Trang chủ Tin tức Vĩnh Long: Lễ hội Văn hoá Ẩm thực chay và Đêm Văn...

Vĩnh Long: Lễ hội Văn hoá Ẩm thực chay và Đêm Văn Nghệ ''Mái chùa che chở hồn dân tộc''

84
Theo đó, nhằm gây quỹ xây dựng trùng tu chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long và ngôi Bảo tháp Xá lợi miền Tây tại Hội trường công ty CP Du lịch Cửu Long. Với mong ước công trình này sớm thành tựu viên mãn, góp phần tô đẹp thêm cho đạo Pháp và dân tộc. 

Nói về khởi nguồn ngôi Bảo tháp Xá lợi miền Tây, được biết, vào năm 1970 Đại Đức Narada (người Tích Lan) thỉnh 3 viên Xá Lợi Phật từ Nepal Ấn Độ cúng dường cho Hội Phật Học Việt Nam tại Vĩnh Long. Từ đó, HT Thích Thiện Hoa (Viện trưởng Viện Hóa Đạo lúc bấy giờ) khởi xướng cho Hội Phật Học Việt Nam xây dựng Bảo Tháp Xá Lợi Miền Tây để phụng thờ Xá Lợi Phật và thành lập Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Miền Tây. Đến năm 1972 công trình xây dựng được một triệt một lầu phải đành dang dở vì hết kinh phí.

Sau đó, vào năm 2008, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Vĩnh Long giao và cấp cho Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long hơn 17.322,5 ha đất tại Khu Bảo Tháp Xá Lợi miền Tây cũ. Vào năm 2010, Lễ đặt đá được tiến hành, nhưng vì ảnh hưởng sự suy thoái kinh tế chung, nên hai nhà tài trợ chính không thực hiện được như tâm nguyện.


Do đó, công trình Phật Giáo Vĩnh Long đành dang dở lần hai. Trải qua thời gian 5 năm với lòng thiết tha kính tin Phật pháp của Tăng Ni và tín đồ Phật tử, đầu năm 2015 Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Vĩnh Long tiếp tục tiến hành vận động xây dựng tiếp công trình chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long và Bảo Tháp Xá Lợi miền Tây này.

Với một công trình quy mô lớn mang tầm cỡ khu vực như vậy, TT Thích Phước Hạnh – Phó Trưởng BTS – kiêm Trưởng ban Kinh tế Tài chính – Ban Nghi lễ GHPGVN tỉnh Vĩnh Long, được Chư tôn đức thường trực BTS GHPGVN tỉnh giao trọng trách là Trưởng ban Kiến thiết Xây dựng Trùng tu ngôi Tam bảo này. Trải qua thời gian một năm, Thượng toạ đã cho tiến hành xây dựng một số hạng mục, nhưng vì nhiều nguyên nhân khách quan, lại trong lúc nền kinh tế khủng hoảng toàn cầu, nên công trình bị ảnh hưởng theo. Tuy nhiên, Thượng toạ đã lèo lái cho đến ngày hôm nay mà công trình Phật sự này vẫn chưa thành tựu được. 
 

Hôm nay, chương trình Lễ hội gồm hai phần:

Buổi sáng: đúng 9h00”: Khai mạc Lễ hội. Buổi Lễ diễn ra với sự tham dự chứng minh của: TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN – Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang (BRVT) cùng Chư tôn đức Tăng Ni Thiền Tôn Phật Quang và Chư tôn đức Tăng chùa Phật Ngọc Xá Lợi. Ngoài ra, có hơn 5000 Phật tử từ khắp các tỉnh thành về đồng tham dự.

Trong lời phát biểu khai mạc, ĐĐ Thích Thiện Tâm đã thay mặt Ban Tổ Chức giới thiệu về chương trình Lễ hội, trong đó nhấn mạnh: Công trình chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long là công trình chung của GHPGVN tỉnhVĩnh Long. Đây còn là ngôi nhà chung cho Phật giáo trong tỉnh, cũng như quý Phật tử xa gần về có nơi chiêm bái, tu học, phát triển đạo Pháp tại tỉnh nhà.
 
Thay lời BTC, Đại Đức kính tri ân, cảm niệm công đức của TT Thích Chân Quang cùng Chư tôn đức Thiền Tôn Phật Quang, và quý Doanh nhân, Doanh nghiệp, các mạnh thường quân, quý Phật tử ân nhân khắp nơi về tham dự Lễ hội “Văn Hóa Ẩm Thực Chay và Đêm Văn Nghệ”, đã góp phần công đức ủng hộ gây quỹ trùng tu chùa và xây dựng Bảo tháp.
 

Đến 9h30”: Ban Tổ Chức tiến hành Lễ Phóng sinh do TT Thích Chân Quang phụ trách. Dịp này, gần 15 tấn cá được vận chuyển khéo léo ra giữa sông Tiền, TT Thích Chân Quang trực tiếp chú nguyện cho chúng và Chư tôn đức Tăng Ni Thiền Tôn Phật Quang và Chư tôn đức Tăng chùa Phật Ngọc Xá Lợi tụng bài “Kệ Phóng Sinh” được lập đi lập lại trong suốt thời gian thả cá, để cho tất cả những con cá đó đều có duyên với Phật pháp. Mong rằng, một kiếp nào đó, chúng được sinh về cõi người, biết tu tập như chúng ta bây giờ.

Buổi Lễ phóng sinh diễn ra trong thời gian ngắn với tổng số tiền gần 300 triệu đồng, nhưng để lại trong lòng mỗi người tham gia nhiều xúc cảm, nhiều bài học mang tính nhân văn sâu sắc, để mọi người biết yêu thương sinh mạng của chúng sinh hơn, kể cả sinh mạng của những sinh vật nhỏ bé. Khi gieo mỗi một mạng sống vào thiên nhiên là các Phật tử đang gieo một nhân lành, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định. Nhờ công đức của hạnh phóng sinh như vậy mà nghiệp chiến tranh của thế giới được hóa giải rất nhiều, đồng thời còn hóa giải cả nghiệp xấu, nghiệp bệnh tật, ốm đau, tù tội cho chính mình.   

Sau Lễ phóng sinh, đúng 11h00”: Ban Tổ Chức phục vụ Ẩm thực chay với giá vé 120 nghìn đồng. Chương trình này đã được Chư Tăng Ni và hàng nghìn Phật tử gần xa về tham dự ủng hộ. Hơn năm mươi món ăn chay và nước uống được chế biến ngon miệng, trang trí bắt mắt thực khách, do sự phát tâm phục vụ của các Phật tử các chùa trong và ngoài tỉnh Vĩnh Long. Đây cũng là dịp để mọi người cùng nhau thực hành hạnh cúng dường, hộ trì, mong Phật pháp tại miền Tây ngày càng hưng thịnh.
 
Tiếp đến, đúng 17h00” cùng ngày, mọi người dùng cơm chay miễn phí và tập trung vào Lễ đài chuẩn bị cho nghi lễ cầu Quốc thái Dân an.
 
Buổi Lễ cầu nguyện diễn ra với sự chứng minh tham dự của: TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN – Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang tỉnh BR-VT; TT Thích Phước Hạnh – Phó BTS – kiêm Trưởng ban Kinh tế Tài chính – Ban Nghi Lễ GHPGVN tỉnh Vĩnh Long; TT Thích Thiện Đạt – Phó BTS GHPGVN huyện Dũng Liêm, cùng Chư tôn đức chùa Phật Ngọc Xá Lợi và các chùa lân cận.

Về phía chính quyền có: Ông Lê Quang Đạo – UV Thường vụ Tỉnh ủy – Chủ tịch UB MTTQVN tỉnh Vĩnh Long; ông Đỗ Hoàng Huynh – Nguyên UV Thường vụ Tỉnh ủy – Chủ tịch UB MTTQVN tỉnh Vĩnh Long; ông Nguyễn Văn Hồng Quân – Phó GĐ Sở Nội Vụ – Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh; ông Trần Thanh Lâm – UV Thường trực – Trưởng Ban Dân tộc Tôn giáo UB MTTQVN tỉnh Vĩnh Long; bà Huỳnh Kim Nguyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long; bà Nguyễn Thị Lành – Phó GĐ Sở Lao Động Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long; ông Nguyễn Văn Ngờ – Trưởng phòng PA.88 Công an tỉnh Vĩnh Long; ông Bùi Văn Luận – Phó chủ tịch Hội người Tàn tật Trẻ mồ côi Bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long; ông Nguyễn Văn Sang – Nguyên Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Vĩnh Long; bà Nguyễn Thị Minh Hạnh – Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; bà Hồ Quỳnh Tuyết Huệ – Trưởng Ban Văn hóa xã hội – HĐND tỉnh Vĩnh Long…

Ngoài ra, còn có hơn 5000 Phật tử xa gần, các Doanh nhân, Doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các Báo – Đài truyền thanh, truyền hình tỉnh Vĩnh Long, và các Phật tử Đạo tràng Phật Thông; Phật Đồng; Phật Tuệ; Phật Thịnh; Phật Chi; Phật Dương; Phật Đăng; Phật Thành; Phật Hoá; Phật Hiển; Phật Trí và Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang tỉnh Cần Thơ; Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang TP.HCM, v.v…
Trước khi đi vào nghi thức lễ cầu an, BTC cung thỉnh TT Thích Chân Quang đăng đàn thuyết Pháp. Tại buổi Lễ, Thượng toạ nói về ý nghĩa của việc cử hành đại lễ cầu Quốc thái Dân an, trong đó nhấn mạnh đến vai trò chính trong buổi lễ này vẫn thuộc các vị Lãnh đạo của chính quyền địa phương, còn Chư Tăng chỉ đứng ở vai trò trợ giúp về nghi thức tâm linh mà thôi.  

Có người sẽ thắc mắc, chúng ta cứ làm lễ cầu và đất nước ta vẫn cứ tiếp tục xây dựng phát triển, vậy không biết việc cầu nguyện này có linh thiêng hay không. Để giải thích cho nghi vấn này, Thượng toạ cho rằng: Với con mắt phàm phu, chúng ta không nhìn xuyên được vào những cõi huyền diệu, để thấy sự vận chuyển của trời đất, đã thay đổi theo tâm của từng con người chúng ta với tất cả số đông này.


Những lời ước nguyện của ta đều tác động vào trời đất cả, vì thế giới tâm linh – thế giới siêu nhiên là điều có thật, nhưng để ta hiểu về thế giới này thì không phải dễ. Do đó, nhiều khi ta đã hiểu sai và trở thành mê tín. Nếu hiểu đúng, ta mới thấy sự tương tác giữa thế giới siêu nhiên và con người là cực kì chặt chẽ. Và hệ quả của sự “Hiểu đúng” là ta không mê tín. Một khi hiểu đúng, ta sẽ sống đúng, thực hành đúng, ngưỡng vọng đúng, cúng bái đúng trong chừng mực, trong vừa phải, và có trách nhiệm của chính ta trong sự xây dựng phát triển của đất nước, của con người, chứ không phải ta lệ thuộc hết vào thần thánh.

Lệ thuộc hết vào thần thánh là không hiểu hết về thế giới siêu nhiên, còn chủ quan dựa vào sức mình, ỷ vào sức mình, tự mãn vào sức mình cũng là một dạng không hiểu gì về thế giới siêu nhiên. Chúng ta phải tin rằng: Khi toàn dân ta, đa phần con người có lòng thành, có yêu nước, có lòng thành kính đối với tổ tiên, có lòng thành kính đối với trời Phật, có lòng yêu thương con người tử tế, đạo đức sống với nhau thì mỗi một lời ước nguyện ta dâng lên cho đất trời đều có kết quả vi diệu. Khi ít phút nữa đây, chúng ta cùng cất lên lời cầu nguyện cho Quốc thái Dân an, ta phải hiểu những điều đó có sức mạnh và những lời nói đó có cái giá trị. Đây là công đức của ta đóng góp thật sự với đất nước này, chứ đừng nghĩ đây chỉ là lời cầu nguyện suông mà ta mất phước.

Nhân đây, Thượng toạ tán thán ca ngợi BTS PG tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức một nghi Lễ cầu nguyện Quốc thái Dân an này. Sự có mặt ở đây trên 5000 con người, nhưng 5000 trái tim này là đại diện cho gần 100 triệu con người VN trên khắp đất nước này nói lên tình yêu thương đất nước, tình yêu thương đồng bào, nói lên lòng thành kính với tổ tiên chúng ta. Nên nhớ, đất nước ta ngày nay yên bình không phải chỉ có người sống bảo vệ, mà người chết cũng đang bảo vệ từng ngày, đó là lý do tại sao có những điều bất ngờ may mắn xãy ra mà người sống không lý giải được.

Đồng thời, Thượng toạ cũng chia sẻ với những khó khăn về diễn tiến công trình xây dựng chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long và Bảo Tháp Xá Lợi miền Tây thành một trung tâm Văn hóa PG của tỉnh.
Theo cái nhìn của Thượng toạ, Trung tâm Văn hóa PG là nơi phản ánh tất cả các ngôi chùa có trong tỉnh. Tại đây, hình ảnh, đặc điểm, số điện thoại, địa chỉ của từng ngôi chùa sẽ được giới thiệu đầy đủ, để du khách hay Phật tử thập phương khi đến Vĩnh Long có thể đi vào nơi heo hút, xa xôi thăm viếng những ngôi chùa mà ít ai biết.


Lại nữa, trung tâm Văn hóa Phật giáo đó cũng là văn phòng của BTS tỉnh để BTS đứng đó mà điều động Phật sự của Phật giáo, của Giáo hội, và của các chùa trong khắp cả tỉnh của mình. Nơi trung tâm Văn hóa đó cũng là trường Phật học. Tùy theo năng lực mà BTS sẽ tổ chức thành trường Sơ cấp, trường Trung cấp hoặc trường Cao đẳng Phật học. Ở đây, nếu chúng ta tổ chức được những trường như thế thì Tăng Ni cũng tập trung về đó học tập và tu. Dù “Học” nhưng quan trọng là “Tu”, vì Giáo trình Phật học về tương lai lâu dài sẽ được soạn theo hướng “Vừa học – vừa tu”, chứ không phải chỉ học lý thuyết.
Những người Tăng Ni vào trường học xong, bước ra cũng là người rất giỏi tu – tức  biết kiểm soát được thân tâm, biết giữ giới, thanh lọc được đạo đức nội tâm, phải có phương pháp tu tập nhiếp tâm thanh tịnh, thì đó là những Tăng Ni mà tương lai sẽ làm chỗ nương tựa được cho chúng sinh, chứ không phải chỉ là giỏi lý thuyết hay giỏi giáo lý mà thôi.

Trung tâm Văn hóa Phật giáo đó cũng là nơi diễn ra những Lễ hội lớn chung. Chúng ta sẽ xây một quảng trường rộng, trang nghiêm, có những buổi lễ có thể tập trung vài chục ngàn người về.
 
Ngoài ra, nơi Trung tâm Văn hóa Phật giáo đó, đến mùa hè hay hàng tuần, chúng ta có thể tổ chức khóa tu tập đạo đức cho thanh thiếu niên. Rèn luyện các em biết sống có lý tưởng, trở thành người tốt sau này cho đất nước. Một trung tâm Văn hóa Phật giáo cũng là nơi triển lãm, giao lưu của nhiều ngành có liên quan tới Văn hóa Phật giáo. Do đó, người trông coi lãnh đạo Trung tâm Văn hóa đó phải có tầm nhìn, phải là số đông và phải giỏi. Nếu có được một Trung tâm Văn hóa như thế, chúng ta sẽ thấy hoạt động Phật pháp sẽ mạnh.
 
Không chỉ vậy, Trung tâm Văn hóa PG cũng có thư viện để mọi người lới lui đọc sách, dạy võ cho trẻ, dạy khí công dưỡng sinh cho Phật tử lớn tuổi. Nói chung, nơi Trung tâm Văn hóa PG sẽ có nhiều hoạt động có ích cho đời có lợi cho đạo.  

Sau cùng, Thượng toạ nhắc nhở các Phật tử đừng làm người vô cảm, để khi sống trên cuộc đời này, con mắt ta nhìn tất cả mọi người, mọi loài với tất cả lòng yêu thương, và ta hiểu trách nhiệm của mình đối với cuộc đời này phải như thế nào. Được vậy, chúng ta mới thật sự xứng đáng là đệ tử Phật. Từ đó ta mới biết sống là để cống hiến, hi sinh, phụng sự, quên mình. Và cũng từ đó, ta mới biết sống một cuộc đời hạnh phúc thật sự.

Tiếp theo, Chư tôn đức cùng quý vị đại biểu chính quyền địa phương chính thức cử hành nghi thức tâm linh cầu Quốc thái Dân an xuân Bính Thân 2016 trong không khí trang nghiêm. Đây là điểm nhấn của chương trình Lễ hội với sự chứng kiến của Chư tôn thiền đức Tăng Ni GHPGVN tỉnh Vĩnh Long và đông đảo quý Phật tử, thiện nam, tín nữ các giới gần xa và quý vị đại biểu về tham dự.  

Cũng trong dịp này, một chương trình văn nghệ đặc sắc đã được diễn ra trong không khí linh thiêng của buổi Lễ, với sự góp mặt của các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng đến từ TP.HCM như: nghệ sĩ ưu tú TS Bạch Tuyết; nghệ sĩ ưu tú Tú Sương; Điền Trung; Hữu Thọ… và các ca sĩ như: Vân Khánh; Đông Đào; Quốc Đại; Trung Hậu; Mỹ hạnh, v.v…Người hướng dẫn chương trình là MC Tấn Hưng.


 
Khai mạc chương trình văn nghệ, Đại diện công ty TNHH Tân Phú và công ty TNHH Thầu Vân đã phát biểu: Với tất cả lòng thành và quyết tâm, Công ty chúng tôi đã và luôn ủng hộ Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long xây dựng công trình Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long và Bảo Tháp Xá Lợi miền Tây đảm bảo chất lượng và mỹ thuật cao, để công trình Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long đi vào lịch sử kiến trúc của Phật giáo tỉnh nhà. Và ông Trương Văn Vân – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Thầu Vân đã trao biển tượng trưng trị giá 30 triệu đồng ủng hộ cho chương trình gây quỹ xây dựng trùng tu chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long và ngôi Bảo tháp Xá lợi miền Tây.
 
Tại buổi Lễ, TT Thích Chân Quang cũng đã trao biển tượng trưng trị giá 50 triệu đồng hỗ trợ cho chương trình này. Đồng thời, các Phật tử chùa Phật Quang như: Phật tử Nghiêm Châu – Phó Tổng Đạo Tràng Phật Quang – Chúng trưởng Đạo tràng Phật Đồng (Sa Đéc); Phật tử Trí Bản Thành – Chúng trưởng Đạo tràng Phật Hiển (TX Gò Công) và cô Mẫn Giới Chơn đồng trao biển tượng trưng trị giá 100 triệu đồng, để góp phần trợ duyên xây dựng ngôi Tam Bảo sớm được hoàn thành.  
 
Dẫu biết rằng cuộc sống đang còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta hãy cố gắng thêm chút nữa để đóng góp vào quỹ xây dựng chùa. Mỗi tấm lòng của chúng ta ủng hộ cho ngôi Tam Bảo được hoàn thành, sẽ là dấu ấn ghi nhận công lao đóng góp của thế hệ hôm nay, đã giúp con cháu chúng ta mai sau biết hướng về tâm linh cội nguồn.
 
Kính mong quý vị thiện hữu tri thức, quý Doanh nghiệp, Doanh nhân, quý thiện nam, tín nữ Phật tử hảo tâm xa gần, hãy hoan hỷ đồng tâm cầu nguyện và trợ duyên tài lực để Phật sự xây dựng trùng tu chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long và ngôi Bảo tháp Xá lợi miền Tây sớm thành tựu viên mãn.
 
Mọi đóng góp xây dựng Chùa và Bảo tháp xin hoan hỷ gửi vào:
Thầy Thích Thiện Tâm, trụ trì chùa Phật Ngọc Xá Lợi – SĐT: 0908.321.543
Tài khoản số: 070034919990
Chủ tài khoản: Hoàng Thạch Dũng
Ngân hàng sacombank chi nhánh Vĩnh Long.
 

Một số hình ảnh tại buổi lễ: