Trang chủ Văn hóa Du lịch Bắc Giang: Tiềm năng du lịch Tây Yên Tử

Bắc Giang: Tiềm năng du lịch Tây Yên Tử

83

Với hệ thống các chùa tháp, di tích cùng sự kỳ vĩ của rừng, núi trùng điệp, thảm thực vật và nhiều loài động vật phong phú đã tạo cho nơi đây tiềm năng để phát triển du lịch.

Theo thống kê của ngành văn hoá, thể thao và du lịch, hiện nay, hệ thống Tây Yên Tử có hàng chục di tích, danh thắng có giá trị to lớn đối với đời sống xã hội.

Trong số này, các di tích chủ yếu là chùa ghi đậm dấu ấn phật giáo thời Lý-Trần. Nổi bật là chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên (Yên Dũng). Chùa còn có tên là Đức La. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, chùa Đức La là một trung tâm, một chốn tổ quan trọng, nơi ba vị "Trúc Lâm tam tổ" từng trụ trì và mở trường thuyết pháp.

Chùa nằm trên một quả đồi thấp, sau lưng là dãy núi Cô Tiên, một phía nằm sát bờ sông Lục, phía bên kia xa hơn chênh chếch là ngã ba Phượng Nhỡn, nơi sông Lục gặp sông Thương. Chính diện chùa Đức La nhìn thẳng ra một bãi đất rộng, thoáng, trải ra tới sát những chân ruộng trũng, và tới thôn xóm xanh um tre lá.

Với kiến trúc từ trước đời nhà Trần, chùa có hệ thống tượng phật phong phú, linh thiêng, đặc biệt là kho mộc bản kinh phật đang được đề nghị UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới. Nhờ vậy,  nơi đây hàng năm thu hút hàng chục nghìn lượt khách đến vãn cảnh, thắp hương cầu phật.

Bên cạnh chùa Vĩnh Nghiêm-Đức La, còn có chùa Am Vãi, xã Nam Dương (Lục Ngạn). Di tích chùa Am Vãi toạ lạc ở trên một địa thế đẹp gắn liền với phong cảnh núi rừng tự nhiên, tạo nên một thắng cảnh có tiềm năng văn hoá du lịch lâu dài ở Lục Ngạn nói riêng, của tỉnh Bắc Giang nói chung.

Không chỉ có hệ thống chùa chiền đáp ứng nhu cầu du lịch tâm linh của người dân, Tây Yên Tử còn có một tiềm năng to lớn về du lịch sinh thái với các danh thắng nổi tiếng như Suối Mỡ, xã Nghĩa Phương (Lục Nam). Dòng suối chảy quanh co trong thung lũng dải núi Huyền Đinh với nhiều thác nước lớn nhỏ tung bọt trắng xoá, nhiều bồn tắm thiên nhiên thu hút không ít du khách xa gần.

Cảnh đẹp nhất nơi đây là đoạn suối có 5 bậc thác mẹ con từ đền Trung lên đền Thượng.  Suối Mỡ mang cả hai đặc điểm được xem là tiềm năng trong phát triển du lịch Bắc Giang: gắn kết du lịch sinh thái và tâm linh. Cách Suối Mỡ không xa là dãy Yên Tử hùng vĩ.

Cả một dải núi phía Tây trải dài từ Lục Sơn (Lục Nam) tới Khe Rỗ (An Lạc-Sơn Động) là những cánh rừng trùng điệp. Theo thống kê chưa đầy đủ, Tây Yên Tử có tới hơn một nghìn loài động, thực vật phong phú không kém Cúc Phương, Ba Vì hay Cát Bà. Trong đó nhiều loài có tên trong sách đỏ Việt Nam như voọc đen, khỉ mốc, gấu ngựa, gà tiền, chó sói, rùa vàng,  cá cóc sần Mậu Sơn và rắn hổ mang chúa, thích xà là, thông tre, pơ-mu, trầm hương…

Đặc biệt, từ Suối Mỡ, theo tỉnh lộ 293 và 289 du khách có thể lên chùa Đồng trên dãy Yên Tử. Với độ cao trung bình 300-1000m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình năm là 22 độ, độ ẩm không khí là 85%, khu du lịch được ưu đãi thừa hưởng vùng không khí bốn mùa mát mẻ cùng những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, hoang dã do thiên nhiên ban tặng, chiêm ngưỡng cảnh đẹp và hoà mình vào thiên nhiên hoang dã giữa rừng đại ngàn như: Thác Giót, bãi đá Rạn, cây Trò Nâu vợ chồng (Lục Sơn-Lục Nam); Hang Gió, Vũng Tròn (Sơn Động)… vừa hoang sơ vừa huyền bí đầy  thơ mộng.

Đặc biệt, nằm trên dãy Phật Sơn- Yên Tử, cánh rừng nước Vàng thuộc xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, có dòng suối từ ngàn đời hối hả tuôn chảy một dòng nước vàng óng ánh tựa mật ong. Suối lạ bắt nguồn từ đỉnh núi Phật Sơn hiểm trở với hàng chục bậc thác quanh năm tuôn bọt trắng xoá.

Rừng nước vàng hoang sơ, khí hậu ôn hoà, tạo điều kiện lý tưởng cho các loài thực vật phát triển. Dọc hai bên bờ, những khối đá cát nhám kết tinh, tảng thì trắng bóng, tảng thì có mầu vàng óng ánh ngổn ngang làm cho cảnh quan hạ nguồn vô cùng sinh động.

Từ hạ nguồn lên đến thượng nguồn có hơn chục thác lớn nhỏ, tiếng thác nước ào ào, tiếng suối chảy róc rách hoà cùng tiếng chim ca tạo nên một điệu nhạc réo rắt của chốn sơn lâm. Đến đây, du khách được tham quan cánh rừng nguyên sinh, vượt dãy Phật Sơn để đến Am Ngọa Vân, Thiền Viện Hồ Thiên- nơi Vua Trần Nhân Tông tu hành giải đạo…

Không chỉ là nơi được thiên nhiên ban tặng những cảnh sắc tuyệt đẹp kỳ thú, cả Suối Mỡ và Tây Yên Tử cùng có một điểm chung là có lợi thế trong phát triển du lịch tâm linh theo tín ngưỡng của người Á Đông.

Bên cạnh đó, khu vực trên còn là nơi hội tụ nhiều nét văn hoá vật thể, phi vật thể của các dân tộc thiểu số và là chiến khu xưa của một số thành uỷ Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương nên thu hút không ít người về thăm.

Nhận thấy rõ vị trí và tầm quan trọng của hệ thống Tây Yên Tử trong việc phát triển du lịch, từ nhiều năm qua, tỉnh Bắc Giang đã quan tâm, chú trọng đến việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông tạo tiền đề để biến nơi đây thành điểm đến hấp dẫn của du khách.

Bên cạnh các địa điểm nổi tiếng đã được khai thác, ngành còn phát hiện nhiều di tích, phế tích có liên quan mật thiết và là dấu ấn đậm nét của văn hóa, phật giáo thời Lý – Trần. Bằng việc huy động nhiều nguồn vốn từ trung ương đến địa phương và kinh phí xã hội hóa, những năm qua, nhiều di tích, danh thắng thuộc khu vực này đã được trùng tu, nâng cấp.

Chùa Vĩnh Nghiêm được đầu tư hàng chục tỷ đồng để tôn tạo cảnh quan, chống xuống cấp một số hạng mục; lập hồ sơ đề nghị Unessco công nhận kho mộc bản kinh phật là di sản tư liệu thế giới. Danh thắng suối Mỡ được đầu tư theo nhiều giai đoạn với các hạng mục như: xây dựng nhà quản lý di tích, trạm thu phí; xây dựng hồ đập suối Mỡ, đường giao thông, kênh mương… tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng.

Mới đây nhất, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng  khu du lịch sinh thái Tây Yên Tử, trong đó có hệ thống điện, đường trục chính, đường lên chùa Đồng (Yên Tử) cùng nhiều hạng mục quan trọng khác, kinh phí gần 50 tỷ đồng.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đồng ý cho tỉnh chỉ đạo hoàn tất thủ tục đầu tư thực hiện dự án xây dựng tuyến đường 293 qua 3 huyện Yên Dũng, Lục Nam, Sơn Động. Đây cũng là trục đường chính trong hệ thống du lịch Tây Yên Tử trong tương lai.