Trang chủ PGVN Nhân vật Đức Đệ tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Đức Đệ tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam

1626

Cả Đại hội đã vô cùng xúc động và vui sướng cử hành nghi lễ suy tôn, trang nghiêm lắng nghe Đạo từ của Ngài, kính cẩn đồng thanh niệm “Y giáo phụng hành” 3 lần và hân hoan vỗ tay kéo dài chào mừng Đức Pháp chủ lên ngôi.

Đức Đệ Tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ đản sinh năm Đinh Tỵ – 1917, là con trai thứ 2 trong một gia đình nông dân có 3 anh em. Trên Ngài là một anh, dưới Ngài là một em gái. Thân phụ và Thân mẫu của Ngài là những Phật tử thuần thành.

 

Đức Đệ tam Pháp chủ GHPGVN Thích Phổ Tuệ. Ảnh: Trọng Hoàng

Sinh quán của Ngài tại làng Phùng Thiện (nay là thôn 3) xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh tỉnh Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Ninh Bình).

Ngài là đồng tử xuất gia từ năm 5 tuổi, 18 tuổi thụ Sa di giới, 20 tuổi thụ Đại giới Tỷ khiêu và Bồ tát giới tại Giới đàn Viên Minh với các Sư Tổ Tế Xuyên, Đa Bảo và Viên Minh…

Ngài đã đi Tham học hầu khắp các Tổ miền Bắc đương thời ở các Tổ Đình: Tế Xuyên, Đào Xuyên, Bồ Đề, Đa Bảo, Quán Sứ, Vĩnh Nghiêm, Hương Tích, v,v.

Từ năm 1936, Ngài chính thức là đệ tử của Tổ Quảng Tốn – Đệ nhị Tổ của Tổ đình Viên Minh – Chùa Ráng tại xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây. Năm 1961 Tổ Quảng Tốn viên tịch, Ngài kế tục trụ trì Tổ đình này, là thế hệ thứ ba của chùa Ráng, sau Đệ nhất Tổ Nguyên Uẩn, Đệ nhị Tổ Quảng Tốn và chính thức là người truyền thừa của Sơn môn Đa Bảo và Viên minh Pháp hội nổi tiếng. Đã hơn 70 năm nay Ngài an nhiên trụ xứ duy nhất ở chùa Ráng.

Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ – Ảnh: Xuân Loan

Năm 1987, cố Hòa thượng Thiện Siêu, Kim Cương Tử, Tâm Thông…được ủy quyền của Đức Đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận cùng Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ đã về chùa Ráng chính thức mời Ngài lên Thủ đô tham gia và giữ vai trò chính trong việc dịch Đại Luật, Đại Tạng Kinh và biên soạn Đại từ điển Phật học Việt Nam, tham gia Tạp chí Nghiên cứu Phật học…

Đức Pháp chủ tại Đại hội PGVN lần VI – Ảnh: Xuân Loan

Năm 1993, Ngài được thỉnh viết Lời Truy niệm tại Tang lễ Đức Đệ Nhất Pháp chủ.

Năm 2005, Ngài thực chất Chủ trì Tang lễ Đức Đệ nhị Pháp chủ và có viết một bài truy niệm quan trọng.

Trước Đại hội VI, Ngài là Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học, Trưởng Ban Trị sự kiêm Tăng sự Tỉnh hội Hà Tây, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Phó Chủ tịch kiêm Phó ban Tăng sự TWGH, Phó Pháp chủ kiêm Chánh thư ký HĐCM GHPGVN.

Ngài là Đường chủ các trường hạ của Hà Tây trong nhiều năm nay, là giảng sư của Học viện PGVN tại Hà Nội, trường Trung cấp Phật giáo Hà Tây. Ngài luôn tuyên dương chính Pháp ở mọi nơi, mọi lúc khi có thiện duyên.

Ngài đã tham gia trước tác, dịch thuật, hiệu đính nhiều công trình Phật học như Đại Luật, Đại Tạng kinh Việt Nam, Đại từ điển Phật học, Bát Nhã Dư Âm, Đề cương kinh Pháp hoa, Phật học là tuệ học, Phật Tổ tam kinh, kinh Hoa Nghiêm, Quy nguyên trực chỉ tăng bổ,v,v, và viết hàng chục bài báo và tạp chí về Phật học.

Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ – Ảnh: Xuân Loan

Ngài đã tham gia hàng chục Giới đàn thụ giới cho hàng nghìn giới tử xuất gia và hàng vạn giới tử tại gia.

Cả cuộc đời tu hành gần 100 năm của Ngài là ở nơi thôn dã, trực tiếp cày cấy chung thân, buông tay cày cầm tay bút. Sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Đến năm 80 tuổi Ngài mới thật sự thôi cày ruộng, nhưng vẫn liên tục làm vườn, làm việc nhà không ngừng nghỉ cho đến nay.

Ngài vẫn tự trào mình là Nông Tăng.

Kính cẩn lược soạn

 

Huệ Minh

Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, đời trụ trì thứ ba của chùa Giáng, sinh năm Đinh Tỵ (1917), thuộc sơn môn Đa Bảo, một trong ba sơn môn nổi tiếng miền Bắc (nhất Đọi, nhì Đa, thứ ba Khê Hồi), là đệ tử của Cụ Thích Quảng Tốn. Sau khi hòa bình lập lại năm 1954, Hòa thượng không theo phong trào đi Nhật du học như Hòa thượng Thích Thanh Kiểm (sau này là trụ trì Tổ đình Vĩnh Nghiêm – TP. Hồ Chí Minh) mà hồi cư về Chùa và tiếp tục duy trì, tiếp nối mệnh mạch Phật pháp ở vùng quê Quang Lãng.

Hòa thượng sống tinh cần, miệt mài, nhất là công việc đọc sách, nghiên cứu, dịch thuật, thậm chí đến mức quên ăn quên ngủ. Hòa thượng thường đi ngủ sớm, khoảng hơn 7 giờ tối. Đến 11, 12 giờ đêm, Hòa thượng dậy chong đèn đọc sách, dịch kinh, “trông” chùa đến 4 giờ sáng rồi đánh chuông khai tĩnh cho đại chúng là học Tăng đến từ Hưng Yên, Hà Nam, Hà Tây.

Hòa thượng rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục Tăng Ni, hết lòng vì các Tăng sinh trẻ. Hòa thượng thường dạy Luật, dạy Duy thức học, Nhị khóa hiệp giải cho Tăng sinh trường Trung cấp Phật học Hà Tây, giảng dạy kinh Lăng Nghiêm cho Tăng sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội khóa II. Mặc dù tuổi ngoài 85 nhưng Hòa thượng vẫn giảng bài với giọng nói sang sảng tại Trường Trung cấp Phật học và các trường hạ của tỉnh Hà Tây.

Bên cạnh việc giáo dục Tăng Ni, Hòa thượng còn đặc biệt chú tâm vào công tác dịch thuật. Trong những năm cuối thập niên 80, đầu 90, Hòa thượng tham gia Hội đồng phiên dịch Từ điển Phật học. Đích thân Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh (Đài Loan) đã về tận chùa gặp trực tiếp và mời Hòa thượng tham gia hiệu đính kinh Hoa nghiêm. Các Thầy ở chùa kể rằng, hàng đêm Hòa thượng thắp nến và cặm cụi hiệu đính, đối chiếu giữa bản chữ Hán và bản dịch Việt. Hòa thượng đã dịch và xuất bản kinh Bách Dụ, Phật Tổ tam kinh, Bát Nhã dư âm, Đề cương kinh Pháp hoa…

Trong cách nhìn của bà con địa phương, Hòa thượng không chỉ là một vị cao Tăng thạc đức mà còn là một người nông dân sống cần cù, giản dị, chất phác. Hòa thượng vẫn thường giúp bà con nông dân việc đồng áng, chăm lo đời sống tinh thần mọi người, dù việc lớn hay nhỏ. 

Đối với hàng Phật tử, Hòa thượng rất quan tâm và bố thí pháp bất cứ lúc nào, không kể lớn bé, sang hèn, quen hay lạ. Hòa thượng thường nói “pháp vũ vô cao hạ” (mưa pháp không cao thấp). Vì vây rất đông Phật tử về chùa nghe Hòa thượng giảng pháp, bất kể đường về chùa khá xấu, bụi, lại khó tìm. Hòa thượng thường đưa thơ vào các bài giảng pháp, trích dẫn những thành ngữ, những câu nói cô đọng để dễ dàng và hấp dẫn cho Phật tử tiếp thu. ..

Trọng Hoàng

(Trích bài viết CLB Thanh niên PTVN và Web Phật tử Việt Nam đỉnh lễ và vấn an HT. Thích Phổ Tuệ)

 

 

 

Xem thêm: