Trang chủ Văn hóa Dấu Chân Phật

Dấu Chân Phật

1531

Dấu chân Phật được các quốc gia Á Châu theo Phật giáo sùng kính, đặc biệt là ở Tích Lan và Thái Lan. Tượng trưng cho nền tảng của sự siêu việt, hình tượng dấu chân vốn là vật thể đưọc tôn kính ở Ấn Độ từ trước khi có Phật giáo.


Theo truyền thuyết thì sau khi đạt chứng quả, bước chân của Phật có in dấu rõ nét trên đá. Cũng theo truyền thuyết khác, Đức Phật lúc đản sinh đã bước bảy bước (nở ra bảy đóa sen), tượng trưng cho quyền ngự trị tâm linh của Ngài bao trùm lên toàn vũ trụ. Các dấu chân tượng trưng cho sự hiện hữu của Đức Phật trên địa cầu. Đồng thời các dấu chân cũng biểu thị cho sự vắng bóng của Đức Phật sau khi Ngài đã nhập diệt, nhắc nhở cho đại chúng về lý vô trụ của Phật giáo.



Dấu chân Phật thường được biểu thị bằng bàn chân với các ngón dài bằng nhau, nơi lòng bàn chân có hình bánh xe pháp luân. Thời Phật giáo sơ khai có thêm biểu tượng hoa sen, chữ vạn và tam tạng tức tam quy y (Phật, pháp, tăng) ở gót chân và trên đầu các ngón.


Một số nơi có bàn chân Phật rất lớn với nhiều chi tiết tinh vi biểu thị 32 tướng tốt của Phật, hoặc gồm luôn các tướng phụ tổng cộng lên đến 108 hoặc 132 tướng. Những dấu hiệu này thường thấy trên bàn chân các tượng Phật nằm.


Qua các cuộc khảo sát sâu rộng trong 25 năm vừa qua, người ta tìm thấy các dấu chân Phật có ở các quốc gia như A Phú Hản, Bhutan, Căm Bốt, Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật, Đại Hàn, Lào, Mã Lai, Maldives, Hồi Quốc, Tân Gia Ba, Tích Lan, Thái Lan và Miến Điện. Mỗi dấu chân mỗi nơi phản ảnh một thời kỳ và nơi chốn văn hóa riêng biệt. Vật liệu dùng làm khác biệt nhau từ thạch cao đến bạc và vàng nhưng đá vẫn là vật liệu thông dụng được dùng trong suốt cả ngàn năm.


Ở Bagan, Miến Đìện vào khoảng thế kỷ thứ 12, dấu chân được đi thành cặp và dưới hình thức bích họa trên trần nhà ở lối vào các nơi thờ phượng, công dụng như trợ cụ cho việc tu thiền. Bagan chiếm ưu thế là nơi để nghiên cứu về dấu chân Phật do sự phong phú về số lượng ở đô thị cổ xưa và lịch sử này.


Mặc dù là nơi thường xảy ra động đất, hơn hai ngàn địa điểm riêng biệt và chừng 17 tòa nhà vẫn còn tồn tại, trong đó có cặp bàn chân được vẽ trên các trần nhà. Không như nhiều nơi mà dấu chân không có trang trí nhiều chi tiết, ở Bagan, các dấu chân có trang trí với 108 hình tướng của Đức Phật và tiếng Pali được sử dụng vào thời kỳ này.


Dấu chân Phật xưa nhất được biết hiện ở Thái Lan, có niên đại 600 năm sau tây lịch, nằm ở Sar Morakot, quận Khok Peep, tỉnh Prachinburi. Theo tiến sĩ Waldermar C. Sailer, người đã bỏ công nghiên cứu về dấu chân Phật trong suốt 25 năm, thì đẹp nhất là dấu chân được làm vào thời kỳ Sukhothai dựa theo truyền thống của Phật giáo Tích Lan và Bagan. Tuy vậy không cái nào có thể sánh được với dấu chân do Siam Society dâng tặng cho Hoàng Hậu Thái Lan nhân sinh nhật thứ 60 của bà.


Dấu Chân đặc biệt này có kích thước bề 50 cm và bề 140 cm, được làm bằng vàng ròng do một nghệ nhân có tay nghề cực kỳ cao thực hiện, và được sự giám sát tỉ mỉ của ông Sailer. Dấu Chân này hiện được đặt nơi một phòng riêng biệt kế bên Đền Thờ Hoàng Gia ở Đại Hoàng Cung Bangkok.


Khoảng 25 năm trước đây, tiến sĩ Waldemar C. Sailer bỗng nhiên làm thức tỉnh thế giới học thuật về tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của các dấu chân Phật. Ông khởi sự quan tâm vào việc nghiên cứu từ năm 1969 khi ông vào viếng Wat Pho, một tu viện quan trọng của Thái. Nơi đây có một tượng Phật nằm mà lòng bàn chân có tạc 108 biểu tượng kỳ bí.


Ông dọ hỏi nhưng không một ai bấy giờ có thể giúp ông sáng tỏ về ý nghĩa, tên gọi của các hình tướng, và tuồng như những người ông gặp cũng thắc mắc muốn hiểu như chính ông. Sau khi trở thành thường trú dân của Thái, ông khởi sự tìm kiếm giải đáp cho những câu hỏi đầu tiên đã đặt ra ở Wat Pho.


Thời gian trôi qua, công cuộc tìm tòi đưa đến sự cống hiến cuộc đời ông đào sâu vào sự nghiên cứu các bức bích họa của Thái và các dấu chân Phật. Dần dần ông nhận rõ rằng chìa khóa để hiểu sâu hơn lời dạy của Đức Phật chính là nơi những bích họa và dấu chân Phật ấy. Bối cảnh về gia đình và học vấn trước đây của ông không có gì đặc biệt có thể giúp ông trong công cuộc khám phá mới mẻ này nhưng chính kỷ năng tìm tòi ông đã học được trước đây đã mang đến cho ông sự thành thạo đầy hiệu năng.


Sau khi lấy xong cao học rồi tiến sĩ về Giáo dục, sự nghiệp đẩy đưa ông từ Wisconsin qua Tema, Ghana, kế đó thẳng qua Bangkok, Thái Lan trong vai trò một chuyên gia giáo dục thuộc một trường quốc tế. Đây là thời kỳ mà ông cho là đẹp đẽ nhất đời mình; ông khởi sự học hỏi và thám hiểm trong nhiều lĩnh vực về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và triết học Á Châu. Ông nghiên cứu và học thêm về tiếng Pali lẫn Sanskrit, đồng thời quan tâm sâu xa về triết học Phật giáo, bộ môn đã giúp ông tự giải đáp nhiều uẩn khúc thâm sâu của bản thân.


Ngày qua ngày, càng nghiên cứu càng học hỏi ông càng thấy rõ hố mâu thuẫn sâu xa giữa văn hóa Mỹ quốc của ông với văn hóa Á châu. Quê hương mới Á châu dạy cho ông biết rằng thiên nhiên là bạn, sự thương yêu kẻ khác là một giá trị thường nhật, và cái đẹp hiện hữu luôn luôn và ở khắp mọi nơi. Từ lần tỉnh thức đầu tiên về nghệ thuật và văn hóa Thái, ông tiếp tục tìm tòi không ngừng lời giáp đáp cho mỗi thắc mắc ông vấp phải.



Bức vẽ phác bàn chân Phật bên trái tìm thấy  ở Pakhan-gyi, Miến Đìện. Dấu chân này được coi là dấu chân Phật lớn nhất thế giới


Không lâu trước khi tự đắm mình hoàn toàn vào các dấu chân Phật, ngay từ đầu ông đã để ý thấy rằng người trần tục cũng như các nhà tu, ai ai cũng ý thức được sự hiện hữu của các dấu chân ấy nhưng không một ai mang lại cho ông những thông tin mà ông cần biết về những dấu chân ấy. Ngay cả giới Tăng Đoàn và các trường đại học, kể cả phân khoa Nghệ Thuật.


Sau nhiều năm nghiên cứu, ông đem so sánh dấu chân Phật với dấu thánh giá của Ki Tô giáo như là biểu hiện của sự định danh. Hơn nữa ông cho rằng dấu chân là một lối truyền dạy lời Đức Phật bằng hình ảnh như biểu lộ trong kinh Netti cổ xưa bằng tiếng Pali có từ 2000 năm trước. Kinh này có tầm quan trọng đối với tiến sĩ Sailer trong suốt nhiều năm và ảnh hưởng lên lối suy nghĩ của ông, lên sự nghiệp nghiên cứu và nghề nghiệp của ông nữa.


Trong quá trình nghiên cứu Sailer không ngừng thắc mắc về 108 hình tượng trên dấu chân Phật thuộc vùng Đông Nam Á, tiếng Pali gọi tên chúng là gì? Trình tự sắp xếp theo thứ tự nào? Qua nghiên cứu nơi bản vẽ lại từ một dấu chân Phật cổ của Tích Lan ông tìm ra được chìa khóa diễn giải được ý nghĩa của mỗi hình ảnh, trình tự sắp xếp và tên gọi theo tiếng Pali. Đây là bước tiến quan trọng mà ông hằng chờ đợi từ lâu.


Sau đó ông giải đoán được luôn tên gọi bằng tiếng Sanskrit. Với kết quả tốt đẹp đó ông miệt mài lùng sục khắp vùng Á châu để tìm đến với các dấu chân Phật. Ở mỗi nơi ông ghi nhận lại các chi tiết bằng phương pháp đồ họa, vẽ phác, chụp hình hay bất kỳ phương tiện nào khả dĩ.



Trình tự sắp xếp các hình tượng trên dấu chân Phật do Sailer giải đoán


Hiện nay ông đã thu thập được chừng 600 mẫu dấu chân mà đa số đều xuất xứ từ Thái Lan. Tuy thu gom được từ hầu hết các quốc gia Á châu nhưng ông ngạc nhiên một điều là dấu chân Phật hoàn toàn vắng bóng ở Việt Nam, một quốc gia mà đa số dân chúng theo Phật giáo từ cả ngàn năm.



Dấu chân Phật vắng bóng ở Việt Nam


Tiến sĩ Sailer nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa các dấu chân, những chứng tích thuộc thời sơ khai tìm thấy ở Hồi, Ấn và Tích Lan có ít hình ảnh hơn, trong khi những khám phá ở Thái thuộc thời kỳ Sukhothai và Ayutthaya mang nhiều khác biệt đáng kể. Để giải đoán được tất cả cần phải có thêm một số ‘chìa khóa’ khác nữa.


Ông Sailer vẫn còn hoang mang chưa hiểu vì sao các học giả trên thế giới từ lâu lại bỏ xót không nghiên cứu đến các dấu chân Phật, và ngày nay hiếm nơi làm thêm những dấu chân mới. Nhờ những tìm tòi nghiên cứu, những cuộc thuyết giảng, những tác phẩm nói về công trình khám phá của ông, kết quả tuồng như bắt đầu có ảnh hưởng và gây ấn tượng sâu đậm đến các học giả và các lãnh tụ tôn giáo trên thế giới.


Dấu chân Phật là một nghiên cứu còn tương đối mới mẻ, để hiểu hết ý nghĩa các hình tướng biểu thị trên các bàn chân, định ra niên đại chính xác ở mỗi nơi tìm thấy, đúc kết đầy đủ tài liệu còn đòi hỏi thêm nhiều thời gian dài về sau nữa.