Trang chủ Diễn đàn Chuyến hành hóa của Sư ông Nhất Hạnh và Tăng thân: Như...

Chuyến hành hóa của Sư ông Nhất Hạnh và Tăng thân: Như một dòng sông

150

Một tổ chức có hệ thống chặt chẽ


Cách đây gần 2.500 năm, khi Đức Thế Tôn còn tại thế, Tăng đoàn của Phật thường đi du hành 4 phương để giáo hoá độ sinh. Trong kinh thường miêu tả: “Ta nghe như vầy, một thuở nọ, Đức Phật cùng với chúng Tỷ khiêu 1.250 vị cùng ở tại vườn ông Cấp Cô Độc, rừng cây của Thái Tử Kỳ Đà…”.


Và hôm nay, (một sự liên tưởng, cho dù khập khễnh) tại núi rừng Sóc Sơn, chúng tôi lại thấy gần 1.000 Tăng Ni và Phật tử tuỳ tòng câu hội. Dường như, nếp sống quý báu của Tăng Đoàn thời Đức Phật được tái hiện trong thế kỷ XXI:


“Một bát cơm ngàn nhà


Thân chơi muôn dặm xa


Chỉ vì việc sinh tử


Giáo hoá độ người qua.”


Tổ chức Làng Mai được phân công, tổ chức rõ ràng, người nào vào việc đó. Có ban tổ chức, ban quản chúng, ban kinh sư phục vụ nghi lễ, có tổ loa đài phụ trách âm thanh ánh sáng, ban hậu cần v.v. Hoạt động của nó rất hiệu quả và chuyên nghiệp.


Nếp sống phạm hạnh và khả năng của Tăng chúng


Màu nâu mộc mạc thuần phác của phạm hạnh ở hết thảy Tăng Ni trong Tăng đoàn thể hiện mầu giải thoát rất truyền thống của Phật giáo Việt Nam. Chiếc nón lá cổ truyền, chiếc khăn quấn đầu của các sư rất nền nã, đậm chất Bắc Việt. Hết thảy đều chân đi dép bình dị, không điện thoại riêng, không nhận tiền trực tiếp từ Phật tử (trừ tri sự), có nhiệm vụ mới sử dụng tiền của Tăng.


Đến bữa ăn, mỗi người một bát, lấy phần ăn thích hợp rồi hoặc bên rừng, hoặc trên nhà sàn, hoặc ở trước sân, thật vững chãi và thảnh thơi, rất tự tại dùng cơm. Chiếc túi vải sau lưng mang phong cách phương Tây, gọn gàng, nhanh nhẹn, di chuyển cá nhân rất thuận tiện.



Tăng thân Làng Mai “thọ trai” tại khu vực Đại trai đàn chẩn tế Sóc Sơn


Lời nói, cử chỉ của Tăng chúng thì nhẹ nhàng, êm ái. Khi nhắc nhở ai điều gì chỉ nhỏ nhẹ mà mọi người đều theo.


Mọi công việc như chuyển ngữ, lái ô tô, vận chuyển hành lý, điều chỉnh âm thanh, ánh sáng, quay phim, chụp ảnh, đưa tin v.v, đều được chính chư Tăng tự đảm nhiệm.


Chư tăng Làng Mai đàn hát, tổ chức văn nghệ rất hay, rất thiền vị. Bên ánh lửa hồng, những khúc nhạc xưng tán Tam bảo được cất lên thắm đượm hương hoa của từ bi trí tuệ, thu hút tầng lớp trẻ mến đạo, tu đạo và những tu sĩ trẻ sống an lạc hơn, đoàn tụ hơn.



Tăng thân Làng Mai giao lưu với Tăng Ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội


Tất cả toát lên đời sống tu hành vô sở trụ, không chấp trước của người con Phật. Vật chất càng giảm thiểu thì đời sống tinh thần, tâm giải thoát, tuệ giải thoát càng thăng hoa.


 “Tài sản không chất chứa,


Ăn uống biết liễu tri,


Tự tại trong hành xử,


Không, vô tướng giải thoát,


Như chim giữa hư không…”


Sự hành hoá của Sư Ông


Dù tuổi đời đã hơn 80, nhưng với tinh thần “Đại từ đại bi, đại hỷ đại xả”, Sư ông Nhất Hạnh về Việt Nam lần này tổ chức 3 Trai đàn chẩn tế tiến bạt hương linh, thương xót đến cả chúng sinh trận bại thương vong, hồn siêu phách lạc, thập nhị loại cô hồn đẳng chúng. Trong các Pháp hội, hình bóng Sư ông thành kính tụng niệm, nguyện cầu, hai tay nâng hoa đăng ngang trán khi phóng đăng, trang nghiêm tha thiết khi pháp đàm quy vong, v,v, khiến tín chúng càng thêm thành tâm tin tưởng, cùng vận tâm đến các vong linh và giáo hoá vong linh biết chuyển hoá tâm thức quay về nương tựa Tam Bảo.


Các khoá tu, những thời pháp, những giờ thiền toạ, những lúc thiền hành được Sư Ông trực tiếp chỉ bảo, khiến Tăng Ni, Phật tử được cảm nhận hương vị giải thoát trong phút giây hiện tại, biết cách thực hành pháp trong tương lai.  



Sư ông giảng pháp tại chính điện chùa Non Nước, Sóc Sơn


Tác phong, đức hạnh của sư ông đã mang sinh khí mới đến Tín chúng. Tu học Phật pháp là cảm nhận được đời sống an vui ngay trong phút giây hiện tại – “Hiện Pháp lạc trú”.


Việc làm của Sư ông và Tăng thân Làng Mai khiến tôi liên tưởng đến một dòng sông – sức nước vô tâm khai thông chỗ bế tắc, tưới tẩm nơi khô cằn – lặng lẽ và bình thản chảy mãi không thôi.