Trang chủ PGVN Nhân vật Cảm niệm ân đức Bổn sư – HT. Thích Chí Tín

Cảm niệm ân đức Bổn sư – HT. Thích Chí Tín

96

Hôm nay, trước linh đài của thầy, trong giờ phút sắp sửa phải bái biệt thầy đi xa, chúng con- những người đệ tử thầy- thành kính dâng lên thầy đôi lời tưởng niệm. Ngưỡng mong giác linh thầy thùy từ chứng giám.

Kính bạch giác linh thầy!

Chúng con hằng nghe:     “Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng
                Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền.”

Nghĩ đến câu nói ấy, chúng con thật bùi ngùi xúc động và cảm thấy có lỗi, trống trải trong lòng, chưa đáp đền thâm ân sâu đậm của thầy.

Trong mấy chục năm anh em huynh đệ chúng con tu học và sống chung với nhau dưới sự giáo dưỡng và bảo bọc của thầy, chúng con nhận ra rằng, thầy rất ít khi dạy bảo trực tiếp bằng từ ngữ trong kinh điển cao siêu, khó hiểu. Thay vào đó, thầy dùng lối giáo huấn thật giản di, mộc mạc, chân chất mà vô cùng ý nghĩa để giáo huấn đàn con trẻ. Thầy áp dụng lối dạy thân giáo.

Thân giáo của thầy nhiều, nhiều lắm. Khi mới vào chùa tu học với thầy, ấn tượng về đức hạnh cao cả của thầy khiến chúng con vẫn nhớ như in, khắc ghi trong lòng, không sao quên được hình bóng thầy với tuổi đời sắp xỉ 70, mặc bộ đồ bà ba màu nâu, vai mang 2 cái đẩy nặng trịch-1đẩy đựng cam 1 đẩy đựng sữa-, đạp chiếc xe đạp cọc cạch giữa trưa nắng gắt xuống bệnh viện tỉnh bố thí cho bệnh nhân. Thầy không màng đến tuổi cao sức yếu của mình. Giữa lúc mọi người đang ngủ nghĩ để giữ sức khỏe cho bản thân, thầy lại quên mình, đi phân phát vật phẩm để đem lại an vui cho người khác. Thầy chỉ làm việc bằng tất cả tâm từ bi cao cả của một bậc chân tăng khả kính.Thầy đang sống giữa hồng trần nhưng không bị nhiễm bụi trần.

Có lần được thầy cho phép đi cùng đến bệnh viện, chúng con chứng kiến rằng, khi thầy vừa bước chân đến cổng bệnh viện, mọi người đổ ra, vái chào thầy với ánh mắt vừa vui mừng vừa kính trọng. Sau lần đi đó, chúng con mới biết rằng nhờ thầy đi bố thí mà có vô số người đã biết đến đạo Phật và trở thành đệ tử tại gia của thầy. Thầy không nói nhiều nhưng với hành động xuất phát từ tình thương bao la đã nhiếp hóa tứ chúng quay về tu học với thầy.

Những nơi Phật pháp chưa được biết đến, thầy nhiệt tình trợ duyên mạnh mẽ cho phật pháp được hưng thịnh.  Thầy sẵn lòng cứu giúp, nâng đỡ chư tăng ni những nơi thiếu thốn. Thầy tự thân mang gạo, cho tiền, cung cấp các vật dụng cùng những lời sách tấn để động viên các tăng ni mới bước chân vào làm đạo, còn bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm sống.

Chúng con vô cùng hãnh diện được làm đệ tử của thầy vì những công hạnh to lớn của thầy đối với đạo pháp. Chỉ cần nhìn lên tượng Kim Thân Phật Tổ, ai cũng biết công đức của thầy cùng với chư tôn Hòa Thượng to lớn nhường nào. Đi xa, nghe ai nhắc đến tiếng tăm chùa Long Sơn, chúng con khắp khởi mừng thầm, vì thầy mình đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt vô đó mới được như hôm nay. Thầy đã cưu mang và đỡ đầu về vật chất lẫn tinh thần cho 7 thế hệ tăng ni sinh đến hơi thở cuối cùng.

Sau này, khi tuổi đã cao và sức đã yếu mòn, không còn đủ sức tham gia các phật sự và tự thân đi bệnh viện bố thí nữa, bao nhiêu tiền phật tử hiến cúng cho thầy, thầy dùng để in kinh sách phân phát cho phật tử đọc, để thấm nhuần Phật pháp. Khi có sức khỏe, thầy thực hành hạnh tu tài thí, khi sức khỏe đã dần mỏi mòn, thầy dùng hạnh tu pháp thí.  

Thầy không giữ lại gì cho riêng bản thân mình cả. Trú trì ngôi chùa là trụ sở trung tâm của Phật giáo tỉnh trong suốt 60 năm qua, nhưng thầy không màng đến vật chất. Thường ngày thầy chỉ sống trong căn phòng nhỏ hẹp, quanh năm mặc quần áo thô sơ, ăn uống đạm bạc.

Thầy vì thương người không kể đến tính mạng mình bị đe dọa. Thầy vẫn thường kể cho chúng con nghe rằng, những năm đói khổ, thầy mang gạo vô Đồng Bò, cấp dưỡng cho các chiến sỹ cách mạng với tâm từ bi vô ngã vị tha, nhưng người Pháp nghi ngờ thầy làm chính trị, đã tra tấn, đánh đập khiến thầy suýt mất mạng.

Tuy thầy ít dạy chúng con bằng lời nói nhưng hễ nói ra, lời thầy thật thâm thúy, vô cùng ý nghĩa, và là kim chỉ nam đưa đường dẫn lối cho chúng con. Thầy thường dạy chúng con rằng; “các con hãy xem mình chỉ như một chén cơm cho đời bớt đói, một bát nước cho đời đỡ khát.” Thầy còn dạy: “Thời nay, tìm vàng tìm bạc thì dễ, tìm người tu khó lắm con ạ!”Lời thầy thật đúng với hạnh nguyện từ bi bao la suốt đời của thầy.

Thầy trông nôm đệ tử như mẹ hiền chăm sóc con thơ. Khi còn bé, thầy chở chúng con đi học, mua từng cuốn vở cây bút. Đến bữa ăn, thầy đến từng bàn xem các con ăn có no đủ chưa. Tối lại, thầy cầm chiếc đèn pin và cây gậy đi xem có đứa nào trốn thầy đi chơi không.

Ngoài việc tiếp tăng độ chúng, thầy không quên mình là một hành giả của Như Lai. Thầy tụng kinh ngày đến mấy thời. Lúc không thể tụng kinh nổi, tay thầy không lúc nào rời xâu chuỗi niệm Phật.  

Công viên quả mãn, thuận thế vô thường, thầy xã báo thân ra đi rất nhẹ nhàng, nhưng chúng con mất đi một bậc thầy khả kính, một bậc chân tăng mẫu mực, định lực sâu dày, một bóng cây đại thụ che mát cho chúng con trên lộ trình tấn tu đạo nghiệp còn nhiều thử thách, gian nan. Chúng con không còn được nghe thầy kể những câu chuyện kinh nghiệm tâm linh trong đời sống tu tập của thầy để chúng con học hỏi; không còn được nghe thầy căn dặn mỗi khi ở xa về thăm thầy “Tu ở nước mô đi nữa, cũng phải nhớ mình là Thích Tử Như Lai nghe con!.”

Cùng có duyên với ta bà, thầy đến trước, giờ này thầy đi trước. Chúng con nguyện kiếp sau tiếp tục làm đệ tử của thầy, được thầy dìu dắt tu học.
Ngưỡng mong giác linh thầy từ bi hứa khả.

Nam-mô Tân Viên Tịch Tự Lâm Tế Chánh Tôn Tứ thập tam thế húy Thượng Tâm hạ Nhẫn tự Hạnh Từ hiệu Chí Tín trưởng lão hòa thượng giác linh thùy từ chứng giám.