Trang chủ Tu học Bước đầu học Phật 38 phúc báu lớn nhất – phần 2

38 phúc báu lớn nhất – phần 2

100

Phần 2: Có chỗ ở thuận tiện, tích đức trong quá khứ, theo đuổi những hạnh lành: đây thật là những phúc báu lớn!

Phúc báu đầu tiên trong ba phúc báu nói trên là một cái gì hết sức cụ thể: chỗ ở (trú xứ) thuận tiện, theo lời đức Phật dạy, là nơi không có chiến tranh hay người láng giềng thù địch.

Trong khung cảnh an bình, ta có thể thư giãn và có nơi tĩnh tọa. Nếu được ở một chỗ như vậy ta có thể coi là mình hết sức may mắn. Đức Phật gọi đó là một trong ba mươi tám phúc báu.

Phúc báu kế tiếp, ‘tích đức trong quá khứ’ là phúc báu đã tạo thiện nghiệp qua sự thương yêu, sẵn lòng giúp đỡ người khác và bố thí.

Ta thường hay quên là tất cả những gì ta nói, nghĩ và làm đều mang theo hậu quả của nó và chẳng có gì bị mất cả. Nghiệp quả của những ý định và hành động của chúng ta có thể hiển bày trong một ngày, đôi khi chỉ trong một giây, hoặc nó có thể hiện ra sau một thời gian khá lâu. Cuộc đời ta là bổn phận của riêng ta. Cũng có câu nói:

‘Bạn chính là người tạo nên đời mình.’ Ta có thể cho rằng hoàn cảnh chung quanh khiến ta vui hay buồn, song những hoàn cảnh ấy lại tùy thuộc vào chủ đích của ta. Hạnh phúc nằm trong tay ta. Nghiệp tốt đến từ nhân tốt, nghiệp xấu đến từ nhân xấu. Đây là luật nhân quả.

Tất nhiên, sự việc ít khi đơn giản như thế. Nếu ta có ý định tốt song thiếu khả năng thực hành điều ấy, ta sẽ gặt một số quả tốt, và một số quả không tốt mấy.

Đức Phật dạy rằng nhân quả giống như một lưới nhện, những sợi tơ chằng chịt lẫn nhau, chẳng biết đâu là đầu, đâu là đuôi.

Cũng vậy, ta không biết nhân nào đã đưa ta đến quả hiện tại, hoặc ngọn ngành lý do nào khiến ta là ta. Song điều ta có thể làm được là trân quý những gì tốt đẹp mà ta có được mỗi ngày trong cuộc sống.

Sự biết ơn tạo cho ta đức tính tích cực, thương yêu, đầy nhân nghĩa, và cương quyết; và tất cả những đức tính ấy sẽ hỗ trợ ta trong việc tiếp tục hành thiện.

Việc hành thiện bắt đầu trong tâm ta từ những ý nghĩ tốt, được diễn tả qua chính ngữ, rồi được bộc lộ qua hình thức của những hành động tích cực.

Ba cánh cửa của nghiệp, do đó, là ý nghĩ, lời nói và hành động. Chính qua ba cánh cửa này mà tất cả mọi người trên đời tạo ra nghiệp lành hay nghiệp dữ.

Nếu ta đã tạo nghiệp lành trong quá khứ, quả thật đó là một phúc báu bởi nghiệp lành ấy đang hỗ trợ chúng ta và ta có thể tránh nghiệp dữ bằng cách luôn thận trọng giữ gìn ý nghĩ, lời nói và hành động của mình.

Xét cho cùng chẳng ai trong đời này lại không tạo nghiệp, ngoại trừ Bậc Giác Ngộ.

Phúc báu kế tiếp là ‘theo đuổi những hạnh lành’. Điều này cũng có thể được gọi là ‘có lý tưởng sống trong đời’. Ở đây ta lại đối diện với sự thật là của cải vật chất không thể làm thỏa mãn bất cứ một ai.

Nếu ta quán sát các người thân, người quen, và bạn bè, và nếu tự quán sát chính mình, chúng ta sẽ thấy rất rõ ràng là cuộc đời là một sự pha trộn của những niềm vui và nỗi khổ, của những sự hạnh phúc và phiền não.

Ta thường nghĩ rằng phiền não là do những việc bất như ý bên ngoài đem đến cho ta và vì thế bằng mọi cách, ta cố gắng thay đổi hoàn cảnh ấy. Song sẽ đến một lúc, ta nhận ra rằng dù ta có cố gắng hết sức mọi việc sẽ không bao giờ suông sẻ như ý ta muốn. Thứ nhất, là vì có những hoàn cảnh ta không thể nào thay đổi được.

Tuy nhiên, ta vẫn thấy có những ngoại lệ, có những lúc khi các hoàn cảnh bên ngoài đã được giải quyết thì mọi thứ cũng sẽ đâu vào đó. Nhưng sự thật là vấn đề không nằm ở các yếu tố bên ngoài.

Nếu quyết tâm theo đuổi lý tưởng cao đẹp nhất và đi theo con đường tâm linh, ta có thể bắt đầu bằng cách chấm dứt đổ lỗi cho hoàn cảnh không thuận tiện bên ngoài.

Con đường của đức Phật gồm có thiền quán và sự thanh tịnh hóa tâm, và hai phần này lệ thuộc vào nhau. Nếu lơ là một trong hai hoặc cả hai ta sẽ không có sự cân bằng vững chãi trong cuộc sống tâm linh.

Để đạt đến mục tiêu cao đẹp nhất ta cần phải thực hiện cả hai. Thiền định giúp chúng ta nhận diện được những điều đang xảy ra trong tâm và không biết được điều ấy thì không thể nào thanh lọc được tư tưởng và cảm xúc của mình.

Phát triển sự tĩnh lặng của tâm qua thiền định bằng sự chú tâm, biến nó trở thành một dụng cụ có giá trị.

Đức Phật ví tâm ta như một cái rìu đã được mài sắc; ta biết là đối với các việc khó khăn một cái rìu cùn không thể nào kham nổi; cũng vậy, chỉ có một tâm đã được tôi luyện mới có thể hấp thụ được những điều thật quan trọng trong đời.

Chúng ta thường để tâm bị bấn loạn và kích thích bởi những điều nhỏ nhặt, mặc dù chúng chẳng có ý nghĩa gì hơn là giúp cho ta qua ngày đoạn tháng.

Qua thiền định ta biết phân biệt giữa những giá trị tạm bợ và giá trị nội tâm chân thật. Tất nhiên, khi còn có thân, ta còn cần phải thỏa mãn những đòi hỏi của cuộc sống. Ta phải ăn ngủ và làm việc.

Tuy nhiên đến cuối ngày xem lại thì những hoạt động ấy tự chúng có giá trị gì? Và có phải chúng chỉ là phương tiện giúp ta quên đi để không thấy là cuộc sống của ta không thực sự hạnh phúc?

Chẳng thiếu gì những thứ làm ta phân tâm. Trong xã hội kỹ thuật tân tiến của chúng ta, chỉ cần nhấn một cái nút là ta có thể tìm quên trong chốc lát. Thế nhưng việc ấy đem lại an lạc gì cho tâm ta. Hướng đi mà ta muốn chọn cho cuộc đời mình là một vấn đề quan trọng.

Những việc mà ta luôn phải bận rộn, luôn ngự trị tâm ta, những việc mà ta trăn trở, tổn phí thì giờ, chúng quan trọng đến thế nào? Chúng có giá trị nội tâm hay bên ngoài?

Chúng có đem lại an lạc và hạnh phúc cho ta và tha nhân? Đây là những câu hỏi mà ta phải tự đặt ra cho mình nếu chúng ta muốn vạch ra những nguyên tắc chỉ đạo để giúp đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của mình.