Trang chủ Quốc tế Ấn Độ: Đức Dalai Lama dự hội thảo quốc tế liên tôn...

Ấn Độ: Đức Dalai Lama dự hội thảo quốc tế liên tôn giáo

73

Đây là hội thảo có quy mô và tầm vóc quốc tế trong khuôn khổ kỉ niệm 150 ngày sinh biểu tượng tri thức Ấn Độ, Swami Vikeananda.

Trước đó, ngày 7 tháng 3 năm 2013, Hội đồng Quan hệ Văn hoá Ấn Độ phối hợp với diễn đàn Đối Thoại Giữa Các Nền Văn Hoá đã long trọng khai mạc hội thảo quốc tế tại Đại Sảnh Đường Darbar, phủ tổng thống. Đích thân tổng thống Ấn Độ, ngài Pranab Mukherjee, chủ trì lễ khai mạc.

Trong buổi lễ khai mạc, chủ tịch Hội đồng Quan hệ Văn hoá Ấn Độ, tiến sĩ Karan Singh, nhấn mạnh đến vai trò của Swami Vikeananda. Ông cũng không quên nhắc đến niềm tự hào của người dân Ấn Độ là đã sinh ra vị đại sứ về văn hoá, nhà giáo dục lỗi lạc, vị sứ giả hoà bình- đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni.

Với bức tượng Phật theo trường phái Mathura- thế kỉ thứ 5 sau Tây lịch- đặt long trọng ngay tại Đại Sảnh Đường khiến lời nhắn nhủ của ông mang nhiều phần ý nghĩa.

Trong bài phát biểu của mình, tổng thống Ấn Độ cho rằng, những lời dạy của Swami Vikeananda vẫn còn rất thiết thực trong đời sống hiện tại, ông cũng cho rằng việc kỉ niệm 150 ngày sinh không chỉ đơn thuần là kỉ niệm ngày sinh của một vĩ nhân mà phải đưa tầm nhìn của Vikeananda vào trong đời sống thiết thực nhằm xây dựng một xã hội đoàn kết, thịnh vượng hơn.

Trong suốt ba ngày dài của hội thảo nhiều vấn đề liên quan đến tôn giáo được thảo luận nghiêm túc. Trong đó những vấn đề then chốt như những cuộc chiến mang màu sắc tôn giáo; đa dạng trong truyền thống của các tôn giáo; Đức Phật vị đại sứ giả hoà bình; phong trào Swani Vikeandana với tri thức Ấn Độ đã được các học giả quốc tế và Ấn Độ thảo luận một cách nghiêm túc.

Trong buổi lễ bế mạc, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn dù có sự đa dạng trong các tín ngưỡng, niềm tin nhưng các tôn giáo đều chuyên chở giá trị về tình yêu, từ bi, và lòng vị tha.

Khi được hỏi ngài lên án điều gì nhất đối với các tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo. Ngài cho rằng hiện nay Phật giáo rất mang nặng hình thức, trọng nhiều vẻ bề ngoài mà không chú trọng nhiều đến pháp hành, đến việc đưa Phật pháp thành hơi thở của cuộc sống. Họ đến với đạo thuần tuý để cầu nguyện, xin xỏ. Tuy nhiên, nghĩ xấu về một ai cũng là đã vi phạm nguyên tắc bất bạo động trong Phật giáo, Ngài nói tiếp.

Cũng theo Ngài, thế giới hiện nay đầy dẫy tham, sân, si mà thiếu hẳn việc thực hành lời Phật dạy. Theo đó, các khoa học gia có thể chế đủ loại thuốc đặc trị cho từng loại bệnh khác nhau-ngay cả bệnh hiểm nghèo nhất, nhưng bất lực trong việc bào chế viên thuốc trị dứt hẳn tham, sân, si. Chỉ có sống bằng lời dạy của đức Phật, thực tập trọn vẹn đời sống đạo mới tận gốc triệt để mối đại hoạ của ba độc này. Trong suốt buổi thảo luận, Ngài luôn nhấn mạnh đến việc phát huy giá trị truyền thống, trong đó truyền thống học đi đôi với hành của Đại học Na-lan-đà luôn được Ngài ưu ái.

Mỗi cá nhân có quyền tự do theo tôn giáo của mình lựa chọn, nhưng cũng nên tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người khác là điểm cuối được Ngài nhấn mạnh trong buổi lễ bế mạc đầy màu sắc đa tôn giáo này.