Trang chủ Thời đại Chủ nghĩa tư bản có thể học hỏi từ Phật giáo

Chủ nghĩa tư bản có thể học hỏi từ Phật giáo

103
Trong cuốn sách “The Leader’s Way” (Con đường của nhà lãnh đạo) phát hành bởi nhà xuất bản Broadway Book trong tháng này, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng viết rằng kinh doanh và Phật giáo, cả hai đều coi trọng hạnh phúc cũng như việc đưa ra các quyết định đúng, và rằng một công ty không có “ các nhân viên, khách hàng và cổ đông hạnh phúc cuối cùng sẽ thất bại.”
 
Trích dẫn những nguyên tắc sống cơ bản của Phật giáo như thành tâm, giữ cho tâm an tĩnh không bị chi phối bởi những ý nghĩ tiêu cực và nhận thức được rằng không có cái gì gọi là vĩnh cửu, đức Đại Lai Lạt Ma và đồng tác giả Laurens van den Muyzenberg cùng xử trí các vấn đề “nóng” hiện nay như bồi thường cho công ty, làm ăn phi pháp và sự sụp đổ của thị trường cầm cố thứ cấp.
 
Đức Đại Lai Lạt Ma đã sống lưu vong tại Ấn Độ kể từ khi đào thoát khỏi Tây Tạng  sau cuộc khởi nghĩa bất thành chống lại sự cai trị của Trung Quốc vào năm 1959. Ngài được trao tặng giải Nobel Hòa bình năm 1989.
 
Thiên về chủ nghĩa xã hội, đức Đại Lai Lạt Ma viết rằng sự hiểu biết của ngài về chủ nghĩa cộng sản có được là nhờ qua những cuộc gặp gỡ với cố chủ tịch Mao Trạch Đông của Trung Quốc. Ngài nói rằng sự ngưỡng mộ của ngài dành cho Mao chấm dứt khi Mao so sánh tôn giáo với “thuốc độc.”
 
Ngài viết, “Tôi đành phải đặt niềm tin của tôi vào hệ thống thị trường tự do… Việc nó cho phép con người được tự do tư duy cũng như cho phép các tôn giáo hoạt động đã thuyết phục tôi rằng đây là một hệ thống thị trường mà chúng ta nên làm việc với nó.”
 
Đức Đại Lai Lạt Ma là một nhà ủng hộ tự do tôn giáo và quyền tự trị cho Tây Tạng nổi tiếng, và việc này đã đặt ngài vào vị thế xung đột với Trung Quốc. Trung Quốc buộc tội ngài là mưu cầu sự độc lập cho Tây Tạng và tạo sự bất ổn.
 
Sự ghép đôi không hợp
 
Cuốn sách với đề phụ “Nghệ thuật ra quyết định đúng trong nghề nghiệp, công ty và thế giới của chúng ta nói chung " (The Art of Making the Right Decisions in Our Careers, Our Companies, and the World at Large ) được hình thành và ra đời từ những cuộc gặp gỡ giữa  van den Muyzenberg, một nhà tư vấn quản lý quốc tế, và đức Đại Lai Lạt ma từ năm 1991 đến năm 2000.
 
Van den Muyzenberg viết rằng cả hai thảo luận về những vấn đề dường như  là một sự “ghép đôi không  hợp” giữa kinh doanh và Phật giáo.
 
Đức Đại Lai Lạt Ma viết, “Khi tôi khởi sự dự án này, tôi không chắc là các doanh nghiệp có thể làm ăn đàng hoàng để hoàn toàn xứng đáng có một một danh tiếng tốt đẹp hay không. Nay thì tôi tin rằng họ có thể.”
 
Ngài viết rằng lợi nhuận, thí dụ, chỉ là một “mục đích tốt đẹp”, nhưng vai trò chủ yếu của kinh doanh là “ đóng góp cho sự hạnh phúc của xã hội nói chung.”
 
Ngài nói thêm rằng “Giá trị thực của một doanh nghiệp không phải là số cơ ngơi, số nhân viên và nguồn tài chánh của nó, mà  nằm ở mối quan hệ giữa những con người làm việc trong công ty với các cổ đông bên ngoài.”
 
Đối với các nhà lãnh đạo công ty, các tác giả tán thành việc hành thiền, lưu ý những cơ hội thực hành chẳng hạn như trong khi ở tị phi trường hoặc đi taxi.
 
Đức Đại Lai Lat Ma lưu ý rằng cuốn sách không nhằm ý định cải đạo người đọc sang Phật giáo.
 
Ngài viết,” Chúng tôi muốn cuốn sách thực dụng và giúp cho các nhà doanh nghiệp có những quyết định tốt hơn.”
 
Người dịch: Supanna
Theo: Reuters