Trang chủ Văn hóa Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc

Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc

616

Đạo thờ Mẫu là đạo gốc nguyên thủy của dân tộc ta, là một hiện tượng tín ngưỡng văn hóa tâm linh độc đáo. Khắp nơi trên đất nước ngoài chùa là nơi thờ Phật, ngoài ra chúng ta còn đền, đình, am, miếu để thờ các vị thần thánh mà ta tín ngưỡng với những kiến trúc độc đáo, cổ xưa có lịch sử hàng trăm năm.

Hải Phòng cũng có rất nhiều đền, đình, miếu thờ các vị thánh hiền đặc biệt là chúa bà Năm phương ( Chúa Bà Ngũ Phương Bản Cảnh hay Vũ Quận Quyến Hoa Công chúa ). Điển tích về chúa bà thì có nhiều giai thoại. Với người dân Hải Phòng, Bà chúa Năm Phương ngự trị trong tiềm thức như một vị thánh mẫu có nhiều quyền năng với những câu chuyện thần bí, đã nhiều lần hiển linh để phù hộ cho nước, che chở cho dân. Nhưng, rất ít người biết rằng, bà vốn được sinh ra trong một gia đình họ Vũ tại làng cổ Gia Viên (xưa có tên là làng Cấm), thuộc Tổng Gia Viên, huyện An Dương, tỉnh Hải Dương, nay thuộc quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Bà sinh ra và lớn lên với một dung nhan tươi tốt, mọi bề đảm đang. Khi Đức Ngô Quyền khởi binh chống lại quân Nam Hán, bà được phong nữ tướng lo việc quân lương, tạo sức mạnh giúp quân ta đánh tan quân xâm lược trên sông Bạch Đằng năm 938, mở ra một kỷ nguyên độc lập cho đất nước sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc. Với những đóng góp to lớn của Bà, Đức Vương Ngô Quyền đã phong tước hiệu cho bà là Ngô Vương Vũ quận chúa.

Trải qua thời gian, với nhiều biến cố của lịch sử, trong tiềm thức người dân Hải Phòng, ngôi đền thờ Bà Vũ quận Quyến Hoa Công chúa trở thành chốn linh thiêng với nhiều điều linh ứng.

Toàn cảnh đèn Chúa Bà năm phương nhìn từ trên cao 

Tôi đặc biệt thích đến các đền ở Hải Phòng có thờ Bà Chúa năm phương để tìm hiểu về lịch sử của bà và thắp nén tâm hương cầu cho Quốc thái dân an, nhân dân Hải Phòng hưng thịnh và phát triển. Tình cờ tôi phát hiện ra một ngôi đền thờ Chúa bà với phong cách đặc trưng của văn hóa dân gian trong kiến trúc chùa, đình vào thời hưng thịnh phát triển nhất của đạo Mẫu. Đền được xây dựng lại trên khuôn viên đã được cấp phép,  do Công ty TNHH MTV thương mại Đầu tư Phát triển đô thị và các nhà hảo tâm công đức xây dựng lại và hoàn thiện từ năm 2012, giai thoại, sự tố linh, linh thiêng và những điều kỳ bí của ngôi đền đã được nhân dân và du khách thập phương khắp nơi ghi nhớ và truyền tai nhau. Tiền thân là một miếu nhỏ nằm ở vỉa hè đường Lê Hồng Phong. Sau khi dự án khu đô thị mới Ngã Năm sân bay Cát Bi mở ra nên buộc phải di dời đền và đưa về tầng 21 của tòa nhà Cát Bi Plaza để thờ tạm. Năm 2010 được sự đồng ý của Sở văn hóa và các cấp chính quyền địa phương Công ty đã xây lại khang trang, tọa lạc trong khuôn viên của trung tâm thương mại Cát Bi Plaza. Diện tích đền trên 300 m2. Xây theo kiến trúc đền đình của Việt Nam.

Phía chính diện cổng đền 

Tháng 6/2012 đền thờ Chúa bà năm phương hoàn thiện. Đền nằm hướng Tây của thành phố. Trong đền thờ Chúa bà Năm Phương ngoài thờ chính là Chúa bà ra đền còn thờ cô Quỳnh, cô Quế , tương truyền là 2 cô theo hầu chúa bà. Bước từ bên ngoài vào đền là cổng chính thiết kế theo phong cách cung đình xưa để tưởng nhớ theo tích Chúa bà hiển linh là Công chúa. Bậc thềm tam cấp dẫn vào đền có đặt 2 tay vịn hình sóng biển ngụ ý muốn người dân Hải Phòng cưỡi sóng lớn, vươn ra khơi và ngày một phát triển khẳng định vị thế và tầm vóc của người Hải Phòng. Toàn bộ đền bên trong được làm bằng gỗ Lim và mời thợ từ trong Nam Định ra thiết kế và làm tại đền. Hình ảnh Long, Ly, Quy, Phụng của đền được lấy từ nguyên mẫu kiến trúc từ đời nhà Trần là thời kỳ hưng thịnh nhất của Phật giáo và đạo Mẫu tại Việt Nam. Chính giữa điện là tượng Chúa bà  và hai bên tả hữu cô Quỳnh cô Quế được đúc bằng thạch cao, sơn son thiếp vàng. Tất cả tường bao quanh đền cũng được làm bằng đá nguyên khối và trạm trổ hình hoa sen để nhấn mạnh quốc hoa của dân tộc và mong muốn đền sẽ được nhân dân khắp nơi trên toàn quốc biết đến về yếu tố văn hóa và tâm linh, tiếng vang của đền sẽ vang xa nhưng nhẹ nhàng, thấm sâu lan tỏa như hương hoa sen. Tọa lạc ngay ngoài cửa chính là hai ông Thanh Long, Bạch Hổ  được sơn, tạc bằng xi măng do nghệ nhân từ Huế ra thiết kế . Ngoài và trong sân là cây đa, Hoàng Lan, Mít, Me và hòn non bộ tạo khuôn viên mang kiến trúc của đình chùa.

Tượng chúa bà Năm Phương 

Đền thờ Chúa bà Năm phương trong khuôn viên trung tâm thương mại Cát Bi Plaza thực sự là một kiến trúc độc đáo kết hợp giữa văn hóa và tín ngưỡng tâm linh một cách hài hòa và tinh tế. Mỗi khi du khách đến vãng cảnh thăm quan đều có cảm giác thư thái và thanh thản bởi không gian tĩnh lặng, khoáng đạt và âm nhạc của đền mang lại. Mọi buồn phiền, âu lo đều được bỏ quên lại ngoài cửa đền, tất cả đều thư thái nhẹ lòng sau khi đốt nén tâm hương dâng lên Chúa bà. Đó là cảm giác kỳ lạ mà ngôi đền mang đến cho hầu hết du khách.

Ngoài địa chỉ thờ Chúa bà tại khuôn viên trung tâm thương mại Cát Bi Plaza, Chúa bà còn được biết đến ở những địa danh như: Bát hương Vườn hoa Chéo, Đền Cấm, Đền Tiên Nga,  Miếu thờ Cây Đa 13 gốc. Mỗi một nơi thờ mang một phong cách dựa theo điển tích riêng, đều có chung một quan điểm là cầu cho quốc thái, dân an, đất nước thái bình thịnh vượng.

Đền thờ Chúa bà Năm phương không chỉ là một nét văn hóa về tín ngưỡng tâm linh mà còn là một địa chỉ văn hóa, hy vọng trong tương lai không xa sẽ là một địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh thu hút được du khách không chỉ của địa phương mà còn khắp nơi trên Đất nước mình.

Xin giới thiệu thêm một số hình ảnh tại Đền Chúa bà Năm Phương tại Cát Bi – Plaza: