Trang chủ Văn hóa Nghi lễ Chùm ảnh: Đại trai đàn chẩn tế tại Huế

Chùm ảnh: Đại trai đàn chẩn tế tại Huế

812

 





















Ảnh: langmai.org







Trích tường thuận về Đại trai đàn bình đẳng chẩn tế tại Huế


…Gần 7 giờ, Sư ông và chư vị tôn đức trong Ban Trị sự Tỉnh hội PG Thừa Thiên – Huế, tọa chủ các tổ đình quang lâm. Những Phật tử Âu Mỹ mặc áo dài lam, tiếp nối Phật tử Huế và GĐPT làm hai hàng từ cổng Tam Quang vào Đại Đàn để nghinh đón. Thiền sư Nhất Hạnh đắp y vàng truyền thống, cầm tích trượng vắt thòng dãi lục màu đỏ thẳm đi sau ban thỉnh lễ và nhạc cổ. Nghi lễ thỉnh sư không quy mô bằng ở chùa Vĩnh Nghiêm nhưng cũng nói lên được sự trang trọng; chư tôn đức cũng tháp tùng vào bái Phật. TT đệ nhị sám chủ Đại Đàn Thích Thanh Liên xướng tụng cáo bạch Tam Bảo, cung thỉnh đức Quán Thế Âm quang giám đạo tràng.


Đoàn trở ra và lên xe chạy về hướng bãi Dâu, ngã ba Sình, cách Diệu Đế 3km hướng Đông Bắc TP Huế. Nơi đây, vùng ngoại ô hoang vắng dân cư, một nhánh của sông lớn. Cây phang cao 7m treo phất phơ, tấm vải trắng được bốn thành viên Tiếp hiện giữ thẳng đứng. Một bàn linh nằm trên vũng nước ngập, nghi ngút khói nhang và hoa quả. Ngoài sông, chiếc xuồng nhỏ đưa một Phật tử ra giữa giòng phóng sinh thủy loại, đồng thời một thau nước sạch múc đem vào đặt ngay dưới chân cây phang. TT Đệ nhị Chủ sám cùng Sư ông niêm hương nhập lễ, chư Tăng Ni và Phật tử hiện diện hòa nhập tán tụng. Nhạc lễ, trống đờn cũng hòa âm theo nghi thức Huế. Cũng như ở Vinh Nghiêm và Đại Tòng Lâm, nghi lễ rất long trọng. Dưới cái nắng chói chan đầu giờ trưa, tất cả đều phơi người chịu trận.


Sau gần một tiếng đồng hồ theo nghi cách thỉnh linh, thầy Chủ sám tán rãi hạt nổ thí thực. Sư ông và Chủ sám vòng ra cây phang nơi mé nước, Sư ông cầm tích trượng thỉnh thoảng động thổ biểu hiện uy lệnh, thầy Chủ sám đi vòng quanh cây phang bắt ấn triệu thỉnh chư vong, khom mình xuống, nhúng tay ấn quyết vớt vong. Sau đó, cây phang được ngã xuống, tấm vải trắng với hàng chữ đen ngâm vào nước để tiếp rước thủy linh. Lúc 9.30 giờ, kết thúc nghi thỉnh, Sư ông và đoàn trở lên, tấm phang dài được các Phật tử đội trên đầu đưa về xe. Bảy chiếc xe ôtô và nhiều chiếc gắn máy hai bánh nối đuôi hướng về phố thị. Đúng 11giờ, chư tôn đức Ban Kinh sư từ các chùa về Khai Đàn, cung thỉnh Tiêu Diện Đại Sĩ, kế đến là an vị chư linh.


Đầu giờ chiều là khoá lễ cầu nguyện, tiếp theo là Thủy sám do chư tăng Phật tử hiện diện trì tụng và tiến linh trước pháp thoại vào lúc 17g30. Suốt ngày đầu, số người có mặt đã trên ba ngàn.


20 giờ, mở đầu cho lễ phóng đăng. Ban Kinh sư hộ đàn trang phục mũ Địa Tạng, ngoại giáp vai ngang như tướng trận xa xưa có những thẻ tua lòng thòng phía trước, trang phục màu đỏ tươi thật sặc sở, múa hoa đăng trước khi xuống thuyền. Cuộc phóng hoa đăng cần đến 15 thuyền đôi và 20 thuyền nhỏ. Thuyền đôi là loại lớn, kết 2 chiếc lại thành một; đầu 2 thuyền hình rồng, bên trong nội thất trang bị như một nhà ở, vốn là thuyền du lịch tiếp khách tham quan du ngoạn trên sông để nghe hò Huế, một dạng văn hoá dân gian của sông Hương. Mùa nắng là mùa kiếm cơm để những tháng mưa dầm gió bấc, neo thuyền ngồi ngắm phố phường phủ trùm trắng đục rét lạnh căm người!


Thuyền rời bến lúc gần 22 giờ, từ Diệu Đế lên Gia Hội và neo tại bia Quốc Học. Thuyền Kinh sư đi trước, khi những chiếc cuối cùng đến điểm cũng là lúc Sư ông niêm hương chú nguyện, ban Kinh sư tán tụng, thùng cá trê con đổ vào sông lạnh, rồi những ngọn nến đặt trong chiếc hoa giấy cũng nhấp nhô trên sóng nước. Trăng 16 vành vạnh trên không, mặt sông Hương sẩm màu phản chiếu ánh sáng le lói từ phố phường hiu hắt. Hàng vạn liên đăng đua nhau xuôi bạt cuối dòng. Những chiếc đèn cô quạnh lững thửng trôi, vài chiếc kết bè kết bạn bị cháy khi chưa tròn sứ mạng. Riêng một cặp đèn như 2 em bé mồ côi cặp kè bên nhau mặc cho sóng nhồi gió đuổi giữa mênh mông mặt nước. Người dân đứng trên cầu nhìn những đốm sáng phủ tràn mặt sông như các vì tinh tú ngự trên khoảng không vô tận; mỗi vì tinh tú là một vận mạng con người thì mỗi ngọn nến lung linh trước gió nước là một hồn ma bóng quế vất vưởng cuối bải đầu ghềnh đang được chư tăng lòng từ cứu vớt. Lễ phóng đăng là một nét văn hoá dân tộc biểu hiện tình người tìm cách bạt độ sinh linh.


Hơn 23 giờ, đoàn thuyền quay về, phố thị đã lặng mình trong giấc mộng, không gian tĩnh lặng, chỉ riêng những đốm sáng mong manh kia vẫn lặng lờ xuôi gió giữa bóng đêm bao la hiu quạnh. Có lẽ thiên địa cảm động buổi lễ siêu độ, nên không khí oi bức mấy ngày qua bổng dưng chuyển sang se lạnh và đến canh ba thì từng luồng gió mạnh rít trong không gian như những oan hồn gọi về thống thiết, mưa bắt đầu rơi!


Ngày thứ hai của Đàn trai, gió lạnh mưa phùn phủ trùm xứ Huế, tạo nên không gian huyền hoặc. Trên các bàn thờ khói nhang không gián đoạn, khoá tụng Địa Tạng được chư tăng và Phật tử miên trì. Có lẽ do thời tiết nên lượng người tham dự có giảm hơn ngày đầu, tuy thế, khẩu phần cơm cúng dường bá tánh vẫn không kịp cung ứng. Cúng Ngọ, tiến linh vẫn là thủ tục thiền môn thường bữa, hoàn tất lúc 11 giờ để kịp quá đường cho chư tôn đức. Về chiều, khóa lễ dành cho tăng thân Làng Mai cầu nguyện, quần chúng được phen chứng kiến các thầy các cô người nước ngoài hành lễ chung với quý thầy Việt Nam.


Tuy trời không ngớt mưa bay, buổi pháp thoại vẫn cuốn hút người nghe tìm nơi trú ẩn. Buổi lễ siêu linh bạt độ gần 20 giờ bắt đầu đến hơn một giờ sáng hôm sau mới hoàn tất. Ban kinh sư chạy đàn kinh hành qua 12 cửa ngục để giải cứu tinh linh. Tinh thần quần chúng phấn chấn hẳn, vì tin rằng tổ tiên ông bà thân bằng quyến thuộc của mình được cứu bạt siêu sanh. Không khí Diệu Đế khác hẳn Vĩnh Nghiêm, tuy tầm vóc không bằng, quần chúng tương đương, nhưng nơi đây mọi người thân thiện mang tính gia tộc môn phong hơn là khách vãng lai…


Minh Mẫn – Theo giaodiemonline.com