Trang chủ Tu học Bước đầu học Phật 38 phúc báu lớn nhất – phần 11

38 phúc báu lớn nhất – phần 11

97

Phần 11: Những ai đạt được vậy là kẻ chiến thắng, ở mọi lúc mọi nơi. Họ tìm thấy hạnh phúc ở khắp cùng các chốn, và đây chính thực là phúc báu tối thượng.

Trọn bài kinh về ba mươi tám phúc báu nhằm chỉ cho chúng ta nơi để tìm ra chân hạnh phúc – không phải là thứ hạnh phúc tạm bợ có thể mất đi, mà là một thứ hạnh phúc sẽ còn mãi với ta và hoàn toàn bền vững.

Các Bậc Giác Ngộ không thể đánh mất an lạc nội tâm bởi lẽ không còn ai ở đó để được hay mất bất cứ điều gì. Chỉ có tâm, trí và thân sẽ tiếp tục hoạt động một khi còn có đủ nguồn năng lượng. Những Bậc ấy luôn là kẻ chiến thắng dù ở đâu và chứng nghiệm được phúc báu tối thượng.

Việc chúng ta có dần dần tiến đến được trạng thái hạnh phúc này hay không hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta. Nếu ta coi trọng cuộc sống thế tục và cho rằng ta có nhiều việc quan trọng phải làm, chắc chắn là ta sẽ không có đủ thời gian dành cho cuộc sống tâm linh bởi vì nó sẽ bị liệt vào hạng thứ yếu.

Gác bỏ việc đời không có nghĩa là không còn tình thương trong tim ta. Nó chỉ có nghĩa là ta không còn vướng mắc. Nếu đã thực sự chọn con đường này, ta cần phân tích những vướng mắc của mình, viết chúng xuống, sau đó xét xem chúng ta bám víu vào gì nhiều nhất, có thể là người thân, của cải, hoài niệm, tuổi trẻ hay sắc đẹp.

Ta có thể buông bỏ được điều gì không, hay là sự bám víu quá sâu dày, quá mãnh liệt khiến ta không thể tách rời? Ngược lại, ta cũng có thể tự hỏi: ‘Những gì làm ta bực mình nhất? Ta ghét cái gì nhất? Ta muốn thay đổi điều gì nhất?’ Tất nhiên, những thứ này chỉ là những điều ngược lại với những thứ ta thích.

Trước khi đức Phật đạt Giác Ngộ, Ngài có một con trai đặt tên là Rahula, là ‘trói buộc’ – có nghĩa là những trói buộc của sự bám víu. Khi nào ta còn bám víu vào cuộc sống, khi nào mà ta còn ham muốn của cải vật chất, còn muốn sở hữu chúng, thì ta còn bị xiềng xích trói chặt.

Chúng ta muốn mọi thứ nguyên vẹn, không có gì thay đổi. Tất cả chúng ta đều nằm trong gọng kềm của những bám víu của mình, mạnh mẽ nhất là sự bám víu vào cái ngã. Có thể ta cũng muốn tin là người khác quan trọng với mình hơn chính mình, song nếu ta không còn bám víu vào bản ngã, ta sẽ dễ dàng buông bỏ sự bám víu vào tha nhân hơn.

Sự bám víu của ta rõ ràng đã tạo ra bao tình cảm tiêu cực và bao khó khăn cho ta, và bất cứ phương pháp tu tập nào giúp ta hiểu rõ hơn về chúng chắc chắn là sẽ hết sức lợi lạc cho ta.

Dù tu tập theo phương pháp nào, ta cần chuyển hướng sự suy nghĩ của mình ra khỏi những sinh hoạt có tính cách lập đi lập lại (và thường là nhàm chán) của cuộc sống thường ngày và hướng đến những việc làm có giá trị chân thực. Căn bản của quá trình buông bỏ ngã chấp và tự thanh tịnh hóa tâm là hành thiền.

Dù rằng tự nó không đầy đủ, thiền vẫn tuyệt đối cần thiết trong đời sống tâm linh của ta.

Những phúc báu được kể ra trong bài kinh này nhằm giúp chúng ta một ngày nào đó rũ bỏ được hết những sự trói buộc của khổ đau, giải thoát tâm khỏi bị bất cứ điều gì phiền não. Tất cả những phúc báu này đều góp phần đem an lạc đến cho nội tâm và luôn theo ta trên con đường tiến đến sự giải thoát tối thượng.