Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Sơn Đồng – Ngôi chùa cổ với nhiều kiến trúc nghệ...

Chùa Sơn Đồng – Ngôi chùa cổ với nhiều kiến trúc nghệ thuật độc đáo

121

Theo thần tích đình chùa làng Sơn Đồng do Thần Nguyễn Bính Viện Đông Các Đại Học Sỹ biên soạn và các thư tịch cổ còn lưu giữ lại thì chùa Tư Phúc được hình thành cách đây trên 800 năm do cụ Nguyễn Giám và nhân dân địa phương hưng công tác phúc xây dựng. Chùa từng là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh vô cùng sầm uất, trải qua 11 đời Tổ sư trụ trì, hóa đạo, được xây tháp và tạc tượng thờ tại chùa. Đặc biệt, chính tại ngôi Chùa này Bà Nguyễn Nguyên là con gái cụ Nguyễn Giám “ người có công cùng với dân làng xây lên ngôi chùa này “ đã cầu Phật và sau đó sinh hạ được người con trai đặt tên Phạm Hoằng.

Khi lớn lên ngài xả phàm tục và xuất gia tu hành tại ngôi chùa làng. Nghe theo tiếng gọi sông núi của đất nước. Ngài lại 1 lẫn nữa xả chiếc áo cà sa đi đánh giặc giữ nước. Ngài là người đã có công đánh giặc Thục được Vua phong chức “Thái Tể Quyền Chương Tả Hữu Đô Hầu Phụng Ngự Đại Tướng Quân”; Người vừa là vị Sư Tổ của chùa vừa là Thành Hoàng của làng được thờ cúng tại Chùa làng. Trong những năm đầu thế kỷ XX, chùa Tư Phúc từng là Hạ trường An Cư của tỉnh Thái Bình.

Hiện chùa còn lưu giữ được quả chuông Hồng Chung đúc từ năm Bính Thân 1557 niên hiệu Nguyên Hòa thứ 4 đời vua Lê Trang Tông và Khánh được đúc từ năm Ất Hợi 1695 niên hiệu Chính Hòa thứ 16 cùng toàn bộ hệ thống tượng thờ cổ với những giá trị nghệ thuật điêu khắc và giá trị lịch sử vô cùng to lớn. Trải qua 2 thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với sức tàn phá của thời gian và thiên nhiên khắc nghiệt, ngôi chùa Tư Phúc đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc thờ phụng , cũng như việc sinh hoạt tín ngưỡng của Phật tử, nhân dân địa phương và khách thập phương mỗi dịp lễ tiết khi muốn vào viếng thăm, chiêm bái và lễ Phật. Trước thực trạng đó, Đại đức Thích Minh Phúc vô cùng ưu tư, lo nghĩ và cuối cùng đã đi đến quyết định trùng tu lại ngôi Đại Hùng Bảo Điện .

Trong sân chùa hiện có 3 bia đá (mới được thu nhặt về) trong đó có 2 bia thời Lê ghi việc sửa chữa chùa và sắc chỉ của chúa Trịnh miễn phu phen tạp dịch cho dân làng để lo việc cúng Phật; một bia thời Mạc, dựng năm Diên Thành 7 (1584), ghi việc tạc một pho tượng Di Đà độc tôn của chùa. Trong chùa, Phật điện mới được tu bổ khá uy nghiêm. Quả chuông đồng treo ở gian bên trái chùa. Sở dĩ quả chuông này còn lại đến ngày nay là bởi nhiềulần trong những lúcloạn li, thăng trầm của lịch sử nó đã được dân làng thả xuống giếng sâu. Chuông cao 1,05 m (thân cao 0,8 m, quai chuông cao 0,25m). Đường kính miệng 0,60m. Quai chuông là hai hình rồng đấu lưng vào nhau. ở giữa đỉnh quai chuông, được gắn thêm hình nậm rượu. Thân chuông chia làm 4 múi theo chiều dọc. Mỗi múi lại chia làm 2 khoang theo chiều ngang. Khoang trên lớn khoang dưới nhỏ. Ngăn cách các múi và các khoang là những gò nổi. Phần giáp ranh 4 múi và bốn khoang dưới là 4 múi tròn. Bốn múi này tượng trưng cho 4 hướng: đông, tây, nam, bắc. Ngoài ra, còn 2 núm khác dùng để thỉnh chuông, nằm ở phía trên các múi này, đối xứng nhau. Miệng chuông hơi loe, khắc nổi hình cách sen kép, liên tiếp.

Tên chuông gồm 12 chữ: “Quỳnh Côi huyện, Sơn Đồng xã, Tự Phúc tự, tạo hồng chung”chia đều trên 4 múi, được khắc chìm, nét chữ khá to. Văn bản được viết băgng chữ Hán gồm lời tựa, bài minh, phần lạc khoản và phần kể tên người công đức; cả thảy khoảng 1800 chữ, được khác kín trên thân chuông. Dòng lạc khoản cho biết chính xác chuông được đúc vào ngày 17, tháng tư năm Quảng Hòa 4 (1545). Đây là một trong số ít chuông Đồng có niên địa sớm hiện còn ở nước ta sau chuông Thanh Mai (Hà Tây) thế kỷ VIII và hai, ba quả chuông thời Trần khác. Phần lớn số chuông hiện có ở các chùa làng Việt Namđều được đúc vào thời Tây Sơn và thời Nguyễn. Đặc điểm nổi bật về hình thức quả chuông thời Mạc này là ở đỉnh quai chuông có hình nậm rươu, 6 núm chuông được phân rõ chức năng để gõ và để chỉ biểu trưng khác, vành chuông có hình cánh sen kép. Tên chuông gồm nhiều chữ được khắc chìm.

Đặc điểm này còn bắt gặp ở một số quả chuông thời Lê khác như chuông chùa Đồng Sâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, đúc năm Hoàng Định 8 (1608), chuông chùa thôn Phúc Lai xã Phú Xuân, thị xã Thái Bình đúc vào niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705 – 1719) và một vài quả chuông đúc vào niên hiệu Chính Hòa (1680 – 1705), Cảnh Hưng (1740 – 1786) khác. Đặc điểm trên hầu như đã vắng bóng trên chuông thời Tây Sơn và thời Nguyễn về sau. Văn bản khắc trên chuông thời Mạc này do Huấn đạo phủ Tân Hưng là Phạm Hộc Lạc Thiện soạn. Phần kể tên người công đức do Biên ký (thứ ký) Nguyễn Công Tích và Nguyễn Hoa ghi chép với sự trụ trì của sư chùa Trí Chân Tì khâu. Việc phát hiện quả chuông thời Mạc này, góp thêm một di vật quý trong sưu tập chuông cổ của nước ta hiện còn rất ít ỏi. Văn bản trên chuông là nguồn tư liệu quý giá.

Ngày trước, chùa Tư Phúc là một đại phúc điền của xã Sơn Đồng. Người xưa đã chuyển đá núi, góp tài vật mà dựng lên ngôi chùa này. Lại bỏ tiền của đúc quả chuông đồng. Khi ấy đã dựng bia đá cao vài thước, khắc ghi công đức, để truyền dài lâu. Đó chính là bia chùa Tư Phúc vậy. Bia mãi mãi trường tồn. Chùa cũng thành danh lam, kế nối hơn 200 năm. Bia này, công đức này vẫn còn đến nay. Tuy nhiên chùa cổ, chuông cổ cùng theo vòng sinh hóa: mới rồi cũ, phế lại hưng. Nay già trẻ lớn bé trong thôn nhà bỏ tiền của trùng tu chùa làm cho mới thêm, khiến người đến bờ giác có chốn quy y; người cầu linh nghiệm đều được ứng đáp. Mọi người thường lấy đó là nơi vun trồng công đức. Duy còn thiếu chuông đồng. Nay các đại sĩ Nguyễn Dự, Phạm Hoan, Phạm Hợp cùng phát lòng vô lượng, vào ngày 17 tháng tư năm Quảng Hòa 4 (1545), hương lão quan viên trên dưới cùng thiện nam tín nữ, thái ông lão bà của các xã trong huyện mở hội bố thí, bấm chọn giờ lành, mời thợ, mở lò càn khôn, quạt lửa âm dương. Thợ đúc trổ khéo, lửa lò ra uy. Chẳng mấy mà chuông lớn đã thành. Đó là ngày 18 Giáp Thân, tháng 8 năm nay. Nhìn chuông: trong là hình quẻ li trống rỗng, ngoài thì giống hình quẻ càn rắn rỏi. Chất ngưng kết, cứng tựa vàng. Tiếng chuông lớn vang như ngọc. Quả là những âm thanh quí xưa nay. Không chỉ cốt nghe thấy bên tai mà còn muốn nhìn tận mắt, nên đã nhờ tôi làm bài văn khắc lên chuong để lưu truyền dài lâu. Tôi thưa rằng: Đạo trời xoay vần tự nhiên. Xưa phải đợi tiếng sấm mà tỏ rõ lẽ huyền diệu của giáo pháp. Nay có tiếng chuông, cảnh tỉnh chúng sinh. Hai âm thanh tuy không giống nhau, nhưng tác dụng cảm phát con người và sinh vật xưa nay không hề khác lạ. Bởi vậy, việc tạo đúc chuông là để ngân lên tiếng vang của trời, là thứ pháp khí lớn vậy. Ngẫm xem: tre gác chéo treo cao, chày kình thong dong buông tiếng. Trong sương sớm ngân nga vang xa sáu cõi, lúc trăng tàn lảnh lót thấu triệt muôn loài. Người nghe thấy tiếng chuông, dấy niềm khuyến thiện trừng ác; kẻ thấu được tiếng chuông, sinh lòng trung quân, hiếu đễ, khiến cho cả hương ấp vui vầy trong cõi lợi lạc, cùng quy về chốn bình an. Như thế, chuông này chẳng phải chỉ giúp ích đạo Phật mà còn mở mang thế giáo nữa.

Do vậy, công đức của các vị Đại sĩ cùng dân bản thôn đua nhau phát lòng lành, ham làm việc bố thí, há có thể lường hết được sao? Lớn lao thay, thiện duyên! Để lưu truyền mãi mãi chẳng gì bằng làm bài minh. Minh rằng: Cổ nhân đời trước chừ, Cung tiến gia tư. Tạo chùa Thiên Phúc chừ, Dựng bia công đức. Chuông xưa đã mất chừ, Bài văn hiện còn. Chùa vốn đã lâu chừ, Mái xà hư hỏng. Trẻ già trong làng chừ, Phát lòng từ thiện. Vui trồng thiện duyên chừ, Tu sửa chùa Phật. Đúc lại chuông lớn chừ, Vang trong sáu cõi. Dứt nỗi trần tục chừ, Bỏ mối lo toan. Ngưòi vật phấn phát chừ, Lợi lộc tự về. Pháp âm truyền xa chừ, Pháp khí duy trì. Phát huy Phật giáo chừ, Ban giáng phúc lành. Của báu Sơn Đồng chừ, Tu tích nền nhân. Nối truyền y bát chừ, khói nhang tuần tiết. Thỉnh cầu mưa chừ, báo mùa tươi tốt. Công đức vô lường chừ, Khôn bề tả xiết.

Lễ hội khai xuân của chùa được tổ chức vào ngày mùng 3 tết hàng năm đã thu hút hàng ngàn Phật tử, hàng ngàn du khách thập phương. Những năm gần đây chùa đã được Nhà nước quyết định xếp hạng di tích lích sử. Trải qua biến cố thăng trầm của thời gian và lịch sử, chùa đã bị xuống cấp trầm trọng, được sự chấp thuận của chính quyền địa phương cũng như được sự cho phép của các cấp Giáo hội, ngày 27 tháng 2 năm Ất Mùi, đại đức Thích Minh Phúc – Trụ trì chùa Sơn đã cùng chính quyền, nhân dân địa phương tổ chức Đại lễ trùng tu, tôn tạo, xây dựng lại ngôi chùa cổ này, đến nay cơ bản đã được hoàn thành.

Vào ngày 25 và 26 tháng 2 năm Bính Thân tức ngày 3 và 4 tháng 3 năm 2016 tới đây, chùa Tư Phúc ( Chùa Sơn ) sẽ tổ chức Đại lễ khánh thành ngôi chính điện của chùa. Vì vậy, kính mong Chư tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử, quý thiện nam, tín nữ về chùa để dự buổi lễ trọng đại này.