Trang chủ Thời đại Xã hội Ý nghĩa của sự đồng thuận từ Đại lễ cầu siêu tại...

Ý nghĩa của sự đồng thuận từ Đại lễ cầu siêu tại Kon Tum

78

Cũng từ đó Thượng tọa biết có rất nhiều liệt sĩ của cả nước và đồng bào mình trong chiến tranh đã gởi thân trên đất này và nhận thấy có nhiều âm khí của các linh hồn chưa được siêu thoát vẫn quanh quẩn nơi đây nên có ý tưởng nếu tạo được sự đồng thuận của chính quyền địa phương sẽ xây dựng chùa tháp Kỳ Quang tại đây để phật tử của địa phương có nơi trì chú và tu tập.

Sau một thời gian lên kế hoạch phối hợp với Giáo hội Phật giáo Kontum, Đăklăk, Gialai, Đăknong, Lâm Đồng và 5 tỉnh duyên hải miền trung là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú yên, Khánh Hòa và lãnh đạo tỉnh Kontum, nhân kỷ niệm 35 năm ngày Kontum giải phóng (16/3/1975 – 16/3/2010), ngày 14/3/2010 tại xã Đăkmar huyện Đăkha tỉnh Kontum đã diễn ra đại lễ Đại trai đàn cầu siêu với chủ đề “Uống nước nhớ nguồn” nhằm siêu sinh tịnh độ cho các anh hùng, liệt sĩ, đồng bào tử nạn trong chiến tranh, trong thiên tai, tai nạn, bệnh tật khác.

Nhiều hoạt động về tâm linh Phật giáo và văn hóa dân tộc Tây Nguyên được diễn ra trong 2 ngày 14 và 15/3/2010. Ngay tối ngày 13/3, TT Thích Phật Đạo trụ trì chùa Đại Bi Tâm ở Thụy Điển đã được ban tổ chức thỉnh thuyết giảng ý nghĩa “Uống nước nhớ nguồn” với Phật tử.

Mới chạng vạn tối đã thấy giảng đường có nhiều phật tử lần lượt đến tham dự, ai đến trước ngồi trước rất trật tự.

Đúng 19h00, TT Thích Phật Đạo cùng các phật tử dành trọn 1 phút tưởng niệm những anh linh liệt sĩ. “Nhờ có những người bảo vệ sự thanh bình cho đất nước thì giờ phút này chúng ta mới được cùng ngồi đây mà nghe pháp của Đức Phật”.

Ngoài nói về ý nghĩa thế nào là “Uống nước nhớ nguồn”, TT Thích Phật Đạo cũng giảng về sự hiếu ân hiếu nghĩa của con cái với cha mẹ thỉnh thoảng rộ lên từng đợt vỗ tay.

Cách đây 35 năm, những ngày này của tháng 3 tại Kontum và chiến trường Tây Nguyên vang lên tiếng rít của các loại xe thiết giáp, tiếng đạn bom xé nát không gian, nhưng hôm nay là những bước chân an lạc của các vị hòa thượng và hàng ngàn phật tử các nơi đặt chân trên mảnh đất này để thực hiện Đại lễ cầu siêu lớn nhất Kontum từ trước tới nay.

Từ sáng sớm bên ngoài khu vực chùa tháp Kỳ Quang đã có bóng áo vàng và áo xanh của ngành cảnh sát có mặt để giữ trật tự và điều khiển giao thông đã tạo cho không khí ngày Đại lễ cầu siêu thêm trang trọng, ánh nắng sớm vàng hoe đã đón nhận những hòa thượng, Đại Đức, các Chư Tăng, Ni phật tử đến rất đông dự lễ.

7h00 sáng ngày 14/3, các vị cao tăng, Pháp sư trong ban kinh sư chùa Vĩnh Nghiêm TP Hồ Chí Minh và tổ đình Vạn Phước cùng các cán bộ lãnh đạo của địa phương, các phật tử đặt vòng hoa tưởng niệm nghĩa trang liệt sĩ huyện Đăha, thắp nhang làm lễ cầu nguyện rước anh linh các anh hùng liệt sĩ về nơi tổ chức Đại trai đàn cầu siêu.

Trên khuôn viên công trình xây dựng chùa tháp Kỳ Quang còn đang giai đoạn thi công dở đã được ban tổ chức khéo léo chuẩn bị một giảng đường có bàn thờ Phật Bổn Sư, một sân khấu dựng tạm nhưng lớn, trang trọng với tấm phông rộng bố cục mỹ thuật với 4 hàng chữ chủ đễ của Đại lễ cầu siêu, phía trước là bức tranh Phật A Di Đà.

Nối dài phía trước là hàng loạt nhà bạt, ngoài sân có một số dù lón, bên trái cổng vào là dãy dài mái che dùng làm nhà khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào nghèo của chùa Kỳ Quang do các y bác sĩ từ TP Hồ Chí Minh lên trực tiếp khám và phát thuốc.

Trong buổi Đại lễ này có cả 3 thế hệ trong gia đình ông Phạm Đức Hạnh – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đăk-ha tỉnh Kontum đến dự, đứa cháu ngoại mới trên 1 năm tuổi, ông Hạnh nói: “Đại lễ Trai đàn cầu siêu các anh hùng liệt sĩ của 5 tỉnh Tây Nguyên và 5 tỉnh vùng duyên hải miền trung tổ chức trên địa bàn huyện Đăkha đã được phép của Ban Tôn giáo Chính Phủ, lãnh đạo tỉnh Kontum và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.


Ông Phạm Đức Hạnh

Vì độc lập tự do của dân tộc, đã có hàng chục vạn chiến sĩ cách mạng hy sinh trên chiến trường Tây Nguyên. Tại tỉnh Kontum có trên 6 ngàn liệt sĩ, riêng huyện Đăkha có 435 liệt sĩ.

Đại lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ và đồng bào tử nạn là thể hiện lòng tri ân của những người còn sống, hướng về những anh linh liệt sĩ cùng thề quyết tâm xây dựng vùng Tây Nguyên ngày nay trở thành vùng đất phú cường để sánh vai với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đây là một mô hình hoạt động có giá trị đạo đức đúng với đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.

Ngoài công cuộc phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa xây dựng tỉnh nhà và góp phần phát triển đất nước, còn phải vun đắp cho khối đoàn kết, vun đắp cho giữa việc đời và việc đạo làm tăng chữ tâm của Phật giáo, làm tăng chữ đức và tình yêu thương dân tộc trong cộng đồng Phật giáo, tạo cuộc sống an bình trong nhân dân để cùng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

TT Thích Thiện Chiếu, nói: “Trong chiến tranh, những chiến sĩ đã bỏ thân mạng mình xuống không một chút tiếc nuối. Có những liệt sĩ lấy thân mình lấp lỗ châu mai thời chống Pháp, những liệt sĩ hy sinh trên khắp các nẻo chiến trường. Những thanh niên xung phong, dân công tải đạn hy sinh khi còn rất trẻ…

Nhưng hàng năm, mỗi lần thăm viếng nghĩa trang chỉ là vòng hoa hay nén nhang cắm trước mộ là hình thức tưởng nhớ không thể làm cho các linh hồn được siêu thoát.


TT. Thích Thiện Chiếu

Do vậy, những linh hồn bao năm qua không có nơi ẩn chứa. Người sống mất người thân là liệt sĩ vô danh không tìm được xác cũng đã khổ, nhưng người chết còn khổ hơn vì không biết nương náu linh hồn nơi nào.

Việt Nam là dân tộc nổi tiếng sống có đạo lý, nhất là đạo lý uống nước nhớ nguồn. Lập Đại lễ kỳ siêu cho các anh hùng liệt sĩ cũng là một đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” về tâm linh của Phật giáo cùng Nhà nước thực hiện tốt đạo lý này”.

Trong buổi lễ, có rất nhiều gia đình phật tử đi cả nhà, vì nơi đây đã có xương máu con em của họ đã đổ xuống mảnh đất này. Nhiều phật tử đã rơi nước mắt, có những khuôn mặt lặng đi đỏ rân xúc động.

Dường như ai cũng nghe thấy trong cơ thể mình một cảm xúc thiêng liêng, những cảm xúc không lời thể hiện rõ trên cả vạn người có mặt trong Đại lễ cầu siêu này.


Rước anh linh các liệt sĩ về Lễ đài bạch Phật

Một buổi Đại lễ cầu siêu đã tạo được sự đồng thuận của các lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo các địa phương của hàng vạn Chư, Tăng, Ni, phật tử 10 tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh vùng duyên hải miền trung.

Có thể những linh hồn cũng đang cùng đồng đội đứng gần người thân trong lễ cầu nguyện mà bản thân người sống không thể nắm bắt, chỉ có các vị cao tăng mới nhận biết được. 

Tháng ba Tây Nguyên, trời cao xanh ngắt, rộn rã tiếng cồng, tiếng chiêng, nhịp nhàng buớc chân, mềm mại những cánh tay của các chàng trai, cô gái người dân tộc anh em trong các điệu múa của các đoàn nghệ thuật Tây nguyên đến biểu diễn ngoài trời trong khuôn viên của Đại lễ.

Gió ngàn từ những cánh rừng bên kia đồi như tiếng hát của các anh linh, của những người đã khuất hòa nhịp càng tạo cho không khí buổi Đại lễ này thêm thiêng liêng.

Một cảm nhận khác mà ít ai nhận ra, có lẽ ảnh hưởng từ tinh thần của Đại lễ kỳ siêu nên lòng mỗi người và gương mặt ai cũng thanh tịnh, vì 100% người đến dự Đại lễ đều ăn chay. Một ngày ăn chay là thêm một ngày giữ sạch giới của mỗi phật tử nên lòng mỗi người an lành trong đời sống thêm an lành, ra về với một cái tâm an lành.

Bà Lê Bích Thủy, 64 tuổi, đi bộ đội từ năm 17 tuổi thuộc Sư đoàn 9 bộ binh, đại diện cho đồng đội ở Trường Sơn đã dự một số Đại lễ cầu siêu liệt sĩ ở Phú Quốc, Trường Sơn, Tiền Giang, Long An.

Hôm nay bà Thủy cùng vài đồng đội từ TP Hồ Chí Minh tham gia rước bài vị anh linh các liệt sĩ từ nghĩa trang huyện Đăkha về Đại trai đàn cầu siêu, bà nói: “Phần nhiều các liệt sĩ hy sinh bất đắc kỳ tử trên mặt trận, nhiều chiến sĩ chết vô danh, chết xa quê, xa nhà không biết đường về, không có gia đình, không lời trăn trối, những liệt sĩ  chết trẻ nên rất là thiêng. Thương lắm, sau lễ cầu siêu thì các anh được siêu sinh tịnh độ về chùa không còn vô danh nữa. Nên lễ cầu siêu tổ chức ở đâu có xa mấy tôi cũng phải đi dự”.


Bà Lê Bích Thủy

Vâng, khi còn sống các anh chị có tên, có tuổi, được gia đình ăn mừng khi tròn tháng, đầy tuổi, chưa thoát ly được quây quần giữa tình thương thâm tình ruột thịt, có người thân chăm lo cơm nước.

Khi trở thành liệt sĩ vô danh thì không ai biết các anh nằm đâu, tên gọi là gì, không ai cúng giỗ. Đại lễ cầu siêu linh hồn các liệt sĩ được hàng vạn tấc lòng, hàng vạn trái tim, những nguồn thương tiếc vô tận của các cấp lãnh đạo địa phương của các Chư, Tăng, Ni, Phật tử và người thân của cả nước đến đây mang theo cả tên làng, tên phố, tên gọi của tình thương yêu bao la của dân tộc gọi anh về.

Lập trai đàn kỳ siêu cho vong linh anh hùng liệt sĩ tại Kontum được khỏi lên từ tấm lòng của TT Thích Thiện Chiếu đã tạo được sự đồng thuận của lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên và 5 tỉnh vùng duyên hải miền trung là một ý nghĩa vô cùng quý giá, trong đó có rất nhiều gia đình thương binh liệt sĩ từ khắp tỉnh thành trong cả nước có người thân đã hy sinh ở cao nguyên xanh.

Theo TT Thích Thiện Chiếu, lần Đại lễ cầu siêu các anh linh liệt sĩ và đồng bào tử nạn tháng ba này ở Kontum là tiền lệ cho những năm sau. Hy vọng tâm nguyện ý nghĩa này của TT Thích Thiện Chiếu sẽ tiếp tục được sự đồng thuận của lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo các địa phương và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.