Trang chủ Nghiên cứu 32 Tướng tốt của Đức Phật theo các bản kinh

32 Tướng tốt của Đức Phật theo các bản kinh

781

Kinh Sơ Đại Bổn Duyên (Trường A Hàm), kinh Tâm Thập Nhị Tướng (Trung A Hàm), kinh Đại Bổn (Trường Bộ), kinh Tướng (Trường Bộ), kinh Tập, kinh Tiểu Bộ… và một số rải rác trong kinh tạng Đại Thừa.v.v.

Mặc dù các kinh đều công nhận một vị Phật có đủ 32 tướng tốt[1], nhưng các kinh có nói về tướng tốt của Đức Phật lại có sự sai khác chút ít, nhưng qua những tướng mà nhiều bài kinh đều nói giống nhau nên chúng ta có thể rút ra được những tướng tốt của đức Phật như sau:

1. Túc Hạ An bình lập tướng (Tướng an ổn và bằng phẳng ở bàn chân). Dưới bàn chân của Ðức Thế Tôn, có tướng bằng phẳng đầy đặn, thật khéo an trụ, như cái hộp ấn, nó thản nhiên tùy theo chỗ cao thấp (nông cạn), chạm đến (đụng vào) đều tự cân bằng chính xác. Ðó là tướng thứ nhất (không bị bẻ, lật hay trẹo, hụt, vấp váp).

2. Thiên Phúc (Bức) Luân Tướng (Thiên Phúc Võng Cốc). Còn gọi Nhị Luân Tướng. Dưới bàn chân có tướng bánh xe ngàn tăm (căm), rất tươi thắm. Dưới mặt bằng hai chân của Thế Tôn, có hình bánh xe tròn ngàn căm, tên là “Thiên Phúc Luân” Các đường văn ấy đều phân minh rõ ràng tròn trặn đầy đủ. Ðó là thứ hai. Hai bánh xe, có ngàn bánh xe tròn, là tướng thồi phục ác ma oán địch, chiếu phá ngu si của vô minh. Gọi đúng là “Thủ túc luân tướng”. Lòng bàn chân có hiện tướng THIÊN PHÚC LUÂN của Phật. Có hình hai bánh xe Chuyển Pháp Luân. Tướng vi diệu này, có khi không hiện ở hai bàn chân, thì lại hiện nơi hai bàn tay. Vì trải qua nhiều đời quá khứ Phật đã vì Cha, Mẹ, Thầy, Bạn và Tất cả chúng sanh bôn ba khắp chỗ khắp trong ba cõi, đã làm các việc bố thí, cúng dường, cứu độ tất cả nên biểu thị cái tướng Pháp Luân Ấn này.

3. Trường Chỉ tướng hay Chỉ Tiêm Trường tướng. Các ngón tay chân của Ðức Thế Tôn thon dài mềm mại, dịu mềm hơn tất cả, như lụa Đâu la miên. Ðó là tướng tốt thứ ba. Trường chỉ tướng chỉ tiêm trường đoản trực thứ đệ dung hảo chỉ tiết sam sai. [Ðầu ngón và các ngón tay chân của Thế Tôn tròn búp thứ lớp thật đẹp, ngón tay dài, lóng đốt thẳng nhau].

4. Mang Võng tướng. Tướng mạng lưới mềm. Mỗi mỗi khoảng (kẽ) ngón tay, chân của Đức Thế Tôn có lớp da mỏng như màng lưới, mịn tợ như lụa Đâu la miên của trời Ðế Thích, có nét vẻ màu vàng kim. Ðó tốt thứ tư. (khi xếp tay lại thì tựa như biến mất, không thấy nếp nhăn của man võng).

5. Thủ Túc Chỉ, Viên Mãn Tiêm tướng. Các ngón tay chân (tròn búp) thon đầy. Các ngón tay và ngón chân của Ðức Thế Tôn, tròn mịn, bum búp, thon dài và đầy đặn càng nhìn càng ưa mến. Ðó là thứ năm. Thủ túc chỉ mang võng tướng, như nhạn vương trương chỉ tắc hiện, bất trương tắc bất hiện. [Tướng mạng lưới ở giữa kẽ tay chân, có sè tay thì mới có, không sè tay thì không có hiện ra].

6. Gót Chân tròn đầy, tối thắng hơn cả cõi Hữu tình. Gót chân của Đức Thế Tôn, dài rộng tròn đầy. Tướng vun tròn của mu bàn chân thật đặt biệt hơn tất cả chúng trong cõi Hữu tình.

7. Mu Bàn Chân nổi cao đầy đặn, mềm mại tương xứng với gót.
Mu bàn chân của Ðức Thế Tôn nổi cao đầy đặn mềm mại cùng với gót chân tương xứng nhau thật là kỳ diệu. Ðó là tướng tốt thứ bảy. [Tướng mu bàn chân cao đầy, khi chân bước giáp đất dấu không rộng không hẹp, màu sắc dưới chân như hoa sen đỏ, lưới dưới kẽ chân màu sắc như san hô, móng chân trong sáng như đồng đỏ. Màu sắc trên mu bàn chân in như vàng ròng, màu của lông trong xanh như lưu ly. Xinh đẹp như xen nhiều các bảo vật để chung vào trang sức].

8. Ðùi Vế thon tròn, Chân dài. Hai đùi vế của Đức Thế Tôn tròn trĩnh thon đẹp (như đùi của Lộc vương Lịch nê tà tiên). {腨膊 chuyên, thuần : cùng một nghĩa}. Ðó là thứ tám.

9. Ðứng thẳng bàn Tay úp lên đầu gối. Hai cánh tay của Đức Thế Tôn thẳng dài tròn đầy, đứng đưa tay duỗi xuống bàn tay bằng ngang và thoa lên đầu gối. Ðó là tướng tốt thứ chín.

10. Âm Tàng Tướng[2]. Âm tàng tướng của Đức Thế Tôn ẩn kín (tợ như Long chúa Tượng Mã). Ðó là tướng tốt thứ mười.

11. Lông tươi mướt màu xanh. Mỗi lỗ chân lông mọc một lông trên thân Đức Thế Tôn, tươi nhuận mềm mại với một màu xanh mướt đều xếp về phía bên phải. Ðó là tướng tốt thứ mười một. Mỗi chân lông, chỉ sanh một sợi lông. Lông màu xanh lóng lánh như màu của ốc cừ, lông xoay tròn về hướng phải.

12. Thân kim sắc, Lông, Tóc xanh biếc. Các đầu lông, tóc của Đức Thế Tôn đều mềm mịn, màu xanh biếc như lưu ly xanh và cùng hướng lên xoay về bên phải, toàn thân màu vàng ròng, ngắm nhìn rất ưa thích. Ðó là thứ mười hai.

13. Da mịn màng không dính bụi. Làn da trên thân thể của Đức Thế Tôn, mịn màng tươi nhuận, các chất nước bẩn, bụi bặm đều không thể đọng dính trên da. Ðó là tướng mười ba.

14. Thân sáng chói như vàng Diêm Phù Ðàn[3]. Trên làn da toàn thân của Đức Thế Tôn màu vàng ròng lóng lánh sáng rỡ trông đẹp như đài vàng diệu kim, các báu nhóm lại để trang nghiêm, các chúng trong cõi nhân thiên đều ưa thích nhìn ngắm và sinh tâm an lạc. Ðó là tướng tốt thứ mười bốn. [Kim sắc tướng phải so sánh như thế nào ? Luận đáp rằng : Nếu đem sắt để sánh với vàng thì màu của sắt sẽ không hiện rõ. Nay đem vàng cõi thế để so sánh với màu vàng “Kim tướng” của Phật thì màu vàng cõi thế không tỏ hiện. Và cứ như thế so sánh vàng của Diêm phù đàn, vàng trong biển lớn của vua Chuyển Luân, vàng của núi Tu Di, vàng anh lạc của cõi trời 33, vàng của Diệm ma thiên, vàng của Ðâu suất đà thiên, vàng của Tha hóa tự tại thiên tất cả các vàng vô lượng quí giá sáng chói đó; đều không sánh với màu vàng của thân Bồ Tát ! Như vậy đó, là màu vàng của “Kim sắc” tướng].

15. Bảy Chỗ đều đầy đặn. Hai chân, hai bàn tay, cổ và đôi vai của Đức Phật, bảy chỗ nầy đều đầy đặn. Là thứ mười lăm.

16. Kiên Ðảnh thật thù diệu. Trán và vai của Đức Thế Tôn tròn đầy thật là đặc thù mầu nhiệm. Ðó là thứ mười sáu.

17. Xứ Long Mãn tướng. Chỗ hủng nách của Đức Thế Tôn thật khác thường, vì rất đầy. Ðó là thứ mười bảy.

18. Dung Nghi đoan chính. Dung nhan và nghi cách của Đức Thế Tôn, đoan chính viên mãn. Ðó là mười tám.

19. Thân Tướng trang nghiêm. Thân tướng của Đức Thế Tôn to lớn nghiêm chỉnh và ngay thẳng và thật cân đối. Ðó là mười chín.

20. Thân Tướng hảo mãn như Nặc Câu Ðà. Dung mạo và thể tướng của Đức Thế Tôn, các bề cao rộng, tỷ lệ thật cân đối, toàn chu vi thể lượng tròn đầy tốt đẹp tợ như cây Liễu. (Nặc cù đà loại cây mềm cao to, tàn cây rộng mát Nyagrodha. Chỉ có ở Aán mới có. Còn có tên Ni câu đà v.v..). Ðó là hai mươi.

21. Hàm Ức uy dũng quảng đại. Phần thân trên của Đức Thế Tôn từ ngực đến cằm, vóc dáng nở rộng, dung nghi uy dũng (như Sư Tử chúa). Là hai mươi mốt.

22. Thân sáng chói. Vầng ánh sáng chung quanh đầu mặt của Đức Thế Tôn, thường sáng là một tầm. (một trượng). Là tướng hai mươi hai.

23. Bốn mươi Răng trong trắng. Hàm răng của Ðức Thế Tôn đủ 40 cái, bằng đều không so le, sít kín nhau, chân sâu và trong trắng như ngọc “Kha Tuyết”. Ðó là hai mươi ba. [Tướng hai mươi bốn là, nói về răng, Thế Tôn có 40 cái răng, không nhiều và cũng không ít đối với con người. Con người có 32 cái răng, xương hơn 300, 9 xương đầu. Bồ Tát răng 40, xương đầu chỉ có 1. Bồ Tát xương răng nhiều, xương đầu ít. Còn con người thì xương răng ít xương đầu nhiều. Do vậy nên nói Bồ Tát khác với người thường].

24. Răng và bốn Răng Cửa đều trong suốt. Bốn răng cửa của Đức Thế Tôn, trắng tươi và bén nhọn. Là hai mươi bốn.

25. Cổ có Mạch Hầu biến các thức ăn thành thượng vị. Tất cả hương vị khi đến với Đức Thế Tôn đều trở thành “ngon đặc biệt”. Sở dĩ có như vậy, vì ngay nơi hầu mạch (mạch tại cổ) có công năng dẫn thẳng đến các mạch chi tiết của toàn thân. Các bệnh đàm ấm phong nhiệt, đều bị vô hiệu với thân thể của Đức Thế Tôn. Cơ thể miễn nhiễm tuyệt vời đó làm tiêu hoại tất cả sự xâm tổn đến các mạch, nổi chìm co giãn trong thân của Ngài. Ðó là hai lăm.

26. Lưỡi che trùm cả mặt. Tướng lưỡi của Đức Thế Tôn, trong sạch dài rộng và mỏng, công năng của lưỡi có thể che trùm cả mặt cho đến mé tóc trán và đến mang tai. Ðó là tướng thứ hai sáu.

27. Tiếng Nói âm vang trong suốt như Tần Già Âm. Phạm âm từ vận giọng nói của Thế Tôn, lan rộng hòa nhã dịu dàng, bất luận thính chúng nhiều ít, xa gần độ nghe được, đều bình đẳng giống nhau. Chấn âm của giọng như tiếng trống trời, điệu uyển chuyển của thanh âm mềm như “Tần già thanh” (giống chim nói pháp cõi Tịnh Ðộ). Là hai mươi bảy.

28. Lông Mi xanh biếc, dày và thẳng. Ðôi chân mày trên đôi mắt của Đức Thế Tôn, màu xanh biếc lóng lánh, xếp lớp nằm nghiêng chỉnh tề không rối.

29. Ðôi Mắt trong xanh ngời sáng. Ðôi tròng mắt của Đức Thế Tôn, phần trắng trắng tươi, phần đen thì xanh đậm, trong xanh tươi trắng phân minh, chỗ giáp màu hơi ửng hồng. Là hai mươi chín.

30. Mặt Tròn sáng như vầng Trăng tròn. Khuôn mặt của Đức Thế Tôn, tròn sáng như trăng đầy, chân mày cong như cánh cung của trời Thiên Ðế Thích. Là thứ ba mươi.

31. Tướng Bạch Ngọc Hào. Khoảng giữa hai chân mày của Đức Thế Tôn có tướng Bạch Hào. Nhúm lông trắng nầy xoay tròn về phía hữu, mềm mại như tơ Đỗ la miên (tơ cõi trời), tươi trắng sáng suốt như ngọc “Kha tuyết”. Là ba mươi mốt.

32. Khuôn Trán như Ô Sắc Nị Ca. Giữa khoảng chót trán đến đỉnh đầu của Đức Thế Tôn nổi lên một cục tròn gọi là Ô sắc nị ca (Nhục kế) Nơi đây cũng là “Ðảnh Tướng” (tựa như Thiên bảo cái). Ðó là tướng thứ ba mươi hai [Ba mươi hai là, tướng lông trắng, chùm lông trắng nhóm tròn giữa hai đầu chân mày, ngay bằng giữa không cao không thấp. Trắng ngần trong suốt xoay tròn về phía phải dài 5 thước. Các tướng sư nói : Trong cõi bao la, Thái Tử có đầy đủ ba mươi hai tướng của bậc Ðại nhân vậy]. Như vậy là 32 tướng tốt của đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, không riêng gì đức Phật Thích Ca mà các đức Phật khác cũng đều có đủ tướng tốt như thế.

Đó là nói 32 tướng tốt, chứ kỳ thực một vị Phật thì còn phải “ba mươi hai tướng tốt, tám mươi cách đẹp” đầy đủ mười hiệu: “Phật là đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chính Giác, đầy đủ mười hiệu”[4]. thì mới được gọi là một vị Phật.

Thích Giác Minh Hữu

Chú Thích:
1. Thích Trí Tịnh, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Quyển Thứ Hai – Phẩm Tín Giải Thứ Tư, Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, tr. 182.
2. Bộ phận sinh dục.
3. Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Trí Tịnh Toàn Tập – Tập 3 – Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, Phẩm Như Lai Thập Thân Tướng Hải Thứ Ba Mươi Bốn, Tôn Giáo, Hà Nội, 2011, tr.171..
4. Hán Dịch: Phật Đà Da Xá Trúc Phật Niệm, Việt Dịch: Tuệ Sỹ (2007). Kinh Trường A – Hàm Tập 1, 2. Kinh Du Hành, Nxb Tôn Giáo, Hà Nộ