Trang chủ Thời đại Xã hội Đôi điều suy tư về nền đạo đức trong xã hội ngày...

Đôi điều suy tư về nền đạo đức trong xã hội ngày nay

112

Ai trong chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, thế hệ mầm non là nhân tài của đất nước, đất nước muốn phát triển bền vững lâu dài thì không thể nào bỏ qua vấn đề giáo dục cho trẻ em, nhất là học sinh, sinh viên đã, đang và sẽ thay thế các bậc tiền nhân tiếp bước trong công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước nói riêng và dựng xây thế giới hòa bình nói chung.

Nhưng vấn đề giáo dục hiện nay cần phải có sự  đánh giá nghiêm túc nhất là khi mà nền tảng đạo đức con người này một xuống cấp trầm trọng đáng quan ngại là thế hệ trẻ giữ phần đa số. Ngày nay chính sách giáo dục của các quốc gia trên thế giới phần nhiều chú trọng vào việc nâng cao kiến thức khoa học, chủ yếu đạo tạo ra những nhân tài về khoa học kỹ thuật, những nhà toán học tài ba, những nhà hoạch định kinh tế giỏi ở cấp vĩ mô, những bác sỹ, kỹ sư có tay nghề cao.v…v. điều này rất tốt, và chúng ta không phủ nhận những đóng góp tích cực của các nhân tài kể trên vào việc dựng xây phát triển đất nước.

Tuy nhiên điều cần nói ở đây là cái  “tài” kia mà không đi kèm với cái  “đức” thì đó chỉ là tai họa. Như trong “Đường giải thoát” thầy Huệ Duyên có tụng rằng:

 
“Tài không đức chỉ vương khổ họa,
Đức không tài chỉ gá tai ương
Có  tài có đức đồng tương
 
Khác nào rồng được “mây vương lấy mình”. Vì sao như vậy? Vì khi có tài và làm được chút việc hơn người là tự kiêu tự đại tăng lên, “coi trời bằng vun”, từ đó mới có hiện tượng tiêu cực là “lạm dụng quyền hạn”, vơ vét của dân, quan liêu tham nhũng.v…v…
 
Những người làm được công việc nói trên đâu phải là người tầm thường, cũng từng là nhân tài một thời đấy chứ? Thử hỏi hạng dân đen thấp bé thì sao có thể làm được những việc ngoài tầm với như thế!
 
Gần đây trên phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin về các vụ án như: lạm dụng chức vụ quyền hạn gây thất thoát nghiêm trọng cho nhà nước, hay như vụ một thầy hiệu trưởng hiếp dâm học sinh của mình trong thời gian dài, không phải chỉ một học sinh mà là rất nhiều học sinh.v…v. còn rất nhiều những vụ việc đau lòng hơn thế! 
 
Và chúng ta thấy rằng người lạm dụng quyền hạn đó cũng thuộc hàng phó giám đốc của một “sở” ấy chứ? Điều này chứng tỏ họ đã bán rẻ đạo đức của mình cho tiền bạc, dục vọng để khi đứng trước vành móng ngựa lại hô hào là “tôi cũng có đóng góp rất nhiều vào việc xây dựng và phát triển thành phố”.
 
Đúng là có, nhưng công tội phân mình, công thưởng tội trừng, nhưng cái trừng của pháp luật cũng đã có cân nhắc đến cái “công xây dựng kia rồi”.
 
Mà đáng lên án hơn là việc thầy giáo nọ hiếp dâm học sinh của mình (chưa phải là học sinh cấp 3). Công việc thầy giáo là công việc cao quý mà xã hội rất trân trọng, không những vậy đây là công việc tạo nhiều phước đức cho chính bản thân mình đời này và đời sau. Đâu phải ai cũng có thể làm thầy giáo được, một thầy giáo tầm thường chí ít cũng phải mất 4 năm ngồi trong giảng đường đại học, mất bao công sức mới được gọi là “ thầy giáo” mà danh từ thầy giáo cũng có nghĩa là người này vừa có “kiến thức” hơn người lại vừa có “đạo đức” trong sáng, liêm chính, không chỉ là thầy dạy về học vấn mà còn là mô phạm về cả tư cách đạo đức sống và đạo đức nghề nghiệp nữa, vì lẽ đó mà ngành nghề của họ được gọi là “sư phạm”.
 
Ấy thế mà một hiệu trưởng (tức là quá trình giảng dạy và sự đánh giá về mặt đạo đức cũng thuộc hàng có uy tín rồi đấy!) lại đi làm những điều mà chính trong sách vở không có đoạn nào dạy như thế! 
 
Không những vậy trong ngành giáo dục hiện nay vẫn có một số nhà giáo đang trên đà thoái hóa về cả tư cách nghề nghiệp lẫn tư cách đạo đức. Họ đến trường giảng dạy theo số tiết quy định và sau đó thì lại có chương trình giảng dạy “nâng cao” hay nói cách khác là một hình thức kinh doanh sư phạm.
 
Mỗi sinh viên muốn làm luận văn, hay trình bày luận án, thì mức độ đánh giá của các thầy giáo không phải là ở kiến thức sinh viên đó là được mà đánh giá vào trị giá của phong thư mỏng hay dầy, nhiều hay ít.
 
Chao ôi! Nếu đánh giá như thế thì nhân tài mà họ tạo ra ngay cả một chút “tài” cũng không có chứ chưa xét về “đạo đức”, không chừng vị hiệu trưởng kia cũng thuộc thành phần được đánh giá theo kiểu phong bì. Và dĩ nhiên không phải quan chức nào, hay giáo viên nào cũng thế, vẫn còn những người rất liêm chính và mô phạm hết lòng vì công việc, tận tụy nhân dân, yêu thương học trò rất đáng được ca ngợi.
 
Lạm  bàn đôi chút về chuyện nhân tình thế thái để một lần nữa chúng ta xác quyết rằng nếu không có đạo đức, dù tài ba đến mấy thì trước sau gì cũng là mối họa mà thôi. Cho nên đạo đức ví như kẻ hiền nhưng mà hiền phải có trí tuệ, nếu không thì chẳng việc gì nên.
 
Lành kém trí như nhà thiếu cửa
Hiền mà  ngu như ngựa cái mù
Hiền minh chớ để hiền ngu
Lành thì  lành trí chớ tu suông lành
                                                                        (“Đường giải thoát” thầy Huệ Duyên tụng)
 
Như vậy việc phát triển nhân tài phải bao gồm 2 mặt song hành, đó là: tài và đức.
 
Trên  tinh thần mà tổng thống Nga đã nói thì rõ ràng nước Nga đã có chính sách quan tâm đến đạo đức của người dân mà hơn hết đó là thế hệ trẻ. Bởi lãnh đạo nước Nga hiện tại (thủ tướng và tổng thống) vẫn chưa qua độ tuổi 50, hơn ai hết họ biết đất nước họ sẽ ra sao nếu mà thế hệ thanh thiếu niên không được giáo dục tốt về mặc đạo đức, hậu quả của nó không chỉ gói gọn trong 1 thể chế quốc gia mà nó có ảnh hưởng đến sự tồn vong của cả một dân tộc.
 
Nếu ngay từ bây giờ mà không nhận thức , không biết chấn chỉnh nền đạo đức xã hội thì còn đợi đến khi nào?
 
Cũng vậy ý thức được sự trường tồn của một quốc gia dựa trên căn bản đạo đức của chính mỗi người dân nên tổng thống Nga đã có 1 quyết định đúng đắn là đào tạo nhân tài cho đất nước về cả đạo học (đạo đức học trong tôn giáo) ngay từ khi họ còn là búp măng non. Đây là công việc không hề đơn giản, nhưng với nhiệt huyết và thiện tâm chân thành thì kết quả của nó sẽ vô cũng khả quan.  
 
Không chỉ riêng về Đạo Phật mà tất cả những tôn giáo chân chính khác cũng đều có cái hay riêng cần phải học hỏi nghiên cứu. Không nên chê bai, bài xích tôn giáo khác, mà ở đây là chắt lọc những tinh hoa của các tôn giáo chân chính trên thế giới để tạo dựng một con người có đạo đức hoàn thiện.
 
Dĩ  nhiên nếu nói về đạo đức, tinh thần hòa bình, lòng từ bi… thì đạo Phật có phần trội hơn, vì từ khi đạo Phật hình thành và truyền bá rộng rãi khắp toàn cầu đến nay chưa hề có sự phân biệt, kỳ thị hay chiến tranh dưới danh nghĩa của đạo Phật chân chính. Mà ngược lại đạo Phật đi đến đâu là nơi đó có an lành, con người nơi đó có hạnh phúc và tình thương dồi dào hơn thêm.
 
Đây là nhận định của một tổ chức quốc tế đã bầu chọn Phật giáo là tôn giáo hòa bình nhất trên hành tinh này. Ngay khi bầu chọn xong ban tổ chức muốn tìm ra người đại diện để nhận phần thưởng cao quý này thì họ cũng không biết phải chọn ai là người xứng đáng bởi lẽ trên tinh thần ba la mật cộng với đức tình khiêm cung của người con Phật trên thế giới thì không ai muốn đứng ra nhận mà họ muốn gửi phần thưởng này đến toàn nhân loại và cầu nguyện cho thế giới được hòa bình. Trên đây là một trong vô vàn nét đẹp về tư tưởng đạo đức của Phật giáo.
 
Áp dụng những cái hay của các tôn giáo lớn trên thế giới nhất là đạo Phật vào trong học đường là điều cần thiết phải nên làm.
 
Các triều đại huy hoàng trên thế giới không triều đại nào là không dùng “đức” để thu phục nhân tâm giáo hóa dân chúng. Ngay như trong lịch sử Việt Nam, vào các thời hưng thịnh những vị vua anh minh luôn nêu cao nền đạo đức dân tộc, dựa trên nền tảng của Phật giáo, nhất là trong triều đại nhà Lý, điển hình như:
 
“Năm 1070 trời làm đại hạn, vua Lý Thánh Tông cho lấy tiền của và thóc trong kho chẩn ra cấp cho dân. Ngài đặt ra tiền dưỡng liêm để tránh sự sa ngã cho quan lại.  
 
Năm 1065, vua Lý Thánh Tông trong một phiên xử kiện ở điện Thiên Khánh, đã chỉ vào công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh mà bảo rằng: “Lòng ta yêu con ta, cũng như lòng cha mẹ dân yêu dân. Dân không biết mà mắc vào hình phạt, ta rất lấy làm thương. Từ nay về sau không cứ gì tội nặng hay nhẹ, đều nhất luật khoan giảm” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).
 
Mùa đông năm 1055, thấy trời giá rét vua Thánh Tông đã bảo với các quan: “Trẫm ở trong cung nào lò sưởi ngự, nào áo lót cầu mà còn rét như thế  này, nghĩ đến người tù giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa biết rõ ngay gian, mà  ăn không được no bụng, áo không kín mình, gió rét khổ thân, hoặc có kẻ chết không nơi nương tựa, trẫm rất thương xót. Vậy hạ lệnh cho hữu ty phát chăn chiếu và mỗi ngày cho ăn hai bữa cơm” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).”
 
Lý  Thái Tông là một ông vua thông minh, rất am hiểu việc quân sự và chính trị. Ngài rất lưu tâm về mọi vấn đề dân sự vì lòng thương dân. Gặp những năm mất mùa hay bị bệnh dịch, ngài xá thuế cho dân hàng hai ba năm. Về luật pháp, ngài cũng sửa đổi lại cho bớt sự gắt gao. Đại khái Ngài đặc cách tra hỏi các phạm nhân, xác định các trường hợp giảm-khinh cho các người già hay vị thành niên và cho lấy tiền để chuộc tội nếu không phạm vào thập ác. Ngài đặt niên hiệu là Minh Đạo (1042) trong khi ban bố các chính sách nhân đạo của ngài. Trong lịch sử nước Việt Nam, Ngài là một trong những vị vua thương dân, thương nước và lo sửa sang đức độ của nền quân chủ coi  trăm họ như con. Năm sau Ngài hạ lệnh bãi bỏ tục mua hoàng nam (trai từ 18 tuổi trở lên) để làm tôi tớ. Năm 1016, trong nước được mùa, vua Lý Thái Tổ tha thuế 3 năm, sau đó 2 năm lại có việc tha thuế ruộng một lần nữa. (Việt Sử Toàn Thư-Phạm Văn Sơn).
 
Như  vậy đất nước hưng thịnh không cần đến nhiều vũ khí tối tân, mà điều căn bản thiết yếu là biết dùng “đức trị” để an dân, làm lòng dân quy ngưỡng. Một khi có đạo đức con người sẽ trở nên thuần thiện và xã hội sẽ giảm thiểu thành phần xấu ác.
 
Ngày này chúng ta phần lớn là dùng “pháp trị” để quản lý đất nước mà xem thường “đức trị”. Nhưng ngay trong chính cái pháp trị cũng có nhiều chỗ hở, vì nó do con người làm ra thì  con người cũng có thể phá hủy và tìm mọi cách để vi phạm được.
 
Còn đức trị là dùng đạo đức cảm hóa, khơi dậy cái bản tính thuần lương thánh thiện có sẵn trong tâm mỗi người, cái bản tính đó không ai có thể tạo ra cho mình được mà nó nằm sẵn bản tâm chân thật của tất cả mọi người. Chỉ cần dùng ngọn đèn của chính pháp, dùng ngọn đèn của đạo đức soi sáng vào thì nó sẽ tự hiển lộ.
 
Ví như của báu ngàn năm sẵn có nay được tìm thấy tha hồ mặc sức mà sử dụng, không ai đụng chạm ai thì làm gì có chuyện trộm cắp, cướp đoạt hay là giết người cướp của hoặc là lạm dụng quyền hạn chiếm đoạt.
 
Cần phải giáo dục cho thế hệ thanh thiếu niên những nét đẹp đạo đức như vậy và khơi dậy trong họ cách thức để đạt được cái kho báu của chính họ. Muốn vậy cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng và cần đến sự giúp sức của tôn giáo, của Phật giáo hay cụ thể hơn là sự góp sức của chư vị Tăng Ni trong công tác giảng dạy bộ môn này.
 
Hình ảnh chư Tăng Ni đứng trên bục giảng của các trường đại học không còn xa lạ gì trong xã hội ngày nay, nhất là ở các nước Tây Âu. Một khi có tài, có đức và cần đến thì họ luôn sẵn sàng nhiệt tình tham gia.
 
Cũng trong triều đại nhà Lý, các vị vua luôn cần đến sự trợ giúp của các thiền sư lỗi lạc như:“Kể từ Lý Thái Tổ, các vua biết trọng dụng kiến thức và đạo hạnh của những vị thiền sư để giúp nước như thiền sư Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh và Khô Đầu v.v…
 
Những vị tăng sĩ được xem như lãnh đạo tinh thần cho triều đình và cả nước nên đuợc gọi là quốc sư. Có nhiều lý do khiến các thiền sư đời Lý tham dự chính sự (tham dự chính sự mà không tham dự chính quyền, bởi vì họ không nhận chức vụ trong nội các, chỉ tới giúp ý kiến và công việc rồi về chùa).
 
Lý do thứ nhất: họ là những người có học, có ý thức về quốc gia, sống gần gũi với quần chúng và biết được những khổ đau của người dân đang bị một chính sách đô hộ hà khắc bóc lột.
 
Lý do thứ hai: họ không có ý muốn tranh ngôi của vua, không giành quyền bính và địa vị ngoài đời, nên vua tin họ.
 
Lý do thứ ba: họ không cố chấp vào thuyết trung quân (trung thần bất sự nhị quân) như các nhà nho, nên họ có thể cộng tác với bất cứ ông vua nào có thể đem lại hạnh phúc cho dân.
 
Lý do thứ tư: các vua cần sức học của họ, nhất là trong các đời Đinh, Lê, các vua đều không phải thuộc giới trí thức. Nho sĩ thì chắc không có mấy người, mà lại chỉ trung thành được với một triều đại. (Việt Nam Phật Giáo Sử Luận I-Nguyễn Lang).
 
Dù  rằng đây không phải là công việc một sớm một chiều có thể làm được nhưng không vì thế mà lơ là bỏ qua. Bố thí một bát cơm cho kẻ nghèo khó là hành động thiện, nhưng để giáo dục cho mọi người làm được điều này thì quả thật không phải d khi mà căn bản đạo đức và lòng từ trong họ chưa khơi dậy, nhất là những người đã lớn, cho nên cần phải kiên trì và nhẫn nãi. Vì rằng:
 
“Cây cong uốn mãi cũng ngay
Người hư mấy cố sửa hoài  cũng nên”. 
 
Ngoài vấn đề giáo dục trong nhà trường, cũng nên chăng là tổ chức những buổi thiền tập, tập thở, tập cười, tập đi thiền hành, tập ăn cơm trong chánh niệm.v…v hay như áp dụng giảng dạy thực hành phương pháp luyện tâm thông qua 7 điểm nhân quả như là: (1) xem tất cả chúng sinh như là mẹ hiền của mình; (2) nhớ ân tất cả chúng sinh; (3) đền đáp công ân to lớn mà vô số chúng sinh đã làm cho chúng ta trong vô lượng kiếp sống với muôn vàn hình tướng, cách thức; (4) phát khởi lòng thương yêu và đau xót khi thấy chúng sinh đang gặp đau khổ; (5) phát khởi tâm từ bi; (6) phát nguyện đưa chúng sinh đến nơi hạnh phúc an lạc, thay thế chúng sinh chịu mọi đau khổ.
 
Trên đây là 6 nguyên nhân và cuối cũng là hình thành nên “tâm bồ đề tối thượng”, đó cũng là kết quả chính yếu. 
 
Rèn luyện nhân cách đạo đức không chỉ là những bài học suông mà cần phải có những hoạt  động ngoại khóa, hay như trước khi vào tiết học thì dành 10 phút để tập niệm Phật (niệm thầm), thiền quán , hít thở, hay hát một bài thiền ca.
 
Những cách thức như trên chỉ nhằm một mục đích đó là thanh lọc vọng tâm nhiễm ô, để tạo cho tâm mình có 1 khoảng trống, yên lặng, thanh thản. Khi tâm đã trống lặng, thư thái thì dù cho môn học có khó khăn đến mấy cũng dễ dàng tiếp thu.
 
Cũng trong “Đường giải thoát” có đoạn nói về vọng tâm rất thú vị:
                    
                   “…Vọng tâm nếu chẳng làm yên lặng
                     Ví  dù ngồi bên cạnh Phật  đà
                     Cũng không hề  được thấy ra
                     Bị  tâm vọng nó làm lòa mắt  đi
                     Tâm vọng rất làm nguy hạnh đức
                     Người tu hành chưa dứt vọng tâm
                     Như  ôm rắn độc mà nằm
                     Thân kia không biết họa ôm lúc nào…”
 
Đoạn thơ trên không những dành cho các bậc xuất gia tu hành, hay người theo đạo Phật, mà nó còn có tác dụng để cảnh tỉnh tất cả những ai đang bị vọng tâm che lấp, vì thế mà cần có những bài tập về luyện tâm theo từng khả năng để đối trị lại với sự tâm nhiễm ô, vọng động này.
 
Một khi vọng tâm đoạn trừ thì đức hạnh và trí tuệ bừng sáng. Thanh thiếu niên ngày nay có thể áp dụng điều này mọi lúc mọi nơi mà không cần đến chùa mới có thể làm được. 
 
Vấn đề quan trọng nữa là ý thức tự giác của mỗi người trong việc học tập và rèn luyện tu dưỡng đạo đức, giá trị nhân cách của một con người tốt hay xấu không nằm ở ch giàu sang hay nghèo hèn, ngu tối hay thông lợi, mà nó được đánh giá qua đạo đức của mỗi chúng ta. Hay như dân gian có câu “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”, “Tiếng” ở đây chính là đạo đức, nhân cách tốt đẹp. 
 
Tóm lại, ngoài việc giảng dạy kiến thức thế học cho thanh thiếu niên ngày nay, chúng ta cần nên nghiên cứu và  áp dụng đạo học (đạo đức học của Phật giáo)vào trong học đường. Chúng ta nên có cách nhìn sâu rộng hơn về sự trường tồn và phát triển của một đất nước.
 
Hiện đại hóa công nghiệp hóa đó chỉ là lớp da bọc bên ngoài, nhưng nếu bên trong mục nát rỗng toét thì cái vỏ bọc đó còn tồn tại được hay không?
 
Phải lấy căn bản đạo đức làm gốc, từ cái gốc vững vàng lành mạnh, không bị sâu bọ đục khoét thì tương lai sẽ thành cây tốt, hoa trái xum xuê. Thanh niên là mầm xanh của đất nước, là rường cột của quốc gia, hãy đào tạo thế hệ kế thừa vừa có tài năng vừa có đạo đức.
 
Xin mượn lời trong “Đường giải thoát” do thầy Huệ Duyên tụng để kết thúc bài viết này:
 
“…Đức không tài như dầu thiếu lửa
Tài không đức như ngựa không cương
Đức tài có đủ 2 phương
Lửa dầu gồm đủ ngựa cương  sẵn sàng…” 

 

Cầu nguyện nền đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo chân chính trên thế giới sẽ mãi được lưu truyền trên khắp thế gian, là ngọn đuốc soi đường đưa chúng sinh thoát qua đêm dài u tối, hy vọng nhân tâm con người sẽ ngày một thăng hoa, thế gian này sẽ trở thành Tịnh độ.