Trang chủ Quốc tế Chùa Sùng Thánh – Tam Tháp tại vùng đất Đại Lý xưa...

Chùa Sùng Thánh – Tam Tháp tại vùng đất Đại Lý xưa (Vân Nam, Trung Quốc ngày nay)

395

Chúng tôi, cũng giống như nhiều người khác, biết nước Đại Lý (trước kia là nước Nam Chiếu) chủ yếu qua truyện “Thiên Long bát bộ” của Kim Dung. Đoàn Hoàng gia, cha Đoàn Chính Thuần nổi tiếng đa tình, con Đoàn Dự nổi tiếng si tình.


Đồn rằng, khi viết thiên tiểu thuyết trứ danh này Kim Dung chưa từng đặt chân đến Đại Lý. Nhưng những cảnh những người những sông những núi mà ông hư cấu vẫn làm độc giả mê mẩn. Thậm chí nhiều người còn tin rằng “cao sơn tuyệt cốc” trong núi Điểm Thương mà nhà văn bịa 100% là có thật!


Tại vùng đất này, Từ hạ quan phong nhìn lên núi Điểm Thương, chùa Sùng Thánh – Tam Tháp chỉ bé bằng bao diêm. Nó chính là chùa Thiên Long, nơi công tử Đoàn Dự vô tình học được Lục mạch thần kiếm trong truyện Thiên Long bát bộ.


Tam Tháp là biểu tượng của Đại Lý. Người ta nói rằng, trải qua hơn 30 trận động đất trong lịch sử 13 thế kỷ tồn tại, ba ngôi tháp này là công trình duy nhất vẫn đứng vững, chỉ bị nghiêng đôi chút.


Tháp trung tâm cao 61,1 mét, lớn nhất và cổ nhất, xây từ đời Đường; hai tháp phụ cao 42,1 mét đến đời Tống mới xây thêm, đều nhìn ra hồ Nhĩ Hải.


Chu Vũ Anh (con nuôi của Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương) đến đây đã viết bốn chữ Vĩnh trấn sơn xuyên. Ba tòa bảo tháp vĩnh viễn trấn giữ vùng núi Thương Sơn, không cho những loài thủy quái (lũ lụt) hồ Nhĩ Hải gây hại cho con người.


Bên cạnh Tam Tháp là chùa Sùng Thánh, ngôi chùa to nhất dòng Hán truyền phật giáo của Trung Quốc. Phật giáo là quốc đạo của Đại Lý. Các ông vua Đại Lý nhiều người đi tu. Chùa còn to hơn cả thành, muốn đi hết, phải mất ít nhất một ngày.


Trong Đại Hùng bảo điện có pho tượng Phật Thích ca khổng lồ cùng hai đệ tử của người là Anan và Cadiếp. Quanh tường có bức phù điêu gỗ cao 1,8 mét, dài 117 mét!


Nó được coi là bức tranh khắc gỗ dài nhất Trung Quốc, kể về cuộc đời đức Phật cùng những hình ảnh mô tả toàn bộ đời sống sinh hoạt của nước Đại Lý ngày xưa. Tiếc rằng đây chỉ là bản sao từ bản gốc còn lưu giữ được ở Đài Loan.


Gian chùa thờ Phật bà Quan âm thường có đông người lễ bái vì người Đại Lý rất tôn thờ đức phật cứu khổ cứu nạn. Chỉ từng bức tượng trong chùa, Kim Hoa giải thích, Phật bà Quan âm vốn là hóa thân của một người đàn ông tu thành phật. Đi vãn cảnh chùa nhiều, nhưng điều này lần đầu tiên chúng tôi mới được nghe?


Chùa Sùng Thánh không chỉ thờ phật mà thờ cả thổ thần, lôi, điện, phong, vũ (sấm chớp gió mưa)… chứng tỏ ở Đại Lý tồn tại một văn hóa tâm linh đa diện và có bản sắc riêng. Chùa mới được xây lại trên nền cũ, hoàn thành vào năm 2005, tổng diện tích hơn 1.000 mẫu, nằm trên một trục chính dài 2 km.


Năm 2007 đã có 108 vị cao tăng từ khắp nơi trên thế giới đến đây tụng kinh, làm lễ hô thần nhập tượng. Chùa có tổng cộng 699 pho tượng lớn bằng đồng, trong đó hơn 500 pho dát vàng. Với những người thích đi du lịch tâm linh thì đây là một điểm dừng nhiều ý nghĩa.