Trang chủ Người thời nay Beat Presser và duyên nợ với “Ốc đảo”

Beat Presser và duyên nợ với “Ốc đảo”

89

Bị chấn thương cột sống, bệnh viện ở Bangkok lại chật cứng binh sĩ Mỹ bị thương trong chiến tranh VN, do đó thay vì điều trị tại bệnh viện, Beat Presser được mang đến một ngôi chùa. Ông kể: “Các nhà sư đã cứu sống tôi. Như một điều kỳ diệu, sau một tháng trị liệu với những phương thuốc bí truyền của phương Đông, tôi đã bình phục hoàn toàn”. Đó là điều xảy ra sau tai nạn lật xe khi Beat Presser đang ở Thái Lan, mới 19 tuổi và tưởng như bị liệt hoàn toàn.


Tai nạn chưa hẳn là một điều xấu – Beat Presser bộc bạch. Nằm bất động trên giường trong chùa, ông có dịp lắng nghe và cảm nhận về cuộc sống nơi ấy cũng như suy ngẫm về những điều cần phải làm trong đời. Ông nói: “Lúc ấy tôi nghĩ nếu giấc mơ trở thành một  nhà nhiếp ảnh trở thành sự thật, nhất định tôi sẽ quay lại và thực hiện một dự án ảnh để ghi ơn các nhà sư đã cứu chữa cho mình. Đó thật sự là một điều thần diệu, tôi như thể đã được tái sinh”.


30 năm sau, ý nghĩ ấy đã trở thành sự thật, nếu không sẽ không có Ốc đảo tĩnh lặng hiện đang được trưng bày tại gallery Art Việt Nam (7 Nguyễn Khắc Nhu, Hà Nội từ nay đến 18-4). Trước khi sang VN theo lời mời của Đại sứ quán Thụy Sĩ, dự án ảnh đã được giới thiệu tại Sri Lanka, Thái Lan, Campuchia và sẽ tiếp tục được triển lãm tại Ấn Độ vào tháng chín tới.


Xem Ốc đảo tĩnh lặng có cảm giác với Beat Presser, máy ảnh là một nhạc cụ mà mỗi bức ảnh là một khúc nhạc trong bản giao hưởng tâm hồn ngân lên, hướng tới và ngợi ca vẻ đẹp nhân bản vĩnh hằng của đạo Phật.


Hiện Beat Presser đang cùng Hội Nhiếp ảnh Hà Nội hướng dẫn một hội thảo nhiếp ảnh với chủ đề “Ốc đảo tĩnh lặng của tôi”. Chương trình do Đại sứ quán Thụy Sĩ và Quĩ Ford VN đồng tài trợ diễn ra trong hai tuần từ ngày 31-3 tại 18 Hàng Buồm, Hà Nội.














Nhiếp ảnh gia Beat Presser

21 tuổi, Beat Presser cho ra đời báo ảnh mang tên The Village Cry. Ông cũng là nhà biên tập cho tạp chí ảnh Palm Beach News, làm phim và đã xuất bản nhiều sách ảnh (được Chính phủ Thụy Sĩ dùng làm quà tặng tại hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới). Ông cũng tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học, các học viện điện ảnh và nhiếp ảnh ở châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ và châu Á; là đại diện Hasselblad Master 2003 – giải thưởng uy tín mà các nhà nhiếp ảnh ở bất kỳ thể loại nào cũng mong muốn có được.


Khi được hỏi về bí quyết thành công, Beat Presser nói: “Điều quan trọng là nếu không chắc chắn có thể làm tốt nhất, nếu chỉ muốn làm một nửa thì tôi sẽ không nhận lời làm”. Ngoài ra, ông có khả năng phát hiện cũng như nắm bắt những điều mà người khác dễ bỏ qua. Ông chia sẻ phương pháp làm việc của mình: “Tôi làm việc một cách chậm rãi nhưng hết sức tập trung. Cũng cần ngưng nghỉ để nhìn lại, chiêm nghiệm”.