Trang chủ Tu học Bước đầu học Phật Chính pháp là gì?

Chính pháp là gì?

606

 

Từ sau khi bài viết “Mỗi người nên có 2 vợ hoặc 2 chồng” được đăng tải trên báo, tôi nhận được rất nhiều điện thoại, email và nhắn tin mong muốn được biết chính pháp là gì. Với hiểu biết hạn hẹp của một cư sỹ tại gia mới tu tập chưa được chục năm nay, tôi xin mạnh dạn viết ra góc nhìn của mình.
 
Chính pháp của đức Phật
 
Trong phần signature (chữ ký) phía dưới mỗi email của tôi đều có câu kệ, được lấy ra từ kinh Pháp cú:
 
“Không làm các điều ác;
Nên làm các việc lành;
Giữ tâm ý trong sạch;
Là lời Chư Phật dạy”
 
Đối với tôi đây là chính pháp. Thực hành chính pháp tức chúng ta đơn giản làm các việc thiện lành, và không làm những điều xấu. Chúng ta nên ngày đêm giữ cho thân tâm của mình được trong sạch.
 
Thực hành chính pháp
 
Bạn sẽ hỏi tôi, cụ thể phải làm những gì. Xin thưa, trước hết, chúng ta cần giữ giới. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây việc giữ giới cho khẩu nghiệp. Bởi lẽ khá nhiều người nói dối nhiều thành quen, nói không ngại miệng, nói như là không có vấn đề gì cả. Theo đức Phật dạy, chúng ta không nên nói dối để hại người khác, không nói đâm thọc để tạo mối bất hòa, không nói lời thô lỗ và hung dữ để làm người khác khó chịu, không nói thêu dệt để lợi mình hại người.
 
Là phật tử, chúng ta nên giữ 5 giới cơ bản là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu bia cũng như dùng các chất kích thích, và không nói dối. Chỉ cần giữ nghiêm 5 giới này, theo lời Phật dạy, chúng ta sẽ không bị đọa vào 3 đường ác.
 
Nếu là Phật tử có quyết tâm tu tập cao, muốn thành tựu viên mãn, chúng ta có thể giữ đến 8 giới (bát giới) hay 10 giới. Hiện nay ở một số đạo tràng trên cả nước đã tổ chức những ngày bát quán trai cho các phật tử trong vòng 24 giờ đồng hồ và lợi ích thật là lớn ngay trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. 
 
Phật tử nên chọn thiện nghiệp. Ý ở đây là chúng ta nên thực hành hạnh bố thí (dana), trì giới (sila) và tu tâm (bhavana). Đã là Phật tử chúng ta cần có lòng từ bi, yêu thương mọi người, mọi loài và tất cả chúng sinh. Chúng ta nên tập hạnh sẻ chia những gì mình có cho người khác, tùy điều kiện hoàn cảnh. Đó có thể là vật chất, tiền bạc, thời gian, công sức, trí tuệ, kinh nghiệm.
 
Đó cũng có thể là bố thí Pháp tức giảng những lời của đức Phật cho mọi người. Đó có thể là vô úy thí, tức lấy đi nỗi lo sợ của người khác, mang lại bình an cho họ. Giữ giới, tức giữ ít nhất 5 giới mà bất cứ ai đã từng quy y Tam Bảo cũng đã phát nguyện, làm cho cuộc sống của ta trở nên bình an và tinh khiết.
 
Còn việc tu tập để tâm ngày càng tốt hơn thì thật là tuyệt vời. Tức, chúng ta gieo mầm thiện, mầm tốt trong mỗi suy nghĩ của mình. Nếu ta có tâm thiện ắt lời nói và việc làm cũng sẽ thiện. Nghiên cứu về Phật pháp ta thấy, sau khi thực chứng Niết Bàn qua bốn thánh đạo (Ariya Maggas), Đức Phật tiếp tục phát triển tâm qua 4 thánh quả (Ariya Phalas). Đây là quá trình thanh lọc tâm qua sự khởi hiện của các chập tâm thánh quả (Ariya Phasa Cittas).
 
Để tưởng nhớ và hành theo các đức hạnh của Phật, hàng ngày, chúng ta có thể niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tăng. Tam Bảo là 3 ngôi báu. Chúng ta niệm để tưởng nhớ đến Đức Phật, đến công đức của Ngài, và biết ơn Ngài đã để lại cho chúng ta chính pháp. Chúng ta niệm Pháp để hiểu và ứng dụng tốt nhất những lời dạy vàng ngọc của Đức Phật, giúp chúng ta phát triển trí tuệ, để nhắc nhở ta đi đúng theo chính pháp. Chúng ta niệm Tăng để quán tưởng đến các phẩm hạnh cao quý của các đệ tử xuất gia của Ngài, để tăng trưởng công đức giúp tu tập thêm hiệu quả.
 
Cuối cùng, nếu có thể, quý phật tử có thể thực hành thiền. Thiền không hề mất thời gian như quý vị nghĩ. Chúng ta có thể hành thiền mọi lúc, mọi nơi. Hành thiền thật sự giúp cho thân tâm an lạc, có hạnh phúc và cuối cùng tuệ sẽ phát sinh. Mà đạo Phật quan trọng 3 chữ “Giới – Định – Tuệ”. Chúng ta giữ giới, tu tập để tâm định và cuối cùng là tuệ xuất hiện.
 
Chính pháp rất đơn giản. Tuy nhiên việc thực hành chính pháp không hề dễ chút nào bởi nghiệp của chúng ta sâu dày, thói quan xấu đã ngấm vào chúng ta từ bao nhiêu kiếp đến nay. Một điều chắc chắn tôi muốn nói ở đây là, nếu chúng ta phát ra “quyết tâm ba la mật”, chắc chắn chúng ta sẽ thành tựu./.
 
Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty sách Thái Hà