Trang chủ Tuổi trẻ Gia đình Phật tử Dâng lời thương kính lên HT. Thích Minh Châu nhân sinh nhật...

Dâng lời thương kính lên HT. Thích Minh Châu nhân sinh nhật lần thứ 90

109


Kính bạch Thầy! Hôm nay, nhân ngày sinh nhật lần thứ 90, trước tình thương và đạo nghiệp lớn lao của Thầy, với sự hiểu biết giới hạn của mình, chúng con chỉ điểm lại những giai đoạn thịnh suy của tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam mà Thầy là người Anh Cả là người Cha khai sinh ra và cũng là người thường xuyên theo dõi, hỗ trợ, động viên để chúng con có đủ nghị lực vượt qua sóng gió cuộc đời mà vươn lên sống trong tình thương và niềm tin chính pháp.


Trước hết, cho phép chúng con được gọi Hoà Thượng bằng Thầy để chúng con được trở về lại trong những tháng ngày trìu mến, gần gũi và kính thương nhất mà Thầy đã dành cho tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam.


Kính bạch Thầy! Chúng con xin bày tỏ niềm xúc động và dâng lên Thầy lòng thương kính vô biên khi được về đây diện kiến một thực thể đã 90 năm đi qua giữa cõi đời sương khói. Chín mươi năm dâu bể khói sương đã đưa đẩy dân tộc và đạo pháp đi qua những bước phù trầm suy thịnh mà Thầy vừa là chứng nhân lịch sử đồng thời vừa là đống lương Phật pháp.


Vào những năm đầu của thế kỷ 20, khi mà nền chính trị cũng như cuộc sống của người dân Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng đang rối bời vì những hổn loạn của đất nước, Triều đình Bảo Đại nhu nhược lung lay, Nhật, Pháp hung hăng lấn chiếm…tình hình hỗn loạn, Phật giáo Việt Nam theo đó cũng không tránh khỏi sự thịnh suy. Trước thực trạng ấy, sự ra đời của những tổ chức Phật giáo nào mang tính chấn hưng thì được quần chúng Phật tử hồ hởi tin theo.


Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục là một điển hình, ra đời vào năm 1940 dưới sự bảo hộ của Hội An Nam Phật học, mặc dầu con số thành viên rất khiêm tốn, chỉ có 12 người trong đó Thầy là một tấm gương mà mãi cho đến bây giờ vẫn còn soi bóng. Chúng con còn nhớ, ngày đó Thầy với thế danh là Đinh Văn Nam đảm chức vụ Đoàn phó. Với mô hình cũng như đường lối hoạt động, Đoàn Thanh niêm Phật học Đức Dục bấy giờ được đánh giá như một biểu tượng cho một mô hình lãnh đạo Phật tử rất mới, rất trẻ và rất dể dàng thu hút được quần chúng Phật tử. Đoàn đã tổ chức “Phật học tùng thư” và đặc biệt hơn hết, ngày đó Thầy đã cho xuất bản tập “Thanh niên Đức Dục” mà theo chúng con được biết, có lẽ đây là tác phẩm đầu tay của Thầy cùng với những tác phẩm khác của các anh như “ánh đạo vàng” của anh Võ Đính Cường, “Đời Vui”của anh Ngô Thừa…cùng với một loạt những hoạt động, tổ chức Đoàn, Đội…đã ảnh hưởng rất tích cực đến đời sống của tầng lớp thanh thiếu niên Phật tử lúc bấy giờ.


Kính bạch Thầy! Thấp thoáng, thời gian trôi đi như bóng câu qua cửa, đến nay Thầy đã vượt quá ngưỡng “thất thập cổ lai hy” đến hai mươi lần xuân đến rồi thu qua. Giữa cuộc đời dâu bể mãi miết lặn lội tìm cái có, cái không để cùng trôi chảy với dòng đời mong tìm hướng rẻ để nhập vào dòng thánh nên hằng đêm, hằng ngày chúng con thao thức nhìn lại thế hệ mình, nhìn lại đàn em mình mà thương nhớ dáng hình người xưa. Nhìn lại để mà nhớ, nhưng nhìn lại cũng để mà “ôn cố tri tân”.


Chúng con còn nhớ, Đại lễ Phật đản PL 2487 (1944) trên ngọn đồi Quảng Tế, một trong những thủ phủ của rừng thiền Thuận Hoá-Phú Xuân, dưới bóng mát của chư tôn đức là thiền lâm thạch trụ trong chốn thiền môn xứ Huế, Đoàn Thanh Niên Phọc học Đức Dục cùng với các Đoàn, Chúng tụ hội về đây khai mở kỳ đại hội và khai sinh ra tổ chức Gia đình Phật hoá Phổ. Vậy là công lao của Thầy trong bước đầu xây dựng đào tạo thế hệ trẻ Phật tử đã trở thành nền tảng cho tổ chức Gia đình Phật hoá Phổ. Một tổ chức tiền thân của Gia đình Phật tử sau này, để từ đó mà phát rộng tầm ảnh hưởng ra cả nước.


Kính bạch Thầy! Tục ngữ Việt Nam có câu “ăn quả nhớ người trồng cây”. Nói như vậy không phải chúng con đã thừa hưởng một gia tài sự nghiệp “vật chất” mà Thầy đã để lại, nhưng nói như vậy là chúng con muốn thể hiện sự tri ân trời biển mà Thầy đã bỏ công sáng lập ra một tổ chức tinh thần, một tổ chức còn quý hơn cơm gạo, tiền bạc, một tổ chức có tính định hướng cho chúng con nương theo để từng bước nhập vào dòng chảy chung của đạo pháp.


Để rồi từ đó, năm 1951, tại ngôi chùa Từ Đàm lịch sử, một Đại hội của Gia đình Phật hoá Phổ được tiến hành trong 3 ngày với sự tham dự của đại biểu 9 Tỉnh Thành miền Trung cùng Hà Nội và Hải Phòng; tại Đại hội này danh xưng “Gia đình Phật tử Việt Nam”chính thức được ra đời.


Từ đó, tổ chức Gia đình Phật tử ngày mỗi phát triển và được chư Tôn Đức lãnh đạo Giáo hội thường xuyên đặc biệt quan tâm, cố vấn, động viên. Trong suốt chặng đường phát triển của Gia đình Phật tử Việt Nam, Thầy vừa là sáng lập viên vừa là một vị đạo sư theo sát chúng con trên những bước đường tu học và đã có nhiều động thái hỗ trợ tích cực. Rồi chiến tranh nổ ra, Nam Bắc phân ly, Gia đình tan tác, nhiều anh em bỏ Đoàn bỏ Đội, bỏ cả Gia đình Phật tử thân yêu…


Điểm lại những dấu móc lịch sử của tổ chức Gia đình Phật tử mà Thầy là một trong những sáng lập viên có nhiều công lao đóng góp. Thầy đã biên soạn tập Phật pháp 4 cấp dành cho ngành Thiếu Gia đình Phật tử; đồng thời Thầy cũng là người giảng dạy cho các khoá đào tạo Huynh trưởng và Đoàn sinh Gia đình Phật tử Việt Nam.


Ngày tháng cứ tưởng miệt mài trôi qua, Thầy trò xa cách ít khi gặp nhau, mỗi người mỗi việc, mỗi Phật sự. Chúng con vừa là một Phật tử nhưng cũng vừa phải làm tròn bổn phận của người cha, người mẹ, người anh, người chị của nhiều thế hệ đàn em, đồng thời cũng phải vừa làm tròn trách nhiệm của một công dân tốt của đất nước nên chi lắm lúc cứ tưởng chịu nhiều áp lực của cuộc sống không thể nào vượt qua được, may nhờ Thầy nhiều lần hỗ trợ, động viên mà chúng con đã đứng vững cho đến ngày hôm nay.


Và rồi đất nước chuyển mình, Phật giáo cũng từ đó chuyển mình theo với nhiều chiều hướng khác nhau. Tổ chức Gia đình Phật tử chúng con cũng không làm sao tránh khỏi sự tác động chung, nên đã có phần khựng lại nếu không muốn nói là bế tắc. Trước tình hình đó, Thầy đã triệu tập các anh của chúng con lại để tìm phương hướng khai thông mà điển hình nhất là ngày 19 tháng 10 năm 1997 tại Thiền viện Vạn Hạnh, Thầy đã  cùng 4 huynh trưởng cấp Dũng là anh Võ Đình Cường, anh Tống Hồ Cầm, anh Nguyễn Xuân Quyền và anh Nguyễn Châu ký chung một bản thông báo gửi đến toàn thể huynh trưởng và đoàn sinh Gia đình Phật tử Việt Nam. Từ bản thông báo này, tổ chức Gia đình Phật tử  Việt Nam chính thức chuyển mình đi vào bước sinh hoạt và phát triển mới phù hợp với tình hình đất nước hiện nay.


Kính bạch Thầy! Hôm nay, nhân ngày sinh nhật lần thứ 90, trước tình thương và đạo nghiệp lớn lao của Thầy, với sự hiểu biết giới hạn của mình, chúng con chỉ điểm lại những giai đoạn thịnh suy của tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam mà Thầy là người Anh Cả là người Cha khai sinh ra và cũng là người thường xuyên theo dõi, hỗ trợ, động viên để chúng con có đủ nghị lực vượt qua sóng gió cuộc đời mà vươn lên sống trong tình thương và niềm tin chánh pháp.


Nhân đây, chúng em cũng xin  bày tỏ niềm vui mừng đến anh Võ Đình Cường và anh Tống Hồ Cầm – hai huynh trưởng đã đặt nền móng, xây dựng và phát triển tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam.


Cuối cùng, chúng con thành kính đãnh lễ tận túc. Nguyện cầu Tam bảo hộ trì cho Thầy Pháp thể khinh an, viên thành Phật sự.