Trang chủ Quốc tế Đạo Phật du nhập vào Hoa Kỳ

Đạo Phật du nhập vào Hoa Kỳ

108

Khởi đầu du nhập Phật Giáo vào châu Mỹ


Mười ba tiểu bang nguyên thủy Hoa Kỳ thành lập năm 1787, tuy nhiên ảnh hưởng tôn giáo đến từ khi còn là vùng đất Tân Mexico. Những tư liệu về các vị tiên khởi mang đạo Phật đến vùng này không mấy rõ. Một dữ kiện được nói đến : vào năm 1761, ông M. de Guignes, học giả Pháp đã phiên dịch ít tài liệu trong văn khố Trung Quốc về một tỳ kheo người Hoa tên Hwui Shan (?) cùng bốn vị sư khác đến châu Mỹ năm 458. Chứng liệu vẫn là nghi vấn. Ðến năm 1875, Charles G. Leland xuất bản cuốn “Fu-sang on the Discovery of America by Chinese Buddhist Priests in the Fifth Century” cùng luận điểm Guignes. Năm 1885, Edward P. Vining xuất bản cuốn “Evidence that Hwui Shan and a Party of Buddhist Monks from Afghanistan Discovered America in the Fifth Century A.D”. Tác giả trích dẫn tài liệu báo cáo của tỳ kheo Hwui Shan với chi tiết cuộc hành trình đến châu Mỹ, về nếp sống của dân bản xứ, về đời sống cá nhân, gia đình, xã hội, tập quán, tín ngưỡng và kết luận: “Trước đây nước này không biết gì về Phật Giáo, nhưng vào triều nhà Tống năm 458, có năm vị sư từ Ki-pin (Kabul, Afghanistan) đã du hành sang nước đó, mang theo kinh điển, hình tượng và giáo hóa dân chúng quy y  Phật, từ bỏ thói  xấu”. Vết tích của công cuộc hoằng pháp này chỉ được tìm thấy năm 1914 về một di chỉ chạm hình chữ Vạn tại Lakeside Mountains, gần thung lũng San Jacinto, bang California. Năm 1953, Gordon Ekholm biên khảo về giá trị tương đồng giữa nghệ thuật Phật Giáo, Ấn Ðộ và Mexico. Chẳng hạn : bệ đá tòa sen, bình bát, mặt trời, rồng, rắn… Những biểu tượng này xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ V, thời điểm mà vị sư Trung Hoa có mặt ở Tân thế giới. Năm 1826, Eugene Bournouf soạn cuốn Văn Phạm Pali, dịch Kinh Diệu Pháp Liên Hoa sang tiếng Pháp. H.D. Thoreau dịch Kinh Pháp Hoa từ tiếng Pháp sang tiếng Anh. Sau đó nhà Ấn Ðộ Học người Hà Lan, ông Kern, đã nghiên cứu và dịch Kinh Pháp Hoa sang tiếng Anh. Ngoài ra những tác phẩm dịch thuật loại “The Sacred Books of the East” do Max Miller chủ biên, đã gây những ảnh hưởng trong giới trí thức tìm hiểu văn hóa Ðông  Phương.


Giai đoạn phát triển


Ðại Tá Henry Olcott  (1832-1907) là người có công trong việc hoằng pháp tại Hoa Kỳ, đóng góp nhiều công sức trong việc phục hưng Phật Giáo tại các nước Á Châu khác. Năm 1875 ông cùng bà Helena Blavatski thành lập Hội Thông Thiên Học (The Theosophical Society) để học hỏi Phật Pháp cùng các tôn giáo khác và khoa học. Ngày nay Hội trở thành một tổ chức quốc tế với chi nhánh trên 60 quốc gia.  Năm 1880 ông cùng bà Blavatski sang Tích Lan. Năm 1881 ông và bà Blavatski quy y Tam Bảo. Sau đó hai người đã đi khắp nơi kêu gọi thành lập trường học Phật Giáo và nhà xuất bản. Ông cũng vận động thành lập các trường học Phật Giáo tại các nước khác như Nhật Bản, Thái Lan, Miến Ðiện Ấn Ðộ. Ông vận động phục hồi lễ rước kiệu Phật trong ngày Phật Ðản, trùng tu chùa chiền. Phật Giáo Sri Lanka nhờ thế đã phục hồi trong thời gian ngắn. Năm 1891 ông cùng Ðại Sư Anagarika Dharmapala thành lập hội Ma Ha Bồ Đề  phục hưng Phật Giáo Ấn Ðộ. Với sự hỗ trợ của nhiều trí thức Anh, trong đó có thi hào Edwin Arnold, vận động  chính quyền yêu cầu trả lại những Phật tích nằm trong vùng cai quản của một giáo phái Ấn Ðộ. Năm 1889, ông cùng Thượng tọa Sumangala, phác họa ra cờ Phật Giáo. Cờ này được Sri Lanka công nhận là giáo kỳ. Ðến năm 1950 Ðại hội Phật Giáo Thế Giới lần đầu tiên tổ chức tại thủ đô Colombo – Sri Lanka, với sự tham dự của 26 nước. Cờ này được công nhận là cờ Phật Giáo Thế Giới.  


Nhân vật khác, Paul Carus là một Phật tử Ðức, con của một mục sư Tin Lành. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ngữ học, ông sang Mỹ sống ở New York, giúp việc cho một tờ báo Ðức. Năm 1893 tại Ðại Hội Tôn Giáo Thế tổ chức ở Chicago, Paul Carus có cơ hội tiếp xúc học hỏi với nhiều cao tăng Phật học, ông  đã khám phá giá trị tín lý đạo Phật; từ đó đã xiển dương Phật học với tất cả niềm hăng say. Vẫn theo ông, Phật Giáo là con đường đúng đắn để phát triển tâm linh, là tôn giáo dựa vào lý tính, thực nghiệm và khoa học. Năm 1894, Carus sáng tác “Gospel of Buddha” với mục đích hiện đại hóa Phật giáo,  đem đạo Phật  vào  Tây Phương. Thực hiện 38 tác phẩm Phật học, ông nhắm mục đích chứng minh  giá trị của đạo Phật trong việc đáp ứng nhu cầu tâm linh của người Tây Phương. Carus dùng âm nhạc của hệ Victorian để soạn kịch, sám nguyện Phật Giáo ở các buổi lễ. Carus sử dụng những hình thức Cơ Ðốc Giáo quen thuộc với người Tây Phương để chuyển tải triết lý, phương pháp tu trì Phật Giáo. Ông đã bảo trợ cho nhà sư Dharmapala (Ấn) sang Hoa Kỳ hoằng pháp trong nhiều năm.


Cuộc hoằng pháp của thiền sư D.T. Suzuki (Nhật)


Thiền sư D.T. Suzuki (1870-1966)


Một trong những nhân vật nổi tiếng khác là thiền sư D.T. Suzuki, đến Mỹ năm 1897, tá túc tại nhà Paul Carus 11 năm. Hai người cùng phiên dịch nhiều kinh sách sang tiếng Anh và tiếng Nhật. Năm 1911, Suzuki thành hôn với Beatrice Erskine Lane, hội viên hội Thông Thiên Học. Hai vợ chồng hợp tác nhau xuất bản đặc san “The Eastern Buddhist”. Suzuki viết nhiều sách về Thiền, phiên dịch kinh điển Ðại Thừa. Những tác phẩm của ông ta đem lại sinh khí mới cho giới trí thức phương Tây. Những sách của D. T. Suzuki viết về Thiền, cũng như Phật Giáo Bắc Truyền đã đưa tâm thức Tây Phương tiếp xúc với giáo lý Ðại Thừa. Tinh thần phóng khoáng, tự do, vô chấp của Thiền đã gây hứng thú cho độc giả Âu Mỹ. Những cuốn sách của Suzuki được mọi giới trân trọng, tạo  phong trào học Thiền trong những thập niên 50 và 60 thế kỷ XX. Suzuki giảng dạy Phật Pháp và Thiền tại đại học Columbia và nhiều đại học khác, gây ảnh hưởng rất mạnh với Carl Jung, Kaen Honey, Erich Fromm, Martin Heidegger, Thomas Merten, Allen Watts, Jack Kerouac, Allen Ginsberg, Gary Snyder.


Phát triển Phật Giáo Trung Hoa  


Từ năm 1848, người Trung Hoa đã sang Mỹ làm phu mỏ. Từ năm 1860 đến cuối thế kỷ XIX có khoảng 63 ngàn công nhân Trung Hoa để làm việc cho công ty đường sắt. Thế hệ của những người Hoa này vì nhớ quê hương đã thành lập mấy trăm ngôi chùa nhỏ nơi họ sinh sống làm nơi nương tựa về tâm linh. Những ngôi chùa này sau đó không duy trì được. Ngày nay chỉ còn một vài ngôi còn tồn tại ở thành phố San Francisco.  Tuy tín tâm của người Hoa rất mạnh, ý thức về truyền thống vững chãi, nhưng thế hệ của đợt di cư đầu tiên của người Hoa không thành công trong việc duy trì văn hóa tín ngưỡng của mình. Nhưng từ sau năm 1949, đợt di cư thứ hai gồm những người có tài sản và học thức. Họ xây dựng những ngôi chùa lớn có tăng ni hướng dẫn, tổ chức những khóa tu học cho người lớn và trẻ em. Chùa Tây Lai ở California có Ðại Học Phật Giáo, Vạn Phật Thánh Thành có Ðại học Dharma Realm University, Chùa Chuang Yen ở tiểu bang New York đã đưa Ðại Tạng Kinh vào CD-ROM. Bác sĩ Paul Fung thành lập Buddha’s Universal Church tại San Francisco năm 1963. Chùa dạy giáo lý song ngữ, có ban hợp ca và sinh hoạt thanh thiếu niên. Charles Luk (1898-1978) đệ tử Ngài Hư Vân, vâng lời chỉ giáo của sư phụ, đã dịch kinh từ tiếng Hoa sang tiếng Anh suốt 20 năm từ 1956 đến 1976. Các danh tăng đương thời như : Hòa Thượng Tuyên Hóa (1908-1985) là đệ tử Ngài Hư Vân, chủ trương “Thiền Tịnh song tu”. Khi thành lập Vạn Phật Thánh Thành, ngài dịch nhiều kinh điển sang tiếng Anh và độ cho nhiều người Mỹ xuất gia.  Ngoài ra có các ngài khác cũng thường xuyên sang Mỹ hoằng hóa như Hòa thượng Tinh Vân, Hòa thượng Thánh Nghiêm. Dân số người Hoa tại Mỹ khoảng một triệu người với 150 ngôi chùa.


Ảnh hưởng  Phật Giáo Nhật 


Thiền sư Soyen Shaku đến Hoa Kỳ năm 1893 dự Hội Nghị Tôn Giáo tại Chicago và bắt đầu cuộc hoằng hóa. Sau đó có các thiền sư khác tiếp tục như: Shinryu Suzuki, Sogaku Harada. Những nổ lực của các thiền sư Nhật đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong đời sống tín ngưỡng của Hoa Kỳ. Thiền sư D.T. Suzuki với những tác phẩm về Thiền đã chinh phục giới trí thức Mỹ và gây nên phong trào tu học Thiền trong những thập niên 50 và 60. Sau những thế hệ thiền sư Nhật, các đệ tử người Mỹ đã duy trì và phát triển các trung tâm thiền đó. Hiện nay khắp nước Mỹ có khoảng 150 trung tâm thiền. Thiền sư Taizan Maezumi lãnh đạo trung tâm thiền ở Los Angeles, phương pháp của ông là : tuy hội nhập Hoa Kỳ nhưng  giữ truyền thống”.  Thiền sư Yasutani đến Hoa Kỳ năm 1962. Ðệ tử nổi tiếng của Ngài là Phillip Kapleau, kế nghiệp quản trị thiền đường ở Rochester, New York. Kapleau viết cuốn The Three Pillars of Zen  năm 1965 nhấn mạnh về thiền quán và phương pháp ngồi thiền. Ông đã cố gắng Mỹ hóa cách hành trì từ nghi lễ, pháp danh, phục sức..  Ðệ tử Mỹ của thiền sư Shinryu Suzuki là Richard Baker cố gắng đưa thiền vào đời sống Hoa Kỳ, vừa phát triển đời sống khoa học kỹ thuật, vừa phát triển đời sống tâm linh. Baker làm giám đốc Trung Tâm San Francisco Zen Center.


Tông phái Soka Gakkai  phát xuất từ Nhật Liên Tông, do Tsunesaburo Makiguchi và Josei Toda thành lập tại Nhật năm 1937, là một tổ chức cư sĩ lấy Kinh Pháp Hoa làm căn bản. Ðặt trọng tâm vào đức tin nơi Pháp Bảo: Kinh Pháp Hoa. Sự hành trì đơn giản giống Tịnh Ðộ Tông, nhưng thay vì niệm Phật chỉ niệm danh hiệu Namu Myoho Renge Kyo (Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh). Mục tiêu của Soka Gakkai là thực hiện một xã hội phúc lợi, tốt đẹp, hoàn mỹ cho từng cá nhân và cộng đồng.  Hiện nay Soka Gakkai có khoảng 150 ngàn tín đồ hầu hết là người Mỹ. Hội có 70 cơ sở tại Hoa Kỳ. Sự thành công của Soka Gakkai đặt ở sự thành tâm của tín đồ trong việc thực hiện lý tưởng Phật Hóa toàn nước Nhật và mỗi thành viên đều có nhiệm vụ hoằng pháp. Do đó chỉ trong vòng 70 năm Soka Gakkai đã chinh phục được gần 20 triệu tín đồ tại Nhật.


Ảnh hưởng Phật Giáo Tây Tạng


Các buổi diễn thuyết của đức Dalai Lama vừa qua đã thu hút sự tham dự của hơn 1,5 triệu người Mỹ gồm nhiều thành phần khác nhau khiến cho Phật giáo ngày càng được chú ý và trở thành một trong bốn tôn giáo lớn của Mỹ. Tôn giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ này du nhập vào Mỹ từ thế kỷ 19 và từ năm 1990 đến năm 2000, số tín đồ tăng thêm 170% theo ARIS, một tổ chức chuyên nghiên cứu về các tôn giáo tại Mỹ. ARIS cho rằng số tín đồ Phật giáo vào năm 2004 là 1,5 triệu người nhưng những người khác lại cho rằng thực tế là gấp đôi con số đó. Theo tiến sĩ Seager thì: những người nhập cư từ Châu Á chiếm 2/3, số còn lại là những người Mỹ tình nguyện cải đạo sang đạo Phật. Điều gì hấp dẫn người Mỹ đến vậy ?  Một vài người cho rằng Đức Dalai Lama đóng vai trò quan trọng và cách tiếp cận không mang tính truyền giáo và bắt buộc đã đáp ứng được nhu cầu nhu cầu về tâm linh mà người Mỹ hiện đại đang cần.     Thiền sư Surya Das, một giảng sư theo trường phái Mật tông Tây Tạng nói :“Họ không xây những ngôi chùa hoành tráng mà cung cấp những điều mà người Mỹ cần cho tâm linh, đó là sự hòa giải và hòa hợp và cách để thân tâm được an lạc”.  Một nhân tố quan trọng hơn, ông nhấn mạnh, rằng Phật giáo tập trung vào sự tu tập của mỗi cá nhân mà các tôn giáo phương Tây không đề cập đến.“Người ta luôn tìm kiếm sự thực hành chứ không phải là một hệ thống các đức tin hay các quy tắc đạo đức mà mỗi chúng ta đều phải có và chúng lại giống nhau ở mọi tôn giáo”. Thiền sư Surya Das nói : “Đó là sự thực hành chuyển hóa tinh thần để thân tâm được an lạc”. Tại một trung tâm tu tập ở Cambridge,  tiểu bang Massachusetts khoảng 20 Phật tử đang hướng dẫn cho mọi người cách ngồi thiền. Carlos Marsh, một kiến trúc sư và cũng là trưởng nhóm Phật tử cho biết, mình rất vui vì đã tìm được con đường dẫn dắt tâm linh vì “trước đây tôi luôn là người chống lại những gì phi lý trí”. Cô cho rằng: ”Nhưng sau khi đọc cuốn “Đánh thức Phật tính trong bạn” của sư Surya Das, tôi đã thay đổi hoàn toàn…Có thể nói mục đích cuối cùng của tôi là hướng đến sự giải thoát. Sau 8 năm tu tập, tôi là người hạnh phúc hơn, biết cảm thông hơn, biết nhận diện những hạnh phúc bình dị mà trước đó tôi đã không nhận ra và còn nhiều điều khác nữa”.


 


 


Tìm cuộc sống an lạc trong hiện tại


Đối với Jane Moss, người có hơn 15 năm thực hành, thì giá trị của cuộc sống là phải biết cách “an trú trong hiện tại”. ”Vì khi thực hiện được điều đó, bạn sẽ nhận thấy thế giới này rất tốt đẹp và mỗi con người đều xứng đáng được yêu thương”. Thiền sư Surya Das mở trung tâm tu tập Dzogchen vào năm 1991 ở bang Massachusetts, sau hơn 10 năm tu tập với các Lạt Ma Tây Tạng. Trước khi trở thành nhà sư, ông là Jeffrey Miller sinh trưởng trong một gia đình  Do Thái ở Brooklyn. Khi còn là sinh viên đại học Buffalo (New York) ông là nhà hoạt động chống chiến tranh Việt Nam. Năm 1970 ông bị sốc khi chứng kiến bạn thân của mình là Allison Krauson bị bắn chết bởi lực lượng An ninh quốc gia. Ông giải thích : “ Khi tốt nghiệp vào năm 1972, tôi vỡ mộng về một  nền chính trị  tôi đang sống. Tôi nhận ra rằng việc xuống đường biểu tình đòi hòa bình chỉ là những lời nói mâu thuẫn. Điều tôi mong là hòa bình cho tâm của mình”.   


Chàng trai Miller sau khi tốt nghiệp đã tìm kiếm con đường tâm linh cho riêng mình và kết thúc hành trình ở dãy Himalaya. Ở đây, anh tu với các Lạt Ma Tây Tạng. Lúc rảnh rỗi anh dạy tiếng Anh cho những bạn đồng tu. Thiền sư Surya Das kể tiếp : ”Một trong những bài học lớn mà mọi người trong tu viện phải học là học cách yêu thương cả những người mình ghét. Có rất nhiều trường phái Phật giáo khác nhau nhưng mục đích cuối cùng thì đều giống nhau, đó là sự giác ngộ”. Thiền sư Surya nhấn mạnh: ”Đó là giác ngộ về niết bàn, trí tuệ và lòng yêu thương chính mình. Đó là một quá trình lâu dài phụ thuộc vào sự tu tập, cách ứng xử và một tình yêu chân thành đối với mọi loài”. 


Phật giáo – trong tiếng Phạn – là “đạo tỉnh thức” được sáng lập bởi thái tử Tất Đạt Đa cách đây hơn 2500 năm. Phật giáo tin rằng: một khi giác ngộ, con người sẽ đạt đến giải thoát. Thiền sư Surya trích dẫn lời Phật dạy : “Tất cả chúng ta đều có Phật tính; chúng sinh sẽ thành Phật nếu kiên trì tu tập”.


Có thể nói: Phật giáo ở Hoa kỳ mang những nét đặc trưng riêng so với Phật giáo ở Châu Á, ít mang tính thần thoại, chú trọng đến tu thiền, mang tính dân chủ, tính xã hội sâu rộng. Đặc biệt là vai trò của phụ nữ được đề cao.