Trang chủ Văn hóa Du lịch Đi về phía An Lạc

Đi về phía An Lạc

66

Đặc biệt hai lần đến đất nước của Mahatmat Gandhi trong một khóa học ngắn hạn vài tháng đã cho tôi quá nhiều cảm xúc về một nền văn hóa đa diện, độc đáo. Nếu có một nhân duyên và được phép lựa chọn trong những vùng đất đã từng qua, tôi lại sẽ xin trở lại Ấn Độ, dù rằng dưới con mắt không ít người, đây là đất nước của những cảnh người lầm than, của triệu căn nhà ổ chuột cùng hàng "binh đoàn" hành khất khắp các ngõ ngách ở bất kỳ nơi nào đời sống hiện diện…

Nhưng riêng với tôi, tất cả những điều tưởng như bất tiện trên lại mang một âm hưởng khác. Thiếu nó loài người sẽ không có Tagore, cùng những vần thơ tràn đầy màu sắc và ánh sáng; thiếu nó sẽ không còn các nhà hiền triết; Đức Thích ca mầu ni sẽ thiếu điều kiện đến bờ bến giác và 6% dân số thế giới là tín đồ Phật giáo hôm nay sẽ lạc lối trong vô thường…

Chuyện trên sân ga Sitaphatmandhi

Ivan, Su Chit và tôi co ro ngồi lẫn trong đống hàng hóa ngổn ngang trên sân ga Sitafatmandhi, chờ tàu đi thánh địa Phật giáo Vijaya. Về khuya trời càng lạnh, nhưng cả sân ga đông nghịt người dường như chỉ có ba chúng tôi khoác áo ấm, nên trở nên nổi bật giữa đám người bần hàn, nhếch nhác. Trong khi ở miền Bắc, New Delhi vẫn nóng hầm hập thì Hyderabad ở miền Nam đã bước vào đầu đông. Nước Ấn rộng lớn như một tiểu lục địa và trải dài qua nhiều vùng khí hậu.

Ở Ấn Độ, đường sắt là phương tiện tuyệt vời nhất để đi khắp nơi, nhờ hệ thống trải rộng và đến tận những vùng xa xôi nhất. Từ nơi tôi đang sống đến Vijaya và Amaravati xa nhất hơn 250 km nhưng chỉ tốn 20 Rupi (tương đương 8 ngàn đồng VN). Rẻ như vậy vì đối tượng sử dụng hầu hết là người nghèo.

Theo đó nó cũng đạt luôn giải "quán quân" về mức độ ô nhiễm và sự lộn xộn vô tiền khoáng hậu. Có những toa tàu không gian giành cho mỗi người chỉ đủ đặt một bàn chân; rồi dê, gà, gia súc ngổn ngang, xen lẫn dưới sàn toa, nồng nặc mùi xú uế. Chọn phương tiện này, vì chúng tôi muốn "trải nghiệm" đời sống xã hội bình dân theo lời khuyên của TS Dominic – giáo viên đang dạy môn kỹ năng giao tiếp tại trường tôi đang theo học.

Ba chúng tôi, ba quốc tịch, ba tôn giáo cùng gặp nhau trong khóa bồi dưỡng Anh ngữ, theo một chương trình giao lưu văn hóa dành cho các nước đang phát triển, do Chính phủ Ấn Độ tài trợ. Ivan người Nga, sống, làm việc ở Kazacktan; Su Chit là bác sĩ người Ấn Độ, làm việc ở một bệnh viện thủ đô Kathmandu-Nepal và tôi là người Việt Nam duy nhất trong khóa học có đến 32 quốc tịch trên khắp các châu lục.

Sợ tôi cô độc, nên các bạn đồng khóa tỏ ra yêu mến và chăm sóc nhiều mặt. Ivan cùng Su Chit "tháp tùng" trong chuyến đi hôm nay, để giúp tôi thực hiện mơ ước được một lần đến thánh tích Phật giáo Vijaya và Amaravati thuộc bang Andhra Pradesh – vùng đất có cái tên giống quê hương miền Trung tôi thời Vương quốc Chăm Pa còn thịnh trị. Su Chit theo Ấn giáo, còn Ivan thì lạy thánh Allah. Với tín đồ Hindu và Islam bước vào nơi thờ tự của một tôn giáo khác không phải là chuyện dễ chịu gì, nhưng cả hai đều nhiệt thành cùng đi với tôi đến chiêm bái một thánh tích Phật giáo cũng là một biểu hiện tình bạn hiếm có.

Su Chit giải thích, ga Sitafatmandi mang tên nàng Sita, là người vợ tiết hạnh của Hoàng tử Rama trong sử thi Ramayana nổi tiếng của Ấn Độ. Nàng đã không ngần ngại bước vào lửa đỏ để chứng tỏ lòng trung trinh, khi bị Quỷ vương Ravana cướp đoạt. Thân phận người phụ nữ Ấn Độ như nàng Sita không phải là hiếm ở một đất nước mà vị trí người đàn ông là vua trong gia đình… Không ít ở các ngôi làng xa xôi của nước Ấn, nhiều bé gái vẫn bị âm thầm thủ tiêu vì cha mẹ nghèo, không của hồi môn…

Miên man trong câu chuyện, tôi bỗng choàng giật mình khi sừng sừng trước mặt là một hình nhân đen nhẻm, mốc thếch, tóc dài bện lấy nhau như hàng năm rồi chưa từng được tắm gội. Ông xòe bàn tay vào sát mặt tôi ngỏ ý xin tiền hay thức ăn. Một người ăn xin. Ấn tượng của bất kỳ ai đến Ấn Độ, đó là hàng đoàn hành khất ở khắp các tụ điểm và đeo bám quyết liệt đến độ có một lời dặn trong cuốn sách hướng dẫn du lịch rằng, hãy giữ chặt ví tiền trước khi quyết định chia xẻ lòng từ tâm cho ai đó.

Tôi không có thói quen tặng tiền cho người ăn xin vì Đà Nẵng quê tôi, chính quyền đã dẹp xong tệ nạn này từ rất lâu. Tôi xua tay và nhích ra xa. Nhưng lạ thay Su Chit bên cạnh tôi thì lại tỏ ra tôn kính, hai tay dâng tặng cho ông gói lương khô mà cả nhóm chuẩn bị cho chuyến đi. Anh giải thích: Đó là một tu sĩ khất thực.

Sau khi làm xong những việc lớn trong đời: Lập gia đình, xây xong ngôi nhà, dựng vợ, gả chồng cho con cái, nhiều người đàn ông Ấn Độ sẽ từ bỏ tất cả tiện nghi của đời sống hiện đại, dâng hiến đời mình cho đời sống tâm linh. Họ có thể  vào rừng sâu, hay tận dãy Himalaya tìm một nơi vắng vẻ, để chiêm nghiệm chân lý cuộc sống; người theo hệ phái khất thực thì lang thang khắp nơi để chia sẻ ân phước  bằng cách ăn xin của bố thí, để chúng sanh phát tâm… tích đức, tích thiện dành cho kiếp sau…

Nghe Su Chit giải thích, tôi chợt ngộ chân lý câu nói của một hiền triết: "Tiên khởi của việc giúp người, chính là giúp mình". Và biết đâu chuyến đi của tôi cũng là cơ hội để anh ấy tích thiện, và tôi là người đóng vai khất sĩ ấy?

Thánh tích Vijaya

Bắt đầu một ngày mới
Tôi như người khất thực
Ngửa tay đón ơn Trời
Qua từng tia nắng vui
Tagore

Chuyến tàu chợ lao nhanh trong đêm muộn đưa chúng tôi đến vùng đất mà cách đây hơn 2.500 năm, đức Long Thọ Bồ tát (Nagarjuna) thành đạo. Vijaya là một trong 3 trung tâm Phật giáo tại Ấn Độ thời cổ đại và bị triệt hạ vào khoảng thế kỷ 14, khi đạo Phật tại đây suy tàn bởi các vị vua sùng bái Ấn giáo và Hồi giáo.

Trên tàu, tôi gần như không thể chợp mắt được giây nào vì chung quanh chật chội, hỗn độn và đặc quánh hơi người như thể rơi vào nơi tận cùng thế giới. Để giết thời gian, Su Chit chậm rãi kể cho tôi nghe về Long Thọ Bồ tát là người đã soi sáng bộ kinh Bát Nhã và thiết lập trường phái Trung Quán. Tuy là tín đồ Hindu, nhưng anh cũng thuộc làu nhiều sử sách Phật giáo.
 
Theo thần thoại Ấn Độ thì đức Phật là hóa thân thứ chín của thần Vishnu và tôn giáo, đạo đức, triết học của Phật giáo đã tạo ra sự ảnh hưởng lâu dài đến nền văn hóa và văn minh của Ấn Độ. Tôi không rành lắm về lịch sử triết học Phật giáo, nhưng cũng thầm khâm phục những hiểu biết của anh về những tôn giáo dân tộc mình.

Không như những gì chúng tôi hình dung, Phật tích Long Thọ bồ tát bây giờ chỉ là một Bảo tàng rộng khoảng 2.000m2 tọa lạc trên một ngọn đồi cao, nhìn xuống hồ Nagarjunda Konda. Tháp xá lợi Phật được xây dựng vào thời vua A Dục, bên sông Krishna nay đã đổ nát. Có thể nói mang theo một tâm trạng háo hức trở về với trung tâm Phật giáo cổ đại; vượt một quãng đường xa, vất vả như vậy để thăm… một bảo tàng làm tôi khá thất vọng.

Tuy vậy nội dung chính của Bảo tàng, hầu hết đều kể lại chuyện đời đức Phật bằng hàng trăm bức tượng và phù điêu đá cẩm thạch tuyệt đẹp, gây ấn tượng hết sức mạnh mẽ. Các bức tượng đều có tuổi từ vài ngàn năm và gần như còn nguyên vẹn. Đây cũng là sự an ủi lớn nhất cho cả ba chúng tôi, nhưng tiếc rằng, tất cả đều không được chụp ảnh.

Theo lời của hướng dẫn viên tại đây thì toàn bộ hiện vật này đều khai quật và đưa từ thánh tích vào đây, còn phần lớn đều nằm dưới lòng hồ khi sông Krishna – một trong bảy sông lớn hình thành lục địa Ấn Độ, bị chặn dòng để làm một đại thủy nông, kết hợp với thủy điện, cung cấp nước uống cho thành phố Hyderabad và nước tưới cho cánh đồng Andhra Pradesh. Quả là vật đổi sao dời. Từ một vùng đất phát tích của Phật giáo, nay chỉ còn bảo tàng lạnh lùng cùng một ít hiện vật khiêm tốn.

Anh bạn Ấn Độ tách hẳn ra khỏi nhóm, bần thần đứng trên lan can chiếc tàu du lịch, dạo quanh hồ nhìn xa xăm. Cứ ngỡ là người thấu triệt nguồn ngọn cuộc sống vô thường, nhưng Su Chit không không khỏi xót xa khi chứng kiến một trọng địa Phật giáo ngày nào, nay chỉ là ký ức nằm sâu dưới hàng chục mét nước.

Anh kể, khi bắt đầu đeo sợi dây thiêng quanh người giành cho tín đồ Ấn giáo, anh đã nghe vị thầy tu trong làng kể lại những ngày trầm luân của Phật giáo tại Ấn Độ và hôm nay những gì đã diễn ra với tại Nagarjunda đã làm tâm tư  anh xáo động với câu chuyện cũ. Rời Vijaya, chúng tôi không đến Amaravati như dự kiến vì ngại đối diện một nghịch cảnh tương tự.

Su Chit nói với tôi, tuy Phật giáo mới phục hưng lại ở Ấn Độ vào thế kỷ 19, với số tín đồ không lớn so với Ấn Giáo và Hồi giáo, nhưng dấu ấn của tôn giáo này lại đang "bao trùm" nước Ấn, đó là bánh xe Pháp luân và đầu cột Sư tử của trụ đá vua A Dục ở Sarnath được chọn làm  biểu tượng trên lá cờ và quốc huy của nước Ấn Độ tự do, sau khi giành độc lập từ người Anh năm 1947.

Ba người góp phần quyết định cho sự chọn lựa các biểu trưng liên quan đến Phật giáo làm biểu tượng quốc gia là: Tiến sĩ Rajendra, Tổng thống, đến từ Bihar, nơi đức Phật giác ngộ; Jawaharlal Nehru, Thủ tướng, là người ngưỡng mộ đức Phật và Bác sĩ B.R. Ambedkar, Bộ trưởng Tư pháp, là người phác họa bản Hiến pháp, cũng là người thay đổi trong ít năm sau đó đã hướng dẫn hàng ngàn đồ đệ của ông theo Phật giáo. Phải chăng cũng là một chứng ngộ luân hồi và tái sinh được đề cập trong quan niệm của nhiều tôn giáo.

Kiếp người phù du

Niềm vui trong ngày vía thần Ganesh tại thành phố Hyderabad.

Các câu chuyện trên dễ dàng cho chúng ta lời giải thích những hiện tượng, hình ảnh nghịch lý đang diễn ra hàng ngày trên đất nước Ấn Độ. Tại thành phố nơi tôi học tập, chỉ cần bước ra khỏi vùng Taranaka và Secunderabad cũ kỹ, nhếch nhác, bẩn thỉu, ô nhiễm…  có phần lớn người nghèo sinh sống, là bước ngay vào một thế giới khác, với những đường phố khang trang, cửa hàng, siêu thị nhà cửa hoa lệ, hiện đại, tiện nghi không kém phố Đông của Thượng Hải – Trung Quốc, Bangkok – Thái Lan…

Ngay phía ngoài sân bay Indira Gandhi, rộng lớn, bóng lộn là hàng ngàn ngôi nhà ổ chuột, làm chốn nương náu của tầng lớp người tận cùng nghèo của xã hội Ấn Độ… Sự phân tầng đẳng cấp  giàu, nghèo trong xã hội đến nay cũng còn khá sâu sắc, nhưng hầu hết đều an nhiên sống. Trong cuốn "Lịch sử văn minh Ấn Độ", nhà nghiên cứu Will Durant viết về quan niệm đời sống của người Ấn Độ: "Linh hồn mới là chính, chứ không phải là thể xác; các kiếp sau mới là vô tận, chứ kiếp này chỉ là phù du".

Vì vậy sinh ra trong một gia đình bần hàn, họ sẽ chấp nhận lê lết ăn xin khắp nẻo, hay làm cửu vạn đầu tắt, mặt tối ở các ga tàu, bến xe, còn hơn là thò tay lấy cắp bất kỳ vật gì của người khác. Bởi vậy so với nhiều nước có cùng điều kiện thì Ấn Độ vẫn được đánh giá cao trong trật tự xã hội.

Khó có đất nước nào tôn giáo lại chi phối cuộc sống mạnh hơn cả chính trị như Ấn Độ. Ngay cả Mahatma Gandhi, người đấu tranh giành độc lập cho đất nước từ đế quốc Anh cũng được người dân phong là Thánh Gandhi. Với một đất nước hình thành từ nhiều tiểu quốc, nói gần 1.800 thứ ngôn ngữ thì một tín ngưỡng chung là sợi dây liên kết bền chặt nhất cho sự thống nhất của một quốc gia. Ít nhất trên 3 bang, 6 thành phố tôi đi qua, điều dễ nhận thấy là tất cả cái gì thuộc về tôn giáo đều được tuyệt đối tôn trọng.

Giữa một New Delhi hiện đại, một đại lộ có thể phải bẻ ngoặt đi hướng khác hoặc chẻ làm đôi để tránh một ngôi đền hay một cái am bé tẹo của một tôn giáo nào đó. Lễ hội tôn giáo là hoạt động không thể thiếu, thậm chí tối cần trong đời sống xã hội Ấn Độ. Hầu như tháng nào sinh viên trường tôi theo học cũng nghỉ vài ba ngày vì một lễ hội tôn giáo.

Ví dụ ngày vía của thần Ganesh (thần đầu voi trong thần thoại Ấn Độ) kéo dài đến cả tháng (ở nông thôn thì đến 3 tháng); lễ hội ánh sáng (Diwali) cũng một tháng, lễ hội gió mùa, lễ hội Deodhani… Thường những ngày này, một hoạt động sản xuất, kinh doanh, hành chính Nhà nước… gần như tê liệt, các tín đồ chỉ quan tâm đến các nghi thức hành lễ hoặc hát ca, nhảy múa suốt ngày đêm.

Trong số các thầy giáo, tôi quý và thân với TS ngôn ngữ Venkat Reddy. Ông là một tín đồ Hindu khắc kỷ, với lối suy nghĩ khá điển hình về đời sống tâm linh. Trong một lần thực hành kỹ năng trình bày, tôi đặt vấn đề, có nên tiêu phí quá nhiều thời gian và của cải, vật chất của xã hội vào những sinh hoạt như vậy chăng?

Ông dí dỏm trả lời bằng một đối thoại trong sử thi Mahabharata rằng: "Trên đời có thứ gì lạ lùng nhất", đáp: "Lạ lùng nhất là người nào cũng biết rằng mình sẽ chết, vậy mà vẫn tiếp tục lăng xăng y như thể mình trường sinh bất tử". Đó cũng là cách ông dạy chúng tôi về nhân sinh quan sống của một bộ phận lớn người dân Ấn Độ. Dĩ nhiên quan niệm này chưa hẳn là ưu điểm khi sử dụng nó như một chiếc vỏ ốc để chui vào đó, tránh né những xung động trong đời sống của xã hội hiện đại.

* * *

Tôi muốn mượn lời của học giả Will Durant nói về Ấn Đô làm lời kết cho ký sự này: "Ấn Độ sẽ dạy cho chúng ta bài học khoan hồng, cao thượng; dạy cho chúng ta một tâm hồn thanh thản… hiểu được hết thảy, tha thứ cho hết thảy, sau cùng có một tấm lòng nhân từ yêu thương mọi sinh vật, chỉ tấm lòng đó mới đoàn kết mọi người với nhau được thôi."

Cám ơn đất nước của Gandhi đã tặng tôi một món quà vô giá về cách nhận thức cuộc sống; một con đường đi đến an lạc trong hoàn cảnh xã hội hiện đại đang dần trở nên hỗn độn, dù biết rằng bến bờ giác ngộ không dễ dàng có lối cho tất thảy mọi người.