đó cũng chính là mục đích cao đẹp nhất của người đến chùa.
 
Nhưng có không ít người trong chúng ta lại tự giới hạn mình nơi ngoài cổng Tam quan kia, không chịu gác lại nơi ấy, bờ vai này vừa bỏ gánh cát xuống, ngay lập tức bờ vai yếu mềm bên kia lại nhấc gánh đá lên, để rồi luôn mang cho mình tất cả những hỷ nộ, ái ố v.v… Có phải chăng như vậy chúng ta tự chuốc lấy phiền não cho mình, thật thương tiếc biết bao.
 
Trong đoàn thể của chùa, không như với các đoàn thể hoạt động khác, nơi đây theo nguyên tắc không có bóng dáng của tiền tài, danh vọng, quyền uy, mà chỉ có giáo pháp, tu học, lời Kinh tiếng Kệ v.v… Nó không có mối quan hệ huyết thống, cũng không quan hệ cấp bậc, lợi nhuận, chủ khách v.v…
 
Còn nếu có ai đó cố gắng chứng minh cái “ngã” của mình, lập nên các nguyên tắc đi ngược với những điều trên, thì bản thân họ tự khuấy động buồn phiền, tự chuốc lấy đau khổ, giống như Kinh “Ví Dụ Con Rắn” mà đức Phật dạy: do vì không khéo bắt nó, nên ngược lại bị nó quay đầu cắn; và giống như loài cá sống trong nước, lại cảm thấy môi trường sống của mình quá đơn điệu, rồi đi học tập cách sống của chú rùa, nhờ chú đưa lên đất liền để xem thế giới đó khác mình chỗ nào. Nào ngờ đâu tai họa đã xảy ra, chỉ trong chốc lát thì thân hoại mạng chung.
 
Chúng ta về chùa, về với đoàn thể sống tin vào nhân duyên nghiệp báo luân hồi, nơi nuôi dưỡng lòng vị tha, vun bồi cách sống trí tuệ, nâng cao đạo đức phẩm hạnh, thấy được giá trị của sự tồn tại chính mình, và thực hiện ước muốn hạnh phúc tịch tịnh nhất của đời mình. Rồi đi vào đời đem sự an lạc đó tưới mát nơi nóng bức, sưởi ấm nơi lạnh giá.