Trang chủ Thời đại Ý nghĩa Phật đản

Ý nghĩa Phật đản

123

Ngài chào đời như ánh bình minh rực rỡ, như đoá đàm ưu bừng nở, gió nhạc êm đềm, chim hót líu lo, núi Tu di cúi đầu đón mừng bậc Thầy nhân thiên ba cõi. Ngài hướng về phía Bắc, ung dung đi trên bảy đoá sen vàng, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất làm chấn động cả vũ trụ càn khôn. Như vậy, lần đầu tiên trong nhân loại, tin mừng thật sự đã đến với nhân thiên.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân từ dòng dõi Sakya (Thích Ca) con vua Tịnh Phạn nổi tiếng là người hiền đức. Bản thân Ngài là một vị hoàng tử văn võ song toàn, sức khoẻ phi thường, tướng hảo trọn vẹn không ai sánh bằng nên được vua cha, quần thần và toàn dân yêu quý.

Tuy nhiên, dù có những khả năng vẹn toàn như vậy, được kính trọng tuyệt đối  và chiều chuộng hết mực nhưng Ngài không bao giờ tự nãm với tài năng, uy quyền hay những thứ cao sang. Trái lại, tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, yến tiệc – những điều mọi người đều ham muốn- thì với Ngài, chúng chỉ là những sợi dây xiềng xích trói buộc con người trong đêm trường tăm tối và trôi lăn mãi trong vòng sinh tử.

Ngài thấy rõ: vật chất xa hoa tay tài sản, của cải của con người ở cõi ta bà chỉ là giả tạm, khi mãn duyên phàm cũng chỉ là một nắm tay không. Từ đó , Ngài đã quyết chí xuất gia tìm con đường giải thoát cứu khổ nhân loại. Bằng tất cả nghị lực phi thường, Ngài dấn thân vào cuộc đời mong tìm ra con đường sống an bình vĩnh cửu cho chính mình và tất cả chúng sinh.

“Ở ngay giữa chốn nhân sinh
Mặc người tham ái nếu mình thảnh thơi
Sống không dục vọng như người
Thật là sung sướng, cuộc đời thơm hương

Pháp Cú 199

Trải qua bao năm tháng gian khổ tầm sư học đạo với các nhà tiên tri nổi tiếng, Ngài nhận thấy hiểu biết của họ của chỉ hạn hẹp trong vòng khổ đau, sinh tử của loài người. Vì thế, Ngài đã nỗ lực tìm một cuộc sống vượt ra ngoài tầm chi phối bởi quy luật vô thường. Sau năm năm tầm sư học đạo, sáu năm khổ hạnh chốn rừng già, bốn mươi chín ngày đêm thiền định dưới cội cây Bồ Đề, Ngài liền giác ngộ chứng được tam minh gồm: Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh cùng Lục thông quảng đại.

Tam minh và Lục thông không phải là cái gì bí hiểm khó hiểu khó tin, mà đó là tiềm năng vốn có của con người. Nếu ai biết thực tập và hành trì đúng pháp trong cuộc sống hiện tại thì sẽ đạt được khả năng siêu việt ấy, bởi Phật tính luôn sẵn có trong lòng của mỗi chúng ta, chỉ vì ta chưa biết khám phá và khai thác mà thôi.

Nguyên nhân là bởi con người có quá nhiều tham vọng và sân si, làm mất bản tính sáng suốt và năng lực đặc biệt của chính mình. Theo lời Phật dạy, chúng ta dùng thiền định để diệt trừ tham, sân, si thì tâm thức từ đây mới lắng yên và mở mang trí tuệ, mới thấy được chính ta là vị cứu tinh của ta, chính ta là vị bảo hộ của ta.

Đức Phật cũng khẳng định, mọi người đều có đủ điều kiện để đạt đến sự chứng đắc và trí tuệ sáng suốt giống như Ngài. Và chính Ngài là người đầu tiên của nhân loại chứng minh được khả năng lớn lao ấy.

Tự mình là vị cứu tinh
Tự mình nương tựa vào mình tốt thay
Nào ai cứu được mình đây
Tự mình điều phục hằng ngày cho chuyên
Như thành điểm tựa khó tìm
Pháp Cú 160

Với khả năng sau khi chứng ngộ, suốt bốn mươi chín năm thuyết pháp truyền bá tư tưởng Phật giáo, đức Phật sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai có nhân duyên với Phật đạo và khai thác tài năng tiềm ẩn của chính họ để nâng cao đức hạnh và trí tuệ Bát nhã. Ngài cũng đã thể nghiệm trọn vẹn tinh hoa của tuệ trí trong suốt cuộc hành trình giáo hoá độ sinh. Không những giúp cho mọi người thân tâm an lạc mà còn giúp họ chặt đứt được tham, sân si và đoạn trừ phiền não nhiễm ô.

Đức Phật là một nhà giáo dục đại tài. Những lời Ngài dạy không dành riêng cho một hạng người nào mà cho tất cả mọi người, tất cả chúng sinh trên cõi thế gian. Những ai nỗ lực thực hành theo lời chỉ dạy ấy chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp.

Ngày Phật đản – ngày đại lễ quang trọng nhất cho hàng Phật tử trên khắc hành tinh này hướng về tưởng niệm và đền đáp lại công ơn to lớn và quý báu của đức Từ phụ, chúng ta hãy thành kính dâng lên năm phần hương giới – đinh – huệ – giải thoát – giải thoát tri kiến để cúng dàng Ngài, nguyện đời đời, kiếp kiếp gieo bồ đề quyến thuộc cùng Ngài và cố gắng thực hành giáo pháp mà Ngài đã truyền đạt từ bấy lâu nay. Với những ai là Phật tử, dù tại gia hay xuất gia hãy xiêng năng thực hành hạnh bố thí, trì giới, tham thiền, hướng tâm đến trí tuệ giải thoát như lời dạy:

Dầu lợi người bao nhiêu
Chớ quên phần tự lợi
Nhờ thắng trí tự lợi
Hãy chuyên tâm lợi mình
Pháp Cú 166

Điều quan trọng trong thực tế là chúng ta cần có chính kiến tin tưởng và biết rõ nghiệp qủa làm phúc thì hưởng phúc, làm ác chịu khổ, tà kiến cần được loại trừ. Suốt bốn mươi chín năn tuyên thuyết. Ngài luôn khuyên chúng ta tự minh thắp đuốc mà đi để đến được bờ giác ngộ.

Ngày nay, người đương thời đều tôn vinh đức Phật Thích Ca Mâu Ni là đấng siêu phàm, xuất chúng , nhưng Ngài luôn khẳng định rằng mình chỉ là một con người đã tìm thấy được nguyên nhân tạo nên đau khổ và hạnh phúc của muôn loài. Chính vì thế, đức Phật đã chỉ dạy cho con người con đường tiến lên một cuộc sống chân, thiện, mỹ. vĩnh hằng, bất biến, rời xa được vòng sinh tử luân hồi từ lục đạo khổ đau. Còn Ngài lại chỉ luôn coi mình là một vị đại đạo sư, người chỉ ra con đường đúng đắn để đưa chúng ta ở cõi nhân gian đến thế giới an lành vĩnh cửu.

Kỷ niệm Phật Đản PL 2553 tưởng nhớ đến Đức Từ Phụ – bậc khai đạo, chúng ta hãy an trú và tạo điều kiện an lành cho tâm Phật của mỗi người được đản sinh. Nghĩa là chúng ta cần phaỉ đi theo bát chánh đạo chuyển vận con đường thoát khổ để tự đem lại hạnh phúc cho mình và cho người như Ngài đã dạy:

Thuận tu chánh đạo cao vời
Bao nhiêu khổ não tức thời tiêu tan
Sau khi chứng ngộ đạo vàng
Biết phương cách diệt muôn vàn chông gai
Diệt bao chướng nghiệp hại người
Đó là con đường ta dạy các người
Pháp Cú 275

Khi thực sự có thực hành Phật pháp thì không những chúng ta đạt nhiều an lạc mà còn làm cho giáo pháp được truyền bá lâu dài. Có như vậy, chúng ta mới xứng danh là những người con Phật.

Nếu tất cả những ai biết ứng dụng lời dạy của Ngài thể nghiệm trong cuộc sống đời thường chắc chắn đều học được rất nhiều, tịnh hoá được bản tâm và giúp đỡ mọi người cùng thăng hoa trên bước đường tu. Pháp bảo của đức Phật vẫn mãi mãi hiện hữu trong lòng của mỗi chúng ta. Mỗi khi thực hành pháp bảo có chính niệm thành tựu được tâm bình yên, trong sạch là chúng ta đang sống với tỉnh thức, với ý niệm giải thoát.

Một lần nữa, nhân mùa Phật Đản PL-2553 cầu mong tất cả Tăng, Ni, Phật Tử đều ứng dụng đúng tinh thần lời Phật dạy để đạt được khả năng siêu việt, không còn bị khổ đau chi phối và giúp cho người khác cũng được an vui, lợi lạc trong chính pháp./.

(Bài Thuyết pháp của TT. Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương tại Đại lễ Phật đản PL 2553 – DL 2009)