Trang chủ Người thời nay Nghệ sĩ Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai: Tôi đã gặp mình ở cung phi...

Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai: Tôi đã gặp mình ở cung phi Điểm Bích

127

Giành giải nhất với số điểm tuyệt đối tại “Cuộc thi tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc 2007” và giải Vở diễn hay nhất trong năm do Hội Nghệ sĩ Sân khấu trao tặng, vở cải lương “Cung phi Điểm Bích” (tác giả: Hoàng Công Khanh, chuyển thể cải lương: NSƯT Ngọc Chi, Nhà hát Cải lương Trung ương dàn dựng) đã tạo nên một hiện tượng hiếm có từ trước tới nay: cháy vé tại sân khấu thủ đô trong dịp tết.



Tháng năm này, “Cung phi Điểm Bích” lại tiếp tục chinh phục khán giả trong đợt diễn chào mừng “Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008” diễn ra tại Việt Nam. Nhân sự kiện này, phóng viên đã có dịp trò chuyện với đạo diễn trẻ Hoàng Quỳnh Mai – người đã góp phần làm sống dậy câu chuyện đầy màu sắc lãng mạn, huyền thoại về nàng cung phi Điểm Bích sau bao năm bị quên lãng và cùng với đó, đưa niềm hy vọng mới cho cải lương nói riêng và sân khấu miền Bắc nói chung.


Thưa đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai, được biết tại “Cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu”, vở diễn “Cung phi Điểm Bích” ra mắt vào phút cuối của cuộc thi nhưng không chỉ thuyết phục được ban giám khảo mà còn được anh em nghệ sĩ cải lương miền Nam “tâm phục khẩu phục” và đạt giải A. Xin chị chia sẻ những khó khăn để đến được với “Cung phi Điểm Bích”?


+ Kể từ sau “Truyền thuyết tình yêu”, dàn dựng năm 2005 thì quả thực tôi vẫn chưa tìm được kịch bản phù hợp. Với những đạo diễn trẻ mới vào nghề như chúng tôi, rất khó để có được một kịch bản hay. Trước khi cuộc thi chỉ còn một tháng, tôi vẫn loay hoay giữa chồng kịch bản mà chưa chọn được cái nào. Tới khi tưởng như buông xuôi vì tuyệt vọng thì bất ngờ tôi gặp được “Cung phi Điểm Bích”.


Đây là tác phẩm kịch thơ của tác giả Hoàng Công Khanh, sáng tác từ năm 1989. Vì nhiều ý kiến khác nhau nên 18 năm qua vẫn chưa có đoàn nào dàn dựng. Tôi đã run lên sung sướng và xúc động khi đọc kịch bản vì những điều mình tâm đắc và đồng cảm. Đây là một tác phẩm mang màu sắc lãng mạn, sâu sắc, đặc biệt tính văn học rất cao.


Nhưng cũng chính điều này, nhiều người can ngăn tôi vì cho rằng, nó hợp với chèo hơn. Nhưng tôi vẫn quyết định dựng. Và chúng tôi chỉ có đúng 27 ngày để hoàn tất vở diễn. Thời gian ấy, chúng tôi thường tập từ chiều đến 1, 2h đêm, quên cả nghỉ ngơi. Bên cạnh lý do tiến độ, còn bởi cảm hứng sáng tạo tuôn trào khiến chúng tôi quên hết cả mệt mỏi, tất cả đều chung một niềm đam mê mãnh liệt.









Một cảnh trong vở cải lương “Cung phi Điểm Bích”.


Và nghe nói, quá trình xử lý kịch bản cũng khá vất vả?


+ Có kịch bản trong tay, tôi gần như quên hết mọi việc để tìm hiểu kịch bản. Nhiều lần, tôi “một mình một ngựa” khăn gói lên Yên Tử. May mà tôi được những nhà sư trụ trì tại chùa Hoa Yên giúp đỡ rất tận tình. Tôi được tặng cả một tủ sách về Phật giáo, về Thiền viện Trúc lâm mà Huyền Quang là sư tổ đời thứ 3.


Thời gian tôi lên Yên Tử là mùa đông, còn ít khách du lịch nên không gian tĩnh mịch lắm. Những buổi chiều ngồi một mình trong thanh vắng, ở một ngôi chùa nhỏ bé nằm ở lưng chừng núi quanh năm mây phủ, tôi mới cảm nhận hết được chất tĩnh lặng và cái sâu sắc của đạo Phật.


Những lần gà gật ở cáp treo chùa Hoa Yên đã giúp tôi hiểu hơn điều mà tác giả Hoàng Công Khanh gửi gắm trong câu chuyện về tình đời, tình người, thực đấy mà hư đấy nhưng cũng đầy chất triết lý.


Được biết là sau khi “Cung phi Điểm Bích” hoàn thành, chị đã đưa đoàn về diễn tại  Yên Tử?


+ Trở về từ cuộc thi, “Cung phi Điểm Bích” đã diễn được trên 50 buổi, nhưng buổi diễn khiến tôi xúc động nhất là trên sân khấu lưu động trong ngày giỗ sư tổ Huyền Quang ở Yên Tử. Lần đầu tiên có một đoàn cải lương chuyên nghiệp về diễn, nhân vật trong ở diễn lại chính là sư tổ Huyền Quang nên hơn 2.000 khán giả đến xem chật cứng.


Có nhà sư xem xong, đêm không ngủ được, 5- 6h sáng dậy nhắn tin cho tôi. Hiện tôi vẫn còn lưu trong máy 200 tin nhắn về vở diễn, trong đó có rất nhiều tin nhắn của các vị cao tăng. Họ nhận xét, góp ý cho mình rất nhiều về cách xưng hô, hành động của nhân vật cho đúng với nhà Phật. Mình xúc động lắm!


Một trong những lý do khiến “Cung phi Điểm Bích” thành công là sự hóa thân xuất sắc của NSƯT Thanh Thanh Hiền. Hẳn có sự đồng điệu giữa chị, nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền và nàng Điểm Bích? 


+ Tôi và Thanh Thanh Hiền học cùng lớp tại Trường Sân khấu – Điện ảnh, chơi thân với nhau lắm. Ngay từ khi đọc kịch bản, tôi đã nghĩ ngay đến Thanh Thanh Hiền, không thể là ai khác.


Nàng Điểm Bích vừa trong sáng, ngây thơ, lại có cái lẳng lơ như lời trong vở diễn: “Tưởng như suồng sã mà vô cùng tế nhị”, vừa thông minh tuyệt đỉnh và đầy mưu mô toan tính, vừa có cái e lệ, thẹn thùng của nhi nữ thường tình. Thanh Thanh Hiền đã diễn được đến chiều sâu của nhân vật.


Còn điểm chung giữa 3 chúng tôi thì có lẽ vì chúng tôi đều là phụ nữ (cười), đã từng yêu và được yêu nên rất hiểu người phụ nữ khi yêu thì thế nào. Chúng tôi đã gặp nhau dù cách xa nhiều thế hệ, đều không chấp nhận tình yêu nửa vời như lời của Điểm Bích: “Ai yêu em đó người thương/ Xin đừng là bóng hoa vương mặt thềm/ Ai yêu em nhớ đừng quên/ Đừng là nửa Phật, nửa Tiên, nửa đời…”


Màn ấn tượng nhất với người xem có lẽ là màn cung phi Điểm Bích dùng nhan sắc quyến rũ sư tổ Huyền Quang để thử lòng vị chân tu. Có ý kiến cho rằng, chị đã khiến khán giả… “chóng mặt” khi thể hiện sự cuồng nhiệt, nồng nàn của người phụ nữ khi yêu?


+ Tôi đã mất rất nhiều công sức, thậm chí phờ phạc vì màn diễn này. Ban đầu, Điểm Bích lên Yên Tử theo lệnh của vua Trần Anh Tông nhưng cùng với thời gian, nàng đã thực sự cảm mến sư tổ Huyền Quang.


Đêm quyến rũ Huyền Quang cũng chính là đêm nàng trải lòng mình: nỗi cô đơn của một cung phi nơi lầu son gác tía và những khát khao yêu đương của một cô gái đang tuổi xuân thì. Và tôi muốn, những cung bậc ấy được đẩy lên tới cao độ.


Sự kết hợp những làn điệu của cải lương, ca trù, lên đồng, hiệu quả của ánh sáng… đã giúp tôi diễn đạt được những cung bậc tình cảm ấy. Tôi muốn khán giả cảm nhận và rung động cùng với tiếng đàn tình của cây đàn không phím, không dây mà Điểm Bích đánh lên mê hoặc nhà sư.


Và nỗi lòng nhà sư khi ấy cũng đầy xao động, không phải trước một nhan sắc, một sự lả lơi, khêu gợi mà trước một tâm hồn khát khao yêu đương đến mãnh liệt, cháy bỏng và chân thành. Là phụ nữ tôi biết, khi phụ nữ đã quyết theo đuổi thì đàn ông khó thoát lắm. (Cười).


Thông qua những nhân vật, tôi muốn nói rằng, đằng sau mỗi bi kịch, sâu thẳm trong mỗi con người là tâm hồn, là khát vọng sống, khát vọng tình yêu. Và mỗi con người là một cung đàn khác nhau, tạo nên những thanh âm đa dạng của cuộc sống.


– Vào học khoa cải lương chỉ vì… trượt vào Trường Báo chí. Nhưng rồi chị quyết định thôi nghiệp diễn viên để đi học đạo diễn. Với chị, cải lương có ý nghĩa như thế nào?


+ Đúng là trong quyết định đi học cải lương của tôi có cả chút tự ái của tuổi trẻ mặc dù ngay từ nhỏ, tôi đã rất mê cải lương. Bố mẹ, thầy cô thấy tôi theo nghiệp diễn thì đều can ngăn, phản đối. Buồn vui với nhiều vai diễn, tôi hy sinh cả làn da thanh xuân vì sân khấu. Nhưng tuổi nghề của diễn viên có hạn.


Tôi quyết định học đạo diễn để có thể cống hiến nhiều hơn cho niềm đam mê của mình. Nếu diễn viên, anh chỉ có thể tư duy trong một vai diễn thì phải là đạo diễn tư duy rộng hơn nhiều. Cảm giác khi là đạo diễn khác lắm, đạo diễn giống như một huấn luyện viên, bày binh bố trận nhưng là để chinh phục lòng người.


Trong khó khăn chung của sân khấu phía Bắc thì sự thành công của “Cung phi Điểm Bích” có là điều khiến chị lạc quan vào sự khởi sắc của sân khấu?


+ Thực sự tôi không dám lạc quan nhiều vì để sân khấu hưng thịnh cần rất nhiều yếu tố nhưng tôi luôn giữ niềm tin để có thể vững vàng làm nghề. Niềm tin ấy của tôi được củng cố khi tôi gặp được những bạn trẻ cũng rất yêu nghề.


Tôi cho rằng, nếu cải lương khắc phục được những bất cập lâu nay như ủy mị, sướt mướt, dài lê thê, có những kịch bản mang hơi thở thời đại thì sẽ thu hút khán giả. Lúc này, tôi đang hạnh phúc vì có những khán giả đồng cảm với mình trên chặng đường nghệ thuật còn rất dài và một gia đình luôn là chỗ dựa để tôi toàn tâm đắm đuối với nghề.


Xin cảm ơn chị!