Trang chủ Tu học Phổ thông Địa Tạng Vương Bồ Tát

Địa Tạng Vương Bồ Tát

268

A- Luận Bàn Về Sự:


Trong kinh dạy, Ngài Ðịa Tạng là một vị Bồ Tát, lúc còn tu nhân, Ngài có lập lời nguyện rằng:


– Ðịa ngục mà không còn chúng sinh thì Ngài không thành Phật.


Do lời nguyện rộng lớn như vậy, cho nên để thuận tiện trong việc tế độ chúng sinh trong sáu đường, Ngài hiện thân có lúc là:


– Diêm Ma Sứ Giả, để hoá độ chúng sinh ở Ðịa Ngục,


– Trì Bảo Sứ Giả để hoá độ chúng trong loại ngạ quỷ,


– Ðại Lực Sứ Giả để hoá độ chúng sinh ở loài súc sinh,


– Ðại Từ Thiên Nữ để hoá độ chúng sinh ở loài A Tu La,


– Bảo Tạng Thiên Nữ để hoá độ chúng sinh trong cảnh giới loài nguời,


– Nhiếp Thiên Sứ Giả để hoá độ chúng sinh ở cõi Trời. 


Và vì chịu lời phú chúc của Ðức Phật Thích Ca, cho nên mỗi ngày, buổi sáng Ngài nhập định để quan sát các cơ cảm trong mười phương thế giới mà giác ngộ chúng sinh. 


Bồ Tát Ðịa Tạng thành danh từ đó, cho nên nói về Ðịa Tạng Bồ tát là chúng ta hiểu ngài là một vị Bồ Tát có lập đại nguyện tế độ tát cả chúng sinh, cũng như đất chở muôn sự muôn vật, nên gọi là Ðịa. Và tuy Ngài hiện thân ở hằng sa số thế giới, độ vô số chúng sinh mà không một thế giới nào, một chúng sinh nào ra ngoài tự tậm của Ngài nên gọi là Tạng. 


1500 năm sau khi đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, năm thứ tư hiệu Vĩnh Huy, Ngài Ðịa Tạng Bồ Tát có giáng sinh ở nước Tân La, nơi nhà họ kim tên là Kim Kiều Giác. Hai mươi bốn tuổi Ngài lên núi tu, nhập định bảy mươi lăm năm, đến năm chín mươi chín tuổi thị tịch. 


Theo trong Kinh Ðiạ Tạng, ngài Kiên Lao Ðịa Thần có nói rằng: 


 – Hể ai làm miếu, cất khánh, tô vẽ hình tượng Ngài Ðịa Tạng Bồ Tát và cúng dàng lễ bái Ngài thì được mười điều lợi ích:
            01- Ðất cát chỗ mình ở trở nên thạnh vượng
            02- Nhà cửa trở nên yên ổn mãi
            03- Người mất được sinh lên cõi Trời
            04- Người còn hiện tiền thêm tuổi thọ
            05- Cần gì cũng được toại ý
            06- Không có gặp nạn nước lửa
            07- Mọi sự hư hao đều trừ hết
            08- Các điềm dữ trong lúc chiêm bao đều dứt
            09- Những khi ra vô đều có thần ủng hộ
            10- Gặp nhiều thuận nhân duyên tốt đẹp.
            Như vậy nếu chúng ta y cứ theo lời dạy trong kinh thì được phước lợi như vậy 


B- Luận Bàn Về Lý


Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa phẩm Phương Tiện đức Phật có nói:


– Này Xá Lợi Phất, các đức Phật tùy sự tiện lợi của mỗi trường hợp mà nói pháp, với những ý tứ và ý hướng khó giải một cách rõ ràng. Tại sao vậy? Ta dùng vô số phương tiện như mọi thứ nhân duyên, thí dụ, lời nói, mà trình bày các pháp. Không phải lấy trí óc suy lường, phân biệt mà giải thích được các pháp ấy, chỉ có Phật mới biết rõ….


Như vậy chúng ta thấy giáo lý của Phật rất là uyển chuyển, hay nói một cách khác, đức Phật có nhiều phương pháp dạy dỗ. Dù trình độ người nghe, trình độ trí thức, trình độ sáng suốt, trình độ đạo đức, mà đại khái đức Phật áp dụng hoặc phương pháp nhân duyên, hoặc phương pháp thí dụ, hoặc phương pháp giải thích, bằng lời nói tất cả những phương pháp ấy, đức Phật gọi Phương Tiện. Phượng Tiện rất nhiều lại biến hoá thay đổi tùy trường hợp, còn chân lý Phật muốn chỉ bày, dạy dỗ có một. Ðiều này tương tự như lấy ngón tay hay cây gậy mà chỉ mặt trăng. Ðể hiểu về lý của toàn bộ yếu nghĩa về Ngài Ðịa Tạng Bồ Tát, chúng ta cần biết sơ qua về bài tựa của Kinh Ðịa Tạng:


– U minh giáo chủ bản tôn
Ðịa Tạng Bồ tát Ma ha Tát
Lạy đức Từ bi đại giáo chủ
Ðịa là dày chắc, Tạng Chứa đủ
Cõi nước phưong Nam nổi mây thơm
Rưới hương rưới hoa, hoa vần vũ
May xinh mưa báu số không lường
Lành tốt trang nghiêm cảnh dị thường
Người, trời bạch Phật nhân gì thế?
Phật rằng Ðịa Tạng đến thiên đường
Chư Phật ba đời đều khen chuộng
Mười phương Bồ Tát chung tin tưởng
Nay con sẵn có thiện nhân duyên
Ngợi khen Bồ Tát đức vô lường
Lòng từ do chứa hạnh lành
Trải bao số kiếp độ sinh khỏi nàn
Trong tay đã sẵn gậy vàng
Dộng tan cửa ngục cứu toàn chúng sinh
Tay cầm châu bái tròn vìn
Hào quang chiếu sáng ba ngàn đại thiên
Diêm vương trước điện chẳng hiền
Ðài cao nghiệp cảnh soi liền tội căn
Ðịa Tạng Bồ tát thượng nhân
Chứng minh công đức của dân Diêm Phù
Ðại Bi, Ðại Nguyện, Ðại Thánh, Ðại Từ, Bản Tôn Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát


Bằng cách chiết tự chúng ta thấy:


01- Giáo Chủ cõi U minh


Một người nào đó đem ánh sáng đạo lý soi đường cho thế nhân thì gọi là Giáo chủ


U Minh là nơi sâu kín tối tăm, cũng có nghĩa là địa ngục. Tối tăm hay địa ngục ám chỉ ngu dốt vô minh.


Vậy Bồ Tát Ðịa Tạng là người đem ánh sáng vào chỗ tối tăm. Chỗ tối tăm trong trường hợp này là tâm vô minh của chúng sinh. 


02- Bản Tôn:


Bản là gốc là cái sẳn có. Cái gốc, cái vốn của chúng sinh là cái bản thể sẳn có. Vậy Bản Tôn là cái sẳn có đáng kính trọng nơi chúng ta. Cái mà mọi người ai cũng có đó chíng là cái tâm. Biết tôn trọng tâm là người minh tâm kiến tánh và tâm trong trường hợp này là giáo chủ soi đường hắc ám cho mình. Các thiền sư dẹp qua một bên kinh sách và để hết thời giờ vào chỗ tiếp xúc với tâm hầu học hỏi với vị giáo chủ này, lầm lẫn vì tâm, giác ngộ cũng nhờ tâm. Trong khi bị u minh che ám, muốn thấy đâu chân, đâu giả, đâu thiện, đâu ác hãy lắng lòng cho sạch sẽ thấy.


Câu: Ðịa là dày chắc Tạng Chứa đủ


Ðịa là đất mà đất cứng rắn chắc, Tạng là sâu dày và dung chứa muôn loài muôn vật. Bất luận hột giống nào bỏ xuống đất là mọc. Vì vậy lấy đất mà thí dụ chân tâm, có chỗ ghi là tâm địa. Tâm vô hình vô tướng làm sao đập vỡ được, cho nên nói là kiên. cũng không thể đo lường được. Tâm là cái giếng sâu không đáy ai muốn đi sâu vào nội tâm đến đâu cũng được, vì vậy nói hậu, Ngoài tâm không có vật, cho nên nói quảng hàm tàng


Như vậy Ðịa Tạng Bồ Tát không phải là một nhân vật lịch sử có một đời sống thế gian như đức Phật Thích Ca mà là một nhân vật tượng trưng, được Ðức Phật dụ để tiêu biểu cho cái gì cực tôn cực quý trong đời, đủ năng lực phá vô minh, trực tiếp vớt con người ra khỏi ngục thất tối đen dày bịt, thoát vòng tội lỗi đau khổ và dẫn con người trở về sùng bái cực tôn, cực quý ấy là chân tâm, của mỗi chúng ta vậy như chúng ta thấy câu:


– Ðịa ngôn kiên hậu quản hàm tàng. 


 Và nói:


– Tại sao dùng hai chữ địa tạng dể ám chỉ chân tâm?


Cứ xem câu vừa trích trong bài tán ở đầu quyển kinh đủ thấy. Ðịa là chỉ cái gì kiên cố bất diệt, sâu dày không thể đo lường, và rộng chứa không gì bỏ ra ngoài. Ðó chính là chân tâm hay Như Lai Tạng. Vì không ai có thể đập vỡ được tâm, cho nên nói là kiên cố. Cũng không có ai đo được cái vô cùng vô tận của tâm cho nên nói nó là sâu dày không hề đo lường. Và chính vì không có một cái gì thoát khỏi sự quán xuyến của tâm cho nên nói là ngậm chứa tất cả.


– Câu Nam phương thế giới dõng hương vân
Nghĩa là:
– Cõi nước phương Nam nổi mây thơm


Chỉ cho Nam Diêm Phù Ðề hay cõi Ta Bà là thế giới nơi mà chúng ta đang ở Nói là Nam Phương là chỉ cho chúng sinh ở đây ở chúng sinh nào có những mây thơm, mây đẹp mây báu là những nhân thiện mỷ. Và có những đám mưa thơm, mưa đẹp, mưa báu tức là những quả chân thiện mỹ. Nhân quả ấy chỉ có được ở những người đã thức tỉnh, đã trở về với Tâm, hay nói một cách khác ở những người mà chân thiệm mỹ đã hiện, đã tới.


Tâm là Phật, Phật là Tâm, thế nhưng ở đây chúng ta hiểu Tâm là Ðịa Tạng Bồ Tát. Bởi vì thực sự Tâm là Phật, Phật là tâm, nhưng tâm của chúng sinh chưa hoàn toàn thanh tịnh như Phật, cho nên chưa gọi là Phật được. Tuy nhiên với một con người thức tỉnh, thì tâm ở chúng sinh thức tỉnh đó là tâm đang tu sửa như bồ tát đang tu sửa cho nên ví tâm này như Bồ tát.


Vì Bồ Tát Ðịa Tạng tượng trưng cho Tâm mà Tâm một khi đã hoàn toàn thanh tịnh thì sinh Trí bát Nhã, là trí sáng suốt cho nên chư Phật ba đời đều phải khen gợi và kính mến


Bởi vì Ngài Ðịa Tạng Bồ tát là cái tâm cho nên mới hiểu rõ ràng được câu: 


– Tam thế Như Lai đồng tán ngưỡng 
Thập phương Bồ tát cộng quy y. 


Không lẻ ba đời chư Phật lại đi khen ngợi ngưỡng mộ một vị Bồ tát, hơn nữa chư vị Bồ tát trong mười phương lại quy y với một người đồng đẳng với mình. Như vậy rõ ràng là tiêu biểu cho lý bất diệt, là chân tâm, mà không ai được phủ nhận, vì phủ nhận là còn sống trong vô minh, mà còn sống trong vô minh thì chúng ta không thể nào có Phật và Bồ tát Nói một cách khác, nhờ thể nhận được chân tâm, tán thán ngưỡng mộ chân tâm, nên Phật mới thành Phật, và cũng nhờ biết quay về an trú nơi chân tâm, sống theo tiếng gọi của Chân Tâm, nên Bồ tát mới thành hạnh Bồ tát. Như vậy chỉ vì Ðịa Tạng Bồ Tát là tâm. Muốn thành Bồ Tát phải quy y Tâm, Bồ Tát mà muốn thành Phật cần phải quy y Tâm nhiều hơn vì Tâm là đại từ đại bi, đại hỷ, đại xả..


Ðến hai câu: 
– Thủ trung kim tích, hấn khai địa ngục chi môn
Chưởng thượng minh châu, quang nhiếp đại thiên chi giới: 


Nghĩa là:
– Trong tay đã sẳn gậy vàng
Dộng tan cửa ngục cứu toàn chúng sinh


Ðó là một lối dùng biểu tượng để diễn tả những công năng của chân tâm. Tích trượng tượng trưng cho cái ý chí cương quyết bẻ xiềng xích, phá ngục tù của những người tỉnh thức, tức là trở về với chân tâm. Ðó cũng là sức mạnh vô song của chân tâm, biết diệu dụng thì không việc thiện nào là không làm được, còn không biết diệu dụng thì nó cũng có thể đưa con người đến tội lỗi không bờ bến. Bởi vì cái cương quyết làm đúng cũng có ở nguời tốt, và cái cương quyết là sái cũng ở người xấu, đồng một mãnh lực như nhau. Tuy hai mà trên căn bản là một, tại chỗ dùng có khác mà một mới xem chúng ta thấy như hai. Giống như con dao bén có thể dùng giúp ta xắt cải, mà cũng có thể trợ cái giận của chúng ta trong việc chém người hại vật.


Còn mấy câu: 
– Diêm vương điện thượng 
Nghiệp cảnh đài tiền 
Vị Nam Phù Ðề chúng sinh 
Tác đại chứng minh công đức chủ. 


Ðây là diễn tả cái dụng khác của chân tâm, cái dụng hồi quang phản chiếu, quay cái sáng rọi trở lại đời sống hằng ngày, từ ngoài cho đến trong. Thật vậy. Ai xét ta bằng lương tâm của chúng ta, vì biết bao nhiêu tội chúng ta đã tạo mà công lý không ai biết. Do đây bài tán mới ví Ngài Ðịa tạng là Chân Tâm, là ông vua của Diêm La, ngồi trên điện cao để phán xét tội trạng của ta. Còn tự ta muốn biết nghiệp lành, nghiệp ác của ta, thì cứ ngó trở lại vào lòng, cái gương lòng sẽ phản chiếu cho ta thấy tất cả. Gương ấy là chân tâm Ðia Tạng đó, nên gọi là nghiệp cảnh. Chân tâm ta đã là ông toà Diêm Vương xét tội, thì chân tâm ấy cũng là người chứng kiến và ghi chép những công đức của ta. Thế nên nói Ðịa Tạng làm người chứng minh các công đức của chúng sinh cõi Nam Diêm Phù Ðề tức là cõi thế gian này vậy.


– Câu Từ nhân, tích thiện, thê cứu chứng sinh…
Nghĩa là:
– Lòng từ do chứa hạnh lành
Trải bao số kiếp độ sinh khỏi nàn


Phải là người có trồng nhiền nhân lành trong tiền kiếp đời này mới chứng ngộ được chân tâm, mới thấy hiểu được thế nào là đại từ, đại bi.. Có thấy hiểu được như thế mới tán ngưỡng những công đức của tâm bằng không thì theo thế nhân tán dương những cái mê lầm của tâm tham vọng.


Chân tâm là tâm Ðại Từ Ðại Bi cho nên nói Bồ Tát Ðịa tạng  là nguyên nhân là hột giống của lòng từ là nơi tích tụ của những điều thiện. Có Từ, có thiện tự nhiên phải nghĩ thương đến người khác, đến chúng sinh.


Lòng từ của Phật quả đúng như vậy nhưng Ngài phải nói lên một sự thật. Sự thật ấy là Phật chỉ đường mà thôi, còn việc phá cửa ngục vô minh để giải thoát, mỗi chúng sinh phải tự làm lấy. Phá bằng cách nào, bằng cách dùng tâm cương quyết đả phá mê mờ. vậy tâm là chiếc gậy sắt có khả năng đập phá cửa ngục.


Nhưng ý chí không chưa đủ mà phải có sáng suốt phụ lực. sáng suốt ấy là trí Bát Nhã hay trí tuệ tuyệt vời  và trí ấy do Tâm thanh tịnh làm phát sinh, vậy trí cũng là Tâm vì vậy nên nói Bồ Tát Ðịa Tạng là viên ngọc minh châu sáng soi tam thiên đại thiên thế giới. Minh châu là thứ ngọc có khả năng chiếu sáng trong đêm tối thí dụ cho trí tuệ soi sáng lòng dạ vô minh hắc ám của chúng sinh.


Ngoài tâm không có pháp, cho nên sự sự đều do tâm, vật vật đều do tâm. Tâm tạo thiên đường, tâm tạo địa ngục, ba cõi đều do tâm, mười cõi chỉ đều do tâm, tất cả đều do một tâm, không có gì ngoài nó. Cho nên có chúng sinh thọ khổ địa ngục nơi tự tâm, thì Ðịa Tạng Bồ Tát cũng cứu độ trong tâm. Ngoài tâm không có dịa ngục, chúng sinh nào khác, ngoài tâm không có Ngài Ðịa Tạng phá ngục dẫn vong nào khác. Ðây là cái lý bí ẩn của kinh Ðai Thừa mà chúng ta cần khám phá và khai thác để tự lợi và lợi tha. Dùng ông Bồ Tát tự tánh mà cứu độ chúng sinh của Tự Tâm, lửa đó nước đó, thật là muôn phần linh nghiệm và diệu dụng.


Bồ Tát biết dùng minh châu đại trí tuệ chiếu phá vô minh tiêu trừ những nỗi lòng đen tối, cởi mở những quan niệm sai lầm, đập phá ngục tham sân si ái… thì mình mới khỏi cầu ai xa lạ viễn vông vừa khó khăn vừa không chắc, khỏi mắc phải cái tánh ỷ lại thần quyền, mơ hồ và tai hại.


Nêu tự hay nơi mình có chân tâm sáng suốt làm quan toà, thường ngồi tại bàn án, chiếu gương soi nghiệp, xét nét vô tư những điều bí ẩn khuất nơi cõi lòng, thì chắc chắn đời người sẽ có sự hoán đổi, dứt ác làm lành, đổi đen thành trắng. 


– Câu Diêm vương trước điện chẳng hiền
Ðài cao nghiệp cảnh soi liền tội căn


Tâm chân chánh là vị Diêm Vương ngồi trên xử tội. Ai biết tội lỗi của ta bằng ta, ai biết lòng ta bằng ta. Lòng ta là tâm.


Tâm cũng là đài gương để soi sáng những hành vi thiện ác của ta. Tự vấn lương tâm là vào tấm gương của ta để thấy mọi nghiệp của ta.


Ai làm chứng cho ta bằng ta. Biết bao nhiêu công đức âm thầm của những tâm hồn cao thượng mà thế nhân không thấy, không biết. Thế nhân không biết mà lòng ta, tâm ta biết. Do đây nói Bồ Tát Ðịa tạng là vị chúa tể chứng minh công đức của chúng sinh.


Câu Ðại Bi, Ðại Nguyện, Ðại Thánh, Ðại Từ, Bản Tôn Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát
Tâm chân chánh là lòng từ(Ðại Từ) lòng bi(đại bi), là nguyên nhân của lời thê nguyện giải thoát giác ngộ(Ðại Nguyện), của  thanh tịnh là (Ðại Thánh)


Bồ Tát Ðịa Tạng ở đây là tượng trưng cho tâm quyết thoát ly điạ ngục tham sân si và những thống khổ, là tâm thanh tịnh sáng suốt, từ bi, là Tâm tự biết tự xét.
Tìm hiểu Ngài Ðịa Tạng Bồ Tát có thật hay không? Không quan hệ bằng tìm biết kinh Ðịa Tạng có ích gì cho chúng ta trong việc tu hành.


Khi chân tâm phát hiện nơi ai thì từ nơi thân tâm người ấy phát tiết ra ngoài một cái gì mà trông đến gương mặt là ta cảm thấy ánh sáng diệu hiền, khiến ta phải kính phục, nghe đến lời nói là ta cảm nhận một cái gì đẹp đẻ, thơm tho, khiến cho ta ngây ngất chẳng khác nào mình tắm trong đám mưa thơm, một đám mưa hoa. Cứ trông gương mặt, ngắm xem cử chỉ, lắng nghe lời nói của những bực chân tu thật học, ta sẽ thấy và sẽ cảm nhận như vừa nói.