Mỗi khi Tết đến, xuân về, rất nhiều người tới đền, chùa thắp nén nhang với lòng thành kính cầu mong một năm mới may mắn, mưa thuận gió hòa, gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, công việc suôn sẻ, phát đạt. Cầu phúc, cầu lộc, cầu tài… chưa biết được hay không, nhưng từ chùa bước ra, lòng đã thấy nhẹ nhõm, trong trẻo, náo nức hòa vào niềm vui mênh mang của đất trời vào xuân.
Ðã thành lệ, sáng sớm mùng một Tết, chuyến xuất hành đầu tiên của năm mới của nhiều người là đi lễ. Ở Hà Nội, chùa Quán Sứ, phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc… từ sớm đã tấp nập người qua lại.
Vào ngày này, các đền chùa sáng đèn, nến, hương trầm thơm ngát, sạch sẽ tinh tươm đón khách viếng thăm. Ðồ lễ có thể là xôi, là gà, cũng có khi đơn giản chỉ là bông hoa, nén hương, hay mấy quả cam, quả quýt để tỏ lòng thành kính.
Cũng có người đã lên chùa sớm từ ngay sau giao thừa, để rồi về nhà mang theo chút lộc đầu năm: cành lá xanh hay chút hoa quả để cả nhà quanh năm may mắn, phát lộc phát tài.
Ðến rằm tháng giêng mới là hội lớn. Các cụ đã có câu “Cúng lễ quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng”. Chỉ nghe đã thấy cái rộn ràng nô nức của lễ hội và của lòng người hướng về cõi tâm linh trong những ngày đầu năm mới.
Trong Tết Nguyên tiêu (hay còn gọi là Tết Thượng nguyên), tất cả các đền chùa trong cả nước đều bày biện trang trọng, đồ lễ cũng cầu kỳ hơn, tiếng chuông chùa, tiếng gõ mõ tụng kinh văng vẳng. Ai cũng tin rằng vào ngày lễ này, những lời khấn của mình linh thiêng hơn, gặp may mắn hơn. Người ở thành phố đến những chùa lớn dâng hương. Ở làng quê, không có điều kiện đi xa thì đến chùa làng. Dù đồ lễ thế nào, nghi thức thế nào thì tấm lòng thành, cái tâm trong trẻo vẫn là điều quan trọng nhất.
Quanh năm tất bật làm ăn kiếm sống, ngày Tết người người thong thả nghỉ ngơi. Có người cả năm chả đến chùa chiền, ngày Tết cũng sắm đồ lễ Phật. Ðến đền chùa lễ Phật và các đấng thần linh, cũng là để vãng cảnh xuân nên ai cũng vui vẻ, cởi mở, nhẹ nhàng, từ tốn hơn ngày thường. Bước chân vào sân đền, chùa tự dưng ai cũng đi nhẹ, nói khẽ hơn như khỏi phá vỡ không gian linh thiêng nơi đây. Tiếng chuông chùa, mùi hương trong không gian trong trẻo, những lời khấn thầm thì, làm lòng người cũng bình an, thanh tịnh theo.
Ra giêng là tháng đi trẩy hội đền, chùa. Từng dòng người hành hương về hội chùa Hương, Yên Tử, chùa Thày, hội Phủ Giày, hội đền An Dương Vương, hội khai ấn đền Trần, đền Và, đền Gióng… không ngớt. Ði lễ gắn với du xuân là vậy.
Phần lễ trang trọng, mà phần hội rộn ràng, náo nức. Ðầu xuân, không thể vắng bóng những ông đồ vấn khăn trải giấy hồng điều cho chữ, tiếng hát ca trù, chầu văn, hát quan họ, tiếng đàn réo rắt. Mỗi lễ hội đậm nét đặc sắc của vùng miền với những trò chơi dân dã đượm màu sắc truyền thống của Việt Nam: cờ người, rối nước, đu tiên, đánh quay, đấu vật, múa rồng, chọi gà, thả chim bồ câu… mỗi nơi mỗi vẻ.
Trong tâm thức nhiều người, đầu năm được một lần đặt chân tới đất Phật linh thiêng nghĩa là sẽ được mát mẻ cả năm, cho nên năm nào, hội xuân chùa Hương và Yên Tử cũng tưng bừng, nô nức.
Mang danh “Nam thiên đệ nhất động”, phong cảnh sơn thủy hữu tình nên chặng đường đi vào động chính, ngồi trên thuyền suối Yến, người đi lễ chùa thỏa sức ngắm cảnh trời mây non nước sang xuân. Yên Tử là trung tâm Phật giáo của nước Ðại Việt thuở trước, nơi phát sinh của thiền phái Trúc Lâm, nên ai cũng mong được một lần trong đời hành hương về đất Phật. Trèo lên được đỉnh Yên Tử cao hơn 1.000 m là cả một chặng đường gian nan, như thử thách đức tin của người đi lễ Phật. Vậy mà năm nào cũng có hàng vạn người đến đây lễ chùa, vãn cảnh, chinh phục đỉnh cao hay tỏ lòng ngưỡng vọng đến sự thông tuệ và thanh cao của bậc tiền nhân.
Chặng đường đi gập ghềnh, xuyên qua vạt rừng tùng, trúc, dưới những tán cây cổ thụ, rải rác những chùa, am, tháp ẩn hiện trong mây, giữa thiên nhiên hùng vĩ đang xuân vừa hấp dẫn, vừa thúc giục du khách. Ðến đỉnh núi – chùa Ðồng, đứng giữa lưng chừng trời, thắp nén hương lễ Phật, cảm giác lâng lâng thoát tục. Ai đã từng đến đây chắc chẳng còn xa lạ với hình ảnh những cụ già tóc trắng phau phau, tuổi đã ngoại 70-80 vận bộ cánh nâu sồng, tay lần tràng hạt, tay chống gậy leo núi, vừa đi vừa niệm Phật quên cả mệt mỏi.
Ðến hội Cổ Loa, du khách được xem thi bắn nỏ, cũng là một lần ngắm lại Loa thành và những di tích gắn với câu chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy. Người đi hội Phủ Giày nô nức xem cảnh múa rồng, hoa trượng – xếp chữ, và không quên ghé qua chợ Viềng mua cây cầu may cầu lộc đầu năm.
Ði lễ, chơi hội cũng là một dịp để nhớ về cội nguồn, tổ tiên. Hòa vào dòng người đi lễ đầu xuân, cảm thấy đất trời giao hòa, con người gần gũi nhau hơn. Ðầu xuân đi trẩy hội chùa là một nét đẹp văn hoá lâu đời, đầy tính nhân văn của người Việt Nam.
![]() |