Trang chủ Văn học Tùy bút Xin ngủ dưới vòm cây

Xin ngủ dưới vòm cây

105

Đã có nhiều người cho rằng trong mỗi một nghệ sĩ lớn đều ẩn cư một nhà tiên tri! Có lẽ lý trí chiêm nghiệm của mỗi người chưa đủ để khẳng định điều đó nhưng có những hiện tượng nghệ thuật mà sức lan toả và khả năng thẩm thấu của nó đang thuyết phục mọi người về một khả năng dự báo với linh cảm phi thường. Khi viết vội những dòng này, bỗng dưng trong tôi mơ hồ ùa về một khúc Trịnh. Trong một khoảnh khắc nào đó, lúc bản tâm ngược về nguồn cội, người nhạc sĩ tài hoa kia đã thốt lên rằng: “Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô/ Ta thấy em đang ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa”. Chơi vơi trên trên hàm số âm thanh và lời hát Trịnh, ta thảng thốt nhận ra rằng: Dù chỉ ở một tia chớp sát na hay giữa luân hồi vô lượng kiếp, trong mê đắm sân si hay an lạc thân tâm, con người và cỏ cây cũng đã tương sinh tương hợp như một thể thống nhất, tương duyên.


Đã có những ngày xưa, những câu chuyện cổ tích có cây khế, cây đa, cây tre trăm đốt,… đẹp đẽ và bình yên ru giấc bé thơ ta. Ôi chao, trong giấc mơ tuổi nhỏ có xanh xanh màu cây lá quanh nhà, có cánh bướm vàng vàng màu nắng ngoài cỏ nội và tiếng hót con chìa vôi trong suốt như sương đầu cành nhơ nhẩn cỏ sớm phía bờ sông. Mùa Đông đi qua. Mùa Hạ đi qua. Chỉ có cỏ hoa, và lúa rau và bà tôi, mẹ tôi ở lại trong khu vườn ngày xưa, dưới mái nhà ngày xưa nhìn theo ngày tôi khôn lớn. Còn những người đàn ông trong gia đình từ ông tôi, ba tôi thì dạy cho những thằng con trai biết mình là những kẻ lưng dài vai rộng, hãy sống đời cổ thụ và mơ những giấc mơ gió núi chim ngàn. Như là bản tâm yêu thương và trắc ẩn, thằng bé khát khao đưa mắt chim non lên chót vót tàn xanh. Và trong lúc đang mơ về sự cứng cỏi và mạnh mẽ phi thường của cổ thụ đại ngàn, nó vẫn quyến luyến ngóng về những ngày cỏ hoa vườn mẹ. Cỏ cây dù hèn mọn bờ rào hay cao sang ngự uyển, dù vô danh xanh lối công viên hay quý giá ngàn vàng như kỳ nam, nhân sâm thì giữa đất trời cứ vô ưu mà sống mà xanh mà bầu bạn với muôn loài.


Có ai bảo rằng cây cỏ vô tâm? Cây mang hồn người ấy chứ. Người vui cây vui. Người buồn cỏ cây cũng hiu hắt dàu dàu. Huyền thoại đẹp quá cho ngày Đức Phật đản sanh! Vườn Lâm Tỳ Ni. Dưới cành hoa Vô ưu. Bảy bước Sen Vàng. Một thế giới Hoan Hỷ và Trí Tuệ mở ra từ tín hiệu cỏ cây. Rồi dưới cội bồ đề, Người đắc đạo, và dưới cội bồ đề, Người nhập Niết bàn. Tôi yêu đạo Phật có lẽ cũng từ sự mẫn cảm tự những ngày còn bé: Đức Phật của tôi trong khu vườn đầy hoa lá, Đức Phật của tôi ngồi kiết già an nhiên như những chiếc lá bồ đề. Lá xanh màu Từ Bi. Lá xanh màu Trí Tuệ. Lá xanh như vạt cỏ nước cổng tam quan thuở còn níu tay mẹ riu ríu lên chùa.


Và một ngày mẹ tôi ra đi. Mười ba tuổi, thằng bé chưa ý thức được rằng người ra đi là về với cỏ cây. Lòng gỗ mở ra ôm ấp lấy phận người ngày biệt thế. Một hai năm sau và nhiều năm sau nữa, mỗi dịp cuối đông giáp chạp trong ngày tảo mộ, lúc đưa tay xén tỉa lại mớ cỏ lơ phơ già nua qua một mùa Đông dài chưa kịp hồi xuân trên mộ mẹ mà lòng ngùi ngùi nhớ lại bàn tay chai sần vì vết rạ cọng rơm của người. Cảm giác hoài niệm như chưa từng xưa cũ ấy cứ chực trào ra nhưng làm sao mà vô tư buồn vui cười khóc với cỏ trời khi ta không còn trẻ nữa!


Người ta thì già nua theo năm tháng chứ kỷ niệm thì mãi xanh như tuổi đời mênh mông. Ở một góc nhỏ khoảng trời sinh viên. Ở một vạt chiều ký túc xá Thủ Đức. Hàng tràm trải thảm hoa vàng ngai ngái mùi ẩm ướt cơn mưa mười chín tuổi. Rồi những hàng me, hàng dầu, những cội xà cừ bốn mùa làm nên một nhan sắc Sài Gòn. Nhan sắc thiên nhiên ấy không thể nào mãi mãi thanh xuân nếu bạn không nuôi xanh những mùa lá hoa Sài Gòn trong tâm tưởng. Mới đó mà đã một đời cây, đã một đời người.


Cây Của Người – đó là thứ cỏ cây đã vượt qua khái niệm hình bóng vô tình lẽ thường. Có thể là những mùa vàng rơm rạ xa ngái đồng làng tháng Tám. Có thể là màu “cỏ non xanh rợn chân trời” ngút ngát tháng Ba. Có thể là uy nghi rừng già hay kiểu cách lá hoa vườn phố… Duy một điều, không thể nào trong đời sống vật chất và tinh thần con người lại thiếu vắng cỏ cây. Đã hơn một lần ta tìm về tâm cảnh bình an dưới vòm xanh có từ tiền kiếp: “Xin ngủ trong vòng nôi/ Ta ru ta ngậm ngùi/ Xin ngủ dưới vòm cây” (Trịnh Công Sơn).