Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Mía – Danh lam cổ tự xứ Đoài

Chùa Mía – Danh lam cổ tự xứ Đoài

683

Với những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc Phật giáo độc đáo, đậm đà sắc thái truyền thống dân tộc, với quy mô bề thế và xinh đẹp. Chùa Mía đã được Nhà nước xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật đặc biệt của Quốc gia.

Chùa Mía tọa lạc trên một ngọn đồi đá ong, có quy mô lớn. Phía ngoài cùng là gác chuông; tiếp đó là mảnh sân, ở phía bên góc phải là một cây đa vài trăm tuổi, tán lá sum suê che mát cả một khoảng rộng, tạo cho khu chùa Mía một cảnh yên, tĩnh mát mẻ, linh thiêng và Tháp Cửu phẩm liên hoa cao 13 m thờ vọng Xá Lợi đức Phật.

Qua một cổng gạch là đến dãy nhà Tăng và khu chính gồm: Nhà Bái đường, chùa Hạ, chùa Trung và Thượng điện.

Theo truyền thuyết, chùa Mía do bà Nguyễn Thị Rong, vợ chúa Trịnh Tráng (1623-1657), tục gọi là Bà Chúa Mía, cho xây dựng.

Theo lịch sử, chùa đã có từ trước đó, theo tấm bia dưới gác chuông năm Vĩnh Tộ thứ 3 (1621) nói về việc lập chùa.

Theo tấm bia khắc năm Đức Long thứ 6 (1634) ở trong chùa thì chùa được trùng tu năm 1632 bởi các cung tần phủ chúa là Nguyễn Thị Ngọc Rệu, Nguyễn Thị Ngọc Thạch và phu nhân Ngô Thị Ngọc Loan. Lần sửa này khá lớn, quy mô chùa được làm rộng hơn trước nhiều.

Lúc đầu chùa Mía chỉ có cổng và hai tòa thượng điện, hậu đường. Mỗi tòa 7 gian, dựng song song.

Chùa được tu bổ và hoàn chỉnh dần vào thế kỷ XVII và thế kỷ 19.

Gác chuông của chùa là ngôi nhà 3 gian làm theo kiểu chồng diêm 2 tầng 6 mái, tầng dưới triệt hồi, tầng trên 4 mái. Các góc mái đều gắn đao triện. Sàn nhà bằng gỗ, ở tầng gác có hàng con tiện. Các ván long, xà nách đều được bào xoi cạnh và chạm trang trí đề tài hoa, lá. Trên gác treo một quả chuông đúc năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743) và một khánh đồng đúc năm Thiệu Trị thứ 6 (1864).

Trong tiền đường, ở gian phải có tấm bia khắc năm 1634, nói về việc trùng tu chùa năm 1632. Bia trang trí đẹp, cao hơn 1,6 m, rộng 1,2 m, dựng trên lưng một con rùa. Gian trái tiền đường có bàn thờ chúa Liễu Hạnh. Sau tiền đường là chùa Trung, tiếp theo là chùa Thượng – hậu đường. Có hai dãy hành lang nối chùa Trung và chùa Thượng, bao quanh lấy Phật điện ở giữa.

Chùa Trung và chùa Thượng còn giữ được bộ khung gỗ, có nhiều phần điêu khắc được làm từ thế kỷ 17.

Chùa Mía nổi tiếng với số lượng tượng được thờ. Tổng cộng có đến 287 pho tượng lớn, nhỏ. Trong đó có 174 tượng bằng đất luyện sơn son thếp vàng, 107 tượng gỗ mít sơn thếp và 06 pho tượng bằng đồng.

Tháng 5-2006, Thành hội Phật giáo TP.HCM kết hợp với Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công bố 10 kỷ lục văn hóa Phật giáo Việt Nam, trong đó có Chùa Mía là nơi lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất nước ta.

Ở chùa Trung có hai pho tượng Hộ Pháp lớn và 8 pho tượng Kim Cương. Mỗi pho là hình tượng một võ tướng đang trong tư thế chuẩn bị chiến đấu để trừ tà bảo vệ phật pháp. Hình khối, bố cục vững chắc, thân hình cân đối, đường nét thoải mái, khỏe khoắn.

Nếu ở chùa Tây Phương có các pho tượng La Hán diễn tả hết nội tâm thì ở chùa Mía các pho tượng Bát Bộ Kim Cương cũng được coi như những điển hình nghệ thuật, đã miêu tả ngoại hình, dung mạo những bậc giàu tinh thần thượng võ Phật pháp.

Tại chùa Thượng có các động bằng đất đắp, với nhiều tượng. Trong đó có tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn, tượng Tuyết Sơn và đặc biệt là tượng Quan Âm Tống Tử cao 0,76 m – một tuyệt tác của nghệ thuật chế tác tượng Phật giáo nước ta.

Tượng Quan Âm Tống Tử thường được gọi là tượng Bà Thị Kính. Tượng nơi đây diễn tả một người phụ nữ thùy mị, có duyên, vẻ mặt hơi buồn nhưng rất hiền từ, nhân hậu, ẵm một đứa bé bụ bẫm kháu khỉnh. Đường nét chạm khắc mềm mại, trau truốt. Người làng Mía có câu ca dao về pho tượng: “Nổi danh chùa Mía làng ta / Có pho Tống Tử Phật Bà Quan Âm”.

Chùa Mía không rộng và đông đúc khách thập phương đến hành hương lễ bái và tham quan như chùa chùa Phật Tích, chùa Bái Đính hay những ngôi chùa nổi tiếng khác.

Chúng tôi về quê, thành tâm vãn cảnh thăm chùa, lễ Phật vào một ngày cuối xuân đầu hạ, chủ nhật, mà vẫn thấy chùa yên tĩnh, thưa thớt như ngày thường. Khách viếng chùa không ồn ào, chen chúc. Khói hương không nghi ngút, thoảng trong không gian tĩnh mịch là tiếng chuông chùa văng vẳng, xa đưa.

Qua cổng tam quan, quay lại với đời tục, ngồi nghỉ nơi quán nước của Bà Đảng, đối diện cổng chùa. Người dân làng cổ hiền lành quá, chẳng ai dám phá vỡ khung cảnh tĩnh mịch của ngôi chùa làng Việt cổ linh thiêng, thuần túy. Chẳng ai dám điêu ngoa lừa gạt, ép giá khách thập phương.

Uống bát trà xanh làng quê, nhấm nháp thanh kẹo lạc, miếng kẹo vừng, chiếc bánh tẻ mộc mạc, chân chất; ngắm làng quê, cảnh chùa, ao sen, gió và bụi, đầm ấm mà nhếch nhác, đầy vương vấn.

Nghĩ đến tình cảnh bao nhiêu nơi danh lam cổ tự, các chốn Tổ lừng danh nơi đất Bắc, nơi quê nhà, trong đó có chùa Mía, đang trĩu nặng trên đôi vai các sư Thầy – Ni chúng, “sức yếu mà phải gánh nặng”, chịu bao khó khăn nhọc nhằn, o ép, chúng tôi không khỏi cảm khái mà cất tiếng ca.

Lời ca rằng: “Lôi Âm động sóng giữa ao bèo / Tuyết Lĩnh ẩn trong những xóm nghèo /Muôn nghìn vạn kiếp trong phút chốc / Lê dân – Phật – Thánh mảnh gương treo…”

Nhóm phóng viên Phattuvietnam.net xin trân trọng giới thiệu chùm ảnh về chùa Mía, ngày Chủ nhật, 15/4/2012.