Trang chủ Văn hóa Cầu truyền hình quốc tế: Chương trình của sự hòa điệu văn...

Cầu truyền hình quốc tế: Chương trình của sự hòa điệu văn hóa

63

Với chủ đề “Hà Nội – Viên Chăn – Paris: Hòa điệu văn hóa và khát vọng hòa bình”, đây là một hoạt động hướng tới đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, kỷ niệm 20 năm ngày UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc và 11 năm ngày Hà Nội được UNESCO công nhận là thành phố Vì hòa bình. Chương trình do Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC đảm nhiệm. Theo bà Đỗ Thị Minh Ngọc, Giám đốc đài VTC, dựa theo kịch bản văn học của nhà văn Nguyễn Khắc Phục và tổng đạo diễn, nhạc sĩ Trọng Đài, kịch bản chương trình đã được VTC hoàn tất và đang trong giai đoạn ghi hình, thực hiện các phóng sự tại Pháp và Lào.

Chương trình sẽ kéo dài 120 phút với 3 phần chính: Mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long; Hòa điệu văn hóa và khát vọng hòa bình; Thăng Long – Hà Nội và Thông điệp Hồ Chí Minh tại 3 điểm cầu Chùa Trấn Quốc – Hà Nội, Trung tâm văn hóa Việt Nam – Viên Chăn (Lào) và Trường quay F24 – Paris (Pháp). 3 ca khúc nổi tiếng về Hà Nội sẽ được trình bày trong đêm giao lưu là “Hà Nội niềm tin và hy vọng” do Dàn hợp xướng Đoàn nghệ thuật Quốc gia Lào trình diễn tại đầu cầu Viên Chăn, “Người Hà Nội” tại đầu cầu Paris và “Một thoáng Hồ Tây” tại đầu cầu Hà Nội cùng các phóng sự về tình cảm hữu nghị thân thiết giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với lãnh đạo và nhân dân Lào, các cuộc trò chuyện về truyền thống lâu đời của văn hóa Việt Nam và những ghi nhận của UNESCO về các danh nhân văn hóa, di sản văn hóa Việt Nam… sẽ là thông điệp về những nét tương đồng văn hóa, hòa điệu văn hóa và khát vọng hòa bình giữa 3 thành phố.

Lựa chọn không gian Chùa Trấn Quốc với sân khấu nổi trên Hồ Tây, thay vì Vườn hoa Lý Thái Tổ, nơi vẫn được coi là hình ảnh đặc trưng của sự kiện 1000 năm Thăng Long, có thể được coi là sự lựa chọn đầy táo bạo của VTC. Giải thích về điều này, đại diện đài VTC cho biết, địa danh Hồ Tây, theo một số ý kiến lịch sử là nơi đầu tiên cập bến thuyền rồng của nhà vua Lý Công Uẩn trong lộ trình dời đô từ Hoa Lư về Hà Nội. Hơn thế, mặc dù đây là phương án khá tốn kém về mặt kinh tế, nhưng sẽ đạt được hiệu quả cao để giới thiệu những hình ảnh mang hồn Việt thông qua lễ hội thả hoa đăng, thiếu nữ chèo thuyền trên sông nước…

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nhận định, đây thực sự là một công việc không đơn giản bởi không chỉ đòi hỏi sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng về nội dung như chọn chủ điểm, nhân vật phỏng vấn, địa điểm ghi hình… mà còn cả về kỹ thuật truyền dẫn phát sóng và sự kết hợp tiếp sóng của các đài truyền hình trung ương và địa phương theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng. Dự kiến, chương trình sẽ sử dụng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng bằng vệ tinh giữa các nước và bằng cáp quang giữa các địa phương.