Trang chủ PGVN Nhân vật Viên Giác tự – Chùa xưa còn đó mà Thầy đã quãy...

Viên Giác tự – Chùa xưa còn đó mà Thầy đã quãy dép quy Tây

161

 Chùa Viên Giác tọa lạc trên một khu đất rộng trên đồi cao tại Cầu Đất, xã Xuân Trường, Tp Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Cách trung tâm thành phố ngàn hoa khoảng chừng 30 km về hướng Đông Nam, trên độ cao 1650 m. Điểm nhấn của Cầu Đát có đồi chè với màu xanh ngắt ngút ngàn là một trong hai điểm đến mới nổi cực kỳ thu hút khách du lịch Đà Lạt tới tham quan. Trải dài trên diện tích 230 ha, đồi chè Cầu Đất dễ khiến những tín đồ của màu xanh lá phải bàng hoàng ngỡ ngàng trước cảnh sắc “đất xanh ngắt, trời xanh trong”. Thêm vào đó, không gian yên tĩnh, không khí mát lành cùng hương gió vấn vương vị chát chát đặc trưng của chè càng khiến Cầu Đất thêm phần hấp dẫn và lôi cuốn. Năm ở độ cao khoảng trên 1000m so với mực nước biển nên cảm nhận đầu tiên khi bạn dừng chân tại chùa Viên Giác – Cầu Đát chính là nền nhiệt khác hẳn với quãng đường bạn đã băng qua trước đó. Vừa đến chân đồi việc đầu tiên bạn cảm nhận được chính là sương mù. Đặc biệt vào những buổi sáng sớm hay chiều tối cả lối đi, không gian nơi đây đều được những lớp sương mơ hồ, hư ảo phủ kín khiến không gian trở nên thơ mộng và  huyền ảo.


Những ngày vừa qua, từ mùng 8 đến 14 tháng 2 năm Bính Thân (16-24/3/2016) chùa Viên Giác đã thành kính trang nghiêm bái biệt cố HT.Thích Không Trú- vị trú  trì khả kính đã quảy dép quy Tây.

Phố núi sương mù Đà Lạt trong những ngày cuối Xuân nhưng tắt hẵn ánh nắng như để chia buồn cùng người, chư Tôn đức Lãnh đạo GHPGVN, chư Tôn đức Tăng Ni Ban Trị sự các tỉnh bạn, chư Tôn đức Tăng Ni Tông phong Hải Đức, môn đồ pháp quyến và hàng ngàn phật tử của hàng trăm đạo tràng trong và ngoài tỉnh, đã đến  viếng, chua buồn,  cầu nguyện và cung tống kim quan cố Hòa thượng nhập huyền đồ,  cầu nguyện Giác linh Hòa thượng Cao Đăng Phật quốc.


Theo thư tịch, chùa Viên Giác do cố Đại lão HT. Thích Đức Thiệu khai sơn vào năm Đinh Hợi (1947) để đáp ứng nhu cầu tu học của phật tử vùng cao nguyên Lâm Đồng có nơi tu học. Tháng 10 năm Tân Mão (1951), Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã cùng với Tổ Khai sơn, HT. Thích Đức Thiệu và chi hội Phật học Cầu Đất mở hai lớp giáo lý Phật pháp  bình dân và phổ thông làm nền tảng cho các phật tử tu học . Đây chính là nhân tố đầu tiên hết sức quan trọng để gieo mần Phật pháp ngày càng nảy nở trên thành phố ngàn hoa, cao nguyên Lâm Đồng và cũng trong năm 1951, chi hội mở trường tiểu học Bồ Đề dạy cho con em công nhân phật tử địa phương . Vài năm sau, trường đã có bước phát triển khá mạnh, vì con em phật tử không có điều kiện lên Đà Lạt học nên trường mở thêm cấp II (Trung Học Đệ nhất cấp) .

Năm 1959, hòa thượng khai sơn khởi xướng di dời, tôn tạo chùa từ phía dưới lên đồi trên như vị trí hiện nay và kể từ ngày thành lập cho đến nay chùa Viên Giác  đã trãi qua 4 đời trú trì :

 Từ năm 1947 – 1961 : HT. Thích Đức Thiệu

Từ năm 1962 – 1964 : ĐĐ. Thích Hòa Diệu

Từ năm 1967 – 1987 : HT. Thích Bích Nguyên

 Từ năm 1997 -2016 – trú trì đời thứ 4 là Hòa thượng thượng Không hạ Trú – đời thứ 41 dòng Lâm Tế Chánh Tông- phó ban kiêm Chánh thư ký BTS GHPGVN tỉnh Lâm Đồng- nguyên Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng khóa VII (nhiệm kỳ 2004-2011).


Sau 70 năm khai sơn kiến lập, dần theo năm tháng,  chùa đã xuống cấp trầm trọng, theo quy luật thành, trụ, hoại, không, cho nên ngày 24 tháng giêng năm Giáp Ngọ (tức 23/2/2014) TT. Thích Không Trú-trú trì đã phát nguyện trùng tu kiến tạo chùa Viên Giác. Đến nay, sau 2 năm khởi công xây dựng, công việc đại trùng tu chùa Viên Giác đã hoàn thành ngôi chánh điện, còn một số công trình chưa thực hiện, thì bất ngờ thay, một ngày cuối Xuân Bính Thân không chờ đã đến, chùa xưa còn đó, pháp lữ còn đây, thế mà theo luật vô thường, sau một giấc ngũ dài, Ngài đã an tường xả bỏ báo thân, quãy dép quy Tây vào sáng ngày mùng 8 tháng 2 năm Binh Thân (16.3.2016), Trụ thế 64 năm, trải qua 37 mùa hạ lạp.

Thật đúng là:

“Rồng quyện đất  Xuân Trường cảnh gợi tình thơ chào Viên Giác

Mây bay trời Đà Lạt  tâm nhuần ý đạo viếng chùa xưa.”

Hởi ơi!

Dép cỏ lối về còn lưu dấu,

Hoa đàm tuy rụng vẫn ngát hương.

Một mai thân xác quy Tây,

Danh thơm vẫn ở thế gian muôn đời.

Pháp thân lồng lộng sáng ngời,

Chiếu soi pháp giới rang ngời chân như.

Trí Bửu – Tháng 3.2016