Trang chủ Tin tức Đại lễ Phật Đản PL2561 tại chùa Ngòi – Hà Đông

Đại lễ Phật Đản PL2561 tại chùa Ngòi – Hà Đông

165

Buổi lễ được đặt dưới sự chứng minh của: Thượng tọa Thích Tiến Đạt – Ủy viên HĐTS TW GHPGVN, trụ trì chùa Đại Từ Ân (Đan Phượng); Đại đức Thích Nguyên Kiền – trụ trì chùa Mễ Sơn (Thường Tín); Đại đức Thích Di Trường – trụ trì chùa Thụy Ứng (Đan Phượng); Ni sư Thích Đàm Chính – trụ trì chùa Ngòi, Trưởng Ban tổ chức đại lễ cùng quý chư tôn đức Tăng Ni trụ trì các chùa, tự viện trong địa bàn thành phố Hà Nội.

Về phía chính quyền có: Ông Quản Xuân Phú – Phó chủ tịch UBND phường La Khê; Ông Nguyễn Hồng Nguyên – Phó chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc phường La Khê cùng quý vị lãnh đạo đại diện cho các cơ quan chức năng, ban ngành sở tại đã về tham dự buổi lễ.

Đại lễ Phật đản tại chùa Ngòi sáng nay đã được thực hiện theo đúng nghi thức Phật đản truyền thống trong niềm hoan hỷ vô biên của những người con Phật.

Đặc biệt, niềm vui nối tiếp niềm vui, khi trong buổi lễ Phật đản ngày hôm nay, toàn thể đại chúng đã được đón nhận những lời đạo từ vô cùng ý nghĩa của Thượng tọa Thích Tiến Đạt về ý nghĩa của ngày Phật đản sinh cũng như sự nhiệm màu khi Đức Thế Tôn thị hiện nơi đời.

Trước hết, Thượng tọa nhấn mạnh về hai khái niệm “đản sinh” và “giáng sinh”. Với Đạo Thiên Chúa, họ dùng từ “giáng sinh”. Nhưng với Đạo Phật, mỗi người con Phật khi nhắc về tháng tư và sự kiện đặc biệt ngày ra đời của Bậc Đại Giác, chúng ta phải dùng từ “đản sinh”. Bởi lẽ, Đản chính là sự xuất hiện màu nhiệm, sự xuất hiện theo ý muốn của một bậc Chính Đẳng Chính Giác. Với mỗi chúng ta khi sinh ra trên cõi đời đều không được lựa chọn môi trường sinh ra, không được lựa chọn hoàn cảnh sống cũng như bố mẹ, nhưng với Đức Thế Tôn thì tất cả mọi thứ đều do chính sự lựa chọn của Ngài. Do đó, đản sinh là sự sinh ra có sự lựa chọn trước. Còn chữ “giáng sinh” là giáng ở trên cao hạ xuống. 

Tiếp đó, Thượng tọa đã chia sẻ về ngày sinh chính thức của Đức Thế Tôn nhằm giải đáp những thắc mắc của rất nhiều Phật tử: “trước kia chúng ta đều tổ chức ngày Phật Đản là 8/4 âm, và bây giờ là ngày rằm. Vậy thì mùng 8 đúng hay rằm đúng? Trong Phật sử ghi ngày Đức Phật sinh là ngày giữa tháng của tháng trăng sáng. Nhưng Ấn Độ xưa kia một tháng có 15 ngày chứ không phải 30 ngày. Từ mùng 1 đến ngày 15 là tháng Bạch Nguyệt tức là tháng trăng sáng, mặt trăng sáng dần lên và tròn viên mãn. Từ ngày 16 trở đi bắt đầu trăng khuyết dần và tối dần gọi là tháng Hắc Nguyệt. Đức Phật sinh vào giữa tháng của tháng trăng sáng là ngày mùng 8 tháng trăng sáng. Do đó từ xưa đến nay, chúng ta tổ chức kỉ niệm ngày Đức Phật đản sinh là ngày 8/4 là theo lịch cũ của Ấn Độ. Từ năm 1950, Phật giáo thế giới có bàn chuyện này và ngày nay chúng ta cũng có 30 ngày chứ không còn có 15 ngày như xưa, nên nếu hiểu theo việc Đức Phật sinh vào giữa tháng tức là ngày 15. Do đó tổ chức Phật giáo Quốc tế để thống nhất các hệ phái chọn ngày 15/4 âm lịch hàng năm. Nhưng thông lệ của Phật giáo Quốc tế không có ngày âm lịch nên họ chọn ngày trăng tròn tháng 5 dương lịch. Cho nên hiện nay trên thế giới, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước Phật giáo Bắc truyền thì vẫn kỉ niệm ngày đản sinh của Đức Phật là 8/4 âm lịch. Nhưng Nhật Bản không dùng âm lịch, chỉ dùng dương lịch. nên họ tổ chức ngày đản sinh của Đức Phật là 8/4 dương lịch. Và Phật giáo thế giới cũng lấy ngày 8/4 dương lịch hàng năm là ngày Phật giáo thế giới để kỉ niệm. Các nước Phật giáo Nam truyền như là Thái Lan, Miến Điện.. thì tổ chức ngày Phật đản, ngày thành Đạo và ngày Nhập Niết Bàn chung vào một ngày là ngày trăng tròn tháng Vesak. Tháng Vesak tương đương với tháng 5 dương lịch, vì thế họ gọi ngày đó là ngày Tam Hợp. Mỗi nước lại có một cách sử dụng lịch riêng. Nhưng Phật giáo Việt Nam ta để trung hòa với các truyền thống này cho nên quyết định chọn từ mùng 8 cho đến ngày rằm là tuần lễ kỉ niệm Phật đản“.

Nhân dịp này, Thượng tọa cũng đã giảng giải cho đại chúng hiểu hơn về hình tượng khi đản sinh và cuộc đời của Đức Phật được ghi lại trong kinh điển. Ngài sinh ra ở vườn Lâm Tỳ Ni, khi xuất gia tu hành Ngài cũng ở trong rừng cây, thành đạo dưới cội cây Bồ Đề, thuyết pháp trong Trúc Lâm viên ở Tịnh xá Kỳ Viên, tất cả những nơi Đức Phật giảng kinh thuyết pháp đều là ở rừng cây và cuối cuộc đời của Ngài nhập Niết Bàn cũng trong rừng Sa La. Đây là một điều đặc biệt, bởi như thế cuộc đời Đức Phật gắn liền với thiên nhiên, với môi trường tự nhiên. Hơn nữa, Đức Phật còn sinh vào tháng 4 âm lịch – là thời điểm mà mọi người đều nghĩ rằng thời tiết nóng bức. Nhưng đây chính là sự lựa chọn của Đức Phật. Ngài lựa chọn đầu thai vào trong hoàng cung của vua Tịnh Phạn, lúc bấy giờ thân mẫu của Ngài tuổi thọ theo quy định chỉ còn 10 tháng 7 ngày. Khi hoàng hậu Ma Da mang thai thái tử Tất Đạt Đa được 10 tháng, khi sinh ra được 7 ngày sau thì qua đời sinh về cõi trời Đao Lợi. Đây chính là một sự lựa chọn. Theo quan niệm của phương Đông chúng ta, một năm có 4 mùa xuân hạ thu đông. Mùa xuân vạn vật sinh sôi, mùa hạ vạn vật tăng trưởng phát triển, mùa thu cây cối thu nhựa lại bắt đầu lụi tàn, mùa đông thì cỏ cây tàn lụi. Đức Phật không sinh vào mùa vạn vật tàn lụi, mà sinh vào đúng mùa nối tiếp xuân sang hạ, là gạch nối giữa sinh và trưởng, tức là vạn vật sinh sôi và phát triển. Điều đó nói lên việc Đức Phật ra đời là một sự lựa chọn của Ngài làm cho vạn vật sinh sôi phát triển, làm cho con người được tăng trưởng và phát triển. Do đó chúng ta mới có câu “Chư Phật xuất thế thiên hạ thái bình”. Phật ra đời cỏ cây cũng hoan hỷ vui mừng chào đón, trời người chào đón và đem lại hạnh phúc an vui cho nhân loại. Qua câu chuyện này, Thượng tọa cũng giải thích luôn về việc tại sao khi làm lễ hô thần nhập tượng hay làm vào buổi tối và phải tắt đèn, sau khi làm lễ xong mới bật đèn lên. Bởi lẽ chúng sinh mờ mịt trong vô minh, vô minh chính là sự tối tăm không biết đường đi không biết nẻo thiện để quay đầu, do đó mới tạo tội tạo nghiệp, đi vào con đường bất thiện mà không biết giống như người đi trong đêm đen. Chư Phật ra đời đem lại ánh sáng, xua tan màn đêm tăm tối cho nên mới có việc khi hô thần nhập tượng hô “Chư Phật xuất thế thiên hạ thái bình” thì mới bật đèn lên biểu thị cho việc Phật ra đời thì hào quang, trí tuệ soi sáng cho nhân gian. Cho nên trong Kinh Pháp Cú có câu “mặt trời sáng ban ngày, mặt trăng sáng ban đêm còn hào quang chư Phật thì soi sáng suốt ngày đêm“.

Đặc biệt, Thượng tọa cũng giải thích về ý nghĩa sự kiện khi Đức Phật ra đời, Ngài đặt chân xuống đất có 7 đóa sen đỡ chân Ngài, tay phải chỉ trời tay trái chỉ đất nói câu tuyên ngôn “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”, đồng thời trên trời có 9 con rồng phun nước nóng lạnh để tắm cho Phật. Hoa sen vốn là hoa của mùa hạ, mùa Phật đản là mùa hoa sen nở. Cuộc đời của Đức Phật được biểu tượng bằng hoa sen, gắn liền với hoa sen. Ngài sinh ra bước chân trên hoa sen, tu hành thành đạo cũng ngồi trên tòa sen, và Ngài có thuyết một bộ kinh là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa “hoa sen màu nhiệm” và khi nhập Niết Bàn, Ngài cũng trở về thế giới tịnh lạc của hoa sen. Trong giáo lý của Đức Phật cũng có nói đến một thế giới đó là thế giới cực lạc, là thế giới của liên hoa cho nên “thanh sắc thanh quang hoàng sắc hoàng quang xích sắc xích quang cảnh sắc cảnh quang” và ở đó liên hoa chia thành 9 phẩm. Thế giới ấy hoàn toàn bằng hoa sen. Trên thế giới có 2 quốc gia lấy hoa sen làm quốc hoa đó là Ấn Độ và Việt Nam. Ấn Độ tự hào vì đất nước người ta là nơi sinh ra Đức Phật – vị vua bỏ ngai vàng điện ngọc đi xuất gia thành Phật và người ta lấy hoa sen trắng là biểu tượng cho Đức Phật, biểu tượng cho dân tộc Ấn Độ. Họ lấy bánh xe pháp luân của Đức Phật làm cờ quốc gia của Ấn Độ. Việt Nam ta thì lấy sen hồng làm quốc hoa. Bởi đất nước Việt Nam có niềm tự hào là cũng có một vị vua thời Trần – Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông bỏ ngai vàng đi tu thành Tổ. Ngài chính là Phật của Việt Nam còn Đức Phật là Phật của cả vũ trụ, của cả nhân loại. Các vị Bồ Tát ngồi trên tòa sen hồng, Đức Quan Âm cũng là hồng liên tọa hạ, Đức Phật ngồi trên tòa sen vàng hoặc ngồi trên tòa sen trắng. Thời đại Hồ Chí Minh chúng ta, chúng ta cũng nên tự hào bởi chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là hoa sen bởi Ngài sinh ra ở làng sen và Ngài cũng sinh vào tháng 5. Vậy hoa sen là biểu thị cho nhân cách của các bậc Thánh nhân, hoa sen là biểu tượng đạo đức chói sáng của các bậc hiền trí. Hoa sen sinh ở bùn lầy nước đọng, khi sen đã mọc được rồi thì nước đục sẽ biến thành nước trong, tanh hôi mùi bùn sẽ biến thành hương thơm cho nên mới có câu “gần bùn mà chẳng tanh hôi mùi bùn”. Vậy nên sen có khả năng chuyển hóa, thế gian của chúng ta và chúng sinh chúng ta cũng giống như bùn lầy nước đọng, thâm tâm của chúng ta cũng vẩn đục bởi Tham dục sân hận si mê và bị nhiệt não thiêu đốt bởi những tham ái và bất thiện. Mùa hè nóng như vậy mà chúng ta đứng trước hồ sen thì bao nhiêu phiền não hờn giận cấu uế đều rơi rụng hết, Phật ví như sen của cuộc đời, bởi Ngài ở trong cuộc đời mà vượt lên trên thế nhân để trở thành hoa sen của cuộc đời. Do đó hoa sen có hình thể rất đẹp, tròn biểu tượng cho đức hạnh viên mãn, đầy đặn không khuyết của Phật, trong hoa thì có đài có hạt biểu thị cho nhân quả đồng thời. Các loài hoa khác có sắc có hương thì ong bướm đến gần, nhưng hoa sen tuy có cả sắc cả hương mà ong bướm đều không gần. Đó là biểu thị cho sự thanh cao, thoát tục, không bị nhiễm bụi trần cấu uế của thế nhân. Vì vậy, hoa sen là biểu tượng của Đức Phật. Và Ngài sinh ra, đặt chân xuống thế gian có hoa sen đỡ chân Ngài, Ngài đi 7 bước về phương Đông – phương của mặt trời mọc, phương của ánh sáng của trí tuệ, Đức Phật bước tới con đường của quang minh và trí tuệ. Đạo Phật chính là con đường của trí tuệ, giác ngộ và giải thoát. Vậy tại sao phải là 7 bước? Trong Phật giáo số 7 là con số màu nhiệm, là con số vũ trụ. Vũ trụ hợp thành bởi không gian và thời gian. Không gian có 4 chiều Đông – Tây – Nam – Bắc. Thời gian có 3 thời quá khứ – hiện tại và vị lai. 7 bước đi của Phật là 7 bước đi ngự trị vũ trụ, 7 bước đi thấu triệt chân lý của nhân sinh và vũ trụ, cho nên chúng ta mới tôn xưng Đức Phật là “Thiên Nhân đạo sư, bậc Thầy của cả trời và người“. Một con người như chúng ta, muốn tu hành thành Phật thì phải trải qua 7 bước tu tập, Đức Phật đi 7 bước cũng chính là chỉ cho chúng ta 7 giai đoạn để tu hành. Trong Phật pháp, thứ nhất là tu tứ niệm xứ, thứ hai là tứ chính cần, thứ ba là tứ như ý túc, thứ tư là năm căn, thứ năm là năm lực, thứ sáu là thất bồ đề phần, thứ bảy là bát chính đạo. Đây là 7 giai đoạn để tu hành thành Phật. Mỗi bước chân của Ngài nở hoa sen còn có một ý nghĩa khác nữa, đó là Phật đi đến đâu gieo mầm bồ đề vào trong tâm ô trược của chúng sinh và khiến tâm chúng sinh nở hoa sen. Phật đi đến đâu đem lại an vui cho chúng sinh ở đó, cho nên chỗ nào có Phật pháp chỗ đó chúng sinh hạnh phúc. Chỗ nào bùn lầy nước đọng mà chỗ đó có sen thì nước đọng thành nước trong, tanh hôi sẽ thành hương thơm. Tay phải Ngài chỉ trời, tay trái Ngài chỉ đất là Ngài chỉ cho chúng ta con đường để đi. Tay phải chỉ trời chính là con đường để đi lên, con đường của chân lý toàn thiện. Tay phải chính là lẽ phải, là điều thuận cho chân lý, là con đường của cõi trời cõi người và cõi Phật. Tay trái Ngài chỉ dưới đất là 10 điều ác, người nào thân khẩu ý làm 10 điều ác này thì cuộc đời người đó tụt dốc đi xuống từng ngày từng giờ, xuống địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Con đường Đức Phật chỉ cho chúng ta chính là đi lên để sống xứng đáng là người trong loài người. Cho nên Đức Phật từng tuyên bố “ta không phải là thượng đế để ban phúc giáng họa cho chúng sinh. Thượng đế cũng không có quyền ban phúc giáng họa cho chúng sinh. Ta chỉ là bậc Thầy biết đường chỉ cho chúng sinh một con đường, còn đi hay không là việc của chúng sinh không phải việc của Phật. Ta cũng giống như thầy thuốc giỏi biết bệnh mà cho thuốc, còn uống hay không là việc của người bệnh không phải lỗi của thầy thuốc“. Họa phúc do chính chúng ta tự tạo tự chịu, chúng ta có tin Phật hay không tin Phật thì luật nhân quả vẫn vận hành. Đức Phật có ra đời hay không ra đời thì luật nhân quả vẫn chi phối cả vũ trụ này. Nếu chúng ta không gieo nhân lành thì không thể gặt được quả ngọt, không chịu tu hành thì không thể thành Phật. Chìm nổi, vinh nhục, họa phúc là do chính chúng ta quyết định chứ không do trời, không do số phận, không do Phật ban. Trên đời chúng ta có thể chạy khỏi tội, nhưng không bao giờ chạy khỏi lương tâm và sự trừng phạt của nhân quả.

Việc Đức Phật ra đời trên không có 9 con rồng phun nước nóng lạnh để tắm cho Ngài, số 9 chính là số dương lớn nhất, số dương cực thịnh. 9 rồng biểu thị cho 9 phương trời, tất cả mọi phương trời và tất cả chư thiên đều đến quy tụ, đều đến tắm hầu Phật. Phật ra đời đất nở hoa sen dưới chân, 9 phương trời quy tụ để tắm cho Ngài. Việc phun hai dòng nước nóng lạnh chính là hai thái cực khổ vui của cuộc đời. Chúng ta sinh ra ở cuộc đời này ai cũng đều phải nếm trải sự nóng lạnh của cuộc đời. Chính sự vinh nhục, sang hèn,…làm cho tâm chúng ta dao động. Nhưng họa sinh ra từ phúc, nếu chúng ta không biết điều chỉnh cảm xúc tâm lý, không biết tự tại trong mọi hoàn cảnh thì họa phúc là khôn lường. Còn nếu chúng ta điều hòa được điều này chúng ta sẽ làm chủ được bản thân, gia đình, làm chủ được vận mệnh, làm chủ được xã hội. Cho nên khi chúng ta làm lễ tắm Phật chính là tắm cho bản thân mình, gột rửa cấu uế, giải trừ nhiệt não trong tâm mình. Khi chúng ta gột rửa được như vậy thì chúng ta đã làm cho ông Phật trong tâm chúng ta được sinh ra, hoa sen trong tâm chúng ta nở rộ, đó mới chính là kính mừng Phật Đản. 

Cuối cùng, Thượng tọa mong rằng: Mỗi người Phật tử sẽ nhìn thấy được tự tính Phật ở trong tâm và trong lễ Phật đản này, mọi người đều tự gột rửa cấu uế phiền não trong tâm của mình, gột rửa những căn bệnh khổ đau của chính mình để làm cho Đức Phật trong tâm chúng ta xuất hiện, khi đó thân tâm chúng ta an lạc, gia đình sẽ hạnh phúc và thế giới sẽ hòa bình.