Trang chủ Diễn đàn Vụ cầu nguyện đòi Tòa khâm: Về một thế đứng văn hóa...

Vụ cầu nguyện đòi Tòa khâm: Về một thế đứng văn hóa trong tôn giáo

94

Chính điều này đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Giáo hội Công giáo, của chính người khởi xướng vụ “cầu nguyện” này – TGM Ngô Quang Kiệt. Câu hỏi về một thế đứng văn hóa trong tôn giáo đã được đặt ra…


Dân tộc Việt Nam thời cận đại đã phải trải qua hơn 100 năm chịu cảnh đô hộ của thực dân Pháp. Lịch sử đã viết lên biết bao nhiêu tủi nhục, đau thương, bẽ bàng, nên mọi trí thức của dân tộc đều nghiêng một cách mãnh liệt về phía đó, để cùng nhau thấm thía hơn những được mất của lòng người. Và mấy chục năm qua mọi người dân Việt Nam không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng đã vượt qua những miền tâm thức hỗn độn của chiến tranh, thời thế để hướng về tương lai với niềm lạc quan, vui sống.


Tuy nhiên, những ngày tháng gần đây đã xảy ra điều đáng tiếc khi TGM Ngô Quang Kiệt cùng một số giáo dân đã “rút gọn” tất cả những thành quả chung của Giáo hội Công giáo Việt Nam trong ngần ấy năm hòa bình vào khía cạnh của một “ý thức hệ” chính trị (tôn giáo) thông qua giá trị vật chất của một “tòa nhà” mà Giáo hội Công giáo chưa có thể chính danh trở thành “sở hữu chủ”. Bởi trên mảnh đất ấy (trong đó có cả nhà thờ Lớn) đã từng hiện diện một ngôi chùa lừng danh lịch sử bị Giáo hội Công giáo và thực dân bắt tay nhau chiếm phá.


Thiết nghĩ, mọi người đều có thể bị “buộc tội” bất cứ khi nào nếu sự phê bình từ bên trong chính mình hiện diện. Chẳng lẽ với mảnh đất bị chiếm phá ấy, TGM Ngô Quang Kiệt và những giáo dân đang cầu nguyện chưa một lần tự vấn: nhà thờ Lớn và tòa Khâm sứ vì đâu mà có?


Có một khó khăn mà người ta vẫn thường nhắc đến trong lịch sử tìm công lý ở những chính quyền thuộc địa đó là “chủ nghĩa thực dân không thể kết tội được những người có đầu óc thực dân”. Và không khó để người ta hiểu câu nói: “Châu Âu là châu Âu của mọi thời đại”. Và nếu như người Công giáo Việt Nam vẫn còn tồn tại một lịch sử trong suy nghĩ của mình, trong lòng mình thì người Công giáo vẫn là người Công giáo của mọi thời điểm lịch sử, bởi trong đó luôn luôn có sự nối liền giữa tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh. TGM Ngô Quang Kiệt là người lãnh đạo tinh thần đi sau, nhẽ ra ông nên tiên phong trong việc hàn gắn những vết thương đau của quá khứ lịch sử do người đi trước để lại. Thế nhưng trong khi tiến trình hòa giải dân tộc chưa được thúc đẩy nhiều hơn thì việc “cầu nguyện đòi đất” gần như đã rơi vào sự “hơn thua” với mất mát của dân tộc, với một mảnh đất bấy lâu đã ngủ yên trong dòng chảy đầy trống chếnh của sử luận.


Trong những vết thương đau của dân tộc, không ai buộc người Công giáo phải luôn ghi nhớ điều đó, nhưng xin những người Công giáo đang “cầu nguyện” không nên quên những lợi ích của chính sách khai thác thuộc địa và những thành quả trong việc chiếm phá chùa chiền đã mang lại cho mình. Hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ khác nhau bị chiếm phá với một mảnh đất tòa khâm (nền chùa Báo Thiên cũ), nặng nhẹ thế nào, ai cũng rõ. Nhìn vào lợi ích của mình để tham thấu vào nỗi đau, sự mất mát to lớn của dân tộc, của tín ngưỡng tôn giáo khác thì mới có thể thẩm định được lương tâm và công bằng với lịch sử, với hậu thế.


Sở dĩ chúng ta bất đắc dĩ phải nhắc lại điều đó vì “tòa án lương tâm” không bao giờ hết thời hạn. Vụ án do tòa án khởi tố không đơn giản chỉ là việc xác định một tội ác (cướp phá, chiếm đoạt) mà liên quan đến nhân cách của bị cáo về một hành vi ứng xử lâu dài. Một người đang trực tiếp hay gián tiếp là “bị cáo” thì khó có đủ tư cách và thẩm quyền pháp lý để nói đến hai từ “công lý”.


Do vậy, tinh thần cao nhất của văn hóa ứng xử đó chính là những hành động mở đường cho việc chuộc lại những lỗi lầm đáng sợ của lịch sử, chứ không phải là làm cho cái đáng sợ ấy được tăng lên. Giáo hoàng Gioan Phao-lô II đã phần nào làm được điều đó với việc công bố 7 “núi tội” và nói lên lời sám hối muộn màng của đạo Công giáo đối với nhân loại. Tiếc rằng, ở Việt Nam vẫn chưa có được điều đó, đã vậy sự che đậy lịch sử lại được hợp xướng bởi danh xưng thiêng liêng “cầu nguyện”. Nhưng dù ai có cạn nghĩ thì cũng hiểu rằng, “cầu nguyện” sẽ là sự nổi dậy của sự dữ nếu không có lương tâm hiện diện ở chánh tòa.


Tại sao đất đai lại trở thành nỗi ám ảnh nhiều với anh đến như thế? Công thức mà các nhà triết học phương Tây đưa ra chỉ có một: kinh Thánh, đất đai và vàng bạc. Chẳng thế mà Tổng giám mục Nam Phi Desmond Tutu đã từng phải nói rằng: “Khi họ đến chúng tôi có đất, họ có cuốn thánh kinh; khi chúng tôi mở mắt ra, họ có đất, còn chúng tôi có cuốn thánh kinh”.


Người Phật tử nhắc lại ngôi chùa bị chiếm phá khi hành động “cầu nguyện đòi đất” xảy ra cũng chỉ nhằm kêu gọi một lương tâm hiện tại. Bởi cho dù mọi di sản chỉ còn là mảnh đất thì đất đó cũng là đất của dân tộc Việt Nam, không ai có quyền mượn danh nghĩa gì để tranh đòi (càng vô lý và bất công hơn khi tòa nhà đó là một ngôi chùa cổ bị thực dân chiếm phá). Chẳng phải từ sau giải phóng, cũng có rất nhiều nhà thờ ở miền Bắc bỏ trống nhưng cũng không có tôn giáo nào đến tranh giành hay sao? Hơn nữa những nhà thờ ấy còn dần dần được giao về cho Giáo hội Công giáo quản lý, phục dựng sinh hoạt vốn rất thanh bình lâu nay.


Tại sao lại có sự đáng tiếc như vậy xảy ra?


Về cơ bản, các tôn giáo đều ít nhiều có những điều chỉnh cho bước đi “hiện đại” của mình. Quá trình “trần gian hóa” dần dần đi vào tâm thức của tín đồ (không loại trừ bất cứ tôn giáo nào), nhưng nếu điều đó không được các tôn giáo điều chỉnh thích hợp, đến một ngày nó sẽ cụ thể hóa những ước mơ thành việc nắm quyền trị thế. Lịch sử đã không ít lần chỉ ra điều đó, và đất đai luôn là một vấn đề của nhiều vấn đề. Không phải ngẫu nhiên mà nhà triết học Spinoza nói: “Phủ định cái gì thì bị chính cái đó quy định ràng buộc”. Anh đề cao hạnh phúc ở thiên đường nhưng chính anh lại bị đất đai và quyền lực trần thế ràng buộc. Thế nên cái vừa nghiêm túc vừa khôi hài luôn luôn xảy ra trong một hệ thống. Vì vậy những tình huống bi hài sẽ xảy đến: một “trò chơi” hòa bình nhưng lại giấu bom trong khẩu hiệu nhiều khi rất thanh nhã.


Trong một sự kiện (thời sự), người phát động thường có những toan tính để đối mặt với những khó khăn và đưa ra những luận điểm để che chắn cho đường đi nước bước của cá nhân. Đó là cách thế mà những người làm chính trị ưa thích hơn cả. Nhưng với một người lãnh đạo tinh thần tôn giáo thì càng rơi vào số đông ồn ào “xác tín” càng làm cho người lập trình rơi vào một ảo tưởng về công lý, thần thiêng. Lúc đó trò chơi thực sự đã kết thúc khi hành vi được nối dài trong những “thủ đoạn” có hệ thống (bà đỡ thông tin trong và ngoài nước). Tôn giáo cần tránh xa những mưu toan quyền lực chính trị, tài sản nếu muốn đẩy mạnh việc xây dựng một xã hội cao thượng, hài hòa – cái vốn là vai trò, nhiệm vụ và mục đích của tôn giáo.


Con người luôn có biên độ dao động 50/50 giữa thiện và ác, nên việc đề cao đấu tranh tài sản bằng khẩu hiệu “công lý-hòa bình” sẽ gây ngộ nhận và khó có thể kìm chế được những hành vi nửa ôn hòa nửa hung hăng của số đông. Đối với một tôn giáo, hành vi ấy càng làm cho chủ thể tôn giáo xa rời bình diện pháp lý (vi phạm pháp luật hiện hành) lẫn triết lý (thực hành nghĩ lễ tôn giáo là một nghi thức cao cả, hơn nữa đất đai không phải là cứu cánh của tu hành).


Khi ai đó mượn danh công lý thì rất nên hiểu “công lý” không phải là cái cho phép mình được thay đổi trong cái không thay đổi của mình (lật ngược một lịch sử và chối bỏ một lịch sử). Một sự đặt cược tiêu phí rất nhiều niềm tin, công sức của những người ngoan đạo để điểm trang cho những nhu cầu ảo ảnh phù du. Ở đó, sự đấu tranh cho “công lý-hòa bình” lại không phải để nhằm vào một sự tự do nội tại, một hành vi trượng nghĩa trước nỗi khổ đau chung của nhân quần mà chỉ là một thử nghiệm những diễn biến mới của một “ý thức hệ” muốn làm đảo lộn cái tòa án lương tâm kia để phô trương những bộ óc hiếu kỳ về “công lý thần thánh”.


Một tôn giáo chân chính đề cao tình thương yêu không thể là một tôn giáo tạo ra những điều kiện để cho bạo lực phát sinh mà chính tôn giáo ấy phải luôn đề cao ý thức về một nền văn hóa hòa giải ổn định và lâu dài. Bởi tôn giáo, từ thuở khai sinh đã là những nỗ lực trở thành sáng suốt và ý thức được đầy đủ về những mục đích cao thượng để củng cố, phát triển ảnh hưởng của những mục đích này trên con người.


Người trí thức của một tôn giáo không bắt buộc phải đề cao tất cả các tôn giáo, nhưng anh ta cần phải có bản lĩnh ra vào (xuất nhập) trong các hệ tư tưởng để góp nhặt tinh hoa cho mình. Người trí thức tôn giáo là người biết làm cho những con sóng xã hội dâng cao nhưng cũng phải biết làm cho những khuấy động lắng dịu trở lại. Và cái “dâng cao” hay “lắng dịu” ấy phải được đặt trong một động cơ trong sáng và phải đảm bảo những nguyên tắc tôn giáo cao thượng nhất: ích mình, lợi người và ích lợi cho cả hai. Đó chính là thế đứng văn hóa vững chắc của một tôn giáo. Thế đứng văn hóa ấy chỉ ra cho chúng ta biết chúng ta đang thuộc về tôn giáo nào.


GS.TS Thái Kim Lan đã viết: “Trên lĩnh vực văn hóa, sự xung đột giữa khuynh hướng đồng bộ các dị biệt văn hóa luôn luôn sinh động. Khuynh hướng này gặp phải sự chống đối của mỗi vùng khi có văn hóa ngoại lai xâm nhập. Sự va chạm có thể tạo nên những hoàn cảnh xã hội với những mâu thuẫn xung đột làm thay đổi cách phản tỉnh về đạo đức. Sự cần thiết bảo vệ những tiêu chuẩn đạo đức theo luận lý của mỗi nền văn hóa riêng tư. Sự chọn lựa giữa một nền văn hóa phổ quát hay chỉ có những văn hóa dị biệt ngẫu nhiên. Mâu thuẫn này tạo nên những đối cực văn hóa mà mỗi người trong thế giới hiện nay phải tìm một thế đứng văn hóa cho chính mình” (Phật giáo trong bối cảnh văn hóa đa cực).


Thiết nghĩ không có sự phản tỉnh đạo đức nào lớn hơn sự phản tỉnh của một lương tâm hướng thiện.


Xem thêm các bài liên quan: