Trang chủ Văn học Cảnh giới Giác ngộ – Từ tâm thức tôn giáo đến sáng...

Cảnh giới Giác ngộ – Từ tâm thức tôn giáo đến sáng tạo thi ca (phần 2)

149

II. Cảnh giới giác ngộ trong thơ thiền:


1.       Tinh thần của cảnh giới là cái nhìn:


Cảnh giới không phải là ngoại cảnh, không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng, không phải là cái luôn ở ngoài ta. Cảnh giới ở đây, trong sự gắn bó với ý nghĩa tôn giáo của nó, là sự “thực hiện toàn mãn” của con người trong hành trình dài nỗ lực sống và giao cảm tâm linh. Và do đó, nó không phải là đối tượng của mắt, mà là đối tượng của cái nhìn bên trong; Nó là cái được nhìn, là sự sống trong cái nhìn. Cái nhìn ấy đã hoạt hoá mọi biểu hiện của đời sống: “trúc biếc xanh xanh hết thảy là pháp vân – hoa vàng mơn mởn đều là bát nhã”…


“Cảnh giới của thiền học cũng giống như thứ hoá cảnh”[1](Ngô Di) mà Trang Tử kể lại trong Nam Hoa Kinh, thiên Thu Thủy. Đó là câu chuyện giữa Trang Tử và Huệ Tử ở cầu Hào, với đoạn đàm luận nổi tiếng: “Ông không phải là cá, sao biết cái vui của cá? – Ông không phải là tôi, sao biết tôi chẳng biết cái vui của cá? “. Cũng như thế, cái nhìn trong thiền học là cái nhìn của hoá cảnh, tương vong. Ngôn ngữ Phật giáo gọi là “vô ngại” (không ngăn ngại). Cái nhìn đó do giải thoát mà có, đồng thời chính nó cũng là giải thoát, hướng đến giải thoát.


Phân tích bài thơ của Chiyo, Suzuki trong Zen and Japanese Culture[2] đã viết như sau:


Asagao ya!                                           Hoa triêu nhan ơi


Tsurube torarete                         Gàu kia ai buộc cạnh


Morai mizu                                            Đành xin nước nhà người


L.T.T.T dịch (từ bản tiếng Anh)


Một điểm mà tôi muốn lưu ý ở đây là khi Chiyo trông thấy đóa triêu nhan vào buổi sáng sớm, khoảng thời gian tốt nhất để ngắm hoa, nàng đã bị cuốn hút vào vẻ đẹp kỳ ảo của nó đến nỗi toàn thể vũ trụ, kể cả nàng, cũng tan chảy vào đóa hoa triêu nhan đang nở bằng tất cả sức sống nó có. Chính là khi, như Thiền tông nói, Chiyo thực sự nhìn thấy bông hoa và đến lượt mình, bông hoa cũng nhìn thấy nàng. Đây là tình huống đồng nhất hoàn toàn giữa chủ thể và khách thể, giữa người thấy và cái được thấy: toàn thể vũ trụ là một bông hoa, một bông hoa có thật đang mọc ở đây thách thức mọi thay đổi và lụi tàn. Không có ai trông thấy và thưởng thức nó. Đó là một bông hoa tự chiêm ngưỡng mình, bị cuốn hút vào chính mình. Trong khoảnh khắc hệ trọng này, chỉ cần một từ phát ra là có thể làm tan biến mọi thứ…”[3]


Tu tập nghiêm mật không hạn chế được sự sáng tạo của con người. Trong cảnh giới giác ngộ, không phải tất cả các cánh cửa đều khép lại, không phải mọi suy niệm cần phải được qui về một mối tịch diệt, vắng lặng. Có cái gì đó không chỉ là tâm thức tôn giáo mà còn là sự hân thưởng cái đẹp kỳ diệu của tâm hồn và ngoại cảnh, của chiều sâu chứng nghiệm, của ánh sáng tâm linh, của sức sống sau những “cái chết” tịch lặng của “đất tâm”. Vẻ đẹp của cảnh giới giác ngộ phản chiếu vẻ đẹp của con người tự do. Đối với Kawabata Yasunary, đó là vẻ đẹp huyền diệu của chiếc gương soi, chiếc gương của “tánh nhìn“ hồn nhiên tố phác. Nói như  Saigyo:


Fukaki yama ni              Vào sâu núi đồi


Kokoro no tsuki shi                    Trái tim trăng sáng


Suminureba                               Ánh lên ngời ngời


Kagami ni yomo no                    Ta ngỡ mình đại ngộ


Satori o zo miru             Bốn bề là gương soi [4]


(Nhật Chiêu dịch)


Ngày khi ánh sáng chứng ngộ bùng cháy, Saigyo đã cảm nhận toàn thế giới là cái nhìn lớn. Tất cả đều là gương soi, bốn bề  ở đây có nghĩa là trùng trùng, là vô tận. Một sự soi chiếu chân xác, sâu rộng mà vẫn không dính bén, đó là chứng ngộ chăng?


2.       Cảnh giới giác ngộ như một không gian thẩm mỹ:


Lung linh giữa tâm thức tôn giáo và rung động sáng tạo, cảnh giới giác ngộ đã tạo ra một không gian thẩm mỹ rất riêng trong thơ thiền.


Không gian thơ Vương Duy là một ví dụ:


Nhân nhàn quế hoa lạc               Hoa quế rụng, người nhàn


Dạ tĩnh xuân sơn không              Đêm núi sâu quạnh quẽ


Nguyệt xuất kinh sơn điểu                      Trăng lên chim động khẽ


Thời minh xuân giản trung                       Kêu trong dòng suối xuân.


(L.T.T.T dịch)


Ánh trăng có gì mà làm chim núi sợ? Trong bức tranh nhàn tản và vắng lặng ấy, ánh sáng chứng ngộ hiện lên bằng vẻ mặt của pháp tướng vô thường. Ý thơ “kinh sơn điểu” là một ý thơ lạ. Sức nặng của nó nằm ở chữ “kinh”. Đó là cái “giật mình” của sự sống phập phồng trong ánh sáng giải thoát.


Đến Liễu Tông Nguyên, không gian ấy trở thành sự cô tịch:


Thiên sơn phi điểu tuyệt            Nghìn non bóng chim tắt


Vạn kính nhân tung diệt              Muôn nẻo dấu người không


Cô chu toa lạp ông                                 Thuyền đơn áo tơi lá


Độc điếu hàn giang tuyết                       Một mình câu tuyết sông.


 (Hoàng Tạo dịch)


Thiền sư Basho có một bài thơ Haiku: “Trên con đường này – giữa chiều thu ấy – đi về không ai”[5] (Nhật Chiêu dịch). Cũng giống như “bản lai vô nhất vật” (xưa nay không một vật), “không ai” của Basho, “nhân tung diệt” của Liễu Tông Nguyên thuộc về  cảm thức thiền tông. Cái “tuyệt”, “diệt” của bóng chim bóng người ấy phản chiếu tinh thần cô tịch của thiền định. Những hình ảnh xuất hiện đều là duy nhất: “cô chu”, “độc điếu”. Duy nhất không phải là cô đơn, mà là vẻ đẹp của đơn sơ. Hình ảnh “áo tơi – sông tuyết” gợi ta nhớ đến một châm ngôn thiền học nổi tiếng: 


Sau bao năm gian khổ, áo choàng tôi rách tả tơi


Một phần của nó đã bị gió cuốn đi[6]


Có thể nhận thấy thiên nhiên trong thơ thiền Trung Quốc nói chung hiện lên như hệ quả của chứng đắc. Ở đó, trí tuệ giải thoát tự nhận biết sự thực hiện của mình. Như người ngồi giữa trúc tối gảy đàn rồi huýt sáo, như người ngồi trong am ẩn nhìn mây bay…


Không quan tâm nhiều đến ý chí đạt đạo, thơ thiền Nhật Bản lại mang một tinh thần khác. Điểm đáng nói trong thơ thiền Nhật Bản, theo tôi, là vẻ đẹp của nỗi buồn chứng nghiệm. Nỗi buồn ấy thể hiện trong thuật ngữ văn học aware (bi cảm). Chúng ta có thể đọc trong nỗi buồn ấy một tâm tình yêu mến cái đẹp đến lạ kỳ:


Kuma mo naki               Nhớ thương ai


Ori shi mo hito o                        Khi trăng vừa mọc


Omoiidete                                 Giữa trời không mây


Kokoro to tsuki o                       Trái tim ứa lệ


Yatshushitsuru kana                  Nên rồi trăng phai [7]


Thiền sư Saigyo


(Nhật Chiêu dịch)


Làm sao mà một nỗi buồn thương có thể khiến trăng kia phải phai tàn? Nước mắt là vô thường, thương nhớ cũng là vô thường. Một cái tâm xao xuyến ứa lệ đã soi vào cái tâm sáng chói tịch diệt của vũ trụ. Trăng vẫn còn đấy, có hề gì dẫu soi chiếu mọi đau xót hay tàn phai của con người.


Thay cho nỗi buồn chứng nghiệm, thơ thiền Việt Nam, đặc biệt ở thời Trần, lại là niềm vui “cư trần lạc đạo”. Hầu hết các bài thơ thiền Việt Nam hiếm khi xuất hiện cảm giác u buồn mà tràn đầy tâm thế an nhiên của chứng ngộ.


Đó là thế giới của Trần Nhân Tông với những cò trắng từng đôi, với tiếng chày khuya, đôi bướm trắng, cánh hoa mộc, hoa liễu…


Niềm “lạc đạo” ấy thể hiện rất rõ trong bài Xuân cảnh:


Dương liễu hoa thâm điểu ngữ tri


Hoa đường thiềm ảnh mộ vân phi


Khách lai bất vấn nhân gian sự


Cộng ỷ lan can khán thuý vi.


Dịch thơ:


Chim nhẩn nha kêu, liễu trổ dày


Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay


Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế


Cùng tựa lan can nhìn núi mây.


(Huệ Chi dịch)


Nhà thơ không chú trọng mô tả một cảnh giới đẫm màu sắc thiền tông. Hình ảnh trong thơ không thuộc về những cái duy nhất. Bóng dáng trần thế đậm đặc với tiếng chim kêu và màu xanh thẩm của cành dương liễu. Toàn bài thơ không một từ “xuân”. Vậy mà tác giả gọi tên cảnh sắc ấy là “cảnh xuân”. Cõi Phật vốn cũng được gọi là cõi Xuân. Ở đó, những “nhân gian sự” bỗng nhiên lắng dịu. Con người chỉ sống trong an nhiên mà không băn khăn bày tỏ điều gì, âu lo điều gì. “Cảnh xuân” của Trần Nhân Tông cũng là một cái tên khác cho cõi Phật – cõi Xuân chăng?


Với Tuệ Trung Thượng Sĩ, sự “hòa quang đồng trần” ấy còn đẩy tới mức xa hơn. Nguyễn Huệ Chi đã gọi ông là “gương mặt lạ” trong làng thơ thiền.


Không gian thơ Tuệ Trung Thượng Sĩ là cả một “chân cảnh giới”. Đó là xứ xứ hoa (khắp chốn hoa), là tam giới mang mang (ba cõi mênh mông), là nương sinh diện (khuôn mặt người mẹ), … Không ở đâu ông không thể hiện một tâm thế an nhiên tuyệt vời. Ngoài những bài thơ có bóng dáng “tiêu dao du” của Trang Tử, thơ Tuệ Trung là một thứ ngôn ngữ thiền tông mãnh liệt, đẹp đẽ và nhuần nhuỵ: “Một tiếng nhạn trời đâu vẳng đến – Gió thu như đã dậy mênh mông” (Nhất thanh hà xứ tân lai nhạn – Trắc giác thu phong biến thập châu); “Bầu trời chỉ thấy vừng trăng quạnh – Đêm lắng vào thu biển Phật trong” (Trường không chỉ kiến cô luân nguyệt – Sát hải trừng trừng mạn dạ thu), “Mây ngàn vốn tự bay ra núi – Nước suối thường khi đổ xuống ghềnh” (Sơn vân dã hữu xuất sơn thế – Giản thuỷ chung vô đầu giản thanh)[8] … Chỉ một tiếng nhạn kêu mà gió nổi mười phương. Cái thế của mây ngàn tự bay ra khỏi núi như bản lai vốn vô sinh vô diệt… Gửi gắm tâm thế an nhiên lạc đạo, nhà thơ không băn khoăn đến những trải nghiệm đầy bi cảm về cõi vô thường. Cũng đám mây bay ra khỏi núi ấy mà Teika (1162 – 1241), thiền sư Nhật,  lại muốn nói đến một nỗi lòng trần thế:


Haru no yo no                            Rơi từ chiếc cầu mộng


Yume no ukihashi                                  của một đêm xuân


Todaeshite                                            Ta thức giấc                                         


Mine ni wakaruru                                    Trên trời một áng mây


Yokogumo no sora                                 Đã rời xa đỉnh núi          


(Nhật Chiêu dịch)


Với Teika, mây bay ra khỏi núi dường như cũng mang đi mất sự bình yên của lòng người… Ai rơi khỏi giấc mộng mùa xuân mà không cảm thấy bất an xao động?


Thiên nhiên trong văn học thiền Việt Nam là một thế giới hồn nhiên, không gây bi cảm. Tác giả Nguyễn Hữu Sơn đã rất có lý khi gọi cảnh thiên nhiên trong Vịnh Vân Yên tự Phú của Huyền Quang là “cõi vô tâm”, là “thiên nhiên Phật”[9]. Ở cõi vô tâm không vướng bận ấy, thiền sư Huyền Quang đã thay thế giấc mộng của Niết Bàn sinh tử bằng giấc mộng an nhiên:


Lòng thiền vằng vặc trăng soi giọi


Thế sự hiu hiu gió thổi qua


“Thiền thiên” của Huyền Quang cũng là “Phật nhật” của Tuệ Trung. Những hình ảnh này xuất phát từ ý thức giác ngộ, cái ý thức vốn dĩ mong triệt tiêu mọi bến bờ, mọi giới hạn. Thực chất, vẻ đẹp của cảnh giới giác ngộ chính là vẻ đẹp của vô môn quan, của như thị.






[1] Xem Thiền và Lão Trang, Ngô Di, Đồ Nam dịch, Một nhóm người học Phật xuất bản, S, 1973.



[2] Zen and Japanese culture, Daisetz T. Suzuki, Princeton University Press, 1970, p.224.



[3] Nguyên văn tiếng Anh: “ The point I wish to make here is that at the time Chiyo perceives the morning – glory  early in the morning,  which is the best time to see the flower, she is so absorbed in its unearthly beauty that the whole universe, including herself, is transformed into one absolute morning-glory blooming all by itself. This is the time, as Zen would declare, when Chiyo really sees the flower and the flower in turn sees the poetess. This is the case of perfect identification between subject and object, seer and seen: the whole universe is one flower, one real flower that stands here defying all change and decay. There is no one seeing it and admiring it. It is the flower seeing itself, absorbed in itself. At this supreme moment, to utter even a word would be altogether out of place(…)”[246 – Zen and Japanese culture, Suzuki]



[4] Thơ ca Nhật Bản, Nhật Chiêu, Nxb Giáo dục, H, 1998, trang 105.



[5] Bashô và thơ Haiku, Nhật Chiêu, Nxb Văn học, H, 1994, trang 63.



[6] Xem Zen and Japanese Culture, sđd, trang 262.



[7] Xem Thơ ca Nhật Bản, sđd, trang 107.



[8] Tổng tập văn học Việt Nam, Quyển 2, Trần Lê Sáng chủ biên, Nxb KHXH, H, 1997, trang 216.



[9] Xem Vịnh Vân Yên tự phú – nẻo về thiên nhiên Phật và “cõi vô tâm”, Nguyễn Hữu Sơn, TCNCPH, số 3-1998,trang 33 – 36.