Trang chủ Tin tức Chùa Bồ Đề: Khai mạc khóa tu Tịnh Độ lần thứ nhất...

Chùa Bồ Đề: Khai mạc khóa tu Tịnh Độ lần thứ nhất năm 2016

65
Chứng minh buổi lễ có: HT. Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp TW, Trưởng BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội, Trưởng tử sơn môn Tổ đình Bồ Đề; TT. thích Thanh Huân – Ủy viên thường trực HĐTS, Phó chánh văn phòng HĐTS TW GHPGVN; TT Thích Chiếu Tuệ – Ủy viên HĐTS TW, Trưởng Ban Hoằng pháp GHPGVN Thành phố Hà Nội; Ni sư Thích Đàm Lan – Ủy viên HĐTS TW GHPGVN, Trưởng ban từ thiện xã hội GHPGVN Thành phố Hà Nội cùng chư tôn đức Tăng Ni trong sơn môn Bồ Đề và sự tham dự của đông đảo nhân dân tín đồ Phật tử thập phương.
 
  
  
  
  
  
Chư tôn đức Tăng Ni trong ban tổ chức cùng đại diện Phật tử niêm hương bạch Phật, yết Tổ
 
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
 
Chùa Bồ Đề tên chữ là Thiên Sơn tự nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng. Năm 1874, Thiền sư Thích Nguyên Biểu tới bến Bồ Đề trên bờ sông Hồng, nhìn qua bên kia thành Thăng Long, Ngài thấy nơi đây cảnh trí thiên nhiên thanh nhã, địa danh Bồ Đề lại đồng danh với quả vị mà người tu Phật đều mong đạt tới. Ngài quyết định nhận lời thỉnh cầu của nhân dân địa phương, khai sơn phá thạch dựng chùa, đặt tên là “Thiên Sơn Cổ Tích Tự” mà hiện nay mọi người quen gọi là chùa Bồ Đề.
Trong 32 năm ở chùa Bồ Đề, Hòa thượng Thích Nguyên Biểu đã hết lòng hóa độ tứ chúng, công đức của Hòa thượng thật là sâu rộng và Ngài được xem là vị Tổ thứ nhất của chùa Bồ Đề. Suốt ba thập kỷ trụ trì Thiên Sơn Cổ Tích Tự từ ngày sáng lập cho đến ngày thị tịch, Ngài đã để công tô điểm cho ngôi chùa trở thành một tùng lâm quy mô đồng thời chuyên tu pháp môn tịnh độ.
 
  
  
  
  
  
  
  
  
 
Mở đầu chương trình, Thượng tọa Thích Thanh Huân đã thay mặt Ban tổ chức khóa tu phát biểu khai mạc nhấn mạnh ý nghĩa của khóa tu nhằm báo ơn Tổ sư thượng Nguyên hạ Biểu và mong rằng tất cả quý Phật tử vân tập về Tổ đình nơi đây “đều hết lòng tu tập để tạo thành thế giới thanh tịnh ngay tại chỗ mình đang sống, và có thể chuyển khóa nơi đó trở thành Tịnh độ” bởi “Tịnh độ là cõi thanh tịnh, tức trong sáng và tinh sạch. Theo giáo nghĩa Đại thừa, mỗi vị Phật là một cõi Tịnh độ. Trong mỗi một thế giới đều có hằng hà sa số chư Phật nên có hằng hà sa số cõi Tịnh độ. Thế nên, Phật có trong tâm ta nên trong ta cũng có Tịnh độ. Ở đây, Phật là sự tỉnh thức với đầy đủ các đức tính từ bi và trí tuệ. Trong ta cũng sẵn có tính sáng suốt, hiểu biết và thương yêu”. 
 
  
  
  
  
  
  
  
 
Sau lời phát biểu khai mạc của Thượng tọa Thích Thanh Huân, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Trưởng Ban tổ chức khóa tu đã có lời đạo từ khuyến tấn hàng Phật tử trong 2 ngày tu hãy noi theo gương hạnh chư Phật, chư Tổ để tinh tiến tu tập, niệm Phật tụng kinh, chuyển hóa thân tâm để xây dựng cuộc sống Tịnh Độ ngay tại nhân gian.
 
  
  
  
  
 
Tiếp theo, dưới sự chủ lễ của Hòa thượng trụ trì và chư tôn đức Tăng Ni trong Ban tổ chức khóa tu, toàn thể đại chúng đã lắng lòng thanh tịnh tụng thời kinh A Di Đà hồi hướng cho thế giới hòa bình, nhân dân an lạc.
 
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
 
Buổi trưa, đại chúng đã cùng quý chư tôn đức thực hiện nghi thức Cúng Quá Đường, dùng cơm chay thanh tịnh trong chính niệm tỉnh thức.
 
  
  
  
  
  
  
  
 
Đầu giờ chiều, đại chúng đã cùng trang nghiêm chắp tay búp sen thành kính niệm Phật cung đón Hòa thượng Thích Thanh Hùng – Ủy viên thường trực HĐTS TW GHPGVN, Phó trưởng Ban hoằng pháp TW, Phó trưởng Ban thường trực Ban hướng dẫn Phật tử TW GHPGVN quang lâm pháp tòa thuyết giảng với chủ đề “Xây dựng Tịnh Độ”.
Mở đầu thời pháp thoại, Hòa thượng chia sẻ “Chúng ta niệm hồng danh Đức Phật A Di Đà là một phương hạnh để chúng ta nhiếp hóa 3 nghiệp của mình. Nếu chúng ta nhiếp hóa được 3 nghiệp của mình thì tâm chúng ta được thanh tịnh, miệng chúng ta thanh tịnh và thân chúng ta được thanh tịnh. Nếu như chúng ta đã nhiếp hóa được 3 nghiệp thanh tịnh trong một giờ thì chúng ta hạnh phúc một giờ, thanh tịnh trong 1 ngày thì chúng ta hạnh phúc trong 1 ngày. Đây chính là hạnh phúc không thể trao đổi bằng vật chất nào đó. Nếu nói ở góc độ nào thì 7 thứ của báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu, mã não cũng đổi không được khi tâm – khẩu – thân của chúng ta tịnh”.
Hòa thượng nhấn mạnh “Nếu tất cả chúng ta tập nhiếp hóa được 3 nghiệp thanh tịnh thì chắc chắn ta ở đâu, ở chỗ nào, làm việc gì cũng thấy có Phật, mà có Phật tức là cõi Phật hiện ra, cũng chính là cõi Tịnh. Bởi cõi đó là cõi Phật, mà đã thành tựu như vậy thì cảnh đó ta gọi là xây dựng Tịnh Độ”.
Đức Phật đã dạy mỗi chúng sinh đều có Phật tính, vậy vấn đề ở đây là mỗi chúng sinh phải làm sao để Phật tính đó được hiển lộ. Vì mọi việc luôn luôn có một cặp phạm trù của nó. Chỉ có 2 thứ đó là xấu và tốt, điều thiện hay ác, phàm hay thánh, mê hay ngộ. Tuy 2 nhưng mà chính là 1. Đối với mỗi chúng ta, chỉ có 1 trong 2 điều đó. Như vậy trên trục đó ta mới thấy thiện hay ác đều do chúng ta làm. Vì vậy mà người xưa mới dẫn dụ một chữ “Tâm” thông ra 10 cõi như trong kinh Hoa Nghiêm Đức Phật dạy “Một tâm bao trùm 10 pháp giới mà 10 pháp giới trong một tâm”. Hay nói khác đi trong một tâm cũng có đủ tứ thánh và lục phàm. Tất cả đều hội tụ trong một con người. Nếu chúng ta biết tu và chuyển hóa thì chúng ta sẽ nuôi dưỡng được Tâm thiện lành, tâm vô nhiễm, hạnh phúc sẽ đến và chúng ta đã xây dựng được cõi Tịnh. “Chúng ta xây dựng được một con người chính là xây dựng được một Tịnh Độ”.
Cuối cùng, Hòa thượng khuyến tấn hàng Phật tử hãy tinh tiến tu tập, nỗ lực hành trì niệm Phật tụng kinh trì chú, giữ đại định kiên cố, luôn giữ tâm thanh tịnh, nhìn mọi điều đều tốt đẹp, gạn lọc chuyển hóa để tâm sạch trong, được như vậy dù chỉ một ngày trong khóa tu cũng đã trang nghiêm Tịnh Độ, hàng ngày đều như vậy đều là trang nghiêm Tịnh Độ. Như vậy cuộc sống của mỗi người đều sẽ là cuộc sống Tịnh Độ an lành.
Sau thời thuyết pháp ý nghĩa của Hòa thượng, đại chúng tiếp tục tụng thời kinh A Di Đà trong sự chí thành chí kính hướng về ngày khánh đản Đức Phật A Di Đà. Khép lại một ngày tu tập Tịnh Độ đầy an lạc và viên mãn.