Trang chủ Người thời nay Cụ bà 96 tuổi cung tiến 1000m2 đất xây chùa

Cụ bà 96 tuổi cung tiến 1000m2 đất xây chùa

71

“Làng có chùa, tôi nhắm mắt cũng yên”

Năm 1941, bà Lan khi đó 28 tuổi đã theo anh trai chạy giặc từ Hải Phòng về mạn Lâm Thao – Phú Thọ. Do hoàn cảnh loạn lạc, bà và người anh trai ở lại mảnh đất này buôn bán, định cư chờ ngày đất nước giải phóng mới đi tìm người thân.


Cuối năm 1952, bà lấy ông Vũ Xuân Dinh – người cùng thôn Vu Tử. Ít bữa sau ngày cưới, ông Dinh nhập ngũ để bà một mình một bóng.









Ngày ngày, cụ Lan vẫn thăm nom những tháp, miếu trong chùa



57 năm sống với nhau, không một mụn con, hai vợ chồng chỉ xây được ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng. Cụ ông đã bỏ bà ra đi vào đầu năm 1998 khi cái ăn, cái mặc còn túng thiếu ở mảnh đất thuần nông này.

Ghi nhớ lời chồng trước lúc đi xa: “Bà nên hiến đất cho xã để xây chùa mới, ngôi chùa làng mình đã trải qua nắng gió hàng chục năm nay cũng sắp sập rồi. Mình không có con thì làm phước cho hàng xóm bà ạ”.


Bà Lan mang tâm nguyện của chống chia sẻ với cho các cụ ở hội người cao tuổi trong thôn. Sự việc đến tai ông bạn già Vũ Đình Mai, nguyên là Trưởng ty nông nghiệp tỉnh Thái Bình những năm 80 của thế kỷ trước.


Cảm kích tấm lòng của người bạn, ông Mai hưởng ứng: “Bà để mảnh đất cho tôi, tôi sẽ xây chùa giúp dân làng. Chùa làng mình đã xuống cấp rồi, may sao có bà dâng đất nếu không thì bà con vẫn phải thành kính đức ông, đức bà dưới mái nhà dột”.

Tấm lòng hảo tâm là thế, nhưng câu chuyện cung tiến đất của bà không hề bằng phẳng chỉ vì một nỗi: “Xã tôi vẫn nghèo quá chú ơi”. Bà Lan kể lại câu chuyện của mình trong niềm tủi cực.


Bà con chòm xóm rất hào hứng tham gia xây cất chùa mới. Quê nghèo, nhưng họ sẵn sàng công đức dăm ba ngàn. Vậy mà UBND xã vẫn dùng dằng mãi mới chấp nhận để chúng tôi xây cất ngôi chùa này.


Ông Mai đã phải chạy ngược xuôi lo đủ mọi thủ tục giấy tờ. “May sao đất (của tôi) và vốn (ông Mai) đã sẵn sàng. Nếu hai khoản này mà dính đến xã thì còn… ốm mới xong”, bà Lan kể lại.

Phận già không con

Trọn kiếp vợ chồng, ông bà Lan – Dinh chưa từng được hưởng niềm hạnh phúc được ôm ấp đứa con chung. Ở cái làng quê quanh năm tiếng gà gáy cả thôn nghe thấy này, xóm làng con cháu đông vui, xum vầy chật nhà, thế mà vẫn có những tiếng khóc buồn cho số phận.


“Cuộc sống ở làng quê hồi xưa, nhà ít con cũng 5 đứa, nhà nhiều thì 8, 9 thậm chí 10 đứa. Tôi chỉ cầu mong giời cho tôi một mụn con cũng không được. Nhiều đêm trò chuyện với ông nhà tôi, ông chỉ nói chung chung là ông ấy bị di chứng của bệnh sốt rét rừng nên mất khả năng sinh con. Tôi chỉ biết cắn răng chịu đựng, có trách thì trách cuộc chiến tranh kia đã cướp đi quyền làm mẹ của tôi”. Bà tâm sự.








Giờ cụ sống trong ngôi nhà một gian do ông Mai xây cất để cụ tiện trông nom chùa

Ngày trước, bà mà hàng xóm cũng từng xì xèo chuyện không con của ông bà: “nhà ấy ăn ở kiểu gì mà con cái cũng không có, trời bắt vạ rồi”.


Rồi chuyện nhỏ to này cũng chìm xuống và hàng xóm lại thấy thương bà hơn, người ta hiểu cái giá của thời cuộc đã bắt người phụ nữ chân chất này phải chịu đựng.


Đến khi bà cung tiến đất xây chùa, mọi người lại một phen xì xào nữa. Nhiều người bảo bà là ngu, là gàn. Nhưng cái Tâm của bà vẫn sáng trong, cho mà không hề đợi chờ cuộc sống cho lại cái gì.

“Hiến đất xây chùa là tâm nguyện của vợ chồng tôi. Không có gì ân hận”, cụ bà quả quyết.


Cảm kích tấm lòng cụ  Lan, ông Trịnh Minh Lượng – Trưởng thôn Vu Tử, nói: “Cụ Lan đã cung tiến 792m2 đất vườn và 272m2 đất ao (không tính vào sổ sách diện tích này), tổng số là 1068 m2 để xây dựng chùa Sơn Thuỷ. Lòng thành kính ấy, đời đời cháu con nhớ ơn.


Nhiều lúc tôi nói vui với cụ: tính theo giá thị trường hiện nay mỗi m2 đất ở chỗ này là 200.000 đồng thì giờ cụ ngồi cạnh hơn 200 triệu đồng. Có 200 triệu đồng có khi cụ thấp thỏm không biết tiêu gì, nhưng không có 200 triệu đồng, cụ vẫn sống vui, sống khoẻ”.













Trên tấm bia trùng tu này không có tên cụ Lan nhưng dân làng luôn nhớ ơn cụ

Lịch sử của làng Vu Tử trong bia trùng tu đình làng có ghi: “Làng Vu Tử xưa là một làng nhỏ và nghèo, chuyên về cày cấy, không biết buôn bán, kinh doanh. Ít người được học hành, không có người đỗ đạt cao. Tuy nghèo nhưng làng vẫn tu tạo và giữ gìn các di sản văn hóa của Tổ tiên. Làng còn đủ đền, miếu, đình chùa, chuông động, bia đá. Ngày tháng khói hương, bốn mùa cúng tế.


Năm Vĩnh Thịnh thứ 13 triều Lê (1717), làng đúc quả chuông to nhất vùng, cao hơn đầu người, tồn tại đến mãi năm 1960. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, các di tích này không còn nữa, số ngưởi hiểu biết về chúng cũng chẳng còn nhiều. Nếu không vớt vát những gì còn có được, ta sẽ mất sạch sành sanh, trước là có tội với tiền nhân, mai sau con cháu sẽ chẳng biết gì về gốc gác, cội nguồn. Chẳng còn cái gì để chúng kế tục, phát huy, bàn tính, nghĩ suy.


Nay bà Đặng Thị Lan cung tiến 790m2 đất làm nơi xây dựng. Ông Vũ Kim Bảng tìm lại được chứng tích, thần phả văn bia. Con cháu đi công tác xa gửi tiền công đức, dân làng góp công, lòng thành xây dựng lại chùa”.