Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Về rắn thần Naga trong các chùa Khmer cổ

Về rắn thần Naga trong các chùa Khmer cổ

166

Người Khmer sinh tụ ở Nam Bộ rất lâu đời và họ đã kiến tạo nên một nền văn hoá rực rỡ. Trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng, người Khmer theo đạo phật (phái tiểu thừa) nên mọi nghi thức Lễ hội, đón mừng năm mới diễn ra ở chùa và mang đậm màu sắc lễ hội phật giáo.

Chùa là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hoá, tinh thần của cộng đồng được xây dựng bề thế trang nghiêm, chạm khắc rất tinh tế, công phu với mái cong, nóc nhọn, tháp cao vút nẳm giữa khuôn viên rộng để bà con đến làm lễ, vui chơi.


Kiến trúc chùa cổ Khleang (Sóc Trăng)

Hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng là 2 địa phương có đông đồng bào Khmer quần tụ, sinh sống và cũng là nơi có nhiều ngôi chùa Khmer nổi tiếng. Đối với người Khmer Nam Bộ, nghệ thuật vẽ, nghệ thuật điêu khắc được nghệ nhân Khmer các chùa đặc biệt quan tâm, với nhiều thể loại hình tượng và hoa văn trang trí rất độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa riêng biệt.

Nói cách khác, người Khmer thường vận dụng tất cả mọi phương tiện, chất liệu để trang trí cho ngôi chùa làm sao cho thêm đẹp, thêm lộng lẫy, dần dần trở thành một biểu tượng của nghệ thuật truyền thống, có một không hai.

Kiến trúc chùa Dơi (Sóc Trăng)

Kiến trúc chùa Dơi (Sóc Trăng)

Cổng chùa Âng (Trà Vinh)

Cổng chùa Âng (Trà Vinh).

Chùa Khmer nói chung đều mang phong cách kiến trúc Angkor của người Campuchia. Ngay từ cổng vào cho đến kiến trúc mái chùa đã cho thấy nét tinh xảo đặc trưng. Vào chùa Khmer, qua cầu thang, có hai cấp sân rộng bao quanh ngôi chánh điện được tráng xi măng, mái chùa có ba cấp, mỗi cấp được chia thành ba nếp, nếp giữa lớn hơn hai nếp phụ hai bên bằng nhau, không có tháp nóc.

Những hàng cột phía ngoài chánh điện được xây dựng theo lối kiến trúc cổ Cô – ranh, phía trên nối tiếp giáp giữa đầu cột với mái chùa có tượng thần Krud mình người đầu chim, mỏ ngậm viên ngọc với 2 tay đỡ mái chùa.

Kiến trúc tiêu biểu chùa Âng (Trà Vinh)

Kiến trúc tiêu biểu chùa Âng (Trà Vinh).

Tượng thần Krud mình người đầu chim, mỏ ngậm viên ngọc với 2 tay đỡ mái chùa.

Tượng thần Krud mình người đầu chim, mỏ ngậm viên ngọc với 2 tay đỡ mái chùa.

Trước bậc thềm vào chánh điện có hai pho tượng chằn Year hung dữ, mặc áo giáp, đứng bảo vệ ngôi chùa, tượng chằn hình dáng to lớn, mặt dữ tợn miệng há rộng răng nanh to nhọn, tay cầm chày là biểu tượng cái ác, cái xấu, gây thương đau cho mọi người, khi tượng chằn được đặt trong chùa là biểu tượng cái thiện.

Vì người Khmer tin rằng bị thu phục bởi Đức phật để phục vụ cho chánh điện, bảo vệ sự bình yên cho dân lành, nên cửa vào chánh điện được chạm trổ rất công phu, tinh xảo kết hợp giữa phong cách nghệ thuật chùa và nghệ thuật chạm khắc dân gian đã tạo nên nét độc đáo cổ kính – một đỉnh cao nghệ thuật thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang như: Tượng đầu vị thánh bốn mặt “Maraprum” là tiền thân của “Brama” vị thần sáng tạo ra thế giới, nữ thần “Kayno” nửa người, nửa chim, chim thần “Marakrit”.

Trên những hàng cột là phù điêu các tiên nữ và những quái vật. Theo triết lý của nhà Phật phái Nam tông, đó là những thử thách đối với phật tử trên bước đường tu thành chánh quả.

Đặc biệt, có một hình tượng không thể thiếu trên mái vòm và cầu thang ở các ngôi chùa của người Khmer, ấy chính là chạm trổ họa tiết có hình thần rắn Naga. Người Khmer quan niệm rằng, tấm lòng từ bi hỷ xả của Đức Phật đã thuần hoá được loài vật nguy hiểm này và con rắn trở thành biểu tượng cho cái thiện, khỏi những điều xui xẻo.

Bên ngoài chánh điện choáng ngợp bởi vẻ bề thế và lộng lẫy với nhiều màu sắc, mang nét văn hoá Khmer.

Bên ngoài chánh điện choáng ngợp bởi vẻ bề thế và lộng lẫy với nhiều màu sắc, mang nét văn hoá Khmer.

 Kiến trúc độc đáo chùa Cà Săng (Vĩnh Châu – Sóc Trăng)

Kiến trúc độc đáo chùa Cà Săng (Vĩnh Châu – Sóc Trăng)

Điểm chung chùa Khmer chánh điện thường quay về hướng Đông; vì họ cho rằng con đường tu hành của Phật đi từ Tây sang Đông. Bên trong chánh điện choáng ngợp bởi vẻ bề thế và lộng lẫy với nhiều màu sắc, mang nét văn hoá Khmer, mang nét đặc thù nền tảng của Bà Lamôn giáo, ảnh hưởng sâu đậm văn hoá Ấn Độ.

Nhiều nhất là trên nóc được trang trí hình ảnh đền Angkor Wat nơi khởi nguồn của phong cách kiến trúc Khmer. Xung quanh trong chánh điện bày trí rất nhiều hình ảnh giải thích quá trình tu hành khổ luyện của Đức Phật từ lúc sinh ra đến lúc làm Thái tử cho đến khi vào cõi niết bàn.

Đối diện chánh điện là các cột trụ biểu là hình tượng thần rắn Naga 5 đầu, dùng để thắp nến vào những ngày lễ hội. Theo giáo lý Phật pháp sẽ soi sáng cho nhân loại, giúp mọi người sống hướng thiện như chính loài rắn. Trải qua tiến trình lịch sử ngôi chùa có một vị thế rất vững chắc trong đời sống xã hội và tâm thức của người Khmer Nam Bộ.

Sắc màu cổng chùa Xiêm Cán (Bạc Liêu)

Sắc màu cổng chùa Xiêm Cán (Bạc Liêu).

Kiến trúc cổ chùa Xiêm Cán (Bạc Liêu)

Kiến trúc cổ chùa Xiêm Cán (Bạc Liêu).

Nghệ nhân Lý Lết tâm sự: Ngôi chùa là sự tổng hợp văn hóa của người Khmer. Vì vậy người xây chùa phải có cái tâm trung thực, phải làm đúng với truyền thống. Ấy chính là giữ cái phần “hồn” của dân tộc.

Chùa Khmer thường sử dụng một số đề tài: Hình tượng thì có tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, thiên thần, vũ nữ, hình rồng, rắn thần. Hoa văn trang trí thì có nhiều hình thức phức tạp phối hợp lẫn nhau, có loại hoa văn chạm chìm, chạm nổi bằng gỗ hay bằng đá, loại đổ khuôn bằng xi măng hay đắp trực, cẩn, trám gạch màu…

Ngoài ra, còn rất nhiều mô – tip phản ánh thiên nhiên, hoa lá, cây cỏ… Theo nghệ nhân Lý Lết: “Nghề điêu khắc đòi hỏi phải có năng khiếu, được đào tạo qua trường lớp một cách nhuần nhuyễn, người điêu khắc phải biết tên hoa văn, hiểu về ý nghĩa, nguồn gốc xuất xứ của nó. Đặc biệt là đối với tượng Phật phải khắc đẹp, khắc đúng theo hướng của “Tam tạng kinh” chứ không phải khắc giống là được”.