Trang chủ Đời sống Đừng dựa dẫm vào sự công nhận từ người khác trong công...

Đừng dựa dẫm vào sự công nhận từ người khác trong công ciệc

Khi ta gặt hái thành công, được ghi nhận và phát triển nghề nghiệp, công việc có thể là nguồn động lực lớn giúp ta tự tin và cảm thấy viên mãn. Tuy nhiên, nơi làm việc cũng có thể là mảnh đất màu mỡ để nảy sinh nghi ngờ và bất an:

Kỳ vọng không rõ ràng và phản hồi không đầy đủ khiến ta hoang mang về hiệu suất làm việc, dễ sinh tâm nghi hoặc.

Sự cạnh tranh và so sánh với đồng nghiệp dễ khiến ta cảm thấy kém cỏi.

Nỗ lực không được ghi nhận, thành kiến bị làm ngơ khiến ta đặt câu hỏi về giá trị của bản thân.

Các nền tảng mạng xã hội như LinkedIn dễ tạo ảo giác rằng ai cũng thành công, khiến ta cảm thấy mình tụt hậu.

Những yếu tố trên khiến ta dễ rơi vào tâm lý tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài để củng cố giá trị bản thân. Trên thực tế, nhu cầu được ghi nhận và cảm thấy mình có giá trị là điều tự nhiên của con người – một biểu hiện của tâm lý muốn được kết nối và được thấy. Tuy nhiên, nếu ta đặt toàn bộ lòng tự trọng của mình vào sự khen ngợi hay công nhận từ người khác, thì đó là một trò chơi không bao giờ thắng. Cái nhìn, lời khen hay sự công nhận bên ngoài vốn vô thường – khi có, khi không – và nếu ta để tâm mình bị dao động theo đó, thì sự an lạc sẽ mãi ở ngoài tầm tay.

Trong đạo Phật, đây là biểu hiện của “chấp ngã” – bám víu vào một cái tôi mong manh, sống lệ thuộc vào hình bóng mà người khác phản chiếu. Muốn thoát khổ, phải quay về nương tựa nơi chính mình – nơi “Phật tính” sẵn có nơi mỗi con người.

1. Nhận diện sự bất an không phải là lỗi cá nhân

Nhiều người xem cảm giác bất an như một khiếm khuyết của bản thân. Nhưng thật ra, đây là phản ứng hợp lý trước những tín hiệu từ môi trường làm việc và xã hội. Ví dụ, phụ nữ dù có năng lực ngang nam giới vẫn thường xuyên bị gán cho là thiếu tự tin hay mắc “hội chứng kẻ mạo danh” (imposter syndrome) – như thể đó là khuyết điểm cá nhân, trong khi thực chất, cảm giác này bắt nguồn từ định kiến và sự loại trừ có hệ thống.

Khi ta cho rằng sự nghi ngờ bản thân là lỗi của mình, ta lại càng tìm kiếm sự xác nhận từ bên ngoài để khỏa lấp, từ đó rơi vào vòng lặp luẩn quẩn của bất an và khao khát được công nhận.

Thay vào đó, hãy quan sát cảm xúc một cách chánh niệm và nhận biết rằng bất an là một phần của thân tâm trong bối cảnh sống đầy mâu thuẫn. Hãy tự nhủ: “Tôi muốn làm tốt, nên tôi khao khát phản hồi từ cấp trên là điều bình thường.” Đừng tự trách mình, vì hoàn cảnh sống và cách nuôi dạy cũng góp phần tạo nên cảm xúc ấy. Trong ánh sáng Phật pháp, điều quan trọng là nhận diện mà không đồng hóa bản thân với cảm xúc – bất an không phải là “tôi”, mà chỉ là một hiện tượng tâm.

2. Tập trung vào điểm mạnh thay vì chỉ chăm chăm sửa lỗi

Chúng ta sống trong một xã hội quá chú trọng vào việc “sửa chữa” – từ những khuyết điểm cá nhân đến thành tích học tập, công việc. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy tập trung vào điểm mạnh có thể giúp tăng cường sự tự tin, hiệu quả và hạnh phúc.

Điều trớ trêu là nhiều điểm mạnh tự nhiên của ta lại dễ bị bỏ qua, vì chúng đến quá dễ dàng. Để nhận diện rõ hơn, hãy hỏi những người thân cận:

Khi nghĩ về tôi lúc làm việc tốt nhất, anh/chị nhớ đến phẩm chất hay kỹ năng nào?

Nếu mô tả tôi với người lạ, anh/chị sẽ nêu bật những điểm mạnh gì?

Tôi đã đóng góp điều gì cho nhóm mà có thể tôi không nhận ra?

Hãy ghi chép lại những phản hồi đó và lập một “hồ sơ điểm mạnh” của riêng mình. Mỗi khi cảm thấy nghi ngờ hay chán nản, hãy mở lại để nhắc nhớ bản thân về giá trị đích thực mình mang lại. Đó là cách quay về “tri kiến như thực” – thấy biết đúng đắn về chính mình, không chạy theo ảo ảnh của cái nhìn người khác.

3. Mở rộng định nghĩa về thành công

Xã hội thường gán cho ta một khuôn mẫu thành công: chức vụ cao, mức lương tốt, danh tiếng nổi bật. Nhưng nếu ta không tự hỏi “thành công là gì với chính mình?”, ta sẽ sống trong chiếc áo chật hẹp do người khác may sẵn.

Hãy quán chiếu sâu vào các lĩnh vực quan trọng trong đời – gia đình, sức khỏe, sự nghiệp, tâm linh – và tự hỏi:

Tôi muốn cuộc đời mình phản ánh giá trị nào?

20 năm nữa, điều gì sẽ khiến tôi cảm thấy mãn nguyện và không tiếc nuối?

Một học viên của tôi từng miệt mài theo đuổi thăng chức chỉ để lấp đầy sự thiếu thốn trong lòng. Sau này, cô định nghĩa lại thành công là sống đúng giá trị gia đình và phát triển nội tâm, rồi lên kế hoạch dành thời gian cho người thân và chọn làm những dự án có ý nghĩa hơn.

Trong giáo lý nhà Phật, điều này giống như buông bỏ sự truy cầu bên ngoài và quay về sống đời “tri túc” – biết đủ, sống theo chánh đạo, không bị chi phối bởi danh – lợi – sắc.

4. Quán xét lại các mối quan hệ nơi công sở

Các mối quan hệ tích cực có thể là nơi nuôi dưỡng sự vững chãi nội tâm. Ngược lại, một cấp trên hay chỉ trích, đồng nghiệp hay so sánh, hay môi trường đề cao vật chất dễ khiến ta nghi ngờ chính mình.

Hãy tự hỏi:

Tôi có cảm thấy được trân trọng và hỗ trợ trong mối quan hệ này?

Sau khi tiếp xúc, tôi thấy mình có thêm năng lượng hay bị rút kiệt?

Người này giúp tôi trưởng thành hay níu kéo tôi lại?

Hãy vun bồi những mối quan hệ giúp bạn lớn lên, và giảm dần ảnh hưởng của những mối quan hệ làm bạn hao mòn. Giới hạnh trong đạo Phật không chỉ là giới luật, mà còn là sự chọn lựa môi trường và cộng đồng lành mạnh để nuôi dưỡng chánh niệm và từ bi.

Sự công nhận từ người khác là vô thường – lúc có, lúc không. Nhưng phẩm giá nội tại của bạn – như ánh trăng không bị gợn nước làm vẩn đục – luôn hiện hữu. Đừng để tâm mình bị điều khiển bởi ánh mắt hay lời khen của người đời. Hãy trở về với chính mình – tỉnh thức, vững chãi, và đủ đầy.