Trang chủ Tu học Phổ thông Phật đản qua kinh sách

Phật đản qua kinh sách

137

Đản sinh hay giáng sinh


Khi trình bày về những dữ kiện về đức Thế Tôn ra đời, các nhà nghiên cứu thường dùng những từ “đản sinh” hay “giáng sinh” hay “thị hiện”.  HT. Thích Thiện Hoa phân biệt như sau: Thường trong danh từ nhà Phật, khi nói đến sự hiện diện của đức Phật Thích Ca trong cõi đời này, người ta thường dùng chữ đản sinh (nghĩa là một sự ra đời vui vẻ, làm hân hoan, xán lạn cho cõi đời); hay thị hiện (nghĩa là hiện ra bằng xương bằng thịt, cho con mắt trần của chúng ta thấy được); hay giáng sinh (nghĩa là từ một chỗ cao mà xuống một chỗ thấp để sinh ra). 


Ba chữ ấy đều có 3 ý nghĩa khác nhau: Chữ đản sinh dùng để ca tụng một bậc tôn quí ra đời; chữ thị hiện hàm cái ý Phật bao giời cũng có cả, nhưng vì mắt người không thấy được, phải hiện rõ ràng ra mới thấy; chữ giáng sinh hàm cái ý đức Phật ở một cảnh giới cao hơn, tốt đẹp hơn mà hạ xuống cảnh giới phàm trần này.


Ba chữ ấy mặc dù khác nhau, nhưng đều có thể dùng để chỉ sự ra đời của đức Phật. Trái lại, khi một nguời phàm ra đời thì gọi là “đầu thai”. Đầu thai có nghĩa là bị nghiệp báo hoặc thiện hay ác bắt buộc phải luân hồi để chịu quả báo lành hay dữ. Còn giáng sinh hay thị hiện thì không hàm cái nghĩa bị nghiệp nhân câu thúc, mà do nơi lòng từ bi, muốn lợi ích cho chúng sinh, nên tự nguyện ứng thân xuất hiện ra đời trong một thời gian để cứu độ chúng sinh; xong xuôi thì thâu thần tịch diệt, tự tại vô ngại ra ngoài sống chết.


Phật đản sinh theo Nam tạng và Bắc Tạng


Nam tạng và Bắc tạng nhìn khác nhau về đức Phật, Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ cũng nhìn khác nhau về Ngài. Bắc tạng cho rằng đức Phật đã thành Phật từ lâu, kiếp này chỉ là thị hiện.


Nam tạng thì cho rằng kiếp này của Thế Tôn là kiếp cuối cùng thành Phật; kiếp trước đây, Ngài là Bồ Tát ở cung trời Đâu-suất (Tusita) — cõi trời thứ tư trong sáu cõi trời Dục giới (Tứ thiên vương, Tam thập tam, Dạ-ma, Đâu suất. Hóa lạc và Tha hóa tự tại). Cõi này có bốn ngàn tuổi thọ, tương đương với năm trăm bảy mươi sáu triệu năm của con người trên trái đất (theo kinh Đại Bản, Trường Bộ kinh III; kinh Hi Hữu Vị Tăng Hữu Pháp, Trung Bộ III; Vị Tăng Hữu Pháp, Trung A-hàm, số 32 đại I, 469c; và Kinh Tập, Tiểu Bộ kinh). 


Quan niệm của Bắc tạng thì tương tự với quan niệm tôn giáo của phần lớn các tôn giáo khác, thường có khuynh hướng siêu thực, Thánh hóa vị Giáo chủ.  Thượng tọa bộ thì nhìn đức Phật một cách hiện thực hơn, đi sát với các sự kiện lịch sử. Nhưng cả hai Nam và Bắc tạng, đều xác nhận: trước khi thành Phật, Thế Tôn được gọi là một Bồ Tát ở Đâu-suất. 


Cách nay chín mươi mốt kiếp (1 kiếp “kappa, kalpa”: bằng đời sống của một thế giới, bằng một ngày đêm của cõi trời Phạm thiên, bằng bốn ngàn ba trăm hai mươi triệu năm ở trái đất: theo Tự điển Sanskrit của Amarasimhakosa), Thế Tôn Ti`-bà-thi (Vipassi) ra đời.


Cách nay ba mươi mốt kiếp, Thế Tôn Thi-khí (Sikhi), Tỳ-xá-phù (Vessasbhù), Câu-lưu-tôn (Kakusandha), Câu-na-hàm (Konàgamana) và Thế tôn Ca-diếp (Kassapa) đã ra đời. (Theo kinh Đại Bồn và Vị Tằc Hữu Pháp, như vừa trích dẫn ở trên). 


Ở Đâu-suất, Thế Tôn luôn luôn an trú trong chính niệm tỉnh giác. Một lần, một số chư Thiên ở Đâu-suất và chư Thiên ở các cõi Sắc giới, “các vị Trời trước đây đã được Thế Tôn Tỳ-bà-thi giáo hóa – thuật lại cho Bồ Tát nghe về các sự kiện chư Thế Tôn trước đây đã ra đời và thỉnh cầu Bồ Tát xuống trần để hóa độ chúng sinh”. Nay là thời điểm của đức Thế Tôn.


Đức Phật đản sinh viết theo Bản Sinh Truyện (Jataka)


Kinh Hi Hữu Vị Tằng Hữu Pháp; Vị Tằng Hữu Pháp có đoạn chép:  Khi hết tuổi thọ ở Đâu-suất, Bồ tát chính niệm tỉnh giác đi vào thai mẹ, Hoàng hậu Ma-da (Màyadevi) ở kinh thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu, Skt. Kapilavastu). 


Bấy giờ một hào quang kỳ diệu, thắng xa hào quang chư Thiên, thắng xa ánh sáng mặt trời, soi sáng khắp các cõi, khắp đến những nơi tối tăm mà ánh sáng mặt trời không thể soi thấu, mười nghìn thế giới rung động, chấn động mạnh.


Bồ tát ở trong thai mẹ như ở trong chiếc hộp kim cương trong sáng, có bốn Thiên tử canh gác bốn góc trời, không để cho loài Người hay khác loài Người xúc phạm đến thai nhi và Hoàng hậu.  


Trong lúc mang thai, người mẹ hưởng đầy đủ năm dục công đức (sắc, thanh, hương, vị, xúc) và thấy rõ thai nhi như thấy rõ viên ngọc ở trong lòng bàn tay, với đầy đủ các bộ phận của cơ thể, rất hoàn mỹ. Thời gian mang thai là mười tháng. Trong thời gian này, tâm người mẹ thường hoan hỷ, không khởi lên dục ý với bất cứ người khác phái nào.


Đản sinh và huyền thoại


Theo truyền thuyết Phật giáo, mẹ của Bồ tát đứng mà sinh. Hoàng hậu Ma-Gia sinh Hoàng tử nơi cội hoa Vô-Ưu, khi đang thưởng hoa ở vườn Ngự Lâm-tỳ-ni (Lumbini).


Khi ra khỏi lòng mẹ, Thái tử oai nghiêm như một Pháp sư đang bước xuống Pháp tòa, sáng chói như một viên hồng ngọc, thanh tịnh, không dính một chất dơ nào từ lòng người mẹ, chân Thái tử không chạm đất, có bốn Thiên tử đỡ (rồi chuyển qua tay con người), đặt Thái tử trước Hoàng hậu và thưa: “Hoàng hậu hãy hoan hỷ. Hoàng hậu vừa sinh một vĩ nhân”.


Từ hư không có một dòng nước ấm và một dòng nước mát tắm gội cho Thái Tử và Hoàng hậu. Thái tử đứng vững chân, mặt hướng về phương Bắc, buớc đi bảy bước (đây là bảy bước đi truyền thống của chư Phật), có lọng trắng che, nhìn khắp mọi phương, rồi cất tiếng nói với giọng êm ả như tiếng chim Ca-lăng-tần-già (sống ở Hi-mã), vừa trầm hùng như tiếng Ngưu vương, rằng: “Ta là bậc Tối thượng ở đời. Ta là bậc Tôn kính ở đời. Nay là đời sống cuối cùng, không còn sinh lại nữa“. 


Truyền thống kinh Bắc tạng và A-hàm (Kinh Đại Bản Duyên) cho rằng Thái tử sinh ra từ hông bên hữu của Hoàng hậu, bước đi hay bước, tay chỉ trời, tay chỉ đất mà nói rằng: “Trên trời và dưói đất chỉ có Ta là hơn cả“. Bấy giờ, một hào quang kỳ diệu… chiếu khắp mưòi nghìn thế giới, các thế giới đều chấn động, rung động.


Ba mươi hai tướng tốt


Sau khi Thái tử Tất-Đạt-Đa đản sinh, vua cha Tịnh-Phạn triệu tập các vị tinh thông tướng số đến tiên đoán vận mệnh cho Thái tử. Các vị xem tướng xong, đồng tâu lên rằng: “Thái tử có đủ 32 tướng tốt của một Bậc Đại nhân, thật hiếm có trên đời. Đây là những dấu hiệu báo trước Ngài sẽ là Bậc vĩ nhân đệ nhất trong thiên hạ. Nếu Ngài làm vua, sẽ là vị Chuyển luân Thánh vương; nếu xuất gia tu hành, Ngài sẽ là Bậc Đại Giác Ngộ”.


Nhà vua  truyền lệnh cho các thợ điêu khắc tài giỏi trong nước tạc tượng Đức Phật theo mẫu vẽ ấy. Nhưng không người thợ nào dám nhận nhiệm vụ, vì “Sắc tướng Đức Thế Tôn vạn lần cao quý, siêu tuyệt trần gian; nếu không chuyển tải được những đức tướng ấy trên tượng thì e đắc tội với Ngài”.


Có một vị Thiên nhân chuyên về kiến trúc tên Tỳ-Thủ Yết-Ma hóa thân làm thợ mộc, yết kiến nhà vua xin nhận việc. Chỉ sau một ngày, vị Trời ấy đã tạc xong pho tượng Đức Phật bằng gỗ trầm hương, cao 7 thước mộc, mặt và tay chân đều màu vàng tía. Nhà vua vừa trông thấy bức tượng, phát sinh đức tin thanh tịnh, chứng Nhu thuận nhẫn, bao nhiêu nghiệp chướng phiền não đều được tiêu trừ (kinh Đại thừa công đức tạc tượng Phật – Đại chính Tân tu Đại tạng kinh).  Các tài liệu Phật học mô tả 32 tướng tốt của Đức Phật có đôi chỗ khác nhau, nhưng tựu trung có thể kể ra như sau:


1- Đỉnh đầu có nhục kế.
2- Tóc màu xanh đậm, xoăn thành vòng theo chiều bên phải.
3- Trán rộng và bằng phẳng.
4- Khoảng giữa hai chân mày có một sợi lông trắng mịn.
5-Mắt xanh biếc, mi dài như mi ngưu vương.
6- Có đủ 40 răng.
7- Răng nhỏ và đều khít.
8- Răng trơn láng, trắng trong như ngọc.
9- Chân răng rất sâu, không khuyết hở.
10- Lưỡi rộng và dài, có thể chạm đến chân tóc trên trán.
11- Nước trong cổ họng có vị ngọt thơm.
12- Quai hàm như hàm sư tử
13- Giọng nói trong ấm và vang xa như tiếng Phạm vương.
14- Thân hình thon cao.
15- Da mịn màng, màu như vàng ròng, bụi không thể bám vào.
16- Lông trên mình màu xanh và mềm mại, đều xoay tròn theo chiều bên phải.
17- Mỗi lỗ chân lông chỉ có một sợi lông mọc.
18- Bảy chỗ bằng phẳng và đều đặn.
19- Nửa thân trên như thân sư tử.
20- Không có khuyết lõm giữa hai vai.
21- Hai tay buông thỏng dài đến đầu gối.
22- Đầu cánh tay trắng tròn.
23- Ngón tay thon dài.
24- Tay chân mềm mại.
25- Lòng bàn chân có đủ 1.000 xoáy trôn ốc.
26- Kẻ ngón chân có màng da lưới.
27- Âm tàng như mã vương.
28- Đùi như lộc vương.
29- Gót chân thon, tròn đẹp.
30- Mắt cá chân tròn, không lộ ra.
31- Mu bàn chân cao và đều đặn.
32- Lòng bàn chân bằng phẳng, có hình bánh xe.


Hình ảnh đức Thế tôn đản sinh qua lối nhìn của A Tư Đà


Ngày Thái Tử Tất Đạt Đa (Shirdarta) đản sinh là ngày hội vui lớn của toàn vương quốc. Dân chúng xa gần kéo về kinh đô Kapilavastu ăn mừng. Một vị Đạo sư già tên là Asita (A Tư Đà) cũng từ nơi ông tu hành trên núi Himalaya (Hy mã lạp sơn) đến cung vua để chào mừng và xem tướng Thái tử.


Gặp Thái tử, đạo sĩ Asita bỗng nhiên chắp tay vái chào với thái độ hết sức cung kính. Đạo sĩ tuy cuời mà vẻ mặt thoáng buồn. Được hỏi vì cớ sao, Đạo sĩ Asita trả lời là ông mừng vì Thái tử tương lai sẽ thành Phật, bậc giác ngộ và thượng, nhưng ông buồn vì ông tuổi đã quá cao, ắt phải qua đời mà không được vị Phật tương lai trực tiếp giáo huấn, giác ngộ.  Trong kinh Sutta-Nipata (Kinh Tập, 101), có kể truyện đạo sĩ Asita đang tu trên núi Tuyết sơn, được chư Thiên mách bảo, bèn xuống núi, đến thành Kapilavastu xem tướng cho Thái tử.


Thấy Thái tử chói sáng   –   Rực rỡ như vàng chói, –  Trong lò đúc nấu vàng,  Được thợ khéo luyện thành   Bừng sáng và rực rỡ,   Với dung sắc tuyệt mỹ…  Sau khi thấy Thái tử,   Chói sáng như lửa ngọn,  Thanh tịnh như sao Ngưu,  Vận hành giữa hư không,   Chói sáng như mặt trời,  Giữa trời thu mây tạnh.  Ấn sĩ tâm hân hoan  Được hỷ lạc rộng lớn“.


Và đạo sĩ Asita nói là Thái tử tương lai sẽ tu chứng Phật quả, vì lòng từ thương xót chúng sinh mà truyền bá chính pháp trên thế gian này.”Thái tử này sẽ chứng, Tối thượng quả Bồ đề, Sẽ chuyển bánh xe Pháp, Thấy thanh tịnh tối thẳng, Vì lòng từ thương xót, Vì hạnh phúc nhiều người, Và đời sống phạm hạnh, Được truyền bá rộng rãi“.


Nhưng vì nghĩ mình đã già, không còn sống được bao lâu nữa, để có thể trực tiếp nghe Đức Phật thuyết pháp, cho nên đạo sĩ buồn và nói: “Thọ mạng ta ở đời, Còn lại không bao nhiêu, Đến giữa đời sống Ngài, Ta sẽ bị mệnh chung. Ta sẽ không nghe Pháp, Bậc tinh cần vô tỷ, Do vậy ta sầu não, Bất hạnh và khổ đau…” (Kinh Tập, 103)


Kho tư liệu về  đức Phật đản sinh


Thời gian gần đây, nhiều học giả đã nỗ lực xây dựng lại cuộc đời Đức Phật lịch sử – bậc Thánh Triết của dòng họ Thích-ca (‘Saakyamuni). Tác phẩm “Cuộc Đời Đức Phật qua Truyền Thuyết và Lịch Sử” (The Life of the Buddha as Legend and History) của ông E. J. Thomas (1927) là quyển cổ điển nhất.


Một tác phẩm uyên bác quý báu thứ hai là của Tỳ-kheo ~Nyaa.namoli. “Cuộc Đời Đức Phật” (The Life of the Buddha) (1972). Tác phẩm này bao gồm những bản dịch chọn lọc từ kinh điển Pali và các bản sớ giải đã được sắp xếp và xác định tác giả, chẳng hạn như được những vị đệ tử trực tiếp của Đức Phật như Ngài A-nan-đa (Ananda), Ưu-ba-ly (Upaali) trùng tuyên, hoặc các bản giải thích của những nhà sớ giải truyền thống.


Khi làm việc với các tham khảo liên hệ đến các sự kiện lịch sử quý hiếm này, một cách khác của việc xây dựng lại cuộc đời Đức Phật là phải chú ý nghiêm túc đến những tư tưởng triết học mà Ngài đã trình bày, và làm thế nào để phản ánh những triết lý ấy qua đời sống và hạnh nguyện của Ngài. Một nỗ lực như vậy đã được thể hiện qua tác phẩm Con Đường Sĩ-Đạt-Ta (Siddhatha): Cuộc Đời Đức Phật (The Way of Siddhartha: A Life of the Buddha) xuất bản năm 1982.  


Xã hội Ấn Độ khi Phật đản sinh


Trước khi Đức Phật ra đời vài trăm năm, nền văn minh Ấn Độ nằm ở các khu vực thượng lưu sông Hằng như Kuruksetna, Pancàla, Matsya và Suracena … Ở thời kỳ này, trong tầng lớp Bà-la-môn đã hình thành quan điểm “trung quốc” mà họ gọi là Medhyadesa, tức chỉ cho trung tâm văn hóa, chính trị quốc dân (về sau thuật ngữ trung quốc được kinh sách Phật giáo dùng để chỉ cho nơi có Phật pháp lưu hành).


Trong khi các quốc gia ở phía Nam và phía Đông thì bị xem như chưa tiếp xúc được với nền văn minh trung quốc, như các nước Kosala (Câu-tát-la), Kase (Ca-thi), Videba (Vi-đề-ba). Riêng nước Magadha thì từ thời kỳ A-thát-bà Phệ-đà đến Kiền-đà-la đều xem là không có văn hóa, hạ đẳng.


Đến thời đại Đức Phật ra đời thì cuộc vận động văn hóa đã làm cho vũ đài chính trị, kinh tế gần như đảo lộn. Các quốc gia mạnh trước kia đã dần suy yếu. Các thủ phủ như Savathi (Xá-vệ) thuộc Câu-tát-la, Rajagaha (Vương-xá) thuộc Ma-ha-đà, Kosambi (Kiều-thưởng-di) thuộc Vamsa hay Vasali (Phệ-xá-ly) thuộc Bạt-kỳ … đều trở thành những đô thị lớn nổi tiếng.


Các quốc gia này tuy ảnh hưởng văn hóa Bà-la-môn, tuy có giống người Aryan nhưng không phải từ Trung quốc di cư đến, huyết thống của họ đã có pha trộn nhiều chứ không thuần chủng, nên việc hình thành một nền văn minh mới là điều hiển nhiên. Đặc biệt là ở Ma-ha-đà vào thời Đức Phật, ngoài Câu-tát-la ra thì không có một vương quốc nào cường thịnh bằng.


Tương truyền thời vua Tần-bà-sa-la, ở Ma-ha-đà đã đặt ra niên lịch riêng (cứ 5 năm lại có 1 năm nhuần) và tất cả ngoại đạo Bà-la-môn đều áp dụng theo. Nền văn minh này dần dần chiếm ảnh hưởng lớn, chỉ còn lại sự tranh hùng giữa Câu-tát-la và Ma-ha-đà, đến cuối thời đại Đức Phật, Ma-ha-đà đã chiếm ưu thế rõ rệt.


Vì vậy nếu căn cứ theo quan điểm lịch sử để luận thì ta có thể xem Phật giáo là sản phẩm của văn minh Ma-ha-đà.  Về thứ tự giai cấp, từ xưa Ấn Độ vẫn xem Bà-la-môn là trên hết, kế đến là Sát-đế-lợi, Phệ-xá rồi Thủ-đà-la. Đến thời kỳ này thì do Đức Phật xuất hiện từ dòng Sát-đế-lợi, thứ tự giai cấp này cũng có phần thay đổi.


Bằng chứng là trong tư tưởng thời kỳ trước nặng về hình thức, tĩnh tại và nhuốm nặng chất thi ca, hình nhi thượng; đến thời kỳ Đức Phật thì tư tưởng thực tế, năng động và thiên về hình nhi hạ, gần gũi với con người hơn. Nói như một học giả người Nhật – Kimura Taiken, nếu cho văn minh thời trước là văn minh Bà-la-môn thì có thể nói văn minh thời Đức Phật là văn minh Sát-đế-lợi.


Niên đại về Phật lịch


Các vấn đề về “Phật lịch” và niên đại của Đức Phật đã được các học giả  đề cập trên nhiều quan điểm khác nhau. Thậm chí trong các giới tu sĩ Phật Giáo cũng đã có những quan điểm bất đồng. Điển hình như các nước Phật Giáo Nam tông cùng thống nhất tổ chức lễ tưởng niệm “Ngày Nhập Niết-bàn của Đức Phật lần thứ 2500” vào năm 1956 sau Tây lịch.


Ở Tích Lan, Miến Điện, Ấn Độ, Thái Lan và một số nước Phật Giáo Nam tông khác, hầu hết những buổi lễ tưởng niệm ấy đều được sự ủng hộ và giúp đỡ của chính phủ và những thành viên trong Giáo Hội. 


Tuy nhiên, trong các nước Phật Giáo Bắc tông, đã có những quan điểm bất đồng nảy sinh. Phần lớn các học giả phương Tây đã bác bỏ truyền thuyết của Tích Lan, một trong những truyền thống cho rằng niên đại mà Đức Phật Nhập Niết-bàn là năm 544 trước Tây lịch, được thể hiện qua cách lựa chọn năm 1965 làm năm tưởng niệm Đức Phật Nhập Niết-bàn lần thứ 2500.


Truyền thống này không thể truy nguyên (tức không thể có mặt) trước tiền thế kỷ thứ 11. Nó cũng không phù hợp với bảng niên đại của các vị Vua nước Ma-kiệt-đà. Sự tuyên bố của các nước Nam tông về tính chính thống trong niên đại của Phật chủ yếu là dựa trên truyền thuyết rằng các Thầy Tỳ-kheo đã đưa ra một nguyên tắc là phải “điểm vào một chấm” trong Luật tạng mỗi khi kết thúc một mùa An Cư Kiết Hạ hàng năm.


Tin tưởng rằng truyền thống “chấm vào một điểm” không hề bị gián đoạn từ trước đến giờ, họ cho rằng bảng niên đại dựa trên số lượng của các dấu chấm trong các Luật tạng thì không thể nào sai được.


Tuy nhiên, cũng có sự nghi ngờ, vì cũng đã có một truyền thuyết tương tự do Sanghabhara, người đã đặt chân đến đất nước Trung Hoa vào năm 489 sau Tây lịch, đề xướng. Ngài cũng tuyên bố rằng các Thầy Tỳ-kheo tại Ấn Độ trước đó cũng đã điểm một chấm vào trong Luật tạng của họ vào mỗi lần An Cư Kiết Hạ, nhưng có điều là Ngài đã đếm được tất cả 975 chấm.


Số lượng dấu chấm này cho ta kết luận rằng Đức Phật nhập Niết-bàn vào năm 486 trước Tây lịch và năm Đản sinh của Đức Phật là năm 566 trước Tây lịch. Theo giáo sư Pachow, “sự ghi nhận dấu chấm” nhằm để chứng tỏ rằng niên đại mà Đức Phật Nhập Niết-bàn vào khoảng năm 483 sau Tây lịch. Điều đó phù hợp với cách tính của W. Geiger, dựa trên nền tảng của những bảng ký sự niên đại bằng tiếng Pali.


Học giả Hakuji Ui đã xác định lại niên đại của Đức Phật là năm 466 – 386 trước Tây lịch, vốn dựa trên các truyền thuyết của các ấn bản Kinh điển Phật Giáo bằng ngôn ngữ Trung Hoa, Tây Tạng và Sanskrit điển hình như Samayabheda-uparacana-cakra. Bởi vì niên đại của vua A-dục, sự bắt đầu cho những nghiên cứu về bảng niên đại, phải được thay đổi trong quan niệm của sự nghiên cứu gần đây.


H. Nakamura đề nghị rằng bảng niên đại của H. Ui phải được thay đổi là 463 –383 trước Tây lịch, dựa trên những quan điểm chính mà ông đã nghiên cứu.  


Những nghiên cứu của Genmyò Ono và Hakuji Ui đã có ảnh hưởng đến giới học giả Trung Hoa. Thượng Tọa Yin-Shun, một học giả Trung Hoa, đã phê bình các giả thuyết về ngày của đức Phật của các nhà học giả Đông Nam Á và phương Tây, và cho rằng ngày Đức Phật nhập Niết-bàn là năm 390 trước Tây lịch. Nguyên nhân phủ nhận này cũng không khác nhau cho lắm so với Ui.


Trình bày một quan điểm tương đối dung hoà nhất của học giả châu Âu, giáo sư M. Winternitz đã nói rằng: “Khi chúng ta cân nhắc rằng có một chứng cứ có đầy đủ khả năng để chứng tỏ rằng Đức Phật là người đương thời với vua Tần-bà-sa-la và vua A-xà-thế, những người rất có khả năng sống vào thế kỷ thứ 5 và thứ 6 trước Tây lịch. Như vậy, sau đó ít nhất chúng ta có lý khi nói rằng các giả thuyết đáng tin cậy nhất là đặt cuộc đời đức Phật vào giai đoạn này.” 


Đại hội Phật giáo Thế giới họp kỳ II tại Tokyo (Nhật Bản), 1952, ghi ngày Phật đản sinh là ngày trăng tròn tháng Vesaskha của Ấn Độ, năm 624 trước Tây lịch. Ngày, tháng, năm này dựa vào truyền thống của Phật giáo Tích Lan. Theo đó, Phật lịch tính từ năm đức Phật nhập Niết bàn, năm 544 trước Tây lịch.  


Theo Edward J. Thomas trong cuốn “The life of Buddha as Legend and History“, ấn hành ở London năm 1956, thì ngày Đản sinh vào năm 563 trước Tây Lịch. Cách tính này dựa vào bia ký của triều đại các vua xứ Ma-kiệt-đà, vua A-dục và Chandagupta, liên hệ đến sự kiện lịch sử của đức Phật.  


Theo Lương Khải Siêu, trong tập “Phật học Nghiên cứu Thập bát thiên“, dẫn chứng từ “Thiện Kiến Luật” thì Phật nhập Niết Bàn vào năm thứ 35 vua Kinh Vương nhà Châu, hay là nhằm đời Ai Công năm thứ 7 nước Lỗ, tức trước Tây Lịch 485 năm; liền sau khi Phật nhập Niết bàn, Tôn giả Ưu-ba-ly (Upàli) kiết tập Luật tạng, lập nên bộ Thiện Kiến Luật.


Mỗi năm, vào ngày Tự tứ, bộ luật được dâng hương cúng dường và ghi vào phía sau một điểm (chấm). Ngài Tăng-già-bạt-đà-la (Sanghabhadra) đem bộ Luật sang Trung quốc vào đời Tề, năm 489 Tây lịch và dịch ra Hán văn tại chùa Trúc Lâm, Quảng Châu. Ngày Tự tứ năm ấy ghi đến điểm thứ 967 (Dựa vào đây để xác định năm Phật nhập Niết bàn).