Trang chủ Văn học Bình bài thơ “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền Sư:...

Bình bài thơ “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền Sư: Đến ngộ giới sinh tử hóa thường tình

958

Xuân đi trăm hoa rụng 
Xuân tới, nở trăm hoa


Xuân đi rồi xuân tới, vì thời gian “có thuỷ, có chung”, có “duyên sinh, duyên diệt” của nó. Nhân duyên tụ hội rồi nhân duyên ly tán, không thể ngăn lại, không thể cắt chia. Vũ trụ tưởng như ngoài tầm với của con người, tưởng như “bất khả tri” trước mắt con người, thì cũng không nằm ngoài điều đức Thích Ca Mâu Ni từng dạy: “Nhân quả tương tục vô gián đoạn, nhân quả tương tục vô hỗn độn” (Nhân quả nối tiếp nhau không gián đoạn, có trật tự). Ngộ ra chân lý, với Thiền sư, hiện tượng trở nên rõ ràng: Xuân đến hoa nở, xuân đi hoa tàn. “Duyên sinh tính không”, chẳng có gì là vĩnh hằng. Nhưng nếu niềm tin về sự hư huyễn, tạm bợ bị đẩy tới thái độ xuất thế bàng quan thì hẳn không bao giờ Mãn Giác Thiền Sư và đạo hữu có thể hóa độ chúng sinh bằng tấm lòng “từ bi, hỉ xả”. Bài kệ không dừng lại ở một vũ trụ quan, Thiền sư nhập thế bằng một xã hội quan, một nhân sinh quan:
  
  Trước mắt, việc đi mãi
  Trên đầu, già đến rồi.


Các bài kệ của thơ Thiền thời Lý – Trần thường được dùng để trình bày một triết lý Phật giáo. Trong lịch sử, đây là lúc chữ Hán đã được sử dụng nhưng Nho học chưa được đề cao, niêm luật của thơ chưa thật sự là yêu cầu nghiêm ngặt. Vậy mà chỉ bằng bốn câu thơ với những đối xứng đơn giản: xuân đi – xuân tới, hoa nở – hoa tàn, thời gian đi – mái tóc bạc đã làm nổi bật ba mối quan tâm nhất của nhân loại: vũ trụ – xã hội – con người. Thiền sư làm được công việc không dễ dàng trong thơ: câu chữ ít, hình ảnh mộc mạc nhưng ý tứ lại cao siêu.
 
Thuở sinh thời, trước bao nhiêu ngang trái của cuộc đời, có lần Lecmôntôp thốt lên: “Ngày tôi sinh ra trên đời này, với tôi, là một ngày bất hạnh”. Không rõ Lecmôntôp có biết hơn 2.000 năm trước ở Ấn Độ xa xôi, dưới gốc Papilo, đức Thích Ca Mâu Ni đã chứng ngộ ra con đường giải thoát chúng sinh khỏi bể khổ trầm luân. Trên con thuyền Bát nhã (2), thấu hiểu tinh thần đại từ, đại bi, đại hùng, đại lực, các môn đồ của Ngài ở nước Đại Việt đã làm được không ít công việc cho nước, cho đời. Các Thiền sư nhìn đời với phong thái ung dung, tự tại, không lo sợ phiền não trước mọi biến động thế gian. Chính trong những biến động, các Thiền sư lại tìm thấy sự tĩnh tâm cho mình. Những “việc đi mãi” ấy, nào đâu chỉ toàn chuyện hay ho. Bậc chân tu biết rõ những lầm lạc, vô minh của người đời, hiểu rõ căn nguyên, ngọn nguồn sự đau khổ của chúng sinh. Người chân tu là người Tỉnh. Lánh mình ra ngoài cõi tục, lại biết đưa con thuyền Bát Nhã tới cứu vớt những kiếp người đang chìm nổi ở “bến mê”. Quên hẳn mình để tế độ mọi người, thế mới là chân tu, “vô ngã” là không có thực thể chứ không phải không có gì hết. Chỉ có quên mình mới làm được việc ân đức cho đồng loại. Cứu nhân độ thế, các thiền sư biết sống bằng con người lịch sử của mình: Người tu hành cũng là một con dân.
 
Công việc bộn bề và tuổi già đã tới. Lão khổ là “Nhan sắc suy biến, thể lực yếu gầy, mắt miệng chân tay, đều không như ý”(3a). Bệnh khổ là “tứ chi bất động, suy nghĩ hoang mang, xác tâm bệnh tật, đau đớn bất an”(3b). Trước nỗi khổ cần phải biết, kẻ phàm phu thì hoang mang, người tu hành thì bình thản. “Trồng qua đắc qua”, nhân nào quả ấy. Gieo nhân thiện sẽ hái được quả thiện. Gieo nhân ác sẽ hái được quả ác. Sống bằng việc thiện, biết từ bỏ tham – sân – si thì có gì đáng lo. Thiền sư biết chúng sinh còn đang loay hoay giữa bể khổ, giữa những ham muốn trần tục chưa được dập tắt. Bởi có kẻ: “Danh lợi tài sắc, đều muốn tham lam”(3c), có kẻ: “Phẫn hận ác độc, đố kỵ ghét nhau”(3d), lại có kẻ: “Sự lý bất minh, mê tối ngu muội”(3e). Không biết cái ta tức là vô minh, không sáng suốt, không nhận chân được ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Cũng tức là không biết được nhịp điệu của xuân đến – xuân đi, của hoa nở – hoa tàn, không biết sự trôi đi của việc đời, không biết bệnh tật và tuổi già là điều không thể tránh. Sự tan hợp vô thường của sắc và danh làm cho cuộc đời thành ra vô thường, ngắn ngủi, cái ta chỉ là tạm thời. Chúng sinh phải được cảnh tỉnh, chớ để bị mê hoặc bởi danh – lợi – vật – dục mà biến thành vật hy sinh cho danh – lợi – vật – dục.
 
Trước Mãn Giác Thiền Sư, Sư Vạn Hạnh viết: Thân như bóng chớp có rồi không – Cây cối xuân tươi, thu não nùng (4a). Sau Mãn Giác Thiền Sư, Ni sư Diệu Nhân nói: Sinh lão bệnh tử lẽ thường tự nhiên (4b). Còn Đạo Hạnh Thiền Sư, trước khi viên tịch cũng đành “cười nhạt” vì người đời cứ nảy sinh buồn thương với người đã khuất! Vượt khỏi bến mê, đến ngộ giới, Thiền sư thông tỏ chân lý như “Vầng trăng hiện giữa trời xanh”, như “Bóng trăng nằm đáy nước”. Khi ấy, sinh lão bệnh tử trở thành lẽ thường tình, không phải nhọc lòng vương vấn:
  
  Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
  Đêm qua, sân trước một nhành mai.


Hai câu thơ phảng phất tâm trạng của Thiền sư, mang phong cách một tư duy minh triết. Tâm trạng bình thản trước nhọc nhằn trần ai có thể được “cáo thị chúng” song cũng có thể chỉ là một nghiền ngẫm riêng tư. Tâm sự của Thiền sư, tâm sự dành cho chúng sinh hoà lẫn vào nhau, đồng vọng trong một triết lý: Sống trong hiện thực, nắm bắt được sự vận động nhân gian thì không có gì phải sợ hãi. Chân lý không phải tìm đâu xa, chân lý ở trong lòng mình, trước mắt mình. Biết tâm thành tu luyện, chân lý sẽ hiện ra như nhành mai rực rỡ mọc sân trước đêm qua. Vâng, đêm qua chứ không phải đêm nay, cũng không phải đêm mai, vì chân lý của đức Thích Ca là cái đã có. Mùa xuân vẫn sẽ tới bất chấp mọi thăng trầm của thế giới hữu tình. Sống hay chết theo Phật giáo chỉ là hai điểm trên dòng luân hồi vô tận. Sự kết thúc là sự bắt đầu, sự mất đi cũng là sự tái sinh. Chớ nghĩ xuân tàn, hoa rụng, con người vẫn “sinh, trụ, hoại, diệt”, có gì phải lo âu. Và đốn ngộ hay tiệm ngộ cũng là vậy. 
 
Vị Trưởng lão Sùng Tín ở quận Cửu Chân, trấn Thanh Hoá từng “mở mang giáo hóa, khơi thông mọi tập tục khác lạ, răn điều ác, chỉ điều thiện, khác nào một trận mưa rào thấm nhuần cây cỏ, không ai là không hớn hở vui tươi” (1b) đã không chỉ sống cuộc đời nhà tu trốn thế. Bài Kệ của ông không có trí tưởng tượng thần kỳ của thơ Ấn Độ trong Mahabharata, không có bút lực siêu phàm của thơ Đỗ Phủ, không có thần khí của thơ Lý Bạch. Nó là hiện thân của một tâm trạng siêu thoát. Ở đó, một chủ đề triết học Phật giáo được hàm chứa trong hình ảnh tự nhiên, gần gũi, rất đời và rất người. Mùa xuân và hoa, mái tóc và tuổi già thật sự là hơi thở của cuộc sống chúng sinh. Sự cao quý của tâm hồn toát lên từ tình người nồng ấm, từ “thi đức” của Thiền sư. Cứ cho rằng bài kệ của ông chỉ là một lời răn dạy theo đúng yêu cầu thể loại, thì đọc nó lại cảm nhận từ Thiền sư sự xao xuyến của tình yêu cuộc sống. Nếu không muốn “theo gót Như Lai” thì ít nhất cũng thấy ở thơ ông lòng tin tưởng vào ngày mai và lời nhắn nhủ mỗi người hãy tìm cho mình “một nhành mai” trong cuộc sống.
 
Ở thời đại cứu nước, lo dân là việc chung của mọi người, các thiền sư thời Lý – Trần đã xuất thế không phải để trốn đời, họ bỏ qua mọi ham muốn. Nhập thế nghĩa là “xả”, “lấy ý muốn thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình”. Thấu lẽ đạo, hiểu lẽ đời, các thiền sư dấn thân nhập thế với tấm lòng ưu ái, từ bi mà người đời sau không bao giờ quên lãng.


——————–
Chú thích:


(1a-b) Thơ văn Lý – Trần, tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, H.1977, tr.298 và tr.362.
(2) Bát Nhã = Prajna = Trí tuệ
(3a-e) Tinh vân đại sư – Thích Ca Mâu Ni Phật, Nxb Văn hóa, H.1993, tr.220.
(4a-b) Thơ văn Lý – Trần, như trên, tr. 218 và tr.340