Trang chủ Tin tức Thông báo Quy chế sử dụng khuôn dấu của các Tự , Viện ,...

Quy chế sử dụng khuôn dấu của các Tự , Viện , Tịnh Xá , Tịnh Thất , Niệm Phật Đường

84

         GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM                                CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                     HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ                                                          Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

                         —— o0o ——                                                                        ——— O0O ———-

QUY CHẾ SỬ DỤNG KHUÔN DẤU

CỦA CÁC TỰ, VIỆN, TỊNH XÁ, TỊNH THẤT, NIỆM PHẬT ĐƯỜNG

        Quy chế sử dụng khuôn dấu của các Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường được ban hành nhằm mục đích:

        – Quy định cụ thể chức năng, quyền hạn sử dụng khuôn dấu của Trụ trì.

        – Quy định việc đóng dấu và gởi đến cơ quan liên hệ theo chức năng, nhiệm vụ của một cơ sở tôn giáo.

CHƯƠNG I
CHỨC NĂNG, QUYỀN HẠN
 
Điều 1 : Đơn vị cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là các Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường (sau đây gọi chung là Tự viện).
 
Điều 2: Khuôn dấu của Tự viện có giá trị pháp lý thực hiện trong nội bộ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
 
Điều 3: Các công tác Phật sự có liên quan đến Tự viện, trụ trì phải thông qua Ban Đại diện Phật giáo quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ban Đại diện Phật giáo huyện), UBND phường, xã, thị trấn (sau đây gọi chung là UBND xã) để được hỗ trợ và giải quyết.
 
CHƯƠNG II
PHƯƠNG THỨC SỬ DỤNG KHUÔN DẤU
 
Điều 4: Phương thức sử dụng khuôn dấu của các Tự viện được quy định như sau:
 
– Khuôn dấu của Tự viện dùng để đóng dấu vào các loại văn bản, giấy tờ: Thư mời, đơn đề nghị Ban Đại diện Phật giáo huyện, UBND xã hỗ trợ giải quyết Phật sự của Tự viện, đơn đăng ký lễ tôn giáo hằng năm tại Tự viện, đơn đăng ký người nhập tu, hợp đồng, giấy ủy quyền và các loại văn bản, giấy tờ khác mang tính nội bộ Tự viện theo quy định của Giáo hội, pháp luật Nhà nước.
– Nơi văn bản gửi đến là Ban Đại diện Phật giáo huyện, UBND xã.
 
– Nếu gửi đến Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh, Thành và Cơ quan chức năng cấp tỉnh sau khi địa phương không thể giải quyết, cần có sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền cao hơn.
 
Điều 5: Các loại giấy tờ có đóng dấu của Tự viện không được gửi vượt cấp đến Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Cơ quan Nhà nước cấp Trung ương và cấp tỉnh, nếu vụ việc đang được cấp huyện nghiên cứu giải quyết.
 
Điều 6: Việc gửi văn bản đến cấp cao hơn, ngoại trừ trường hợp địa phương không giải quyết được, nhưng phải theo trình tự của Luật khiếu nại, tố cáo. Điều 7: Thẩm quyền ký và quản lý khuôn dấu Tự viện:
 
a. Thẩm quyền ký:
 
– Chỉ có Tăng Ni Trụ trì, hoặc Phó trụ trì được Trụ trì ủy quyền mới có quyền ký các loại văn bản giấy tờ và đóng dấu của Tự viện.
 
– Không được đóng dấu khống chỉ vào các loại văn bản, giấy tờ được quy định tại điều 4 của Quy chế này mà chưa có chữ ký của người có thẩm quyền như quy định, hoặc đóng dấu vào văn bản, giấy tờ chưa ghi nội dung đầy đủ.
 
– Khi đóng dấu lên các loại văn bản giấy tờ phải rõ nét, phải đóng dấu trùm lên 1/3 chữ ký về bên trái.
 
b. Quản lý khuôn dấu:
 
– Khuôn dấu phải được cất giữ tại Tự viện, không được mang khuôn dấu ra khỏi Tự viện. Trụ trì, hoặc người được giao giữ và bảo quản khuôn dấu phải có trách nhiệm quản lý chặt chẽ.
– Người được trụ trì giao bảo quản khuôn dấu phải là người trung thực, có trách nhiệm, có trình độ chuyên môn về văn thư và phải chiu trách nhiệm trước Giáo hội và pháp luật về việc giữ và đóng dấu.
 
– Khuôn dấu phải được bảo quản cẩn thận, không được làm biến dạng khuôn dấu.
– Không được giao khuôn dấu và việc đóng dấu cho người không có trách nhiệm.
– Mực đóng dấu phải dùng theo màu đỏ do Bộ Công an hướng dẫn.
 
Điều 8: Việc đóng dấu không đúng quy định, lợi dụng việc bảo quản, sử dụng khuôn dấu Tự viện để hoạt động trái với Hiến chương GHPGVN và pháp luật Nhà nước, vị trụ trì, hoặc người được giao bảo quản sẽ bị xử lý hành chánh, hoặc truy tố trước pháp luật tùy mức độ vị phạm. Nếu để người không có trách nhiệm sử dụng khuôn dấu của Tự viện vào các mục đích khác, hoặc để mất khuôn dấu không có lý do chính đáng, trụ trì, hoặc người được giao bảo quản khuôn dấu phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý trước Giáo hội và pháp luật.
 
Điều 9: Trường hợp vì lý do khách quan, khuôn dấu của Tự viện bị mất, vị trụ trì phải kịp thời báo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền để truy tìm và thông báo huỷ khuôn dấu bị mất và tiến hành thủ tục khắc lại khuôn dấu mới theo quy định của pháp luật. Khuôn dấu đang sử dụng bị mòn, hỏng không còn đúng quy định, phải xin phép khắc lại khuôn dấu mới, nộp lại dấu cũ cho cơ quan chức năng có thẩm quyền.
 
CHƯƠNG III
HIỆU LỰC THI HÀNH VÀ SỬA ĐỔI
 
Điều 10: Quy chế sử dụng khuôn dấu của các Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường gồm có 3 chương và 11 điều.
 
Điều 11: Quy chế này được Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhất trí thông qua ngày 10 tháng 9 năm 2009 và có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Chỉ có Ban Thường trực Hội đồng Trị sự mới có quyền sửa đổi nếu xét thấy cần thiết trong quá trình triển khai thực hiện.
 
 
TM. BAN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ        
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM                
Phó Chủ tịch thường trực                         
Phó Trưởng ban thường trực Ban Tăng sự TW          
(đã ký)                                       
Hòa thượng THÍCH TỪ NHƠN