Trang chủ Quốc tế Đi qua nóc nhà thế giới: Kỳ 1: Mùa đông khắc nghiệt

Đi qua nóc nhà thế giới: Kỳ 1: Mùa đông khắc nghiệt

56

Kỳ 1: Mùa đông khắc nghiệt


Người ta gọi Himalaya là nơi trú ngụ của thần linh. Cái nôi của nền văn hoá đầy màu sắc và huyền bí đến bất tận. Chúng tôi bắt đầu hành trình từ đông sang tây dãy Himalaya vào lúc thời tiết khắc nghiệt nhất: mùa đông








Trâu Yak, động vật tiêu biểu ở Tây Tạng


Giấy phép đặc biệt


Chỉ cách tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc hai giờ bay, nhưng đường đến thủ phủ Lhasa của khu tự trị Tây Tạng xa vời vợi. Năm giờ sáng, chúng tôi có mặt tại sân bay Thành Đô. Thủ tục đi Tây Tạng khá rườm rà và được cảnh báo dễ gặp phiền phức. Vì vậy, Rosy – người dẫn đường cho chúng tôi ở Tứ Xuyên đã khuyên cả đoàn cất hết những máy ảnh và máy quay chuyên nghiệp vào đống hành lý trước khi qua cửa kiểm tra an ninh. Đây cũng là chặng chúng tôi bị hệ thống kiểm tra soi kỹ nhất, từ chiếc áo khoác đến đôi vớ đang mang.


Ngoài visa thông thường, tại đây, khách muốn đến khu tự trị Tây Tạng còn phải xin một giấy phép đặc biệt. Không phải bất cứ ai cũng được cấp giấy phép này. Chẳng có lý do gì rõ ràng. Chỉ lạnh lùng và ngắn gọn: “Đây là khu vực đặc biệt!”. Có đến hơn 2/3 khách trên máy bay là người Hán.






Himalaya là hệ thống núi cao nhất hành tinh với các đỉnh cao trên 8.000m, bao gồm cả đỉnh Everest (8.848m). Dãy Himalaya trải khắp năm quốc gia: Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal và Pakistan. Nó cũng là nơi khởi nguồn của nhiều con sông lớn trên thế giới, như sông Ấn, sông Hằng, sông Dương Tử và sông Mekong. Có khoảng 750 triệu người sống trên lưu vực của các con sông bắt nguồn từ dãy Himalaya.

Sau gần hai giờ, máy bay hạ độ cao. Những bức thành bằng núi tuyết bị bỏ lại giữa lưng chừng trời. Thung lũng Yarlung – cố đô của Tây Tạng đìu hiu, cô quạnh hiện dần dưới cánh máy bay. Trước khi máy bay hạ cánh, phi hành đoàn yêu cầu chúng tôi khoác áo thật dày, quấn khăn quàng cổ và xỏ bao tay để tránh khả năng cơ thể bị sốc do nhiệt độ bên ngoài đã xuống dưới mức âm 50C. Người ta cho rằng mọi nghịch lý đều có thể xảy ra ở vùng đất này, chẳng hạn như người ta có thể bị chết cóng khi đang đi trong cái nắng gay gắt hay chết đói giữa thảo nguyên bao la…


Thử thách đầu tiên


Wuese – cô dẫn đường người Tạng – đón chúng tôi tại sân bay Gonggar bằng nụ cười rạng rỡ. Nụ cười như một “đặc sản” mang đầy hơi nắng, gió, lạnh rất đặc trưng của vùng đất này. Lần lượt, mỗi người được cô choàng cho một chiếc khăn lụa trắng muốt để cầu chúc may mắn, bình an.


Với người Tạng, sự tồn tại giữa vùng đất khắc nghiệt nhất thế giới là một sự may mắn, những đứa trẻ sinh ra phải được ngâm mình ngay xuống dòng sông Yarlung Stampo băng giá để chịu đựng thử thách đầu tiên của cuộc đời. Những từ may mắn, bình an là câu nói đầu môi của người Tạng. Người dẫn đường cho chúng tôi cho biết, mùa đông năm nay đến sớm, chỉ mới hai tháng trước đã có ít nhất bảy người chết do cóng và bị chôn vùi trong trận bão tuyết. Và mới đây, một trận động đất làm 10 người thiệt mạng, hơn 50 người bị thương, gần 1.000 ngôi nhà bị đổ sập…









Giới khoa học đã từng sửng sốt khi phát hiện người Tạng là cộng đồng dân cư duy nhất trên thế giới có một số gene bị biến đổi để thích nghi với môi trường. Khuôn mặt của người Tạng


Ở Tây Tạng, oxy là một loại hàng hoá khá phổ biến. Bởi lẽ, ở vùng đất này, lượng oxy trong không khí chỉ bằng 60 – 70% thông thường. Người ta có thể mua những bình oxy nho nhỏ được bày bán ngay tại khách sạn, các khu chợ và quán ăn. Mỗi bình giá 25 nhân dân tệ (hơn 50.000 VNĐ). Bác sĩ Potun, bệnh viện Shegar – ở khu vực bảo tồn Chomolungma – cho biết: trong tám năm công tác tại đây, anh đã chứng kiến tám cái chết do hội chứng độ cao. Năm 2006, anh cũng đã cấp cứu cho một du khách đến từ TP.HCM.


Tây Tạng là vùng đất thử thách sự chịu đựng của con người. Ngoài bình oxy và áo chống rét, chúng tôi còn được khuyến cáo mang theo kem chống nắng do bức xạ mặt trời có cường độ cực lớn. Cũng chính thời tiết khắc nghiệt tạo nên nét đặc trưng trên gương mặt của người Tạng là lưỡng quyền như hai trái cam bị nám đen và mái tóc rối nùi. Giới khoa học đã từng sửng sốt khi phát hiện người Tạng là cộng đồng dân cư duy nhất trên thế giới có một số gene bị biến đổi để thích nghi với môi trường.


Suốt con đường đi giữa những hẻm núi đầy tuyết trắng về thủ phủ Lhasa dài 120km, chúng tôi chợt nhận ra những ánh mắt người Tạng quấn kín trong những tấm áo bằng da trâu Yak rất dày. Với họ cuộc sống trên vùng đất này là một thử thách đến tận cùng, đặc biệt là khi những cánh bông tuyết đầu tiên rơi xuống, đó là quảng thời gian dài hơn sáu tháng họ phải chống chọi lại cái rét cắt da có khi xuống đến –40oC, –50oC. Cô Wuese cho biết người Tạng có một đời sống tâm linh hết sức đặc biệt. Họ quan niệm thế gian chỉ là tạm thời và cái chết chỉ là một giai đoạn chuẩn bị cho một vòng đời. Con người sẽ tái sinh và vì vậy cái chết đối với họ cũng nhẹ nhàng. Chúng tôi cảm nhận điều đó rất rõ khi đặt chân đến khu vực thực hành nghi thức điểu táng của người Tạng ở ngoại ô Lhasa.


Khi chúng tôi đến, một nhà sư cùng ba thân nhân của người chết đang làm những nghi thức cuối cùng của tập tục điểu táng trên một tảng đá thiêng đã khô máu. Vài mẩu xương vẫn còn vương vãi. Đàn kền kền no thịt đang lượn ngay trên đầu. Theo nhà sư, tục điểu táng (để cho chim ăn xác người chết) hiện nay đã bị chính quyền nghiêm cấm. Thế nhưng, nhiều người Tạng vẫn quan niệm việc mang thân xác cho kền kền ăn sau khi chết là cách giúp người thân sớm được siêu thoát. Và hôm nay, một thân xác khổ hạnh một đời của “Những đứa con của thánh mẫu vũ trụ” đã lên trời bằng những đôi cánh chim kền kền…


Bài: Yến Trinh
Ảnh: Trần Việt Đức