Trang chủ Diễn đàn Đề xuất tổ chức kỷ niệm danh nhân PG Lý Công Uẩn...

Đề xuất tổ chức kỷ niệm danh nhân PG Lý Công Uẩn nhân ĐL 1000 năm TL-HN

95

Tăng ni Phật tử chúng ta vô cùng hoan hỷ khi mới đây Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra thông bạch hướng dẫn tổ chức Đại lễ Phật giáo Chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Thông bạch xác định đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội là “một sự kiện trọng đại có tính lịch sử của dân tộc Việt Nam, Phật giáo Việt Nam, là một đại lễ uống nước nhớ nguồn, thể hiện văn hóa truyền thống dân tộc, khẳng định vị trí, vai trò của đất nước trải qua hàng nghìn năm văn hiến”.

Trong niềm hoan hỷ chung, chúng tôi xin có một số ý kiến đề xuất về việc tổ chức đại lễ Phật giáo chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Với nội dung chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Phật giáo Việt Nam đã hòa cùng niềm vui lớn của cả dân tộc, tích cực chào mừng một sự kiện lớn của dân tộc.

Tuy nhiên, chỉ trong nội dung chào mừng như thế, Phật giáo Việt Nam chưa khẳng định được sự đóng góp của chính Phật giáo Việt Nam đối với sự kiện trọng đại trong bước tiến lớn của dân tộc: Xây dựng kinh đô mới tại Thăng Long – Hà Nội.

Thực  tế lịch sử cho thấy, vai trò của Phật giáo Việt Nam trong sự kiện này là hết sức lớn lao. Hoạt động dời đô đã được một danh nhân Phật giáo, người được cửa Phật nuôi dưỡng từ bé, đào tạo, hậu thuẫn chấp chính, là đức vua Lý Thái Tổ, đề ra và tổ chức thực hiện thành công mỹ mãn.

Phật giáo Việt Nam có quan hệ đặc biệt đối với sự kiện 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, cần được thể hiện là một thành phần cấu thành sự kiện đó. Vì vậy, đại lễ Phật giáo nhân sự kiện này, thiết tưởng, phải ở tầm vóc cao hơn là hoạt động chào mừng, hưởng ứng.

Đức vua Lý Thái Tổ, tức Lý Công Uẩn, là một danh nhân Phật giáo, một cư sĩ Phật giáo mẫu mực, người đã thể hiện những yếu tố tích cực của Phật giáo trong hoạt động chính trị xuất sắc, góp phần quyết định đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới vào 1000 năm trước. Con người Phật giáo vĩ đại này đã tạo nên sự kiện trọng đại mà hôm nay chúng ta kỷ niệm.

Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng, để khẳng định mối  quan hệ đặc biệt của Phật giáo Việt Nam đối với sự kiện trọng đại này của đất nước, khẳng định vai trò và những đóng góp đặc biệt tích cực của Phật giáo Việt Nam đối với dân tộc, trong dịp đại lễ này, Phật giáo Việt Nam không thể bỏ qua cơ hội tổ chức kỷ niệm danh nhân cư sĩ Phật giáo, Đức vua Lý Thái Tổ.

Long trọng kỷ niệm Đức vua Lý Thái Tổ như  là một danh nhân cư sĩ Phật giáo nhân  đại lễ Phật giáo chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, không chỉ là cơ  hội để Phật giáo Việt Nam xác định những đóng góp của mình đối với đất nước trong lịch sử, mà còn vun bồi niềm tin tưởng của tăng ni tín  đồ Phật giáo, đặc biệt là giới cư sĩ, vào tương lai xán lạn của đất nước, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng đất nước trong tương lai.

Không tổ  chức kỷ niệm trọng thể danh nhân cư sĩ  Phật giáo Lý Công Uẩn trong dịp đại lễ  1000 năm Thăng Long – Hà Nội này, Phật giáo Việt Nam, sẽ rất đáng tiếc, là đã lãng quên, đánh mất tài sản tinh thần vô giá của mình, một danh nhân Phật giáo lịch sử, một vị vua được thiền môn dưỡng dục, đào tạo, một cư sĩ Phật giáo giúp đời, giúp nước, dựng đạo một cách tích cực nhất ở cương vị một nhà lãnh đạo tối cao.

Do đức vua Lý Thái Tổ là một cư sĩ Phật giáo, nên có thể, Phật giáo Việt Nam có thể giao cho giới cư sĩ trọng trách chủ trì lễ  kỷ niệm ngài, với hàm ý sách tấn giới cư  sĩ Phật giáo Việt Nam noi gương danh nhân cư sĩ  Phật giáo Lý Công Uẩn.

Vì Lý  Công Uẩn cũng là một vị minh quân trong lịch sử  Việt Nam, nên trong dịp long trọng kỷ niệm đức vua, có thể cung thỉnh các vị lãnh đạo nhà  nước Việt Nam hiện diện, chẳng hạn vị Chủ tịch nước, với hàm ý tưởng niệm một nhà lãnh đạo anh minh của dân tộc trong lịch sử.

Buổi lễ  kỷ niệm cấp Phật giáo Trung Ương có thể tại quê hương của danh nhân Phật giáo Lý Công Uẩn, nơi ngài sinh ra, nơi ngài được nhà chùa nuôi dưỡng và đào tạo, sau đó tổ chức đám rước xe hoa trọng thể, nghiêm trang về Hà Nội, thủ đô mà ngài đã có công khai sang, làm lễ tại một ngôi chùa lớn của thủ đô.

1000 năm Thăng Long – Hà Nội là một sự kiện. Tổ  chức kỷ niệm sự kiện mà không tổ chức kỷ niệm nhân vật đã làm nên, đã tạo thành sự kiện đó, sẽ là một thiếu sót hết sức đáng tiếc.

Là một cư sĩ Phật giáo trưởng thành từ cửa Phật, Đức vua Lý Thái Tổ xứng đáng được kỷ  niệm như một đại danh nhân của Phật giáo Việt Nam, bên cạnh vai trò là một nhà lãnh đạo đất nước tài ba trong lịch sử.

MT