Trang chủ Tu học Bước đầu học Phật Bốn bánh xe tinh tiến

Bốn bánh xe tinh tiến

100

Những phương pháp này được biết như là bốn bánh xe, bởi vì các bánh xe có thể đưa chúng ta từ nơi này qua nơi khác. Do vậy, bốn bánh xe đặc biệt này sẽ đưa chúng ta từ vòng luân hồi để đạt tới giác ngộ.

Bánh xe đầu tiên là sự hướng dẫn

Chúng ta cần có sự hướng dẫn thích hợp. Nếu chúng ta không có hướng dẫn đúng đắn, thì ngay cả chúng ta có khát vọng mạnh mẽ, nhưng do chỉ trông cậy vào chính mình để xét đoán, trong khi chúng ta còn vô minh, lo lắng, và bản ngã lớn, nên sự xét đoán của chúng ta thường là lầm lẫn.

Do vậy, sự hướng dẫn chính xác và đúng đắn là rất cần thiết.

Phật giáo Tây Tạng nhận thức một cách nghiêm túc rằng mọi điều chúng ta học hay là dạy nên mang tính liên tục của một dòng truyền thừa.

Theo thuật ngữ Phật giáo, sự giải thích dòng truyền thừa khá đơn giản dễ hiểu. Những lời dạy của Đức Phật được dựa vào sự tỉnh giác, và những lời dạy của Ngài đều xuất phát từ việc thể hiện một cách tự nhiên sự tỉnh giác  của Ngài.

Đó là những lời dạy của sự giác ngộ đến từ thân, khẩu, ý đã giác ngộ trọn vẹn, là biểu hiện của lòng từ bi và trí tuệ của Ngài. Đây là khởi đầu của dòng truyền thừa.

Đức Phật đã ban những lời dạy một cách tự nhiên cho các học trò của mình. Họ thực hành phương pháp được dạy, và rồi truyền lại cho các học trò của mình.

Trong Phật giáo Tây Tạng, mỗi bài giảng là sự nối tiếp việc thực hành theo lời dạy chính thống của Đức Phật, và những học trò của Ngài thực hành và chuyển giao tới các học trò của họ, và liên tục như vậy. Đấy là dòng truyền thừa, và là nguồn cho sự hướng dẫn đúng đắn.

Người thầy thực hành những lời dạy được thọ nhận và chia sẻ với những người đến để học, và việc này được thực hiện một cách nghiêm túc. Xưa kia, người thầy kiểm tra học trò nhiều lần trước khi truyền lại các bài giảng thâm diệu để chắc chắn rằng những bài giảng là để giúp đỡ chứ không làm hại họ.

Mối quan hệ đích thực giữa người thầy và học trò không phải là sự hời hợt, mà là cam kết của cả hai người : thầy và học trò.

Bánh xe thứ hai là chúng ta phải sống theo giới luật của Phật Pháp

Khi chúng ta thực hành Pháp, thì điều quan trọng là cần sống thuận theo Pháp. Chúng ta không nên chỉ thực hành một cách cần cù trong vài giờ và rồi sau đó buông lung trong thời gian còn lại của ngày, để lại sự thanh thản và trạng thái tâm trong sáng trên chiếc gối tọa thiền.

Khi thiền hay tụng chú, hoặc là thực hành bất cứ điều gì, chúng ta nên thực hiện nghiêm túc không những chỉ trong thời gian thực hành chính thức, mà cả sau đó, và trong mọi hoạt động hàng ngày.

Chúng ta nên sống thuận theo chính pháp càng nhiều càng tốt. Chúng ta có thể phạm sai lầm – đó là điều bình thường, nhưng chúng ta cần làm với khả năng tốt nhất để sống theo chính pháp và duy trì chánh niệm trong mọi hoạt động hàng ngày như khi chúng ta đang tham thiền.

Trong Kim Cương Thừa, mọi điều đều có thể trở thành thiền. Mọi điều là nguồn cho tỉnh thức. Điều này thực sự có thể xảy ra, khi trạng thái của tâm luôn luôn trong sáng và tĩnh lặng. 

Bánh xe thứ ba là luôn thực hiện đạo hạnh

Thiền định sâu có thể đạt được đạo hạnh sâu sắc.  Khía cạnh bề ngoài của đạo hạnh là làm những điều ích lợi cho người khác. Đây là điều rất quan trọng đối với các Phật tử để thực hiện các hoạt động mang lợi lạc cho mọi người.

Chúng ta không nên chỉ phát triển tâm, mà chúng ta cũng cần phải quan tâm về nhu cầu của người khác và cách thức chúng ta có thể giúp đỡ để đáp ứng các nhu cầu này của họ.

Đôi khi một hành động tích cực nhỏ của một cá nhân có thể đưa lại tác động to lớn cho nhiều người khác.

Thực hiện đạo hạnh nghĩa là từ việc cứu mạng sống của chúng sinh, trợ giúp cho những người đang đau khổ, hoặc đơn giản chỉ là cho một lời tử tế đúng lúc.

Chúng ta nên thực hành những hành động này càng nhiều càng tốt.  

Bánh xe thứ tư là khát vọng sâu sắc hướng tới giác ngộ

Đây là điều rất quan trọng cần được duy trì, vì nó giữ gìn chúng ta vượt qua những khó khăn tồi tệ nhất. Khát vọng để trở thành bậc giác ngộ là không có gì sai trái,  nhưng đó nên là một khao khát sâu sắc và nghiêm túc không chỉ cho ta đạt được giải thoát mà còn cho cả các chúng sinh khác cũng đạt được như vậy. 

Đức Di Lặc đã dạy như thế và có thể nhận thấy trong lời cầu nguyện hàng ngày của các Phật tử: “Mong rằng tất cả chúng sinh đều đạt được sự giải thoát hoàn toàn”.

Khi nhìn vào hành tinh trái đất của chúng ta, hoặc là vào một quốc gia đơn lẻ, chúng ta nhận thấy có quá nhiều điều để làm. Trong một thành phố mọi người không thể sống hòa thuận với nhau. Viễn cảnh của sự giác ngộ là xa vời và không thể hình dung được.

Làm thế nào chúng ta có thể làm cho điều này có ý nghĩa thực sự khi chúng ta cầu nguyện tất cả chúng sinh sẽ đạt được giác ngộ? Chúng ta nghĩ thế nào nếu điều này có thể xảy ra?

Đây là khả năng có thể thành hiện thực bởi vì mọi chúng sinh đều có Phật tính. 

Nguyên Toàn (dịch)