Trang chủ Văn hóa Ca khúc của một nhà sư

Ca khúc của một nhà sư

47

Nghe hết 10 ca khúc trong CD do chính nhà sư đề tặng, tôi đã rất ngạc nhiên với ca khúc “Đồi trăng Phương Bối” bởi cách viết khá lạ: Với giọng la trưởng và nhịp ba – bốn, tác giả đã Thiền hoá một hiện tượng tự nhiên khi tạm trở về chủ âm bằng những ca từ theo cách hỏi mà không hỏi: “Tôi đi trong trăng ngày/hay tôi đang đâu đây”. “Đâu đây” ư? Xin trả lời: Nơi ấy là đồi trăng Phương Bối, một đồi trăng huyền diệu thuộc vùng ven thị xã Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Phương Bối là một đồi thông có ngôi chùa nhỏ do thiền sư Nhất Hạnh đặt tên. Đại đức Thích Giới Lực, tục danh Nguyễn Đức Vân, trụ trì chùa Phương Bối. Nguyễn Đức Vân (bạn bè văn nghệ thân quen vẫn gọi tác giả bằng tục danh) thường hay rủ tôi về Phương Bối chơi trăng. Có đến Phương Bối vào đêm trăng mới cảm được tự sự mở đầu “Đồi trăng Phương Bối”: “Hôm xưa trên khu đồi/tôi hay chờ trăng lên/tôi đi như trẻ dại/hát ca với riêng mình…”.

Trăng Phương Bối với vườn sim rừng nằm giữa đồi thông dường như không còn là trăng của hiện tượng tự nhiên trời đất mà là trăng của cõi thiền, của sự màu nhiệm… Nhưng đồng thời, trăng Phương Bối lại lung linh đời thực như thơ tác giả viết vậy: “Em từ cổ họa bước ra/Em người duy nhất làm ta ngập ngừng” (Người đẹp)!

Sau tập thơ đầu tay “Người đẹp” do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, CD “Đồi trăng Phương Bối” gồm 10 ca khúc của Nguyễn Đức Vân cũng đã được Hãng phim Á Châu xuất bản, trong đó “Đồi trăng Phương Bối” vẫn là ca khúc “đinh”.