Trang chủ Đời sống Xá lợi Đức Phật được bảo vệ nghiêm ngặt thế nào?

Xá lợi Đức Phật được bảo vệ nghiêm ngặt thế nào?

Xá lợi Phật khi cung rước về Việt Nam được bảo quản, giữ gìn và đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Sau lễ cung rước vào ngày 13.5, Xá lợi Đức Phật hiện được tôn trí tại tầng 1 hội trường chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Các Phật tử, người dân và du khách chiêm bái Xá lợi Phật 24/24 các ngày 14, 15 và 16.5.

Xá lợi Đức Phật là phần kim thân của Đức Phật sau khi hỏa táng còn lại. Xá lợi Đức Phật có niên đại 2.600 năm, được Chính phủ Ấn Độ xem là bảo vật quốc gia.

Vì vậy, để cung rước xá lợi Đức Phật, Việt Nam phải bảo quản, giữ gìn và đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Nhiệt độ luôn phải đảm bảo từ 19 đến 20 độ C, độ ẩm dưới 45% để tránh Xá lợi Phật bị oxi hóa. Xá lợi Phật được tránh tiếp xúc nhiều với hơi người, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp vào.

Xá lợi Phật được đặt vào tháp đựng theo đúng quy chuẩn của Ấn Độ. Khi cung rước về Việt Nam, Xá lợi Phật được bảo quản trong lồng kính cách biệt với môi trường bên ngoài.

Trong không gian chiêm bái sẽ có nhiều hơi người nhưng trong lồng kính đặt Xá lợi Phật có máy điều hòa riêng và camera theo dõi 24/24″.

Bên cạnh đó là yếu tố an ninh, an toàn, Công an TP Hà Nội cũng thực hiện việc phân luồng và điều tiết giao thông tại các khu vực trọng điểm trong thời gian diễn ra lễ rước và chiêm bái xá lợi Đức Phật.

Thiết lập các chốt chặn tại các cổng ra vào khu vực tổ chức lễ cung nghinh, khu vực tôn trí Xá lợi Phật và khu vực nhân dân tập trung trước khi vào chiêm ngưỡng, lễ bái Xá lợi Phật.

Lực lượng Công an TP. Hà Nội đã tổ chức tuần tra, phát hiện và ngăn chặn các hành vi gây rối, trộm cắp, cướp giật.

Đây là lần thứ 4 Xá lợi Đức Phật được cung rước ra ngoài lãnh thổ Ấn Độ. Ba lần trước bảo vật này được cung rước đến Sri Lanka (2015), Mông Cổ (2022) và Thái Lan (2024). Theo quy định ngoại giao của Ấn Độ, Xá lợi Đức Phật xuất ngoại tương đương với chuyến công du của nguyên thủ quốc gia.