Trang chủ Tin tức Chùa Bằng: Đêm hội hoa đăng mừng ngày Đức Phật thành đạo

Chùa Bằng: Đêm hội hoa đăng mừng ngày Đức Phật thành đạo

125
Cách đây gần 3000 năm, tại khu rừng Ưu-lâu-tần-loa, bên dòng sông Ni-liên-thiền ngoại ô thành Vương-xá, nước Ma-kiệt-đà, một con người với sức mạnh phi thường, đã tự thân tìm ra chân lý giác ngộ, chấm dứt hoàn toàn tiến trình sinh tử luân hồi, vĩnh tận mọi trói buộc đau khổ do tham lam, sân hận và vô minh chi phối. Đó chính là Đức Thế Tôn, Chính Đẳng giác, bậc thầy của trời người, Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai. Những lời dạy thánh thiện và cao quý đầu tiên của Ngài, mãi về sau vẫn là phương thuốc màu nhiệm trị lành mọi khổ đau của chúng sinh, đưa con người từ phàm phu lên địa vị giác ngộ. 
Hằng năm, đến ngày mùng 08 tháng 12 âm lịch, vạn người con Phật trên khắp năm châu đều nô nức đón mừng sự kiện lịch sử trọng đại này. Vì lý do ấy, tối ngày 23 tháng 01 năm 2018, nhằm ngày mùng 07 tháng 12 năm Đinh Dậu, chùa Bằng (Linh Tiên Tự) kết hợp cùng chùa Hoằng Pháp – TP. Hồ Chí Minh trang nghiêm, long trọng tổ chức đêm hội hoa đăng kính mừng kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo PL 2561 – DL 2017.
Quang lâm chứng minh buổi lễ có: Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm giám luật HĐCM GHPGVN, bậc tôn sư của Đạo tràng Pháp Hoa; Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban Hoằng pháp TW GHPGVN, Trưởng ban tổ chức chương trình; Hòa thượng Thích Quang Nhuận – Ủy Viên HĐTS, Phó trưởng ban thường trực Ban Hoằng Pháp TW GHPGVN; Thượng tọa Thích Chân Tính – Phó trưởng ban Hoằng pháp TW GHPGVN, trụ trì chùa Hoằng Pháp (TP. Hồ Chí Minh); Thượng tọa Thích Giác Hiệp – Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó BTS GHPGVN tỉnh Lào Cai; Thượng tọa Thích Trí Chơn – Ủy viên HĐTS GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN Quận 12 (TP. Hồ Chí Minh); Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ –  Ủy viên HĐTS, Phó thư ký Ban Hoằng Pháp TW, Trưởng Ban Hoằng Pháp GHPGVN Thành phố Hà Nội cùng Chư tôn đức Tăng Ni đến từ các chùa, tự viện trong và ngoài địa bàn Hà Nội.
Về phía chính quyền có: Ông Phạm Quang Nghị – Nguyên Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư thành ủy Thành phố Hà Nội; Trung tướng Đỗ Kim Tuyến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An Ninh – Bộ Công An; Ông Nguyễn Thế Hùng – Bí thư Đảng ủy phường Hoàng Liệt; Ông Nguyễn Đình Tuất – Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Hoàng Liệt, Bí thư chi bộ Khu dân cư Bằng A; Bà Lê Minh Ngọc – Phó giám đốc bệnh viện Quốc tế Vinmec cùng sự tham dự của NSUT Đỗ Kỷ; NSND Lan Hương; Võ sư Trần Nam Trung – Chủ nhiệm võ đường Nam Thiên Phật Môn Quyền và quý vị đại diện các cơ quan, ban ngành sở tại, đông đảo Phật tử khắp nơi cùng về tham dự buổi lễ.
 
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
 
Đêm hội được chính thức bắt đầu với tiếng xướng kệ thỉnh chuông cúng dường Tam Bảo lắng đọng nhưng đầy thiêng liêng của Đại đức Thích Tâm Tường.
Tiếp theo chương trình là diễn văn khai mạc của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Trưởng ban tổ chức. Hòa thượng nhấn mạnh: “Bồ Tát Tất Đạt Đa thành đạo – Đây là một sự kiện trọng đại nhất, kỳ vĩ nhất, khó được và khó thấy nhất đã trở thành hiện thực. Bóng tối đêm trường bấy lâu nay bao phủ con người đã bị xua tan, ánh sáng của vầng thái dương xuất hiện. Thông điệp cứu khổ độ đời đã được ban ra từ một con người nay đã thành Phật, do nỗ lực tự thân, và sự hy sinh đầy gian lao thử thách chiến đấu và chiến thắng từ nội tâm đến ngoại cảnh, trải qua nhiều ngày nhiều tháng, giữa rừng sâu núi tuyết trong đơn độc cô liêu: đêm quên ngủ, ngày quên ăn, với đại hùng tâm và đại bi tâm, với chí nguyện độ sinh cao cả…
…Thông qua ánh sáng của những ngọn nến, Ban tổ chức mong muốn gửi đi thông điệp đoàn kết của Phật giáo đồ trên toàn thế giới, nguyện hết lòng dấn thân cho sự nghiệp trí tuệ, từ bi xây dựng Tịnh độ nhân gian, góp phần xoa dịu đau thương, ổn định xã hội, chấm dứt chiến tranh, thiết lập nền hòa bình bất bạo động ngay tự thân cá nhân mỗi con người.
 
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
 
Sau nghi thức dâng hương là giây phút thiêng liêng nhất trong đêm lễ được hàng Phật tử tứ chúng đón chờ nhất, khi Hòa thượng tôn sư Thích Trí Quảng đón nhận ánh sáng trí tuệ từ bàn Phật, và truyền sang cho chư tôn thiền đức chứng minh như sự sẻ chia chính pháp rạng ngời, truyền trao tinh thần trí tuệ, từ bi, thể hiện mạnh mẽ sự lưu truyền, hoằng dương chính pháp nơi những người con của Đức Như Lai. 
Tiếp nối sau đó, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm thảnh thơi bước từng bước chân giải thoát xuống lễ đài để truyền ánh sáng cho đại chúng. Những ánh sáng được lần lượt trao đến cho hàng Phật tử, đó chính là ánh sáng của tuệ giác, ánh sáng của sự tỉnh thức yêu thương và lòng vị tha vô hạn. Ánh sáng ấy chiếu sáng vào mỗi trái tim, mỗi tâm thức của chúng sinh đang u mê trong nhà lửa vô minh giả tạm, đưa chúng sinh trở về với bản tính chân như đã sẵn có trong mỗi con người.
 
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
 
Dưới ánh sáng lung linh huyền diệu, hàng vạn trái tim đang dâng trào niềm cảm xúc, hòa trong trong những ngọn nến lung linh ấy, Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Quảng – Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN, Tôn sư đạo tràng Pháp Hoa đã từ bi ban bố pháp nhũ cho toàn thể đại chúng:
Đức Phật ra đời vì mục đích muốn mang đến cho cuộc đời niềm an vui và hạnh phúc. Ngài nhìn thấy rõ tất cả mọi người ở trên thế gian đều mưu cầu hạnh phúc cho bản thân mình hoặc cho những người xung quanh. Nhưng vì phạm những sai lầm nên có người cả cuộc đời chưa trọn được nguyện ước. Có những người trên thực tế thấy mình đã đạt được mong muốn nhưng trong lòng cũng tan nát cõi lòng. Con người làm mọi việc trên cõi đời, dù xấu hay tốt thì cũng đều phục vụ những sự tham vọng của con người. Đức Phật là con người đã chiến thắng được ma binh – loại ma binh từ trong nội giới (Ngũ ấm ma). Nếu ta lấy tâm ma của mình để chống lại ma thì nghiệp luôn tăng trưởng từ đời này qua kiếp nọ. Nhưng Phật đã quyết tâm chống lại chính tâm ma của mình, đó là ma ham muốn, ma bực tức, ma si mê, ma ngã mạn. Ngài đã thắng được ma trong nội giới của mình, trí tuệ bừng sáng, Ngài nhìn thấy những việc đáng làm, không đáng làm, những chỗ nên tới, không nên tới. Nhờ thấy rõ như vậy, trên bước chân hành đạo của Ngài, Ngài đã vượt qua tất cả mọi khó khăn, gian khổ.
Khi Phật thành đạo ở rừng Ưu-lâu-tần-loa, Tại thành Già-da có vị Già-da Ca diếp với 250 tu sĩ, Ưu-lâu-tần-loa Ca diếp với 500 tu sĩ, bên dòng sông Ni-liên-thiền có Nan-đề Ca Diếp với 250 tu sĩ. Sau khi đắc đạo, Ngài nhìn thấy tâm nguyện 1000 tu sĩ ở đây là những người mang chí lớn, quyết đem lại hạnh phúc cho con người. Nhưng việc làm của họ luôn luôn mâu thuẩn. Mục đích muốn mang lại hạnh phúc cho con người nhưng hành động đôi khi lại phá đi cái  mục đích đó. Từ đấy nối tiếp nhau sinh ra nghiệp báo và sinh tử luân hồi. Vì thương xót những người đó, Phật tới với họ – những người đầy ngã mạn, khinh người và đang đau khổ trong khổ nạn đó. Lúc bây giờ, ngài tới thôn Ưu–lâu-tần-la thì toàn bộ 500 tu sĩ đó nghĩ rằng đây là một vị sa môn tu khổ hạnh và tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh đáng thương của Phật. Tuy nhiên, chỉ sau 1 đêm, ngài làm cho Ưu–lâu-tần-la Ca Diếp cảm thông, nhận Đức Phật là bậc thánh và quyết định quy y với Phật, các vị đệ tử của ông, ai muốn theo Đức Phật thì xuất gia theo Phật, ai không muốn theo Phật thì tự do đi tùy ý, khác với tâm thức lúc trức, khi nào cũng đòi khống chế và bắt đồ chúng của mình phải theo mình bằng cách nuôi rắn Hổ mang để dọa nạt họ. Toàn thể 500 đồ chúng quyết định tu theo Phật và trở thành những vị đệ tử đầu tiên của Phật bắt đầu từ ngôi làng này.
Già–da Ca diếp đã từng thấy Đức Phật ngồi dưới gốc cây Bồ Đề, tuy vậy, ông cho rằng ông Sa môn Cù Đàm này thật dại khờ, không biết tính toán, không biết tu hành, ngồi đấy như gỗ, như đá. Nhưng ông đâu biết rằng, Ngài ngồi đó mà từng bước Ngài thâm nhập vào trong Phật huệ, từng bước giải phóng được ma chướng trong nội tâm của mình, từng bước Ngài thấy và biết được hết tất cả mọi điều trong vũ trụ và tất cả chúng sinh. Sau khi nghe nói Ưu–lâu-tần-la Ca Diếp đã theo Phật, ông rùng mình, hối hận và cùng phát nguyện đưa 250 đồ chúng của mình theo Phật. Rồi đến Nan-đề Ca diếp cũng đưa 250 đồ chúng của mình theo Phật. Như vậy trong khoảng thời gian rất ngắn, Ngài đã nhiếp phục được 1000 tu sĩ.
Dù trong tay không có bất cứ đồ vật gì ngoài bình bát và ca sa, nhưng Phật vẫn dám tiếp nhận 1000 đồ chúng và phải lo tổ chức cho họ ăn, cho họ ở tập trung trong kỳ an cư kiết hạ. Ngài dạy rằng, mỗi người đều có phước báu riêng của mình nhưng vì họ không thấy, không nhận ra phước của mình nên tự mình tạo tội, tự mình làm cho mình khổ. Vậy nên, với 1 tập đoàn người hơn ngàn người như vậy, 3 tháng cấm túc an cư tu tập trong chính pháp, phước lạc của nhân dân, của đồ chúng bắt đầu phát triển nên tự nhiên xóa đi những sự nghèo đói, khổ đau còn hiện hữu nơi đây. Vậy nên Đức Phật dạy, nếu tất cả chúng ta biết lo cho việc chung, biết lo cho hạnh phúc của những người xung quanh chúng ta thì trong lúc đó, chúng ta mới có hạnh phúc thật sự.
Sáng kiến của Hòa thượng Trưởng ban Hoằng Pháp TW, kết hợp cùng Chùa Hoằng Pháp TP.HCM như mối liên kết giữa 2 đạo tràng tu tập khác nhau. Đạo tràng Pháp Hoa, hướng từ thế giới Tịnh độ, theo tư tưởng trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa của Đức Phật Thích Ca về cõi Sa Bà để xây dựng một cõi cực lạc ngay tại nhân gian. Đạo tràng Tịnh Độ, từ một con người sống trong khổ đau ở thế giới Sa Bà hướng tâm về thế giới Cực lạc của Đức Phật A Di Đà. Hai hệ tư tưởng lớn này gặp nhau tại chùa Bằng nói lên được tính thống nhất cao độ của PGVN. Tôi tin tưởng rằng trong tương lai, chúng ta sẽ đóng góp công sức của mình bằng cách tu hành, đắc đạo và lan tỏa niềm tin, trí tuệ của chúng ta tới tất cả mọi người, làm cho mọi người đều được an vui, giải thoát. Đó là chúng ta đang đóng góp cho xã hội của chúng ta ngày nay ngày càng thăng tiến.
Từng lời khai thị của Trưởng lão Hòa thượng chính là kim chỉ nam cho hàng Phật tử vững bước trên con đường tu tập đạt đến quả vị giải thoát.
 
  
  
  
  
  
  
  
  
  
 
Sau đó là nghi thức xưng tán Phật và phần ý nghĩa ngày Đức Phật thành Đạo do Thượng tọa Thích Chân Tính tuyên đọc. “Sự kiện Phật thành đạo là một thiên tình ca bất tận về tình yêu con người và muôn loài: Đức Phật đã chiến đấu và chiến thắng, trước hết vì tình thương, một tình thương rộng lớn vô bờ bến với tất cả chúng sinh, tất cả các cõi. Vì tình thương tưởng hết thảy mà Ngài thành đạo, và Ngài thành đạo cũng vì tình thương tưởng đó…
… Ngày thành đạo của bậc Chánh Đẳng Giác lại về, nhắc nhở chúng ta, mỗi người đệ tử của Ngài phải phản quan lại mình, phải tinh tấn hơn nữa để có được an lạc, phải thăng hoa trong đời sống tu tập, phải biết dừng lại để soi chiếu nội tâm, tỉnh giác trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh để xây dựng cho mình một cảnh Niết Bàn ngay trong cuộc sống hiện tại”.
 
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
 
Trước khi kết thúc chương trình đêm hội hoa đăng, Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ – Ủy viên HĐTS TWGHPGVN, Trưởng Ban Hoằng Pháp GHPGVN-TPHN đã dâng lời cảm tạ lên chư tôn đức cùng toàn thể đạo tràng. 
Đêm hội kết thúc trong sự lung linh tỏa sáng, mầu nhiệm diệu huyền của những ngọn nến tỏa chiếu từ tình thương và sự hiểu biết, hòa lẫn trong cung bậc thanh thoát, trầm bổng của tiếng niệm Phật, tiếng du dương của những khúc thiền ca với mong ước chính pháp sẽ trường tồn, Phật pháp xương long, thế giới hòa bình và nhân dân an lạc.
 
  
  
  
  
  
  
  
 
Sau đêm hội hoa đăng, Hòa thượng trụ trì cùng đại chúng đã tụng trọn vẹn bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa (tụng kinh thông tiêu truyền thống) dưới sự hướng dẫn của chư tôn đức Tăng chùa Bằng với tất cả tấm lòng chí thành, chí kính hướng về Đấng Từ Phụ – Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.