Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Ðộc đáo chùa Ðất Sét

Ðộc đáo chùa Ðất Sét

57

Ở Sóc Trăng, phần lớn các ngôi chùa đều xây theo kiểu người Khmer, duy có ngôi chùa kiến trúc theo truyền thống người Việt, nổi tiếng từ lâu, đó là chùa Ðất Sét. Chùa Ðất Sét còn có tên là Bửu Sơn Tự thuộc phường 5, thị xã Sóc Trăng.

Chùa nổi tiếng bởi những vật được tạo hình từ đất sét. Chùa được xây dựng từ rất lâu để thờ Phật của dòng họ Ngô do ông Ngô Kim Tòng, sinh 1909, mất 1970, xây dựng từ năm 1928 và sau 42 năm thì hoàn thành.

Tất cả từ tháp Ða Bảo 13 tầng, tháp Bảo Tòa cao hai mét, đến Lục Long Ðăng và hàng nghìn bức tượng lớn, nhỏ làm bằng độc một chất liệu đó là đất sét, sau đó được phủ ngoài bằng nước sơn, kim nhũ và dầu bóng nên trông giống như làm bằng chất liệu đồng.

Qua cổng chùa, bước vào chánh điện trước mắt, một công trình kiến trúc độc đáo hiện ra, đó là nhà tam giáo cộng đồng gồm: Tượng Adiđà, Quan Thế Âm, Bổn sư Thích Ca, Ca diếp, Khổng Tử, Lão Tử…

Các pho tượng đặt trên hai tầng, hai cột đỡ hình tháp đắp nổi hình rồng. Theo các cụ kể lại để tạo được hình tượng này, ông Ngô Kim Tòng đã đào gánh đất ngoài đồng đi về hướng Tây cách chùa 1.000 m về phơi thật khô giã thật mịn, rây loại bỏ các tạp chất và rễ cây, đem nhào với bột nhang, bột ô dước nhào liên tục khi đất dẻo quánh lại là chất liệu hoàn hảo.

Ðể đắp tượng, ông dùng lưới kẽm, cây gỗ dựng sườn, lấy vải màn bao lại mới đắp đất lên, rồi dùng kim nhũ, dầu bóng kéo lên.

Chùa Ðất Sét hiện có tổng cộng 1.991 tượng Phật lớn nhỏ, hai ngôi tháp, một tòa sen, bốn con thú linh thật lớn. Tháp Ða Bảo cao 13 tầng, mỗi tầng có 16 cửa, mỗi cửa có một tượng Phật. Tổng cộng tháp Ða Bảo có 208 cửa, 208 vị Phật và 156 con rồng đỡ cho 13 tầng tháp. Toàn bộ tháp này cao chừng 4,5 m.

Kế đó tháp Bảo Tòa để thờ Phật cao chừng hai mét, phía trên theo hình bát giác tượng trưng cho bát quái: Càn – khảm – cấn – chấn – tốn – ly – khôn – đoài. Cho đến nay các tượng lớn, nhỏ này hiện vẫn còn nguyên vẹn ở chùa Ðất Sét.

Sự sắp xếp tượng ở đây nói lên tư tưởng Tam giáo đồng viện (Phật-Nho-Lão). Trên cùng của tháp là một tòa sen có 1.000 cánh, mỗi cánh có một tượng Phật ngự. Ngoài ra, còn có các danh thú như Kim Lân, Thanh Sư, Bạch Hổ, Long Mã, Bạch Tượng được tạo tác. Trong chùa có ba cái đỉnh, mỗi cái cao 1,5 m, bảy cái lư hương nhỏ.

Chùa Ðất Sét không có sư trụ trì. Việc quản lý ngôi chùa do những người cháu gọi ông Tòng là bác ruột. Ông Quang và những người cháu, hậu duệ đời sau của ông Tòng nói rằng: Cậu Tòng làm xuất phát từ cái tâm của người có lòng hướng Phật bằng sự tập trung cao độ, lặng lẽ như con ong hút mật tạo hương sắc cho đời suốt 40 năm, cần mẫn và miệt mài sáng tác cho tới tận lúc qua đời năm 1970…

Ðiều làm ngạc nhiên cho khách tham quan chính là bốn cặp nến cao 2,6 m trong chùa. Ba cặp nến lớn, mỗi cây nặng 200 kg, bề ngang bằng một vòng tay người ôm; còn cặp nhỏ mỗi cây nặng 100 kg được đốt cháy liên tục suốt ngày đêm kể từ năm 1970 khi ông Tòng mất.

Hơn 30 năm mà cặp đèn cầy vẫn còn cao hai tấc và còn khả năng cháy thêm ba năm nữa, thật là chuyện lạ! Ðó là chưa nói trong chùa còn ba cây nhang lớn, mỗi cây nặng 50 kg chưa sử dụng, cao 1,5 m, nếu thắp lên chắc sau vài năm mới tàn.

Một chùm đèn gọi là Lục Long Ðăng với sáu con rồng quay đầu ra chung quanh, đuôi chụm vào với nhau, phía dưới là một bông sen để các bóng đèn.

Chùa Ðất Sét là một công trình kiến trúc độc đáo ở Việt Nam, vì nơi đây có hàng nghìn tượng lớn nhỏ được làm từ đất sét. Ðây là điểm tham quan hấp dẫn khi du khách đến với Sóc Trăng.