Trang chủ Văn hóa Cột Chùa Dạm: Chỉ có thể bỏ đi, không thể sửa được!

Cột Chùa Dạm: Chỉ có thể bỏ đi, không thể sửa được!

81

Trong “Đơn kiến nghị khẩn cấp” của ông Nguyễn Xuân Tiệp (Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) gửi Bộ Văn hóa – Thông tin có nêu ra những sai phạm trong quy trình triển khai một số dự án của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (MTVN), trong đó có dự án Cột Chùa Dạm chất liệu đá. Theo ông Tiệp, dự án này không thành công, tạo ra một sản phẩm méo mó, sai lệch tinh thần lịch sử.


Chúng tôi đã liên hệ với Phó Giám đốc Bình Minh và Phó Giám đốc Nguyễn Xuân Tiệp để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.


Ông Nguyễn Xuân Tiệp: Đây là điều tối kỵ trong chuyên môn của bảo tàng!








Phó Giám đốc Nguyễn Xuân Tiệp 
Phó Giám đốc Nguyễn Xuân Tiệp 


Trong “Đơn kiến nghị khẩn cấp”, ông phàn nàn về Cột Chùa Dạm đã bị chuyển từ chất liệu xi măng sang chất liệu đá đã không thành công…


 – Cột Chùa Dạm chất liệu xi măng được phiên bản từ bản gốc, gắn liền với sự ra đời của Bảo tàng MTVN (thời ông Nguyễn Đỗ Cung là giám đốc đầu tiên), đã trở thành  biểu tượng của của Bảo tàng MTVN. Nhiều năm qua, Bảo tàng mong muốn chuyển Cột Chùa Dạm từ chất liệu xi măng sang đá nếu như có điều kiện, nhưng rất tiếc việc chuyển đổi lần này không thành công. Phiên bản xi măng đúng với nguyên mẫu 90% – 95%, nhưng sang phiên bản đá hiện nay thì chỉ đúng 15% – 20%.


Bản thân ông, với tư cách Phó Giám đốc, cũng phải có trách nhiệm trong quá trình thực hiện chứ?


– Từ khi bắt đầu cho đến kết thúc dự án chuyển đổi từ chất liệu xi măng sang chất liệu đá, chúng tôi (3 phó giám đốc) đáng ra phải biết. Chế tác phải có hội đồng, từ giai đoạn làm khuôn đổ mẫu, đục khắc, đục chi tiết… đều phải nghiệm thu và phải có hội đồng khoa học của Bảo tàng MTVN tham gia. Nhưng trên thực tế chúng tôi đều không biết, nên mới có sản phẩm “gây phản cảm” như vậy.


Ông có thể nói rõ những điểm ông cho là phản cảm?


Quá trình làm Cột Chùa Dạm bằng đá đã rất sai về phương pháp tổ chức và quy trình thực hiện. Lẽ ra phải làm Cột Chùa Dạm theo kiểu giả cổ cho có màu thời gian, vì bản gốc đã cách đây hàng nghìn năm. Bản đá mới này không có mầu thời gian. Nó chỉ là một sản phẩm… méo mó mang tính trang trí.

Phiên bản xi măng trước đây đạt được tinh thần về thời gian, có không gian ba chiều đúng với hiện vật đến 95%. Bản đá mới chỉ có không gian hai chiều (chỉ nhìn thấy mặt phẳng), nhìn vào thấy khô cứng, hình thù gọt đẽo đầy đặn, quá rõ ràng, thêm thắt chi tiết tùy tiện (bản mẫu không hề có) vào con rồng và các họa tiết phụ trợ xung quanh, làm con rồng trở nên rối rắm.


Rồng của Cột Chùa Dạm chế tác từ thời Lý (thế kỷ XI-XII) có vẩy mờ, thì con rồng đá hiện nay có vẩy nổi như vẩy cá chép (như hình thể rồng ở cuối thời Trần thế kỷ XIV và đầu thời Lê Sơ – Lê Trung Hưng thế kỷ XV-XVII), như vậy là sai lệch về lịch sử Mỹ Thuật, sai quan niệm về bảo tồn hiện vật. Đây là điều tối kỵ trong công tác chuyên môn của bảo tàng.


Cột Chùa Dạm bằng đá nghiệm thu và đặt tại Bảo tàng MTVN vài tháng nay, như ông nói là thấy rõ sản phẩm méo mó, sai lệch, quy trình thực hiện công trình này lại có nhiều điểm không rõ ràng. Vậy sao ông và các phó giám đốc chuyên môn không đưa thẳng vấn đề này lên với Giám đốc Trương Quốc Bình, để đến giờ mới lên tiếng?








Ông Lương Xuân Đoàn (Vụ phó Vụ Văn Nghệ – Ban Tuyên Giáo Trung ương):


Chỉ có thể bỏ đi, không thể sửa được!








Ông Lương Xuân Đoàn.
Thời gian trước, Giám đốc Bảo tàng MTVN Cao Trọng Thiềm (nhiệm kỳ 1998-2003) có đưa ra vấn đề chuyển Cột Chùa Dạm phiên bản xi măng sang đá. Đầu năm 2007, tôi được biết ông Trương Quốc Bình đã làm xong Cột Chùa Dạm đá và chuyển về đặt ngay tại chỗ phiên bản xi măng cũ.


Khi chuyển từ xi măng sang chất liệu đá, họ đã làm sai về tỉ lệ và ngôn ngữ hội hoạ. Rồng thế kỷ XI bị biến đổi thành con rồng thế kỷ XV, vẩy rồng đáng lẽ mờ, ẩn thì hiện nay lại nổi cuồn cuộn như vẩy cá chép, sai lệch hoàn toàn.


Cột Chùa Dạm phiên bản đá này như một sản phẩm mỹ nghệ, không thể đặt ở BTMT VN được, nên để ở một nơi khác. Trong không gian BTMT VN không được phép để một công trình sai lệch như vậy được. Phiên bản xi măng được làm rất cẩn thận, nó cũng có giá trị, nó gắn với BTMT VN từ thập kỷ 70 thế kỷ trước như một hiện vật, tại sao lại bỏ một cái tốt đi lấy một phiên bản hỏng? Đây đúng là một việc làm vô ích, tốn kém vô cùng để cho một phiên bản sai lệch! Họ nên trả Cột Chùa Dạm phiên bản xi măng lại, hoặc làm lại một cái khác.


Cột Chùa Dạm phiên bản đá chỉ có thể bỏ đi, không thể sửa được vì đấy là ngôn ngữ của mỹ nghệ, nó cứng nhắc chứ không phải là tác phẩm nghệ thuật. Nó thiếu một tổng thể mềm mại, những đường lượn mây sóng, lá sen đều cứng. Người làm Cột Chùa Dạm bằng đá này chỉ là anh thợ. Trong khi Cột Chùa Dạm xi măng được làm bởi cả sự nhập tâm, nhập hồn vía vào.


Giám đốc Trương Quốc Bình từng làm Cục phó Cục Di sản, ông không thể không hiểu về di sản, nhưng vẫn để xảy ra tình trạng đáng tiếc về Cột Chùa Dạm này. Ngay đến BTMT VN còn làm sai, gọi đó là “phóng tác” thì địa phương sẽ làm theo, rồi trở thành cái lệ bất thành văn theo kiểu phóng tác hiện vật.


Khi bản đá đặt ở Bảo tàng MTVN, tôi có nói chuyện với Giám đốc Trương Quốc Bình. Anh ấy cho biết đấy chỉ là bản mô phỏng, bản phóng tác. Anh ấy nói như vậy, tôi biết nói sao? Là Giám đốc của Bảo tàng MTVN chắc chắn phải hiểu giá trị của hiện vật, nhất là các hiện vật tiêu biểu cho các giai đoạn trong nền lịch sử Mỹ thuật Việt Nam. 


Bỏ phiên bản xi măng đúng 95% đi, thay vào đó một sản phẩm mô phỏng, phóng tác chỉ có tác dụng trang trí. Vậy phiên bản xi măng bây giờ ở đâu?


– Đúng ra khi thay bản đá vào chỗ của bản xi măng thì bản xi măng cần được lưu giữ tại nơi khác trong Bảo tàng. Bởi phiên bản xi măng làm lại từ bản gốc của Chùa Dạm, bản gốc có thể bị chiến tranh, thời gian và con người thiếu ý thức tàn phá; còn phiên bản xi măng vẫn giữ giá trị nguyên mẫu của bản gốc, sẽ có giá trị để so sánh, đối chiếu. Nhưng bản xi măng không biết đã đi đâu?


Bà Bình Minh: Chúng tôi vẫn phải đề là phiên bản (?)


Bà có biết về dự án chuyển đổi Cột Chùa Dạm sang chất liệu đá của Bảo tàng MTVN?


Bảo tàng MTVN có Cột Chùa Dạm bằng chất liệu xi măng từ những ngày đầu, các thế hệ Giám đốc sau này đã có mong muốn chuyển sang chất liệu đá. Thời gian vừa qua, để làm phiên bản mới này, Bảo tàng đã làm việc với một công ty chuyên làm đá ở Ninh Bình. Khi đưa cột về, tôi thấy cột này quá mới. Ai cũng biết vẩy con Rồng thời Lý phải mờ trong khi rồng ở cột này lại rõ quá.


Theo tôi, phiên bản đá Cột Chùa Dạm cần phải chỉnh sửa lại cho mềm mại, có màu thời gian cho giống hiện vật hơn.


Trong quá trình chế tác, bà cũng không biết gì về từng khâu, từng công đoạn mà đáng lẽ một Phó Giám đốc chuyên môn cần được biết?


Cơ bản thì mọi người đã quyết định làm rồi. Tính cách anh giám đốc làm gì cũng muốn nhanh, mà cứ bàn bạc thì sẽ lâu, có lẽ anh ấy cũng chủ quan ở chuyện này.


Bà đã xem bản gốc Cột Chùa Dạm ở Bắc Ninh chưa?


Tôi vừa đi xem Cột Chùa Dạm về, người dân ở đấy gọi là chùa Tấm Cám chứ không gọi là Chùa Dạm. Tôi thấy hiện vật đã xuống cấp, chân bệ bị mất đi nên họ chèn thêm những viên đá thường vào phía chân bệ. Riêng phần phía trên cột vẫn đẹp, hình con rồng vẩy rất rõ. Trước đây, tôi nghĩ vẩy phải mờ vì phiên bản xi măng có vẩy mờ. Vẩy rồng hiện vật không có vẩy kép, phần bệ cột có hoa văn chứ không phẳng và có góc sắc như phiên bản đá. Cột Chùa Dạm đá của Bảo tàng MTVN cũng chỉ là để trang trí thôi, nhưng vẫn cần sửa lại.


Bà “phụ trách chuyên môn”, nhưng đến giờ phút này bà cũng vừa mới đi xem Cột Chùa Dạm một lần?


Tôi đã xem tư liệu và Album về Cột Chùa Dạm rồi.








Nhập mô tả vào đây
Phiên bản cột chùa Dạm bằng đá













Nhập mô tả vào đây
Bệ cột với các nét sắc, cứng






Nhập mô tả vào đây
Vẩy rồng nổi quá rõ


Bảo tàng nhận hàng trăm triệu đồng để làm ra một phiên bản đá bị gọi là “méo mó” so với hiện vật?


Tôi cũng không nắm rõ dự án này hết bao nhiêu tiền, tôi chỉ lo về mặt chuyên môn thôi. Đây không phải là hiện vật, bản thân chúng tôi vẫn phải đề là phiên bản. Bản xi măng giữ nguyên những phần hiện vật bị vỡ mất, không thêm thắt chi tiết, chứ không phải là con rồng ẩn trong mây…


Còn bản đá mới này lại thêm thắt chi tiết vào vẩy rồng để nó hoàn chỉnh hơn nên trông con rồng bị cứng, khối lại sắc khiến tinh thần tác phẩm càng cứng hơn. Nhưng nhìn chung, sản phẩm này vẫn sửa lại được.


Bà có biết phiên bản xi măng hiện nay nằm ở đâu không?


Phiên bản xi măng nứt rồi, chúng tôi đã bỏ nó đi.  Phải phá bỏ nó để đưa phiên bản đá vào. Thật ra, cột xi măng đó cũng không phải là hiện vật gốc để phải gìn giữ.