Trang chủ Tu học Phổ thông An cư – mùa phát triển tâm linh

An cư – mùa phát triển tâm linh

93

Các cư sĩ cơ hiềm: “Sa môn Thích tử không biết hổ thẹn, đạp chết cỏ non (…). Mùa Hạ mưa to nước lớn, trôi mất y bát, tọa cụ, ống đựng kim, đoạn mạng sống của các loài khác. Pháp của các ngoại đạo còn an cư ba tháng, mà các Thích tử này trong ba mùa đều du hành trong nhân gian (…). Cho đến như các loài chim, côn trùng còn có hang tổ là trú xứ nghỉ ngơi của chúng!”. Do vậy, Đức Phật đã dùng vô số phương tiện quở trách nhóm Tỷ khiêu ấy: “Các ông làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải pháp Sa môn, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm (…). Từ nay về sau, các tỷ khiêu phải an cư ba tháng mùa Hạ” (Luật Tứ phần, Đại Chính 22).


Sự việc trên cho thấy, an cư không phải là hình thức sinh hoạt tu tập duy nhất chỉ có trong Phật giáo, mà nó đã trở thành lệ chung cho mọi tu sĩ của các tôn giáo thời bấy giờ. Theo Tăng Chi Bộ kinh, những năm đầu sau khi thành đạo, Đức Phật không chế định Pháp an cư, nhưng các thầy Tỷ khiêu với bản thể thanh tịnh vẫn không đi lang thang trong mùa mưa. Vì vậy, sự việc Đức Phật khiển trách nhóm Lục quần Tỷ khiêu và sau đó thiết định Pháp an cư là phù hợp với nếp sống thanh tịnh của các Tỷ khiêu đã thực hành một cách tự nhiên trước đó, đồng thời cũng là pháp tùy thuận với một tập tục chung cho mọi tu sĩ thời bấy giờ.


Dù vậy, xem lại các bộ luật và đọc thêm một số kinh điển, chúng ta thấy rằng, sự hành trì tu tập của các Tỷ khiêu trong mùa an cư không chỉ đơn giản dừng lại ở việc hạn chế sự đi lại vì sợ gây tổn hại cho các côn trùng và cỏ non, lại càng không phải để tránh sự cơ hiềm của cư sĩ, mà còn có những mục đích khác ý nghĩa hơn nhiều, và đó mới là mục tiêu đích thực của an cư.


Kinh Điển Tôn, thuộc Trường A Hàm (tương đương kinh Mahgovinda, Trường Bộ), có ghi lại câu chuyện tiền thân của Đức Phật. Theo đó, trong một tiền kiếp xa xưa, khi Đức Phật còn hành Bồ tát đạo, Ngài thọ sinh làm vị đại thần có tên gọi là Điển Tôn. Điển Tôn xử lý quốc sự luôn cả bảy nước, hơn thế, việc đời việc đạo đều thông, nên “được bảy quốc vương kính xem như thần minh, bảy đại cư sĩ kính xem ông như đại vương và bảy Phạm chí kính xem ông như Phạm Thiên”.


Ai nấy đều nghĩ rằng ông thường gặp gỡ, chuyện trò thân thiện với Phạm Thiên nhưng thật ra ông chưa từng thấy Phạm Thiên. Điển Tôn từng nghe các vị kỳ túc nói: “Ai trong bốn tháng mùa Hạ ở nơi nhàn tĩnh tu tập Bốn tâm vô lượng thời trời Phạm Thiên sẽ xuống gặp”. Vì vậy, Điển Tôn quyết định giao lại việc trị nước và xin phép được nghỉ ngơi trong bốn tháng hạ để tu tập Bốn tâm vô lượng. Quả nhiên, sau bốn tháng nỗ lực tu tập, ông hội kiến với Phạm Thiên và được Phạm Thiên dạy đạo lý cho.


Như vậy, bản kinh đã cho chúng ta thấy rằng, an cư mùa mưa là một truyền thống có từ thời xa xưa, ngay khi Đức Phật còn hành Bồ tát đạo, và được quan niệm là thời gian thích hợp nhất cho sự tu tập để phát triển tâm linh. Chính vì lý do này mà Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao ghi rằng: “Vào thời kỳ an cư mùa mưa, các Tỷ khiêu ngoại trừ việc đi vệ sinh, còn lại phải thường xuyên ngồi kiết già tại một chỗ để tu tập thiền định” (Đại Chính, quyển 40). Thời gian này được xem như là cơ hội, và cũng là kỳ hạn cho bản thân mình, nỗ lực tu tập để đạt được cứu cánh giải thoát là mục tiêu tối hậu của người xuất gia.


Ngoài ra, do tính chất đặc thù của nếp sống Tỷ khiêu, sống không gia đình, không vật sở hữu, ngày đi khất thực ăn một bữa, tối ngủ dưới gốc cây, luôn luôn thay đổi, khi ở chỗ này, khi thì nơi khác, không có một trú xứ nhất định, nên khi mùa mưa đến cần phải tập trung về một trú xứ để an cư là việc tất yếu và nhằm biểu hiện tinh thần sống chung hòa hợp của Tăng già. Điều này vô cùng quan trọng, bởi bản chất của Tăng già là thanh tịnh và hòa hợp. Sự thanh tịnh và hòa hợp này được thể hiện trong việc cùng nhau tụng đọc giới bản mỗi nửa tháng. Có thể nói, sinh mạng của Chính pháp được duy trì bằng đời sống thanh tịnh và hòa hợp của Tăng già. Cho nên, “chừng nào chúng Tỷ khiêu còn nhiệt thành trong phận sự an cư ba tháng thì bấy giờ Chính pháp vẫn còn là sức sống phong phú để loài người làm nơi quy ngưỡng và xây dựng một thế giới an lành”.


Thật vậy, kinh Trung A Hàm đã ghi lại sự bày tỏ niềm tin của vua Ba Tư Nặc đối với Chính pháp mà Đức Thế Tôn đã giảng dạy và các Tỷ khiêu khéo hành trì rằng: “Một cộng đồng thanh tịnh và hòa hợp, cùng học và cùng tu như nước với sữa, quả là niềm tin và hy vọng cho con người sống giữa cảnh đời náo nhiệt” (Đại Chính, quyển 1, Kinh Trung A Hàm, số 59, Pháp trang nghiêm).


Với tinh thần đó, trong bối cảnh thời đại chúng ta ngày nay, việc tổ chức an cư không thể thực hiện như một cái lệ “xưa bày nay làm”, mà nó phải kế thừa được truyền thống có tính chất “huyết mạch” của đạo pháp và sự phát triển tâm linh như đã trình bày trên. Đồng thời, trong một xã hội có nhiều biến động, mất niềm tin và thiếu sự an lành như xã hội chúng ta ngày nay, thì việc sống chung hòa hợp của cộng đồng Tăng lữ là một minh chứng cụ thể rằng Chính pháp mà Đức Thế Tôn thuyết giảng, nếu được thực hành một cách trọn vẹn, sẽ là cơ sở cho một thế giới an lành.